Cây mật gấu - lá đắng có chữa được bệnh cao huyết áp, đái tháo đường?
Mặc dù dân gian tuyên truyền nhiều cách dùng đơn độc cây mật gấu (lá đắng) để chữa tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng việc này chưa được nghiên cứu lâm sàng kỹ lưỡng.
I. Tổng quan về cây mật gấu
Tên thường gọi: Cây mật gấu
Tên gọi khác: cây lá đắng.
Người dân thường nhầm lẫn cây lá đắng với các loài cây khác như cây Cơm kìa, cây Kim thất tai.
Cây mật gấu được mô tả trong bài viết này có trùng tên gọi với một cây khác cũng tên là “mật gấu” nhưng có các tên khác là hoàng liên ô rô, hoàng mộc, hoàng bá gai, mọc nhiều ở miền Bắc nước ta.
Nhiều người nhầm lẫn cây mật gấu với cây mật nhân, vì đều rất đắng và cùng có chữ “mật” trong tên.
Người ta cũng thường nhầm lẫn cây mật gấu với một loài khác trong dân gian thường gọi là “cỏ mật gấu”, khác biệt hoàn toàn về loài - chi - họ.
Tóm lại, trong dân gian có nhiều loài thảo dược mang vị đắng và người ta thường gọi tên mật gấu để mô tả vị đắng đó. “Mật gấu” là danh từ chỉ nhiều loài thảo dược khác nhau, trước khi sử dụng loài cây nào, chúng ta cần tra cứu theo tên khoa học của loài đó.
Tên khoa học: loài cây mật gấu được mô tả trong bài viết này là Vernonia amygdalina Del. hoặc Gymnanthemum amygdalinum
Phân họ: Họ Cúc (Asteraceae).
1. Nhận biết cây mật gấu
Cây mật gấu (lá đắng) thuộc dòng cây bụi, cao khoảng 2m, một số vùng thuận lợi thổ nhưỡng có thể phát hiện cây cao trên 6m. Thân mềm. Lá đơn, hình elip, chiều rộng khoảng 6cm và mọc cách. Hai mặt lá có lớp lông mỏng. Mép lá hình răng cưa nông. Chiều dài của lá từ 10-15cm. Gân lá có thể có màu tía tùy theo môi trường sống. Hoa màu vàng, cánh hoa nhỏ li ti và mọc thành cụm.
2. Phân bố, thu hái và chế biến cây mật gấu
Cây mật gấu được dùng lâu đời tại các nước châu Phi và Đông Nam Á, tại Việt Nam chúng mọc chủ yếu ở miền Nam. Cây mật gấu là loài cây ưa sáng, chịu nhiệt, thích hợp với các vùng khí hậu nhiệt đới.
Bộ phận dùng của cây mật gấu là toàn bộ phần trên mặt đất của cây.
3. Thành phần dược chất cây mật gấu
Dược chất trong cây mật gấu gồm các nhóm chủ yếu sau: saponin, alkaloids, tannin, glycoside. Cây mật gấu cũng chứa các hoạt chất sinh học khác như: terpene, steroid, coumarin, flavonoid, acid phenolic, lignan, xanthone, anthraquinone, edotide và sesquiterpene. Ngoài ra lá mật gấu có chứa một số chất khoáng hiếm như selenium, chromium, magnesium, manganese, đồng, kẽm.. Mật gấu mang lại những acid amin quan trọng như Leucine, Isoleucine, Lysine, Methionine, Phenyl alanine, Threonine, Valine, Histidine, Tyrosine.
II. Công dụng của cây mật gấu
1. Công dụng của cây mật gấu theo đông y cổ truyền
Không có ghi chép về cây mật gấu này trong tài liệu đông y cổ truyền.
2. Công dụng của cây mật gấu theo đông y hiện đại:
Các tác dụng của cây mật gấu đã nghiên cứu
- Các Polyphenol trong cây mật gấu có tính kháng viêm, chống oxy hóa, thải độc, bảo vệ thận, gan, hỗ trợ điều trị một số bệnh ngoài da, hạ đường huyết, và giúp bảo vệ tim mạch do giúp ổn định lipid máu.
- Chữa khối u: Trên nghiên cứu, vernodalin và vernomygdin trong cây mật gấu có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư ở biểu mô mũi họng (KB), ức chế mạnh mẽ sự phát triển của tế bào khối u vú ở người (MCF-7). Hoạt chất epivernodalol trong cây mật gấu giúp chống lại ung thư da ở người. Ngoài ra cây mật gấu còn làm tăng tác dụng của hóa trị liệu điều trị ung thư và làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.
- Chống oxy hóa: cây mật gấu có tác dụng giải độc gan hữu hiệu, tác dụng này được nghiên cứu là do nhóm flavonoid, cụ thể là nhờ vào luteolin và 2 dẫn xuất của nó. Ngoài ra các chất này còn đi qua được hàng rào máu não và giải độc thần kinh.
Các tác dụng dùng cây mật gấu theo kinh nghiệm dân gian
Ở châu Phi người ta dùng cây mật gấu trị bệnh đường tiêu hoá, đái tháo đường, chán ăn, kiết lỵ và các chứng rối loạn tiêu hoá.
Ở Ấn Độ người dân dùng lá mật gấu chữa tiểu đường, dùng cành, rễ hỗ trợ điều trị HIV, hạ sốt, giảm ho, phát ban, cảm cúm, viêm vú.
Ở Congo người dân dùng lá và vỏ rễ mật gấu chữa kiết lỵ, viêm dạ dày, ruột, sốt rét, viêm gan, nhiễm giun.
Ở Nam Phi người ta dùng rễ mật gấu chữa sán máng, hiếm muộn, rối loạn kinh nguyệt.
Ở miền Bắc Nigeria, mật gấu được thêm vào thức ăn của ngựa để cung cấp một loại thuốc bổ giúp tăng cường sức khỏe hoặc vỗ béo.
III. Cách dùng - liều dùng cây mật gấu
Liều dùng: sắc nước uống bằng 10g lá tươi (khoảng 3-5 lá) và 5-8g lá dạng khô.
1. Một số cách dùng cây mật gấu theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương
- Người ta có thể dùng lá mật gấu khô để pha trà uống. Mặc dù dân gian thường tuyên truyền nhiều cách dùng đơn độc cây mật gấu để chữa tăng huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh khác, nhưng việc dùng đơn độc một vị thuốc chưa qua nghiên cứu lâm sàng kỹ lưỡng là một điều không được y học ủng hộ, do đó không được mô tả trong bài viết này. Cây mật gấu không được phát triển trên nền tảng đông y cổ truyền, cũng chưa có đầy đủ nghiên cứu lâm sàng, do đó không có tiêu chuẩn để phối hợp với các vị thuốc khác trong một thang thuốc.
- Theo cách dùng truyền thống của người dân châu Phi, cây mật gấu có thể dùng để nấu canh ăn. Người ta dùng lá tươi mới thu hoạch, được ngâm với nước lạnh hoặc nước nóng để giảm vị đắng của lá xuống mức mong muốn, sau đó mang đi nấu canh.
- Lá mật gấu tươi cũng có thể được dùng làm món khai vị hoặc ép lấy nước làm thuốc bổ tiêu hóa.
2. Cách dùng cây mật gấu đối với phụ nữ mang thai và cho con bú:
Không dùng cho phụ nữ mang thai. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ. Không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
3. Cách dùng cây mật gấu đối với trẻ nhũ nhi
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định của cây mật gấu
- Chống chỉ định dùng cây mật gấu cho người có huyết áp thấp, phụ nữ mang thai.
- Sử dụng cây mật gấu trong vòng 6 tuần liên tục với liều dùng thông thường chưa thấy tác dụng độc hại trên nghiên cứu.
- Đối với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, cần tăng giảm liều lá mật gấu từ từ khi sử dụng.
- Khi sử dụng liều cao trên 15g có thể có phản ứng phụ như tụt huyết áp, táo bón, dị cảm ở lưỡi.
- Cây mật gấu không được dùng thay thế các loại thuốc tây điều trị bệnh mạn tính, kinh niên.
Đây là thảo dược có nhiều tác dụng đồn thổi và thiếu minh chứng lâm sàng, do đó cần có tâm thế thận trọng khi dùng, đồng thời thông báo cho bác sĩ điều trị của bạn về việc bạn đang dùng thảo dược này.
V. Bảo quản cây mật gấu
Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
BS Đoàn Quang Nguyên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình