Bị cận thị về già có hết không?
Với cường độ làm , học tập cao, các tật khúc xạ đang trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến và đáng lo ngại. Cùng tham khảo bài viết dưới đây với sự tư vấn TS.BS Trần Đình Minh Huy - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Đại sứ Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Cận thị Thế giới để tìm hiểu về tật khúc xạ, nguyên nhân gây ra, giải pháp điều trị dứt điểm và những biện pháp phòng tránh từ sớm.
1. Phân biệt các loại tật khúc xạ
Tật khúc xạ có bao nhiêu loại và đặc điểm của từng loại là gì, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Theo lý thuyết, tật khúc xạ được định nghĩa là sự mất cân bằng giữa công suất khúc xạ của mắt và chiều dài trục nhãn cầu. Qua đó, hình ảnh sẽ rơi ra phía trước và phía sau của võng mạc, thay vì rơi đúng võng mạc để giúp chúng ta nhìn rõ.
Tật khúc xạ được chia thành hai nhóm chính: tật khúc xạ hình cầu và tật khúc xạ không phải hình cầu.
Đối với tật khúc xạ hình cầu, nếu hình ảnh rơi ra phía trước võng mạc thì gọi là cận thị. Hình ảnh rơi ra phía sau võng mạc được gọi là viễn thị.
Tật khúc xạ không phải hình cầu thường được biết đến dưới tên gọi loạn thị. Thật ra loạn thị chỉ là độ cong trên nhãn cầu không đều, gây ra tình trạng hình ảnh có những kinh tuyến không đều trên giác mạc. Do đó, hình ảnh không được rõ nét.
Tuy nhiên, vấn đề loạn thị không đáng quan ngại lắm, cần lưu ý hơn đến cận thị và viễn thị. Cận thị chiếm 90% các trường hợp bị tật khúc xạ.
2. Màn hình nhỏ sẽ kích thích hình thành và tiến triển cận thị
Thường xuyên nhìn màn hình máy tính, tivi, điện thoại, máy tính bảng... có làm tăng độ cận thị không, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Chúng ta có 2 nhóm tuổi, dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi trở lên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khuyến cáo rõ ràng dành cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi:
- Trẻ dưới 1 tuổi gần như không nên có thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
- Trẻ từ 1 - 2 tuổi có tối đa 60 phút tiếp xúc với thiết bị điện tử mỗi ngày.
- Trẻ từ 2 - 6 tuổi có tối đa 120 phút tiếp xúc với thiết bị điện tử mỗi ngày.
Tiếp xúc với các thiết bị điện tử nhiều hơn thời gian nêu trên sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển cận thị của trẻ.
Tuy nhiên, các thiết bị điện tử giờ đây dường như trở thành một phần trong các trường học, chương trình học của trẻ. Việc tiếp xúc một cách giới hạn, chừng mực sẽ có những ý nghĩa quan trọng.
Một yếu tố cần lưu ý khi cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử là hình ảnh trên màn hình của thiết bị điện tử càng nhỏ thì càng kích thích thị giác, làm hình thành và tiến triển cận thị. Màn hình to sẽ ít nguy cơ kích thích cận thị hơn các màn hình nhỏ.
Độ sáng tại khu vực mà trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử cũng cần được quan tâm. Ánh sáng tốt là một khả năng bảo vệ đôi mắt của trẻ khỏi tình trạng kích thích cận thị.
3. Độ cận ổn định từ sau 18 tuổi
Xin hỏi BS, có phải sau 18 tuổi, các tật khúc xạ sẽ ổn định và độ cận, viễn, loạn sẽ không tăng thêm?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đây là thắc mắc chung của rất nhiều bạn trẻ. Sau 18 tuổi, 90% các trường hợp đều có độ cận ổn định, chỉ khoảng 10% những ngành nghề sử dụng kính hiển vi nhiều có khả năng tiếp tục tăng độ cận.
Sau 18 tuổi, độ cận tăng rất ít, thậm chí không tăng. Đây là một trong những chỉ dẫn để các bạn từ đủ 18 tuổi, tăng trưởng/ thay đổi độ cận dưới 0,5 diop/năm mong muốn phẫu thuật khúc xạ để thoát khỏi bất tiện của kính gọng có thể cân nhắc được.
4. Các phương pháp điều trị tật khúc xạ
Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị các tật khúc xạ, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Việc điều trị tật khúc xạ để có thị giác nhìn rõ, hoặc những nhu cầu cao hơn như điều trị kiểm soát cận thị, hoặc để thoát khỏi các bất tiện từ kính gọng là các yếu tố quan trọng cần phải tìm hiểu trước khi đưa ra phương pháp điều trị.
Phương pháp điều trị để có thể nhìn rõ đơn giản nhất là dùng kính gọng. Phương pháp thứ hai phổ biến trong cộng đồng, được nhiều lứa tuổi sử dụng là các loại kính áp tròng mềm. Có cả những loại kính áp tròng thẩm mỹ, thời trang có màu để giúp người dùng có một cặp mắt đẹp hơn. Tuy nhiên, cần lựa chọn những hãng kính áp tròng đảm bảo về mặt uy tín về chất lượng.
Một phương pháp điều trị tật khúc xạ phổ biến gần đây là kính áp tròng đeo ban đêm. Đây là loại kính áp tròng cứng, có tác dụng chỉnh hình bề mặt giác mạc. Trẻ sẽ đeo vào mắt trước khi đi ngủ, đến sáng hôm sau khi tháo kính ra sẽ có kết quả thị lực nhìn tốt mà không cần kính gọng.
Kèm theo đó, trẻ không cần sử dụng các loại hỗ trợ thị giác quang học khác. Sau một ngày, trẻ lại tiếp tục đeo kính áp tròng cứng và đi ngủ.
Sau 18 tuổi và đảm bảo tật khúc xạ ổn định, người ta còn có phương pháp phẫu thuật khúc xạ để điều trị tật cận thị, viễn thị và loạn thị.
5. Điều trị loạn thị không khó
Trong trường hợp bệnh nhân vừa có cận thị/viễn thị/lão thị, vừa có loạn thị, việc điều trị được tiến hành như thế nào, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Như đã giải thích ở trên, bản chất của loạn thị vẫn là một tật khúc xạ, trong đó bề mặt nhãn cầu có độ cong không đều. Đa số các trường hợp loạn thị đều bẩm sinh, nghĩa là bệnh nhân sinh ra với một mức độ loạn thị và mức độ này ổn định trong suốt cuộc đời.
Điều trị loạn thị cũng không quá khó khăn. Chúng ta chỉ cần quan tâm liệu loạn thị có đi kèm với bệnh lý nhãn cầu nào khác. Nếu không có, hãy mạnh dạn điều trị.
Các phương pháp phẫu thuật khúc xạ bằng laser hay bằng các loại kính đặt vào bên trong mắt mang lại kết quả điều trị tốt cho cả cận thị, viễn thị, loạn thị. Thậm chí bệnh nhân trên 40 tuổi có kèm theo tình trạng lão thị cũng có giải pháp điều trị tật khúc xạ nhằm thoát khỏi những khó khăn, vướng víu của kính gọng.
6. Lão thị và viễn thị hoàn toàn khác nhau
Lão thị và viễn thị đều có chung đặc điểm là chỉ nhìn rõ những vật ở xa. Vậy 2 tật khúc xạ này có điểm gì khác nhau?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Lão thị và viễn thị hoàn toàn khác nhau. Viễn thị là một tật khúc xạ mà hình ảnh rơi ra phía sau võng mạc. Do đó, khi nhìn xa, khả năng điều tiết của mắt khiến chúng ta có thể nhìn rõ. Ngược lại, sự vật càng gần sẽ vượt quá khả năng điều tiết bình thường sẽ gây khó khăn trong quan sát.
Lão thị là tình trạng suy giảm chức năng điều tiết của thủy tinh thể theo tuổi, thường xuất hiện sau 40 tuổi. Bệnh nhân có thể có 1 mắt chính thị nhưng khi nhìn gần bắt buộc mắt phải điều tiết.
Khả năng điều tiết giảm dần sau 40 tuổi, khiến việc nhìn gần không còn được tốt khiến chúng ta phải đưa hình ảnh ra xa.
Một lần nữa cần khẳng định lại rằng, viễn thị và lão thị là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
7. Nên đo kính ở các cơ sở uy tín
Ở một số chợ, siêu thị bán kính đọc sách, hay còn gọi là kính lão với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Người ta thử kính, cái nào nhìn rõ thì mua cái đó, không phải chờ đợi đo mắt, cắt kính. Theo BS, những người bị viễn thị có nên đeo những loại kính này không?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Thực chất loại kính này được sử dụng để hỗ trợ cho việc đọc. Loại kính này khá phổ biến ở nước ngoài, được bán tại các nhà thuốc, thậm chí ở cả các siêu thị tiện lợi.
Lời khuyên của tôi dành cho các bệnh nhân lão thị và cần sự hỗ trợ của kính gọng nếu trong những trường hợp cụ thể, cấp thiết như mất kính khi đi du lịch, đó sẽ là cứu cánh nhanh để sinh hoạt không bị gián đoạn, không gặp khó khăn.
Tuy nhiên, lựa chọn quan trọng nhất, kể cả khi bị lão thị, là nên đến những cơ sơ uy tín để được đo đạc chính xác độ cận, độ viễn, độ lão để làm ra một chiếc mắt kính phù hợp: vừa nhìn rõ, vừa thoải mái trong quá trình sinh hoạt, làm việc.
