Hotline 24/7
08983-08983

Sỏi bàng quang: Phải điều trị tận gốc, ưu tiên phương pháp ít xâm lấn

Đó là nhận định của BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TPHCM). Theo đó, chuyên gia khuyến cáo người dân nên có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và giải quyết sớm vấn đề sỏi bàng quang, hạn chế nhiều nguy cơ biến chứng

1. Sỏi bàng quang chiếm tỷ lệ khoảng 5 - 10% các trường hợp bệnh lý sỏi đường tiết niệu

Xin hỏi BS, tỷ lệ mắc bệnh sỏi bàng quang so với so với các bệnh lý sỏi khác ở đường tiết niệu như thế nào? Đối tượng nào dễ mắc phải bệnh này?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Sỏi bàng quang chiếm tỷ lệ khoảng 5 - 10% các trường hợp bệnh lý sỏi đường tiết niệu và chiếm khoảng 1,5% các trường hợp bệnh lý đường tiết niệu phải nhập viện điều trị

2. Những nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có thể do những nguyên nhân nào gây ra, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Vẫn chưa thể xác định rõ, chính xác nguyên nhân nào gây sỏi bàng quang. Giả thiết được chấp nhận nhiều nhất là sỏi bàng quang xuất phát từ sỏi thận, theo đường niệu quản xuống bàng quang, nằm ở đó và phát triển lên.

Một trường hợp khác là sỏi phát triển tại chỗ trong lòng bàng quang và lớn lên dần trên cơ địa bệnh nhân có các bệnh lý như lưu thông nước tiểu từ bàng quang ra ngoài không tốt, bàng quang co bóp không tốt. Các bệnh lý gây rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây sỏi bàng quang.

3. Triệu chứng của bệnh lý sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có những dấu hiệu hay triệu chứng gì để có thể nhận biết, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Triệu chứng thường gặp nhất khiến bệnh nhân phải đi khám là tiểu gắt, tiểu buốt, rối loạn đi tiểu, thỉnh thoảng tiểu máu, từ đó phát hiện sỏi bàng quang.

4. Những biến chứng của sỏi bàng quang

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng gì? Căn bệnh này có liên quan đến ung thư bàng quang không?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Sỏi bàng quang không được điều trị sẽ khiến những triệu chứng tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu máu tái đi tái lại, khiến bệnh nhân khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống.

Một tình huống khác là sỏi chèn ngay tại cổ bàng quang hay niệu đạo gây tắc tiểu, bí tiểu, bắt buộc bệnh nhân phải đến cấp cứu để giải quyết.

Về lâu dài, sỏi bàng quang có thể dẫn đến các tình trạng viêm mãn tính hoặc nhiễm trùng mãn tính, gây tổn thương đường tiết niệu và dần dần gây những biến chứng xa hơn.

Cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa sỏi bàng quang và ung thư bàng quang.

5. Sỏi nhỏ nằm ở đường tiết niệu dưới có thể tự tống xuất qua nước tiểu

Theo thực tế điều trị, kích thước sỏi bàng quang có to không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Sỏi bàng quang có nhiều kích thước, có thể khoảng 10mm. Sỏi nhỏ hơn, khoảng 6 - 8mm nằm ở đường tiết niệu dưới thì bệnh nhân có thể tự tiểu ra được.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp dù sỏi bàng quang có kích thước nhỏ nhưng bệnh nhân không thể tiểu ra được. Sỏi từ 10mm trở lên, bệnh nhân khó mà tự tống xuất ra được.

Bản thân tôi đã từng mổ những ca sỏi bàng quang to như quả trứng cút, trứng gà hoặc to hơn cả trứng vịt. Điều đáng mừng là khi y tế và giáo dục phát triển, các trường hợp sỏi bàng quang lớn cũng giảm dần và hy vọng trong tương lai sẽ không còn nữa.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TPHCM)

6. Siêu âm và tổng phân tích nước tiểu để phát hiện sỏi bàng quang.

Để xác nghiệm chính xác bệnh lý sỏi bàng quang, bệnh nhân cần phải làm những xét nghiệm cận lâm sàng nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ sỏi bàng quang, đầu tiên bệnh nhân sẽ được siêu âm và tổng phân tích nước tiểu. Siêu âm có thể phát hiện được sỏi bàng quang, tổng phân tích nước tiểu giúp phát hiện những dấu hiệu gián tiếp như máu hay bạch cầu trong nước tiểu, nhiễm trùng tiểu.

Xét nghiệm đầu tay được các bác sĩ hay thực hiện là siêu âm vì ít xâm lấn, dễ thực hiện, độ nhạy cao và nhiều cơ sở có thể làm được.

7. Khó tống xuất sỏi lớn bằng cách uống nhiều nước

Nhiều bệnh nhân tin rằng chỉ cần uống nhiều nước là có thể đào thải sỏi. Xin hỏi BS, nhận định này có đúng hay không?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Khi phát hiện có sỏi bàng quang, chúng ta phải xem xét sỏi có khả năng ra được hay không. Với trường hợp sỏi lớn, chỉ uống nước khó mà tống xuất sỏi ra ngoài.

Uống đủ nước có thể giảm nguy cơ tạo sỏi ở bàng quang hoặc sỏi đường tiết niệu. Tâm lý của người bệnh là lo sợ và uống quá nhiều nước, điều này không thực sự cần thiết.

8. Ưu tiên sử dụng các phương pháp ít xâm lấn để điều trị sỏi bàng quang

Hiện nay đã có những phương pháp nào để điều trị sỏi bàng quang? Phương pháp nào thường được áp dụng tại Bệnh viện Bình Dân nhất?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Trước đây, sỏi bàng quang thường được điều trị bằng phương pháp mổ mở. Tuy nhiên, hiện nay đã hạn chế sử dụng phương pháp này, thay vào đó là các phương pháp ít xâm lấn như nội soi qua ngõ niệu đạo vào bàng quang, tán sỏi bàng quang bằng tia laser hoặc sóng siêu âm.

Ưu điểm của các phương pháp này là ít xâm hại đến cơ thể bệnh nhân, ít nguy cơ, ít biến chứng và bệnh nhân mau hồi phục. Tại Bệnh viện Bình Dân, hầu hết chúng tôi cố gắng thực hiện các phương pháp ít xâm lấn nhất, hiện đại nhất để giải quyết các trường hợp sỏi bàng quang.

Những trường hợp sỏi bàng quang lớn kèm những bệnh lý khác, chúng tôi ưu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi. Nếu có vấn đề phức tạp, khó khăn hơn mới sử dụng phương án mổ mở.

9. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và giải quyết sỏi bàng quang

Sau khi bệnh nhân đã được điều trị, nguy cơ tái phát sỏi bàng quang như thế nào? Cần phải làm gì để hạn chế nguy cơ này?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu trả lời: Sỏi bàng quang là phần ngọn, điều trị sỏi bàng quang chỉ là điều trị ngọn. Chúng ta cần phải tìm được nguyên nhân tạo ra sỏi bàng quang.

Đối với bệnh nhân nam lớn tuổi, bệnh lý tuyến tiền liệt, niệu đạo, bệnh lý do bàng quang co bóp không tốt (bàng quang thần kinh) và nguyên nhân chuyển hóa là “gốc” gây ra tình trạng sỏi bàng quang. Chúng ta phải giải quyết phần gốc để ngăn ngừa vấn đề tái phát.

Dù đã giải quyết được phần gốc, vẫn còn một tỷ lệ không xác định được nguyên nhân tạo ra sỏi bàng quang. Cách tốt nhất là theo dõi định kỳ, mỗi người dân nên có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để biết được mình có cơ địa tạo sỏi bàng quang hay không, từ đó quan tâm và phát hiện kịp thời, giải quyết sớm khi có sỏi được tạo ra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X