Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết giúp trẻ tỉnh táo khi học online

Trẻ học online luôn có vô số vấn đề phát sinh như làm sao để con học tập trung hơn hay con thường xuyên buồn ngủ, dù đã đủ giấc vào đêm qua, thậm chí là việc đeo tai nghe liên tục cũng khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Tất cả những vấn đề này đã được BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Nguyên trưởng khoa Nội 1 - Bệnh viện Nhi đồng 2 giải đáp trong bài viết sau.

1. Trẻ nên sử dụng thiết bị nào để học online?

Hiện nay có nhiều thiết bị học online như điện thoại, ipad, máy tính, TV… theo BS, nên ưu tiên cho trẻ dùng thiết bị nào, và vì sao ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Điều này còn tùy thuộc vào túi tiền của từng gia đình. Do đó, mình có thiết bị gì thì có thể cho con dùng loại đó để học tập. Thiết bị có màn hình càng lớn thì sẽ càng đỡ mỏi mắt cho trẻ. Các bậc phụ huynh có thể kết nối smartphone với màn hình ti vi để lớn hơn, trẻ dễ nhìn hơn.

2. Thời gian học online của trẻ tối đa bao nhiều giờ mỗi ngày?

Theo BS, thời gian học online của trẻ tối đa là bao nhiêu giờ mỗi ngày dành cho bậc tiểu học và trung học cơ sở? (cấp 1 và cấp 2).

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. tuy nhiên về tâm sinh lý của trẻ sẽ khác nhau giữa các cấp và nội dung học cũng không giống nhau. Vấn đề không phải học bao nhiều thời gian mà quan trọng là môn học thế nào.

Vấn đề khó khăn trong học online là giáo viên phải thiết kế sao cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ, đồng thời phải xen kẽ với nhau, chẳng hạn toán rồi đến văn chương và có sự tương tác qua lại giữa các em học sinh với thầy cô giáo.

Sự tập trung của trẻ cũng tùy thuộc vào lứa tuổi, ví dụ với trẻ nhỏ cấp 1 trong khoảng 45 phút. Thông thường, khi đi học giữa các tiết học cũng sẽ có giờ giải lao. Vì vậy, khi học online cũng cần có khoảng thời gian nhỏ này để các em đứng dậy, đi uống nước… Do đó, thời gian học chính xác của mỗi lứa tuổi là không giống nhau. Quan trọng là sự tương tác của các em với việc học này có hiệu quả. Dù thời gian có kéo dài mà không tập trung thì kết quả học tập cũng không như mong muốn.

Theo tôi, đối với học sinh cấp 1 thời gian học kéo dài khoảng 3-4 tiết là tối đa, nhưng giữa các tiết cần thời gian nghỉ. Còn đối với cấp 2, cấp 3 thì tùy theo mỗi bộ môn. Về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn.

3. Những vấn đề sức khỏe nào thường xảy ra khi trẻ học online?

Ngoài nỗi lo cận thị, xin BS cho biết trẻ có thể gặp các vấn đề sức khỏe nào khác?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Trẻ em thường rất năng động, nếu ngồi nhiều một chỗ và không có sự tương tác với ai thì sẽ thấy mệt mỏi. Về mặt tâm sinh lý, trẻ học online thì cũng có một số hạn chế như thiếu tập trung, dễ lơ đãng, thiếu sự tương tác với trẻ khác.

Đôi khi, trẻ sẽ không nói với cha mẹ, nhưng qua ngôn ngữ hình thể như cách ngồi học, ánh mắt cũng sẽ biết con có đang tập trung hay không, con đang buồn hay đang thích thú học tập… Khi học online trên màn hình có rất nhiều trẻ nên thầy cô không có sự tương tác đều đặn với tất cả các bạn trẻ. Khi đó, nếu trẻ thuộc týp thể hiện bản thân thì khi học online sẽ cảm thấy thiếu thốn điề gì đó. Còn với trẻ trầm tính, có lối sống khép kín thì sẽ ngày càng khép kín hơn.

Học online là việc “cực chẳng đã”, tuy nhiên điều này cũng mang lại nhiều lợi ích tích cực, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Đối với trẻ học cấp 2, cấp 3 thì có thể chủ động bắt đầu chương trình học. Còn đối với trẻ cấp 1 thì cần có sự hỗ trợ của người lớn.

Nhân cách của trẻ phát triển từ nhỏ, không đợi đến lớn mới bắt đầu. Vì vậy, theo tôi, việc giáo dục trẻ nên là trọng tâm hàng đầu của gia đình, xã hội và của một quốc gia.

>>> Quy tắc cần nhớ để bảo vệ mắt cho trẻ khi học online, sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên

4. Dấu hiệu cảnh báo trẻ nên dừng việc đeo tai nghe?

Không phải gia đình nào cũng có không gian yên tĩnh để trẻ học bài, và trẻ buộc phải đeo tai nghe. Xin BS cho biết thời gian đeo tai nghe ở trẻ như thế nào để đảm bảo an toàn? Dấu hiệu nào "báo động" trẻ không được sử dụng tai nghe nữa?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Đeo tai nghe không phải là vấn đề trong việc học online mà còn là câu chuyện phổ biến hiện nay, nhất là trong giai đoạn tuổi dậy thì.

Nếu trẻ cần sự tập trung thì vẫn có thể sử dụng tai nghe. Điều quan trọng cần lưu ý là chất lượng của loại tai nghe đó. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo trẻ không nên đeo tai nghe suốt buổi, mặc dù âm thanh được lọc tốt hơn nên giúp nghe rõ hơn, nhưng sẽ thiếu sự tương tác với môi trường bên ngoài. Vì vậy, theo tôi trẻ chỉ nên đeo tai nghe khi cần nghe thầy cô giảng bài.

Tốt nhất là nên lựa chọn nơi yên tĩnh cho trẻ học. Nếu ồn quá, người lớn tự nhắc nhở nhau tạo điều kiện cho trẻ có môi trường học hữu hiệu nhất. Đôi khi trẻ đeo tai nghe với âm lượng lớn nhiều quá có thể đưa đến tình trạng ù tai, hoặc người khác nói nhỏ trẻ sẽ không nghe thấy, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Hơn nữa, thiết bị âm thanh cũng là điện từ trường, tác động lên sóng vỏ não. Do đó, theo tôi thì không nên nghe, trừ trường hợp bắt buộc và thỉnh thoảng sử dụng thì không sao.

5. Làm sao để giúp con tỉnh táo hơn khi học online?

Nhiều phụ huynh hỏi rằng, con mình học online rất nhanh bị buồn ngủ, mặc dù cháu bé đã được ngủ đủ giấc vào ban đêm. BS có “mẹo” nào giúp các cháu tỉnh táo không ạ, vì phụ huynh không dám cho trẻ uống cà phê.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Để giảm thiểu tình trạng này, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ ăn sáng đầy đủ. Khi lượng đường trong cơ thể đầy đủ trẻ sẽ không bị buồn ngủ. Hoặc sau khi ăn sáng, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ dùng thêm vitamin C, sẽ giúp con tỉnh táo hơn.

Sau khi học 1 -2 tiết học, một số trẻ cần phải nạp thêm năng lượng, vì vậy các bậc phụ huynh có thể chuẩn bị thêm ly sữa hoặc bánh ngọt, điều này cũng giúp duy trì lượng đường trong cơ thể, giảm thiểu buồn ngủ. Thay vì cho trẻ uống cà phê thì cha mẹ có thể thay thế bằng nước cam, nước chanh sẽ giúp con tỉnh táo. Người lớn chúng ta cũng vậy, làm việc một thời gian đến 11-12g tay chân bủn, mệt, buồn ngủ, bởi vì lượng đường lúc đó đã giảm bớt nên dễ buồn ngủ hơn, lúc đó cơ thể cần phải nạp năng lượng.

Bên cạnh đó, phụ huynh canh nhắc chừng con. Khi trẻ thích thú thì sẽ quên mất cảm giác buồn ngủ. Để tạo sự thích thú cho con thì phụ huynh có thể trao đổi trước với con về nội dung thầy cô giáo sẽ giảng để khơi gợi sự tò mò, muốn học hỏi của trẻ. Nhiều cha mẹ cũng hay quay video con mình phát biểu, đưa lên nhóm gia đình và sau đó được khen thì trẻ sẽ thích thú khi được nghe giảng, phát biểu. Mỗi gia đình sẽ có mỗi cách. Đây là một cách trong đó và có thể giúp con thích thú hơn với việc học.

6. Trẻ muốn chơi game sau giờ học online, cha mẹ nên thuyết phục thế nào?

Nhiều trẻ trước đây được cha mẹ cho chơi game trong một khoảng thời gian nhất định như là một “phần thưởng”, hoặc một hoạt động giải trí. Bây giờ sau giờ học online, trẻ vẫn giữ thói quen đó thì cha mẹ nên làm gì giúp trẻ điều chỉnh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Việc này cũng tùy mỗi trường hợp. Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt. Mỗi gia đình có hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau.

Trường hợp này, cha mẹ có thể trao đổi, giải thích cho trẻ về việc vì sao con phải học online và mỗi ngày đôi mắt chỉ nên nhìn máy tiếng một vài giờ đồng hồ, vì vậy phải giảm thời gian chơi game. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cũng cần có sự quản lý dứt khoát, chặt chẽ với máy tính, smartphone, không thể giao luôn những thiết bị này cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ. Như vậy, cha mẹ sẽ không kiểm soát được nội dung trẻ truy cập.

Dù có sự khác biệt giữa mỗi gia đình nhưng theo tôi nên trao đổi với con để trẻ hiểu hơn về vấn đề này. Nếu trẻ đã ghiền game thì cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám tâm lý và cần đưa ra những biện pháp khác mạnh mẽ hơn. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ được xây dựng nề nếp, hoặc tạo thói quen tốt rất quan trọng.

Chẳng hạn, nếu cha chơi game hoài thì cũng sẽ rất khó nói trẻ hoặc nếu mẹ bận lo công việc, không có sự tương tác với con thì trẻ cũng sẽ không có chuyện gì khác để làm ngoài chơi game. Vì vậy, sự gần gũi với trẻ để trò chuyện, sinh hoạt gia đình là điều cần thiết.

Sau đại dịch COVID-19, vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng, thỉnh thoảng cũng nên khám với bác sĩ tâm lý, nhất là cho trẻ em.

7. Sau giờ học online nên cho trẻ làm gì để thư giãn gân cốt?

Bạn đọc AloBacsi: Bác ơi, nhà em ở căn hộ chung cư, không có sân vườn, không lên được sân thượng, chỉ có cái ban công nhỏ xíu thì để phơi đồ rồi. Sau giờ học online nên cho trẻ làm gì để trẻ thư giãn gân cốt được ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Trường hợp này cha mẹ có thể tập thể dục cùng con, như yoga, nhảy dây tại chỗ. Hoặc cùng con chơi các trò chơi giải trí như domino và có quy ước ai thua phải tập thể dục… Có rất nhiều cách để giải quyết tình huống này.

Điều quan trọng là phụ huynh cùng thực hiện với con. Vì đối với trẻ, đôi khi bắt ép sẽ không nghe theo, nhưng nếu có cha mẹ làm cùng sẽ dễ thuyết phục con tham gia hơn.

8. Để bụng đói khi học, liệu có giúp tập trung hơn?

Bạn đọc AloBacsi: Em thấy hễ ăn no là ai cũng buồn ngủ, vậy có nên cho trẻ để bụng đói học online để tránh buồn ngủ được không BS, tức là trước đó cho ăn chút chút thôi?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Ông bà ta hay có câu “căng da bụng, trùng da mắt”. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn vừa quả, không nên ăn quá no. Giữa buổi có thể tiếp thêm năng lượng bằng ly sữa, cái bánh.

9. Đai đeo tránh gù lưng, có nên cho trẻ sử dụng?

Bạn đọc AloBacsi: Bác ơi, em thấy nhiều shop trên mạng có bán các loại đai đeo để tránh gù lưng khi ngồi nhiều, em có nên mua cho con sử dụng không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Tuy không phải chuyên gia về cột sống, nhưng BS Thanh nghĩ rằng, nếu bạn có khả năng thì có thể mua sử dụng thử. Tư thế ngồi học của con cũng rất quan trọng để tránh gù lưng.

Dù các bậc phụ huynh có áp dụng cách nào hay dùng dụng cụ nào thì cũng phải khám định kỳ cho trẻ. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ có triệu chứng gù hay vẹo không để can thiệp phù hợp. Thông thường giai đoạn 6-7 tuổi, 10-12 tuổi là những lứa tuổi chuyển tiếp bác sĩ sẽ theo dõi và có thể tác động được. Khi đi khám với bác sĩ Nhi khoa, nếu thấy có biểu hiện, trẻ sẽ được chuyển sang bác sĩ Cơ xương khớp để được đánh giá sâu hơn.

10. Nghe thấy tiếng nhạc văng vẳng trong đầu, có phải bị ảo thanh?

Bạn đọc AloBacsi: Thưa BS, con năm nay 15 tuổi. Bữa giờ nghỉ dịch con hay nghe nhạc, mà bây giờ con không nghe nữa nhưng vẫn cảm thấy có tiếng nhạc ở trong đầu. Con có lên mạng tìm hiểu thì đây là hiện tượng “ảo thanh”, là dấu hiệu bệnh tâm thần. Con sợ mình bị bệnh đó, BS cho con lời khuyên, hiện giờ con chưa đi khám được ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Vấn đề sau khi nghe nhạc vẫn còn nghe văng vẳng tiếng nhạc là chuyện bình thường, ai cũng có khả năng gặp phải. Kể cả bạn nghe vào buổi tối, đôi khi sáng hôm sau vẫn có cảm giác giai điệu nhạc vang lên, thậm chí là 2-3 buổi. BS Thanh cũng xảy ra những tình huống này.

Đây là hiện tượng lặp lại của vỏ não. Đó là lý do người ta thường khuyên rằng, các em nên học bài vào buổi tối và sáng dậy ôn lại một lần nữa. Trrong lúc ngủ vỏ não vẫn hoạt động, nên việc vẫn nghe tiếng nhạc sau khi bỏ tai nghe là bình thường.

Tình trạng ảo thanh - biểu hiện đầu tiên của rối loạn tâm thần sẽ khiến chúng ta nghe tiếng nói của ai đó, xúi giục làm những điều tiêu cực… Nếu còn lo lắng thì có thể đi khám. Em đừng xem trên mạng rồi lo lắng, như vậy còn ảnh hưởng thêm. Nhưng em chịu hỏi và biết hỏi là chuyện tốt, bởi vì nhiều người tự ám thị đó là biểu hiện của tâm thần, cùng với đó nếu có thêm chuyện buồn, stress thì dễ nặng hơn.

Lứa tuổi dậy thì rất dễ bị tác động, cần sự trao đổi, quan tâm của gia đình. Trong cuộc sống thông thường, trẻ ở lứa tuổi này chỉ một vấn đề nhỏ cũng có thể tách ra khỏi gia đình, huống chi trong đại dịch này quá nhiều sự tác động, thay đổi. Do đó, trẻ ở lứa tuổi dậy thì phụ huynh nên theo dõi sát con, đôi khi không cần tác động gì nhiều nhưng sự lắng nghe của cha mẹ cũng là điều quý giá với trẻ, để con cảm thấy lúc nào cũng có sự đồng hành của người lớn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X