Đối với những người lão thị, hiện nay có rất nhiều công nghệ của tròng kính như chống ánh sáng xanh, chống chói, chống lóa, tròng kính có lớp phủ chống tia UV. Ngoài việc giúp nhìn rõ còn có tác dụng chống mỏi mắt, chống lại sự phát triển của những bệnh lý khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể.
8. Sự xuất hiện của lão thị khi lớn tuổi là quá trình cộng thêm vào các tật khúc xạ hiện có
Một người bị cận thị sau tuổi 40 thì độ cận sẽ thay đổi như thế nào, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đây là một trong những hiểu lầm thường gặp nhất trong cộng đồng. Người ta vẫn tin rằng một người có độ cận nhẹ thì không cần làm gì cả, đến khi già sẽ bị viễn, bù trừ cho nhau không cần mang kính.
Độ cận trên các đơn kính biểu hiện bằng dấu trừ, độ của kính lão lại biểu hiện bằng dấu cộng giống như kính viễn. Do đó nhiều người nghĩ dấu trừ kết hợp với dấu cộng sẽ về lại con số 0.
Tuy nhiên, giải thích một cách dễ hiểu, mắt của chúng ta là một cấu trúc sinh học chứ không phải một phép tính toán học. Một người có cận thị và viễn thị khi trẻ, sau tuổi 40 khi có sự xuất hiện của lão thị thì sẽ là một quá trình cộng thêm vào.
Nghĩa là một người cận thị khi bước sang mốc 40 tuổi sẽ là quá trình cận lão thị. Người bị viễn thị đến sau 40 tuổi sẽ trở thành viễn lão thị.
Mỗi trường hợp, tình trạng cụ thể sẽ có những phương pháp cũng như khuyến cáo sử dụng kính phù hợp riêng biệt. Các bạn nên đi khám ở các cơ sở uy tín để có lời khuyên đầy đủ nhất trong việc chăm sóc thị giác.
9. Hội chứng túi kính ở người viễn lão thị
Người bị viễn thị đến khi ngoài 40, có thêm tình trạng lão thị sẽ khiến tình trạng mắt trở nên tồi tệ hơn đúng không ạ?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Chức năng thị giác sau 40 tuổi vốn dĩ sẽ không so sánh được với khi còn trẻ. Tuy nhiên, đúng là người bị viễn thị khi đến giai đoạn lão thị, những khó khăn thường sẽ bị nhân lên.
Người viễn thị gặp khó khăn tương đối trong việc nhìn xa, nhìn gần cũng gặp vấn đề. Chức năng điều tiết là phần quan trọng nhất để hỗ trợ cho thị giác của họ từ ngày còn trẻ. Sau 40 tuổi, chức năng thị giác và chức năng điều tiết suy giảm đi, gây nhiều khó khăn hơn nữa.
Những người viễn lão thường phải có một cặp kính riêng để nhìn xa và một cặp kính riêng để nhìn gần. Độ viễn kết hợp với độ lão khiến kính càng dày thêm. Ở nước ngoài có đặt tên cho một hội chứng của những người viễn lão thị là hội chứng túi kính.
Nghĩa là bệnh nhân có một túi với nhiều loại kính khác nhau: kính đọc sách, kính sử dụng máy tính xách tay, kính làm việc, kính sinh hoạt,... Chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân này thường không quá tốt.
10. Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần
Xin hỏi BS, chúng ta nên làm gì để phòng ngừa các loại tật khúc xạ?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Trẻ mắc các tật khúc xạ thường đã có phát triển thị giác bất thường trong quá trình phôi thai. Từ khi mới sinh, chúng ta cần có những phương pháp chăm sóc thị giác, theo dõi tiến triển của các tật khúc xạ một cách phù hợp nhất.
Nhiều nghiên cứu cũng như theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và sử dụng vừa phải các thiết bị điện tử. Áp dụng bài tập 20 - 20 - 20 (cứ mỗi 20 phút sẽ nhìn xa 20 feet trong khoảng 20 giây) để giúp mắt có thể nghỉ ngơi.
Tăng cường các hoạt động sinh hoạt ngoài trời: WHO ghi nhận việc sinh hoạt ngoài trời với ánh nắng và không gian rộng từ 120 phút/ngày sẽ bảo vệ đôi mắt trước sự hình thành và tiến triển cận thị ở trẻ nhỏ.
Người lớn đã có tình trạng cận thị, viễn thị hoặc các đặc thù bất thường về loạn thị, thậm chí sau 40 tuổi với tình trạng cận lão thị hay viễn lão thị cần lưu ý rằng việc thăm khám, chăm sóc thị giác mỗi 6 tháng tại các cơ sở nhãn khoa uy tín là việc vô cùng quan trọng để giữ chất lượng thị giác tốt, đảm bảo có thể phát hiện và đánh giá tình trạng nhãn khoa, tình trạng mắt kịp thời, từ đó có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình