Hotline 24/7
08983-08983

Cần kết hợp nhiều biện pháp trong quá trình điều trị nám má

TS.BS Phạm Cao Kiêm – Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu Trung ương, Giám đốc viện thẩm mỹ Dr.Kiêm cho biết điều trị nám má là một quá trình khó khăn và lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị. Sau điều trị, bệnh nhân phải có các biện pháp tránh tăng sinh melanin khiến bệnh tái phát hoặc bùng phát nặng nề hơn.

1. Lắng đọng melanin tạo nên các vết nám má

Như tên gọi của bệnh này nám má/rám má rất dễ hình dung là vùng hai bên má bị nám/sạm đi. BS có thể cho biết vì sao có hiện tượng này?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Sở dĩ có tên rám má hay nám má ở là vì bệnh này đễ nhận biết khi xuất hiện ở vùng hai bên má. Lý do gây ra bệnh này là do lắng đọng melanin ở lớp thượng bì và trung bì ở da trên mặt, tạo nên các vùng da màu nâu.

TS.BS Phạm Cao Kiêm – Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu Trung ương, Giám đốc viện thẩm mỹ Dr.Kiêm

2. Vì sao phụ nữ quan tâm đến nám má nhiều hơn nam giới?

Kênh AloBacsi cũng nhận được những câu hỏi tư vấn về nám má/rám má, đa số người hỏi là chị em phụ nữ. Có phải là do phụ nữ quan tâm tới vẻ ngoài nhiều hơn hay là do nguyên nhân nào khác, thưa BS?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Đa số chị em đưa ra câu hỏi này vì có hai lý do sau:

Một là rám má xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ nữ/nam bị rám má là 9:1, như vậy số lượng bệnh nhân nam sẽ ít hơn. Có 40% phụ nữ Á Châu bị bệnh nám má.

Lý do thứ hai là về mặt tâm lý và văn hóa. Nữ giới quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ nhiều hơn đàn ông, các câu hỏi về rám má không chỉ dừng ở việc chữa bệnh mà còn để làm đẹp.

Về mặt tâm lý, phụ nữ luôn có mong muốn được đẹp nên thoải mái đến các cơ sở thẩm mỹ tư vấn làm đẹp. Nam giới vẫn còn e dè trước định kiến đàn ông chăm chút vẻ ngoài nên ít đi làm đẹp hơn so với phụ nữ.

3. Cách phân biệt nám má và đồi mồi

BS có thể chỉ cách phân biệt: nám má và đồi mồi khác nhau như thế nào? Có phải nám má nếu không điều trị sẽ trở thành đồi mồi?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người. Ngoài điểm chung là các đốm nâu trên da, cơ chế bệnh lý và nguyên nhân của nám má và đồi mồi về cơ bản có sự khác biệt.

Nguyên nhân gây nám má là do lắng đọng sắc tố melanin ở lớp thượng bì, trung bì, làm xuất hiện các đốm màu nâu ở vùng má hoặc vùng mặt nói chung. Đồi mồi là lớp sừng hóa ở bề mặt nông của lớp thượng bì.

Nhiều người lo lắng vết nám má không điều trị sẽ trở thành đồi mồi, nhưng trên thực tế, đây là hai vấn đề khác nhau. Về lâm sàng, rám má xuất hiện đối xứng hai bên, đồi mồi không có tính chất đối xứng; rám má xuất hiện sớm ở độ tuổi 20 – 40, đồi xuất hiện ở người cao tuổi.

Về điều trị, đồi mồi dễ điều trị khỏi hơn rám má. Đồi mồi có thể chỉ cần một lần bắn laser là khỏi, ngược lại, rám má phải điều trị lâu dài, kể cả rám má nông.

4. Phân loại rám má

Nám má được phân chia ra các mức độ như thế nào, thưa BS?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Rám má được phân loại theo vị trí, theo độ sâu và theo mức độ bệnh.

- Theo vị trí: Rám má trung tâm, rám má ở má, rám má cằm.

- Theo độ sâu: Rám nông, rám sâu và rám má hỗn hợp.

- Theo mức độ: Người ta thường dùng chỉ số MASI để chia mức độ rám má.

Ngoài ra còn còn có rám má tăng sinh mạch, rám má ngoài mặt (cẳng tay, vai)

5. Nên kết hợp nhiều biện pháp để tối ưu hiệu quả điều trị nám má

Hiện nay có các phương pháp nào điều trị nám má, thưa BS? Trong đó, đâu là giải pháp tối ưu nhất?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Điều trị bằng thuốc là lựa chọn đầu tiên để điều trị rám má. Các loại thuốc thường dùng là thuốc bôi (hydroquinon, arbutin, tretinoin, cysteamin cream, azelaic acid, kojic acid...), thuốc uống (tranexamic acid). Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp nhiều loại với nhau

Tuy nhiên, tại các hội nghị khoa học, các chuyên gia khuyên rằng không nên sử dụng đơn độc một biện pháp nào, cũng như không một biện pháp đơn độc nào có thể điều trị hiệu quả nám má. Có thể kết hợp giữa thuốc với công nghệ laser để có thể mang lại hiệu quả tối ưu.

Phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào từng loại nám má. Nám má nông khá dễ điều trị nên tất cả các phương pháp như peel da, laser, dùng thuốc bôi đều đem lại hiệu quả tốt.

Nám má hỗn hợp và nám má sâu thường có hiệu quả kém hơn dù đã dùng các biện pháp kết hợp.

Nám má mờ đi rõ rệt sau quá trình điều trị

6. Hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời, laser sau khi điều trị nám má

Nhiều người lo ngại nếu dùng laser điều trị nám má, trong mùa nắng không khéo có khi nám má còn đậm hơn. Liệu lo lắng này có đúng không, thưa BS?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Lo lắng của chị em về vấn đề này là có cơ sở khoa học. Về bản chất, tình trạng nám má có thể nặng hơn vào mùa hè do tác động của ánh nắng mặt trời.

Khi có thêm tác động của tia laser trong quá trình điều trị, mức độ nhạy cảm với ánh sáng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, laser được sử dụng trong điều trị nám má là laser công suất thấp, do đó mức độ ảnh hưởng không quá nhiều.

Sau điều trị, cần có những biện pháp để hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời như dùng kem chống nắng, che chắn hoặc dùng thuốc, các sản phẩm có công dụng ngăn tăng sắc tố.

Nhìn nhận thực tế, ở miền Nam nắng nóng quanh năm nhưng chúng ta không thể nào không điều trị nám má. Vì thế, song song với việc điều trị phải có các biện pháp kết hợp để hạn chế các tác động xấu của laser.

7. Nám má trong quá trình mang thai có thể giảm hoặc giữ nguyên

Nhờ BS cho biết, nám má ở phụ nữ liên quan nhiều đến nội tiết tố, vậy khi những nội tiết tố này được ổn định thì nám má có biến mất hoàn toàn không ạ?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Nguyên nhân gây rám má rất phức tạp, hormone chỉ là một trong các nguyên nhân gây rám má. Về nội tiết, có hai vấn đề thường được đề cập đến.

Thứ nhất là vấn đề nám má tăng sinh, xuất hiện trong quá trình mang thai và sinh nở. Thứ hai là vấn đề dùng thuốc tránh thai.

Với phụ nữ sinh đẻ, rám má có thể giảm dần sau sinh hoặc giữ nguyên. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp thuyên giảm sau đó có thể bùng phát trở lại.

Rám má do hormone từ thuốc tránh thai sẽ giảm hoặc hết sau khi ngừng dùng thuốc.

8. Dùng kem chống nắng, che chắn cẩn thận để tránh nám má tái phát

Sau khi điều trị nám má, chị em cần lưu ý gì để tránh tái phát ?

TS.BS Phạm Cao Kiêm trả lời: Bác sĩ và bệnh nhân đều hy vọng nám má sẽ không tái phát, nhưng thực tế là nám má không thể điều trị dứt điểm 100%.

Về mặt khoa học, tất cả các loại thuốc, các loại công nghệ chỉ có thể giảm sắc tố melanin ở thượng bì và trung bì chứ không thể loại bỏ tế bào hắc tố sinh ra melanin. Vì vậy rám má sẽ quay trở lại.

Nguyên tắc điều trị rám má là lâu dài và kiên trì.

Để hạn chế rám má tái phát hoặc bùng phát nặng hơn cần tránh nắng và dùng kem chống nắng thường xuyên và liên tục, che chắn các tia từ ánh sáng mặt trời để tránh kích thích tăng sinh, lắng đọng melanin.

Đồng thời phải thăm khám thường xuyên để được bác sĩ hướng dẫn, chỉ định sử dụng thuốc để hạn chế tái phát.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X