Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh võng mạc tiểu đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Người mắc bệnh tiểu đường khi để đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương các dây thần kinh, gây biến chứng lên tim, mắt, thận… trong đó, biến chứng thường gặp ở mắt là bệnh võng mạc tiểu đường. Vậy bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Nguyên nhân, cách điều trị, chẩn đoán, phòng ngừa như thế nào?

I. Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mắt. Bệnh xảy ra do tổn thương các mạch máu của võng mạc. Lúc đầu, bệnh võng mạc tiểu đường có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ về thị lực. Nhưng lâu dài bệnh có thể gây mù lòa. Người bị tiểu đường càng lâu năm càng có nguy cơ cao bị biến chứng mắt.

II. Nguyên nhân nào gây bệnh võng mạc tiểu đường?

Đường máu cao kéo dài gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạch máu. Tại mắt, do tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết võng mạc, dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.

III. Người mắc bệnh võng mạc tiểu đường thường xuất hiện những dấu hiệu gì?

Giai đoạn chưa tăng sinh: Người bệnh thường không tự thấy triệu chứng gì. Chỉ khi khám đáy mắt bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt với phương tiện chuyên dụng như chụp đáy mắt huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc (OCT),... mới có thể phát hiện những tổn thương đáy mắt như vi phình mạch, xuất huyết, thiếu máu cục bộ võng mạc,...

Khi có phù hoàng điểm và giai đoạn tăng sinh của bệnh: Người bệnh thấy giảm thị lực; khuyết tầm nhìn; thấy hình tối bất thường trước mắt; thậm chí mất thị lực; khám thấy phù hoàng điểm; xuất tiết võng mạc, tân mạch; xuất huyết võng mạc - dịch kính; tổn thương thần kinh thị giác.

IV. Bệnh võng mạc tiểu đường được chia thành mấy giai đoạn?

Bệnh võng mạc tiểu đường được chia làm 2 giai đoạn: Bệnh lý võng mạc nền (không tăng sinh) và bệnh võng mạc tăng sinh

Bệnh lý võng mạc nền (không tăng sinh): Đây là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, các mạch máu nhỏ bị rò rỉ, khiến võng mạc sưng lên gây bệnh phù hoàng điểm. Đây là lý do phổ biến nhất khiến người bệnh tiểu đường mất thị lực. Ngoài ra, các mạch máu trong võng mạc có thể co hẹp gây thiếu máu cục bộ điểm vàng, hay các dịch tiết hình thành trong võng mạc. Những điều này ảnh hưởng đến thị lực của mắt.

Bệnh võng mạc tăng sinh: Là giai đoạn nặng hơn của bệnh võng mạc tiểu đường. Nó xảy ra khi võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới. Các mạch máu mới thường mỏng manh, dễ rỉ máu vào dịch kính. Nếu rò rỉ dịch nhiều sẽ gây mờ, những mạch máu mới có thể hình thành các mô sẹo ảnh hưởng tới điểm vàng dẫn đến bong võng mạc.

V. Chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường bằng phương pháp nào?

Khi người bệnh tiểu đường nghi ngờ có vấn đề liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường sẽ được bác sĩ chỉ định kiểm tra mắt như sau:

Soi đáy mắt: Dùng thuốc nhỏ mắt làm giãn nở đồng tử, bác sĩ sẽ nhìn qua một thấu kính đặc biệt để kiểm tra mắt của bạn.

Chụp cắt lớp quang học: Bác sĩ có thể chụp cắt lớp mạch quang học để quan sát kỹ võng mạc. Hình ảnh chi tiết về độ dày của võng mạc giúp bác sĩ tìm và đo mức độ phù của điểm vàng.

Chụp mạch OCT: Giúp bác sĩ xem được mạch máu trong võng mạc có tổn thương hay không. Đây là phương pháp mới được thay thế cho phương pháp chụp mạch huỳnh quang, người bệnh không cần tiêm thuốc cản quang.

Xem thêm: Biến chứng mờ mắt do tiểu đường: phát hiện sớm để điều trị kịp thời

VI. Có những phương pháp nào điều trị bệnh võng mạc tiểu đường?

Tùy vào tình trạng sức khỏe của mắt và giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Hiện nay đang có một số phương pháp điều trị phổ biến như:

Tiêm thuốc vào mắt: Thuốc giúp giảm phù điểm vàng, làm chậm quá trình mất thị lực và có thể cải thiện thị lực. Thuốc được tiêm vào mắt, người bệnh có thể tiêm nhiều mũi trong thời gian điều trị.

Laser: Để giảm sưng ở võng mạc, bác sĩ khoa Mắt sẽ sử dụng tia laser để làm cho các mạch máu co lại và ngừng rò rỉ. Phương pháp laser gọi là phẫu thuật bằng laser tán xạ (đôi khi gọi quang đông võng mạc). Trước khi làm laser bạn sẽ được nhỏ thuốc tê vào mắt, sử dụng một thấu kính đặc biệt và nhắm tia laser vào mắt.

Phẫu thuật: Cắt bỏ dịch kính được chỉ định với các trường hợp bong võng mạc nhằm sửa các lỗ hổng hoặc vết rách trên võng mạc. Giải quyết xuất huyết dịch kính và chữa các nguồn chảy máu ở võng mạc.

VII. Làm cách nào để phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường?

Để phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường, người bệnh nên thực hiện các phương pháp dưới đây:

Kiểm soát đường huyết: Giúp duy trì đường huyết ở mức ổn định tránh gây tổn thương đến mạch máu.

Thực hiện kiểm soát đường huyết bằng cách: có chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp. Uống thuốc điều trị tiểu đường theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên. Kiểm tra đường huyết ghi lại lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày.

Khám mắt thường xuyên: Giúp phát hiện sớm những bất thường ở mắt để được điều trị sớm, mang lại kết quả cao, tránh biến chứng nguy hiểm.

Giữ huyết áp và cholesterol ở mức an toàn: Ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.

Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường bao gồm cả bệnh võng mạc.

Chú ý đến mắt: Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt nên đến gặp bác sĩ Mắt đề được thăm khám sớm.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X