Các loại đột quỵ và cách điều trị
Đột quỵ có 3 loại chính, tùy mỗi trường hợp sẽ sử dụng phương pháp điều trị khác nhau. Bài viết dưới đây đưa ra các khái niệm, triệu chứng, đối tượng nguy cơ cũng như một số phương án điều trị đột quỵ.
I. Các loại đột quỵ
Đột quỵ được chia thành 3 loại chính: cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não.
1. Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)
Một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua thường được gọi là TIA, xảy ra khi dòng máu đến não bị chặn tạm thời. Các triệu chứng tương tự như một cơn đột quỵ, nhưng chỉ tạm thời và sẽ biến mất sau vài phút cho đến dưới 1 giờ.
TIA thường do cục máu đông gây ra. Nó như một lời cảnh báo về một cơn đột quỵ trong tương lai.
Theo TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp thần kinh TPHCM, thống kê gần đây cho thấy 80% những trường hợp bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong vòng khoảng 6 tháng (trong vòng 6 tháng, nếu 100 người có dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua điển hình thì sẽ có 80 người rơi vào tình trạng đột quỵ thực sự). Và ông đề nghị không nên gọi đây là "cơn thiếu máu não thoáng qua" mà hãy gọi là "tiền đột quỵ" hoặc "đột quỵ nhẹ".
Cơn thiếu máu não thoáng qua là lời cảnh báo nguy cơ đột quỵ sắp xảy ra cần đề phòng
a. Triệu chứng
- Yếu chi, tê bì tay chân, mặt, lưỡi
- Méo miệng, khó nói
- Mắt nhìn mờ, hoặc nhìn một thành hai
- Chóng mặt, mất thăng bằng, hoặc ngất
b. Đối tượng nguy cơ
Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ sau đây thì rất có thể sẽ dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua:
- Bạn hay uống rượu bia, hút thuốc lá
- Bị thừa cân, béo phì, rất lười vận động
- Có kèm các bệnh lý: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu...
2. Đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ do thiếu máu cục bộ)
Trong cơn đột quỵ nhồi máu não, các động mạch cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do cục máu đông hoặc lưu lượng máu giảm nghiêm trọng. Tình trạng này cũng có thể gây ra bởi các mảnh mảng bám do xơ vữa động mạch vỡ ra và làm tắc nghẽn mạch máu.
Hai loại đột quỵ nhồi máu não phổ biến nhất là do huyết khối và tắc mạch. Đột quỵ do huyết khối xảy ra khi một cục máu đông hình thành ở một trong những động mạch cung cấp máu cho não. Cục máu đông đi qua mạch máu và bị đóng cục, làm tắc nghẽn dòng máu. Đột quỵ do tắc mạch là khi một cục máu đông hoặc các mảnh vụn khác hình thành ở một phần khác của cơ thể và sau đó di chuyển đến não.
Theo các chuyên gia đột quỵ tại Việt Nam, 70-80% trường hợp đột quỵ là do nhồi máu não.
Tê yếu tay chân là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
a. Triệu chứng
- Đau đầu đột ngột, dữ dội mà không rõ nguyên nhân
- Tê đột ngột ở bất kỳ khu vực nào của cơ thể
- Yếu nửa người
- Méo mặt
- Thị lực kém
- Chóng mặt, đi lại khó khăn
- Lú lẫn
b. Đối tượng nguy cơ
- Uống rượu bia, hút thuốc lá
- Ít vận động
- Nữ giới
- Người trên 65 tuổi
- Bị xơ vữa động mạch
- Mắc chứng rối loạn nhịp tim (rung nhĩ)
- Mắc chứng viêm mạch - một loại viêm mạch máu
3. Đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một động mạch trong não bị vỡ hoặc rò rỉ máu. Máu từ động mạch đó tạo ra áp lực dư thừa trong hộp sọ và làm sưng não, làm hỏng các tế bào và mô não.
Hai loại đột quỵ xuất huyết là trong não và dưới nhện. Đột quỵ xuất huyết não là phổ biến nhất, xảy ra khi các mô xung quanh não chứa đầy máu sau khi động mạch bị vỡ. Đột quỵ xuất huyết dưới nhện ít gặp hơn. Nó gây chảy máu ở khu vực giữa não và các mô bao phủ nó.
Theo các chuyên gia đột quỵ tại Việt Nam, 20-30% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết não.
Đột quỵ xuất huyết não gây rối loạn nhận thức
a. Triệu chứng
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Tê yếu cánh tay, liệt nửa người
- Rối loạn ý thức
- Đái dầm, bí đại tiện
- Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng tiết đờm dãi,..
- Giãn đồng tử
b. Đối tượng nguy cơ
- Người sau 40 tuổi
- Huyết áp cao
- Hút thuốc, uống nhiều rượu
- Sử dụng ma túy, các chất kích thích
- Nữ giới
- Chấn thương đầu, cổ
II. Cách điều trị từng loại đột quỵ
1. Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và TIA
Những loại đột quỵ này là do cục máu đông hoặc sự tắc nghẽn trong não, nên phần lớn được xử lý bằng các kỹ thuật tương tự như:
a. Thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu
Hai loại thuốc này nên được dùng trong vòng 24 - 48 giờ sau khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu.
Có nhiều loại thuốc giúp điều trị đột quỵ khi xuất hiện triệu chứng ban đầu
b. Thuốc làm tan huyết khối
Thuốc có thể phá vỡ cục máu đông trong động mạch não của bạn, điều này giúp ngăn chặn đột quỵ và giảm tổn thương cho não.
Nó hoạt động bằng cách làm tan cục máu đông nhanh chóng, nếu được cung cấp trong vòng 3 đến 4,5 giờ đầu tiên sau khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu. Những người được tiêm thuốc có nhiều khả năng phục hồi sau đột quỵ hơn và ít có khả năng bị tàn tật kéo dài do hậu quả của đột quỵ.
c. Can thiệp lấy huyết khối
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ luồn một ống thông vào một mạch máu lớn bên trong đầu của bạn. Sau đó, sử dụng một thiết bị để kéo cục máu đông ra khỏi vị trí tắc nghẽn rồi ra khỏi cơ thể. Thủ thuật này thành công nhất nếu được thực hiện từ 6 đến 24 giờ sau khi cơn đột quỵ bắt đầu.
d. Stent
Nếu bác sĩ thấy thành động mạch đã suy yếu và thu hẹp, sẽ thực hiện thủ thuật nong rộng động mạch bị thu hẹp và hỗ trợ thành động mạch bằng một stent.
e. Phẫu thuật
Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông và các mảng bám khỏi động mạch. Việc này được thực hiện bằng một ống thông, hoặc nếu cục máu đông lớn thì có thể mở một động mạch để loại bỏ tắc nghẽn.
Đột quỵ nặng cần phải can thiệp phẫu thuật để cứu sống bệnh nhân
2. Điều trị đột quỵ xuất huyết não
a. Thuốc
Không giống như đột quỵ do thiếu nhồi máu não, nếu bạn bị đột quỵ xuất huyết não, mục tiêu điều trị là làm cho máu đông. Do đó, bạn có thể được dùng thuốc để chống lại các yếu tố làm loãng máu của bạn.
Bạn cũng có thể được kê đơn các loại thuốc có thể làm giảm huyết áp, giảm áp suất trong não, ngăn ngừa co giật và ngăn co thắt mạch máu.
b. Can thiệp đặt coil (cuộn dây)
Bác sĩ sẽ hướng một ống dài đến vùng xuất huyết hoặc mạch máu bị suy yếu. Sau đó lắp đặt một thiết bị giống như cuộn dây ở khu vực mà thành động mạch yếu để ngăn chặn lưu lượng máu đến khu vực này, làm giảm chảy máu.
c. Thiết bị kẹp
Trong quá trình kiểm tra hình ảnh, bác sĩ có thể phát hiện ra một chứng phình động mạch chưa bắt đầu chảy máu hoặc đã ngừng chảy. Để ngăn chảy máu thêm, bác sĩ phẫu thuật có thể đặt một chiếc kẹp nhỏ ở đáy túi phình giúp ngăn chặn mạch máu có thể bị vỡ hoặc chảy máu mới.
d. Phẫu thuật
Nếu bác sĩ nhận thấy túi phình đã vỡ, có thể phẫu thuật để loại bỏ túi phình và ngăn chảy máu thêm, dẫn lưu khối máu tụ ra ngoài. Cũng có thể cần phẫu thuật mở sọ để giảm áp lực nội sọ sau một cơn đột quỵ lớn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình