Biến chứng bàn chân tiểu đường: Nhận biết để phòng ngừa!
Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong số các biến chứng mạn tính của tiểu đường thì loét bàn chân do tiểu đường và cắt cụt chi là những nguyên nhân trực tiếp đe dọa sức khỏe và tâm lý của người bệnh đồng thời gây ảnh hưởng nặng nề đến gia đình bệnh nhân và toàn xã hội. Nhận biết và hiểu rõ về biến chứng này để kịp thời phòng ngừa.
I. Bàn chân tiểu đường là gì?
Bàn chân tiểu đường được định nghĩa là bàn chân của các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường có nguy cơ bị các tổn thương bệnh lý gồm nhiễm khuẩn, loét, và/hoặc sự phá hủy các mô sâu liên quan tới các bất thường về thần kinh, một số giai đoạn của bệnh mạch máu ngoại vi và/hoặc các biến chứng chuyển hóa của tiểu đường ở các chi dưới.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 2% tổng số bệnh nhân bị biến chứng loét bàn chân. Tỉ lệ này tăng từ 5-7.5% ở những bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý thần kinh ngoại biên. Điều đáng lo ngại là có đến 15% bệnh nhân tiểu đường sẽ bị loét tại một thời điểm nào đó trong toàn bộ cuộc đời của họ. Biểu hiện nhiễm khuẩn là một dấu hiệu quan trọng và báo cáo cho thấy khoảng 60% các ca cắt cụt chi khởi phát do vết loét nhiễm khuẩn. Tỉ lệ tử vong sau 5 năm của bệnh nhân bị cắt cụt chi dưới là 50-60%.
II. Các biến chứng bàn chân tiểu đường
Bệnh thần kinh đái tháo đường và bệnh mạch máu ngoại vi có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng, liên tục như: Loét chân hoặc vết thương không lành; nhiễm trùng bao gồm nhiễm trùng da; nhiễm trùng xương và áp xe; hoại thư, khi nhiễm trùng gây chết mô biến dạng chân; bàn chân Charcot (Charcot’s foot); làm thay đổi hình dạng của bàn chân do xương bàn chân và ngón chân bị dịch chuyển hoặc gãy; thay đổi thể chất vĩnh viễn do hoại thư; cắt cụt chân.
III. Nguyên nhân gây biến chứng bàn chân do tiểu đường
Biến chứng bàn chân do tiểu đường bao gồm một số bệnh lý, chủ yếu là bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường và bệnh động mạch ngoại vi dẫn đến loét bàn chân. Loét bàn chân do tiểu đường cuối cùng có thể dẫn đến cắt cụt chi, đặc biệt là khi nhiễm trùng vết thương hoặc viêm tủy xương.
Bệnh thần kinh tiểu đường: Là các rối loạn chức năng thần kinh ngoại biên ở người bệnh tiểu đường, sau khi loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại vi khác. Sự hiện diện của bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường là yếu tố khởi đầu của sự phát triển loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường. Khi dây thần kinh bị tổn thương sẽ dẫn đến tê ngoại vi chi dưới, khó cảm nhận được cảm giác ở ngón chi, khó chịu, đau nhức hoặc nhiễm trùng trên bàn chân. Rối loạn cảm giác này có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị lở loét và phồng rộp. Nếu người bệnh không được điều trị nhiễm trùng, các vết loét có thể phát triển thành hoại thư, dẫn đến việc phải cắt cụt chi. Nguy cơ loét bàn chân do tiểu đường tăng gấp 7 lần ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại vi do tiểu đường. Ước tính có khoảng 45%- 60% tất cả các vết loét ở bệnh nhân tiểu đường chủ yếu là do bệnh lý thần kinh, trong khi 45% các vết loét là do các yếu tố thần kinh và thiếu máu cục bộ kết hợp.
Bệnh mạch máu ngoại vi: Là một trong những nguyên nhân đa yếu tố dẫn đến bệnh đái tháo đường bàn chân. Sự hiện diện của PAD làm thay đổi phản ứng bình thường của cơ thể đối với các vết loét ở bàn chân và dẫn đến tình trạng loét chân dai dẳng không lành khi nhu cầu cung cấp máu tăng lên. PAD dẫn đến sự tiến triển của nhiễm trùng, làm tăng sự phá vỡ mô, thiếu oxy, dinh dưỡng và kháng sinh. Tất cả những yếu tố này càng góp phần vào khả năng bị cắt cụt chân.
Các yếu tố, nguy cơ khác: Ngoài bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường và bệnh mạch máu ngoại vi, một số yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm: Ít vận động khớp; dị tật bàn chân và có vết loét hoặc từng bị cắt cụt chi trước đó ở cùng một bên hoặc bên cạnh; suy giảm thị lực; lớn tuổi; bệnh thận mãn tính; bệnh đái tháo đường kéo dài và tăng đường huyết không kiểm soát được.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường biến chứng đến xương khớp: Ngăn ngừa sớm kẻo tàn phế
Dấu hiệu nhận biết bàn chân đái tháo đường
Các dấu hiệu bàn chân của bệnh đái tháo đường có biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào các vấn đề cụ thể mà người bệnh đang gặp phải trong từng thời điểm. Một số dấu hiệu chung phổ biến nhất mà người bệnh có thể gặp phải thường bao gồm: Mất cảm giác; cảm giác tê hoặc ngứa ran; xuất hiện vết phồng rộp hoặc các vết thương khác không đau; sự thay đổi màu da và nhiệt độ; vệt đỏ; vết thương có hoặc không có dịch tiết; đau nhói.
Nếu tình trạng nhiễm trùng phát triển, người bệnh cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu bao gồm: Sốt; ớn lạnh; không kiểm soát được lượng đường trong máu; sốc; các chi tấy đỏ.
Nếu gặp phải các dấu hiệu nhiễm trùng, đặc biệt là ở bàn chân, người bệnh phải đến bệnh viện để được điều trị khẩn cấp.
IV. Phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường như thế nào?
Chăm sóc bàn chân tiểu đường đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về chân phổ biến hoặc điều trị trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh tiểu đường nên thực hiện các biện pháp sau: Chăm sóc bản thân và quản lý tốt bệnh tiểu đường; rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày; kiểm tra bàn chân mỗi ngày: Vết loét, mụn nước, mẩn đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác có thể xảy ra; thoa kem dưỡng ẩm: Thoa kem dưỡng da sau khi rửa sạch và lau khô chân.
Lưu ý: không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân. Chà vết chai ở chân; kiểm tra móng chân mỗi tuần một lần; sử dụng giày hoặc dép kín mũi; ngồi gác chân và lắc lư các ngón chân nhiều lần trong ngày giúp máu lưu thông đến chân; không hút thuốc lá; đi khám định kỳ 2-3 tháng một lần, ngay cả khi không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình