Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc vết loét sau xạ trị sai cách có thể khiến khối u ung thư bùng phát

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức nhận định, việc điều trị viêm loét sau xạ trị rất khó khăn nên tốt nhất vẫn là chăm sóc vết thương tại chỗ. Vậy chăm sóc vết loét sau xạ trị thế nào cho đúng cách? Liệu chúng ta có đang mắc sai lầm khiến vết loét ngày càng nặng nề hơn?

1. Xạ trị có thể áp dụng với tất cả giai đoạn khác nhau của từng bệnh ung thư

Thưa BS, xạ trị là gì, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nào cần thực hiện phương pháp này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư chủ lực hiện nay. Xạ trị là dùng tia phóng xạ liều cao nhằm tiêu diệt và vô hiệu hóa tế bào ác tính. Chúng ta có thể xạ trị ngoài, dùng tia chiếu vào trong cơ thể hoặc áp nguồn phóng xạ trực tiếp vào sang thương, gọi là xạ trị trong. Bên cạnh đó có thể dùng phóng xạ dạng uống trong điều trị ung thư tuyến giáp.

Xạ trị có thể áp dụng với tất cả giai đoạn khác nhau của từng bệnh ung thư. Tùy vào loại bệnh, giai đoạn, mục đích điều trị mà áp dụng xạ trị ở các giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn ung thư cổ tử cung, ung thư thanh quản giai đoạn sớm có thể áp dụng xạ trị để điều trị triệt để. Đối với ung thư vú, ung thư phổi di căn não, di căn xương có thể dùng tia phóng xạ chiếu vào khối di căn giúp giảm nhẹ triệu chứng đau, mệt, nhức đầu cho bệnh nhân. Xạ trị còn có thể phối hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, thuốc đặc trị tùy vào loại bệnh, giai đoạn, mục đích điều trị mà áp dụng trong nhiều tình huống.


2. Sau xạ trị, bệnh nhân ung thư có thể gặp phải di chứng gì?

Thưa BS, sau khi xạ trị, bệnh nhân ung thư có thể gặp phải di chứng và tác dụng phụ gì ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Mặc dù tia phóng xạ giúp điều trị, kiểm soát và tiêu diệt tế bào ung thư nhưng nó cũng tác động lên mô lành trên đường đi hoặc xung quanh tế bào ung thư. Tùy vào vị trí xạ trị mà tia phóng xạ gây tác dụng phụ khác nhau.

Đối với da, tia xạ có thể gây sạm da, viêm da, loét da.

Đối với phổi, tia xạ có thể gây viêm phổi, khiến bệnh nhân tức ngực, ho.

Khi chiếu tia phóng xạ vào não có thể ảnh hưởng đến mô não, làm bệnh nhân mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu.

Đối với ung thư ruột già, ung thư trực tràng khi chiếu vào bụng dưới sẽ gây kích thích ruột, làm bệnh nhân đau quặn bụng, tiêu chảy,...

Tuy nhiên, bác sĩ xạ trị chuyên môn khi áp dụng xạ trị thường biết trước di chứng để cố gắng giảm thiểu tối đa tác dụng phụ.

3. Loét da do xạ trị là gì?

Thưa BS, tình trạng loét da xạ trị là tình trạng thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Da là một cơ quan nhạy cảm với tia xạ. Khi bệnh nhân xạ trị ngoài phải chịu nguồn phóng xạ chiếu vào cơ thể. Trước khi tia phóng xạ tiếp xúc với tế bào ung thư bên trong phải đi qua lớp da. Trong khi da lại là cơ quan thường gặp tác dụng phụ do xạ trị nhất. Tác dụng phụ có thể thay đổi từ viêm da, đỏ, rát da giống bỏng nắng đến nổi bóng nước, rỉ dịch, tạo thành vết nứt, vết loét và chảy máu, hay thậm chí tổn thương những cơ quan nằm sâu bên trong như mạch máu, xương. Ngoài ra còn để lại di chứng như sạm da, xơ cứng da, xơ cứng mô mềm làm bệnh nhân hạn chế, mất chức năng vận động. Tình trạng viêm loét da do xạ trị có thể kéo dài từ vài ngày đến nhiều tháng sau khi chấm dứt đợt xạ trị.

4. Sử dụng chế phẩm không rõ nguồn gốc bôi lên vết loét có thể kích thích khối u bùng phát

Thưa BS, nhiều bệnh nhân khi phát hiện các vết loét, họ không đến bệnh viện mà tìm kiếm thuốc trên mạng, hay hỏi kinh nghiệm của những người đồng bệnh để bôi lên vùng loét như mỡ trăng, lô hội, kem đánh răng, các loại lá cây. BS nhận định thế nào về vấn đề này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Viêm loét da do xạ trị là tình trạng khá khó điều trị. Nếu người bệnh tự tìm kiếm trên mạng mà dùng lá cây, chế phẩm không rõ nguồn gốc để bôi, chích lễ vết loét thì rất nguy hiểm. Khi sử dụng những thứ này có thể làm vết loét nhiễm trùng nặng hơn, gây đau và chảy máu kéo dài. Một số trường hợp còn kích thích khối u bùng phát nhiều hơn.

Do đó, nếu bệnh nhân gặp bất cứ vấn đề gì, hãy quay lại gặp bác sĩ điều trị để được đánh giá thay vì tự mua, tự thực hành những phương pháp không rõ nguồn gốc làm tình trạng nặng hơn.

5. Tình trạng loét da do xạ trị sẽ ổn định và hết sau một thời gian

Thưa BS, tình trạng loét do xạ trị có thể điều trị hoàn toàn được không ạ? Hiện nay y học có những phương pháp nào để điều trị loét do xạ trị ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Tuy tình trạng viêm da do xạ trị thường gặp và kéo dài nhưng phần lớn bệnh nhân sẽ ổn định và hết sau một thời gian, không để lại di chứng quá nghiêm trọng. Hiện nay các hệ thống xạ trị rất tốt, ít gây tổn thương đến da cũng như các phần mềm. Bên cạnh đó, việc tính toán liều lượng hiện nay cũng rất thực tế, kèm theo đội ngũ bác sĩ được đào tạo rất tốt. Vì vậy về mặt kỹ thuật, phương tiện cải thiện nhiều và giảm biến chứng cho bệnh nhân so với trước đây.

Bệnh nhân viêm loét da do xạ trị tốt nhất vẫn nên chăm sóc tại chỗ bao gồm giữ vết loét khô, sạch kết hợp thuốc kháng sinh, kháng viêm, oxy cao áp nếu tình trạng viêm nhiễm nhiều. Cần hạn chế tối đa việc chích lễ, đắp lá. Đối với xạ trị, cần chú ý giữ răng miệng sạch để không bị sâu răng, viêm nha chu vì có thể làm nặng vết loét do xạ trị. Bên cạnh đó cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

Đối với những trường hợp có vết loét lan rộng, kéo dài làm lộ xương, mạch máu khiến bệnh nhân mất sức ăn, không thể đi lại, không thể cử động buộc cân nhắc phẫu thuật để làm sạch, sau đó tái tạo lại. Tuy nhiên phẫu thuật trị vết loét cho bệnh nhân xạ trị khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa bác sĩ ung thư, bác sĩ xạ trị cũng như bác sĩ tạo hình để chọn cách phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân.

6. Biện pháp khắc phục tình trạng viêm loét da do xạ trị

Thưa BS, bạn Trịnh Ý Nhi có gửi câu hỏi về cho Alobacsi câu hỏi với nội dung như sau: “Người thân của tôi bị ung thư, bác sĩ có chỉ định xạ trị. Nhưng sau khi xạ trị có dấu hiệu bỏng da, rất đau, ngứa và rát. Xin hỏi BS có thể thực hiện những biện pháp nào để khắc phục tình trạng này ạ?” Xin nhờ BS giải đáp ạ!

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Một số biện pháp để khắc phục tình trạng trên:

- Cách tốt nhất đối với trường hợp viêm da do xạ trị là giữ khô, sạch.

- Nếu có tình trạng bong da, chảy nước, bạn có thể mua các loại gạc vô trùng dùng cho người bỏng để che chỗ viêm.

- Cho bệnh nhân mặc quần áo rộng để tránh cọ xát vào vùng bị viêm da, bỏng da làm tình trạng dễ bị loét và nhiễm trùng hơn.

- Khi ra đường, hãy cố gắng che chắn và chống nắng thật kỹ vì trong thời gian viêm da do xạ trị rất nhạy cảm với ánh nắng.

- Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bôi kháng viêm tại chỗ, xoa nhẹ lên vết thương để giảm cảm giác rát, ngứa.

- Bệnh nhân có thể sử dụng dầu gội, sữa tắm dành cho em bé để không gây kích ứng cho da.

- Cần hạn chế tối đa việc tác động lên vùng xạ trị càng nhiều càng tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X