Hotline 24/7
08983-08983

Cây bạc hà, vị thuốc dân gian giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chữa cảm sốt

Cây bạc hà là vị thuốc dân dã, được dùng trong cả Đông và Tây y. Bạc hà có mùi thơm dễ chịu giúp chữa cảm sốt, đau đầu, cải thiện hệ tiêu hóa, chữa kém ăn, đau bụng đi ngoài…

Đặc điểm của cây bạc hà

Thành phần chính trong bạc hà là tinh dầu. Ảnh minh họa - Nguồn Kenh14

Bạc hà có tên tiếng Anh là Peppemint, thời gian sống rất lâu, thuộc họ cây thân thảo có màu tím hoặc màu xanh. Lá mọc đối, chéo chữ thập, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới lá đều có lông che chở và lông tiết. Hoa tự hình xim co, mọc vòng ở kẽ lá (khác các loại bạc hà khác), cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt, đôi khi cómàu trắng. Mùi thơm của bạc hà rất đặc biệt tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu.

Cây bạc hà mọc hoang ở đồng bằng hay miền núi nước ta như Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Sơn La, cũng được trồng nhiều tại Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa hay ngoại thành Hà Nội...

Hiện nay ở nước ta có 2 loại cây bạc hà: Loại một có tên khoa học là Mentha arvensis L. mọc hoang rất nhiều. Loại hai có tên khoa học là Mentha piperi- ta L. di thực từ Pháp, Đức, Nga.

Công dụng của bạc hà


Cây bạc hà trồng trong nhà có thể giúp xua đuổi côn trùng như muỗi, gián. Ảnh minh họa - Nguồn Kenh14

Thành phần chính trong bạc hà là tinh dầu, trong đó hoạt chất chủ yếu là menthol và men thon, ngoài ra còn có camphen và limonen. Dược điển Việt Nam quy định tinh dầu bạc hà phải có chứa ít nhất là 68% menthol toàn phần và 3-9% menthol este hóa.

Theo các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, bạc hà có thể xoa dịu cảm giác ngứa tạm thời gây ra bởi vết côn trùng cắn, eczema (viêm da chàm) và các vết thương khác. Trà bạc hà cũng có thể dùng như nước súc miệng cho trẻ bị nấm trong miệng hoặc làm giảm bớt cảm giác buồn nôn cho các bà bầu, đặc biệt với những thai phụ không muốn dùng các loại thuốc mạnh. Hiện này, người ta đã điều chế tinh dầu bạc hà dưới dạng tinh thể menthol để nạp vào các lọ nhựa làm ống hít xông họng, mũi hoặc cho tinh thể menthol vào các nguyên liệu để làm thành bánh kẹo bạc hà...

Ngoài ra, tinh dầu bạc hà, đặc biệt là methol trong dầu, có tác dụng nới lỏng các cơ trên thành ruột. Gần đây, Alex Ford, nhà nghiên cứu tại Đại học McMaster, đã đưa ra kết luận tinh dầu bạc hà là sự lựa chọn hàng đầu chống lại hội chứng ruột kích thích IBS thay cho các loại thuốc phổ biến trên thị trường. Ngoài ra, bạc hà còn có tác dụng làm tăng sự tỉnh táo, giảm đau đầu và cổ, chữa cảm lạnh, tốt cho "núi đôi", đuổi muỗi...

Còn trong y học cổ truyền, bạc hà có mùi thơm, vị cay, tính mát, không độc vào 2 kinh phế và can. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt, đau đầu viêm kết mạc mắt, viêm mũi ngạt mũi, đau sưng họng, đậu sởi, mề đay, ban chẩn.

Bộ phận sử dụng để chế biến là toàn cây bỏ rễ. Chặt ngắn khoảng 3 cm hay dùng lá được thu hái khi cây sắp ra hoa để phơi khô trong râm mát (âm can) cũng có thể sử dụng tươi.

Liều sử dụng trung bình từ 10 - 12 g dưới dạng thuốc sắc hay giã tươi vắt lấy nước cốt uống. Lưu ý không sử dụng trong trường hợp ra nhiều mồ hôi hay cho trẻ sơ sinh. Khi sắc chú ý không lâu quá 15 phút để tinh dầu bạc hà không bị bay hơi làm giảm thiểu lượng tinh dầu cần thiết.

Bài thuốc từ cây bạc hà


Trị chứng sa trực tràng: Bạc hà 20g, cam thảo 10g, cốt toái bổ 20g, kim anh rễ 30g, tán bột, ngày dùng 2 lần/8g uống với rượu nóng lúc đối.

Trị ong đốt, bọ cạp cắn: Dùng bột bạc hà dán vào nơi đốt.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trừ phong, giảm đau: bạc hà 4g, cát cánh 8g, kinh giới 12g, phòng phong 8g, cương tằm 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trường hợp phong nhiệt sinh ra đau đầu, đỏ mắt, yết hầu sưng đau…

Chữa các chứng cảm sốt: Khi thấy cảm sốt nóng không gai rét, nhức đầu, mặt đau sưng, nôn ọe hoặc là trẻ sốt nóng hay lên sởi lúc bắt đầu mọc. Dùng bạc hà 10 - 15 g, sắn dây 10 - 15 g. Đổ chừng 1/3 lít nước vào siêu, đậy nắp bịt kín vòi đun sôi một dạo thì bắc xuống để xông và rót 1 chén uống. Sau đó lại sắc và uống thêm 1 - 2 nước nữa. Nếu thấy xuất hiện mồ hôi thì thôi không xông nữa và uống thuốc nguội.

Làm giảm ho: Uống 3-4 tách trà bạc hà mỗi ngày là biện pháp cứu trợ tuyệt vời cho bạn khi bị ho và cảm lạnh. Nó giúp chữa đau họng, cũng như giảm tình trạng ho khan.

Trị trẻ nhỏ bị ngứa, ban chuẩn mới phát: Bạc hà diệp 40g, chích thảo, ma hoàng 20g, tán bột dùng 2 lần/8g uống với rượu nóng lúc đói.

Trị đầu váng, mắt hoa, chóng mặt, mũi nghẹt, họng khô, tinh thần không tỉnh: Cam thảo sao, bạc hà 200g, tô diệp 400g, kinh giới tuệ 150g, qua lâu căn 44g, sa nhân 12g, tán bột, mỗi lần dùng 4g, ngày vài lần, tác dụng tiêu phong, hóa đờm.

Nổi ban dị ứng: bạc hà 6g, cúc hoa 10g, cát cánh 10g, sơn tra 10g, mật ong lượng thích hợp. Cho nước sôi pha hãm, uống thay chè. Mỗi ngày 1 - 2 lần.

Trị chảy máu cam: Giã nước bạc hà, nhỏ vào mũi. Hoặc dùng bạc hà khô nấu nước đặc thấm bông cho vào mũi.

Chữa nôn mửa, không tiêu: Dùng tinh dầu bạc hà, mỗi lần uống 4 - 8 giọt, kèm một ngụm nước nguội. Chú ý khi uống tinh dầu bạc hà cần rót tinh dầu vào chén hay muỗng nước rồi uống, sau đó lại dùng nước tráng miệng.

Lưu ý: người khí hư, huyết táo, can dương hơi lên, biểu hư tự ra mồ hôi đều không nên dùng. Trong thời gian uống thuốc kiêng ăn cua và cá.

Phân biệt cây bạc hà và húng lủi


Cây húng lủi và bạc hà thường sẽ làm chúng ta lúng túng và nhầm lẫn vì hai loại cây này cùng họ họ Hoa môi (Lamiaceae), chi Bạc hà (danh pháp Mentha) nên trông gần giống nhau.

Vậy làm sao phân biệt được 2 loại cây này để mục đích sử dụng được chính xác?

Cây bạc hà

Húng lủi

- Cây thảo, thân cao 60 - 80 cm, thân thẳng đứng, thân vuông, lông ngắn mọc quanh thân.

 

- Lá đơn, mọc đối xứng, hình thon dài, dài 3 - 5 cm, rộng 2 - 3 cm, cuống dài 0,5 - 1 cm, mép lá có răng cưa, trên lá có lông tơ nhỏ

 

- Thân có màu xanh hoặc tím nhạt

 

- Mùi thơm mát, vị cay the, mát lạnh

 

- Thải độc cơ thể, làm đẹp da, giảm cân, làm gia vị trong các món ăn, món bánh và thức uống. Có công dụng chữa đau dạ dày, chữa ho, xua đuổi côn trùng.

- Cây thảo, thân bò sát đất, rễ chùm mọc dưới đất hoặc ngang thân.

 

- Lá nhỏ hơn bạc hà, thuôn dài, mép lá có răng cưa

 

- Thân có màu xanh hoặc tím nhạt

 

- Mùi hương nhẹ, vị cay nhẹ hơn bạc hà

 

- Thường dùng như một loại gia vị, ngoài ra còn được dùng như một loại thảo dược có tác dụng phòng bệnh, vệ sinh răng miệng, giữ hơi thở thơm tho.

 

Cách trồng cây bạc hà


Tinh dầu bạc hà có chứa chất ngăn chặn muỗi hiệu quả gấp 10 lần Deet - thành phần dược tìm thấy trong các loại thuốc diệt côn trùng. Không những thế, trong cây bạc hà còn chứa chất Nepetalactone, một loại tinh dầu mà muỗi không thể chịu nổi khi đến gần. Bạc hà còn giúp đuổi các loại côn trùng khác như kiến, gián và ong. Vì thế, trồng cây bạc hà trong nhà, gian bếp của bạn không chỉ có thêm gia vị sạch chế biến món ăn mà còn tốt cho sức khỏe, đuổi côn trùng.

Không giống như những loại cây khác bạc hà rất dễ trồng, chỉ cần một nhánh nhỏ bạc hà sau đó dâm vào trong đất ẩm sau vào ngày sẽ mọc sẽ và phát triển bình thường. Ở miền Nam, bạc hà có thể trồng được quanh năm. Toàn bộ thời gian sinh trưởng mất khoảng 110 ngày.

Ở miền Bắc có 2 vụ: trồng tháng 2, 3 thu hoạch tháng 6, 7; trồng tháng 8, 9 thu hoạch tháng 2, 3.

Công cụ cần chuẩn bị bao gồm: Vài cây bạc hà đã già, cốc nước, chậu cây, đất trồng, phân bón, dụng cụ trồng cây.

Bước 1:

Cắt cành bạc hà già. Ảnh minh họa - Eva

Trước tiên, bạn cắt những thân cây bạc hà già dài khoảng 6-8cm, vặt bỏ lá ở dưới và ngâm cây vào trong cốc nước sao cho nước ngập qua 3, 4 mắt của cây. Để cốc nước đó ở nơi thoáng mát trong vài tuần để rễ phát triển.

Cây bạc hà có thể trồng trên nhiều loại đất như đất thịt, đất cát, đất xám… nhưng không bị phèn hoặc mặn, phải cao ráo, thoát nước.

Bước 2:

Ngâm cây bạc hà trong ly nước để mọc rễ. Ảnh minh họa - Eva

Bạn chú ý cày bừa kỹ phần đất trồng, phơi ải, đập nhỏ và nhặt sạch cỏ. Bạn có thể mua các loại đất sạch, đất phù hợp với loại cây cần trồng ở các cửa hàng bán cây cảnh. Sau khi chuẩn bị đất kỹ, bạn trộn đều đất với phân bón theo tỉ lệ 5:1. Khi trồng, bạn nên chọn loại chậu có lỗ thoát nước hoặc tận dụng thùng xốp hoặc vỏ chai lọ để làm chậu.

Bước 3:

Sau khi rễ phát triển thì cho đất vào. Ảnh minh họa - Eva

Khi rễ cây đã phát triển dài khoảng 3-4cm, nhấc ra khỏi cốc nước và trồng vào chậu đất. Đầu tiên, bạn cho một chút đất vào dưới chậu, rồi cho cây bạc hà vào rồi vun đất cho chặt. Vì đây là một loại cây dễ trồng nên bạn không cần quá lo lắng nếu rễ cây bị đứt. Bạn chỉ cần đảm bảo cây được vun đất chặt tay để cây có thể đứng vững là được.

Mỗi chiếc chậu có đường kính miệng 15cm có thể trồng được ba cây.

Bước 4:

Không nên tưới quá nhiều nước sẽ gây úng đất. Ảnh minh họa - Eva

Sau khi trồng, bạn tưới cây hàng ngày và đặt ở nơi có nhiều ánh sáng để cây có thể phát triển tốt nhất.

Lưu ý: Bạn nên thường xuyên cắt tỉa lá cây và nhặt cỏ dại làm sạch đất trồng, tránh tưới quá nhiều nước sẽ làm úng đất và gây nhiều sâu hại, bệnh dịch.

Hướng dẫn cách làm tinh dầu bạc hà tại nhà

Tinh dầu bạc hà. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tinh dầu bạc hà có nhiều công dụng như trị khó tiêu, hơi thở có mùi, đau cơ, diệt khuẩn, diệt nấm mốc gây bệnh... Bạn có thể tự làm tinh dầu bạc hà tại nhà với các bước đơn giản như sau:

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu (lá bạc hà hái vào lúc cây bắt đầu nở hoa và hái vào sáng sớm là tốt nhất), khay đựng, vải mỏng, một lọ thủy tinh có nắp đậy kín.

Bước 2: Rửa sạch lá bạc hà với nước và để khô ráo. Giã lá bạc hà để lấy tinh dầu, chú ý không giã nát quá. Cho lá bạc hà vào lọ và đổ dầu ô liu ngập phần lá trong lọ. Lắc đều lọ sao cho dầu ô liu hoà quyện với phần lá bạc hà dễ dàng hơn.

Để lọ này nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời. Sau 24 giờ, bạn dùng vải mỏng tách lấy dầu từ lọ hỗn hợp trên, nhớ tách hết phần lá. Tiếp tục làm vậy đến khi tách hết tinh dầu từ phần lá.

Chúc các bạn thành công!

Ánh Phương (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X