Hotline 24/7
08983-08983

Cách bảo vệ trẻ trước khi bệnh tay chân miệng chính thức vào mùa

Tay chân miệng là bệnh khá phổ biến và dễ lây lan ở trẻ em. Bệnh có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày, nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Mời bạn đọc theo dõi phần chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh về vấn đề này!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Bệnh tay chân miệng xuất hiện vào thời điểm nào?

Đầu tiên, xin được hỏi BS Trương Hữu Khanh, tại Khoa Nhi của bệnh viện, tình hình trẻ mắc bệnh tay chân miệng hiện nay như thế nào? Thường, thời điểm nào trong năm là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Ở bệnh viện Nhi đồng số ca nhập viện không nhiều nhưng lúc nào cũng có ca nặng. Vì vậy, chúng ta cần có phương pháp để phát hiện sớm và phòng ngừa. Thời gian này đang ở giai đoạn đầu mùa của bệnh tay chân miệng nên tình hình chung số ca vẫn sẽ tăng.

Tay chân miệng có 2 đỉnh dịch:

  • Đỉnh thứ nhất: tháng 4, 5, 6
  • Đỉnh thứ hai: tháng 10, 11, 12

Đặc biệt sau khi nghỉ Tết hoặc sau khi nghỉ hè, gần như năm nào cũng thế. Riêng năm 2020, dịch không nhiều vì chúng ta có thời gian rất dài dãn cách xã hội do COVID-19. Nhưng năm nay việc giãn cách ít hơn nên nguy cơ dịch tay chân miệng sẽ quay lại là rất có thể.

2. Nguyên nhân và quá trình ủ bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở độ tuổi nào? Nguyên nhân và quá trình ủ bệnh sẽ diễn ra như thế nào thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, trên 3 tuổi ít gặp hơn, lí do vì hồi nhỏ trẻ mắc rồi nên lớn lên ít gặp phải.

Nguyên nhân chính là do virus, đây là một loại virus lây lan khá mạnh có ở trong vùng họng của những trẻ mắc bệnh, có thể thải qua đường phân.

Chất tiết ở vùng hầu họng của trẻ trong lúc sinh hoạt có thể sẽ bám vào các bề mặt, đồ chơi; sau đó nếu trẻ đi học thì những em bé khác sẽ bám tay vào chơi chung, thậm chí đưa lên miệng và như vậy bệnh sẽ lây lan rất nhanh.

Khả năng tồn tại của virus trong môi trường khá mạnh, vì vậy dù có sử dụng xà bông để vệ sinh rửa tay, chân thì virus chỉ yếu đi chứ không chết. Do đó, cần biết cách phòng ngừa để bảo đảm an toàn.

BS Trương Hữu KhanhBS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1

3. Cách phân biệt tay chân miệng và bệnh khác?

Bệnh lây nhiễm qua những con đường nào? Làm cách nào để phân biệt bệnh viên da, dị ứng da, thủy đậu với bệnh tay chân miệng thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên nguồn phát tán ra virus nhiều nhất là hầu họng (nước bọt, chất tiết trong vùng hầu họng có rất nhiều virus) khi trẻ mắc bệnh sẽ phát tán ra ngoài.

Triệu chứng của tay chân miệng không phải là quá khó để nhận biết. Quan trọng nhất là cần nắm bắt thông tin nghe ngóng tình hình trên báo đài các phương tiện truyền thông báo chí nếu có thông tin trẻ bị tay chân miệng thì cần phòng ngừa cho trẻ.

Triệu chứng: trẻ sẽ bị nổi bóng nước ở lòng bàn tay lòng bàn chân, mông, đầu gối và có thể nổi trong miệng.

Giữa tay chân miệng và dị ứng thì thường dị ứng da sẽ bị nổi tái đi tái lại và ngứa. Thủy đậu có khuynh hướng nổi rải rác toàn thân chứ không tập trung ở những vùng như lòng bàn tay lòng bàn chân. Các bậc phụ huynh cần chú ý để nhận biết được con của mình bị tay chân miệng hay dị ứng

4. Cấp độ bệnh tay chân miệng và cách điều trị?

Bệnh có bao nhiêu cấp độ và những cấp độ nào của bệnh được điều trị tại nhà? Trong quá trình này, cần chăm sóc bé như thế nào để tránh bị nhiễm trùng? Dấu hiệu nào cần đưa con đến bệnh viện?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ: độ 1, độ 2, độ 3, độ 4; độ 4 là nặng nhất.

Với độ 2 không nặng lắm nhưng cần nằm bệnh viện theo dõi.

Với độ 3 cần theo dõi sát chứ không sẽ chuyển sang độ 4 lúc này việc điều trị khá phức tạp.

Việc quan trọng nhất của các bậc phụ huynh là cần nhận biết khi nào trẻ bước sang độ 2 để can thiệp kịp thời.

Với độ 1 có thể điều trị tại nhà, điều may mắn là gần như 90% em bé khi phát hiện bị tay chân miệng thì chỉ ở độ 1.

Nếu chăm sóc trẻ tại nhà cần lưu ý: khi bé bỏ ăn, biếng ăn thì nên cho bé ăn đồ lỏng dễ tiêu không quá nóng, quá cay hoặc quá mặn; bởi khi em bé bị lở miệng hoặc đau miệng mà ăn những thức ăn đó thì rất có thể trẻ sẽ bỏ ăn.

5. Bóng nước thủy đậu vỡ, cần xử trí sao?

Trong trường hợp các bóng nước bị vỡ ra, liệu có gây hại gì cho bé? Có để lại vết sẹo như bệnh trái rạ không? Với những bóng nước này, mẹ có nên dùng thuốc bôi hoặc làm gì khác để giảm khó chịu cho bé không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu bóng nước thủy đậu có nổi thêm thì cha mẹ đừng quan tâm đến nó, vì cũng không liên quan đến bệnh nặng hay nhẹ. Đặc biệt bóng nước này không đau, không ngứa, không để lại sẹo nên không cần bôi bất cứ loại thuốc nào, chỉ cần tắm rửa sạch sẽ như bình thường là những vết này tự ổn định và khô đi.

Quan trọng là cha mẹ tuyệt đối không được dùng kim chọc bóng nước. Vì làm như vậy rất dễ nhiễm trùng.

6. Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ mau hồi phục?

Khi bị bệnh, trẻ rất biếng ăn. Bác sĩ có thể hướng dẫn cho các bậc phụ huynh về chế độ dinh dưỡng để giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ khi bị tay chân miệng sẽ rất biếng ăn, hoặc không ăn được vì miệng của trẻ rất đau, nếu đau ít thì trẻ không ăn được nhiều, còn nếu đau nhiều thì gần như bỏ ăn, thậm chí không uống nước. Nếu miệng trẻ đau như vậy cha mẹ cần đưa con đi khám để BS cho thuốc rơ, nếu cần phải uống thuốc giảm đau.

Nên cho bé ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng, dễ tiêu; có thể làm mát sữa bằng cách bỏ vào tủ lạnh để giúp trẻ dễ uống hơn. Ngược lại, miệng trẻ sẽ rất đau nếu ăn phải những thức ăn còn nóng và không được ăn mặn. Đồ ăn đồ uống nóng, cay, cứng cần tránh tuyệt đối.

7. Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ?

Trong gia đình đông con, khi một trẻ mắc bệnh tay chân miệng, làm sao để tránh lây lan cho những bé còn lại? Phải vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và quần áo như thế nào? Tay chân miệng phòng ngừa bằng cách nào thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Cần chú ý phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ tại 2 nơi:

  • Tại nhà: rất dễ lây giữa những người thân trong gia đình
  • Tại trường: lây từ trẻ này sang trẻ kia, sau đó trẻ lại mang nguồn lây từ trường về nhà.

Việc phòng ngừa tay chân miệng tại 2 nơi này rất quan trọng. Cần chú ý bệnh sẽ lây nếu trong nhà có 2 hoặc hơn 2 đứa nhỏ. Nếu trẻ bị tay chân miệng mà đến trường thì cần báo ngay cho cô giáo, và rà soát xem có trẻ nào bị nữa hay không để từ đó có những biện pháp phòng ngừa.

Tại nhà nếu có thể hãy cách ly trẻ thì càng tốt nhưng quan trọng nhất là phải vệ sinh sàn nhà, vệ sinh cạnh bàn, mặt tủ, tay nắm cửa, đồ chơi của trẻ,… Ở những trạm y tế hiện nay họ có những hướng dẫn rất cụ thể, thông thường có thể vệ sinh bằng xà phòng và nước javel được pha đúng cách. Đồ chơi của trẻ rửa xong nên phơi ngoài nắng,…

Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể cắt được nguồn lây của virus tay chân miệng.

Tại trường khi có chuyện xảy ra thì chắc chắn phải cho trẻ nghỉ học. Nhà trường cần có kế hoạch tổng vệ sinh trường, lớp kĩ càng như vậy mới đảm bảo được không có nguồn lây còn tồn tại trong trường.

8. Bệnh tay chân miệng có dễ tái phát không?

Trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng rồi thì có khả năng tái bệnh lại không thưa BS? Làm sao để bảo vệ trẻ trước căn bệnh này?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ đã bị tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh trở lại.

Nhìn chung tay chân miệng đang bắt đầu vào mùa và điều đáng lo là tại khoa nhiễm bệnh viên Nhi đồng 1 thường xuyên có bé nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Vì thế, việc phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng, nếu chúng ta không đặt phòng ngừa lên hàng đầu thì chắc chắn bệnh sẽ lây lan rất nhiều.

Tóm lại nên rửa tay, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ, ăn sạch uống sạch.

Nếu bé bị tay chân miệng thì đừng cho bé đến trường, vệ sinh nhà cửa.

Nếu trong lớp học có bé bị tay chân miệng thì nên để bé ở nhà sau đó tổng dọn vệ sinh lớp học.

Nếu tất cả chúng ta cùng làm như vậy thì nguồn lây nhiễm sẽ được giảm xuống.

Khi thấy:

Tình huống 1: bé sốt trên 2 ngày, sốt cao trên 39 độ, khó hạ được cơn sốt thì cần lưu ý nghĩ ngay đến việc có biến chứng.

Tình huống 2: nhận thấy bé ngủ có giật mình thì chắc chắn đã có biến chứng.

Nhận thấy có 2 tình huống trên chắc chắn cần đưa bé đi khám bệnh đừng điều trị tại nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X