Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ hướng dẫn các cách giải thoát cơn đau do ung thư

Cơn đau dai dẳng do ung thư không chỉ bào mòn thể xác mà còn khiến tinh thần bệnh nhân suy kiệt, biến mỗi ngày thành cuộc chiến khốc liệt. Vậy nguyên nhân nào khiến cơn đau ung thư trở nên ám ảnh đến vậy? Dưới đây, ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã chia sẻ nguyên nhân và giải pháp giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả.

1. Khối u ung thư khiến bệnh nhân có cảm giác đau, tức

Thưa BS, với bệnh nhân ung thư, nguyên nhân nào khiến họ cảm thấy đau? Có những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Đau là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đa số bệnh nhân ít nhiều cũng phải chịu đau.

Đau do ung thư có thể do khối u trực tiếp gây ra. Khối u lớn có thể khiến bệnh nhân đau, tức. Đau cũng có thể từ những khối di căn, ví dụ khối như ung thư vú di căn xương khiến bệnh nhân cảm thấy đau.

Bệnh ung thư có thể làm cho bệnh nhân suy kiệt, suy dinh dưỡng. Tình trạng này khiến bệnh nhân nhạy cảm hơn với cơn đau. Bên cạnh đó, khối u cũng tiết ra một số chất hóa học làm bệnh nhân đau nhiều hơn.

2. Điều trị tốt sẽ khiến bệnh nhân ung thư thoải mái, giảm đau hơn

Mỗi người sẽ có mức độ đau khác nhau. Vậy các y bác sĩ phải làm gì để đánh giá mức độ đau của bệnh nhân ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Đau là một triệu chứng chủ quan, ngưỡng đau của mỗi người khác nhau. Cùng một bệnh, cùng vị trí nhưng có người đau nhiều, có người đau ít.

Mức độ đau cũng phụ thuộc vào vị trí, mức độ lan rộng của khối u, vị trí của các sang thương di căn. Mỗi người sẽ cảm nhận cơn đau theo cách khác nhau.

Để đánh giá mức độ đau của bệnh nhân, cách đơn giản nhất là bác sĩ sẽ hỏi, hoặc có thang điểm từ 1 đến 10. Bên cạnh đó có thể sử dụng một số công cụ thang điểm để bệnh nhân mỗi ngày tự đánh giá. Trong đó sử dụng các khuôn mặt, từ cười tươi đến buồn bã để bệnh nhân đánh giá theo mức độ đau.

Việc đánh giá cơn đau chỉ là cách tương đối do cơn đau thay đổi theo mỗi người. Vì vậy, trong điều trị, lúc nào bác sĩ cũng thăm khám, hỏi sự đáp ứng của bệnh nhân với thuốc giảm đau, thuốc điều trị có tốt không? Nếu điều trị bệnh tốt, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái và giảm đau nhiều. Điều này theo đổi theo từng ngày, theo từng phương pháp điều trị. Vì vậy, việc đánh giá cơn đau của bệnh nhân khá chủ quan, bác sĩ phải thăm hỏi và theo dõi bệnh nhân mỗi ngày, xem mức độ đau có thay đổi theo thuốc đang dùng không?

3. Giảm cơn đau ung thư nhờ thuốc, phẫu thuật và xạ trị

Thưa BS, khi bệnh nhân đau, bác sĩ sẽ làm gì để giúp bệnh nhân ngoài thuốc men ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Với cơn đau do ung thư, thứ nhất phải điều trị triệu chứng. Hiện nay có khá nhiều thuốc giảm đau.

Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường bán tại nhà thuốc như paracetamol.  Một số trường hợp có thể phối hợp thuốc giảm đau thông thường với các thuốc giảm đau khác như meloxicam. Nếu bệnh nhân vẫn còn đau, có thể phối hợp các thuốc giảm đau có nguồn gốc thần kinh. Nếu bệnh nhân đau quá mạnh, có thể sử dụng thuốc giảm đau mạnh hơn có dẫn xuất từ á phiện.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau mạnh đòi hỏi phải đánh giá kỹ, theo dõi sát để kiểm soát tác dụng phụ của thuốc gây ra. Về mặt pháp lý, việc cấp thuốc giảm đau có dẫn xuất từ á phiện có liên quan tới một số quy trình chặt chẽ do Bộ y tế ban hành, tránh hiện tượng lạm dụng.

Bên cạnh điều trị triệu chứng phải điều trị nguyên nhân gây đau, tức là điều trị khối u. Nếu điều trị khối u tốt, bệnh nhân sẽ bớt đau.

Ví dụ: khối u ung thư phổi di căn xương, có thể điều trị thuốc mới, thuốc tốt, điều trị đúng nguyên nhân gây đau. Khi khối u phổi đáp ứng thuốc tốt, nhỏ lại thì khối di căn xương cũng nhỏ lại. Lúc này tự động bệnh nhân sẽ bớt đau.

Ngoài ra, có thể phối hợp các phương pháp khác. Ví dụ: khối ung thư xương gây đau, nếu phối hợp cùng bác sĩ phẫu thuật, có thể mổ cắt bỏ khối u, bệnh nhân sẽ bớt đau. Một khối u di căn não có thể phối hợp xạ trị cũng giúp bệnh nhân bớt đau.

Điều trị khối đau do ung thư có sự phối hợp từ nhiều biện pháp, từ các phương pháp giảm đau thông thường đến các chất giảm đau mạnh, cho tới điều trị khối u, phối hợp với chuyên khoa khác như phẫu thuật hay xạ trị. Điều này tùy theo từng tình huống cụ thể trên từng giai đoạn. Có thể phối hợp nhiều phương pháp khác nhau với mục đích khống chế cơn đau cho bệnh nhân ung thư.

Bệnh nhân đau quá mạnh có thể sử dụng thuốc giảm đau có dẫn xuất từ á phiện

4. Liệu pháp tinh thần trong điều trị ung thư vô cùng quan trọng

Thưa BS, nhiều bệnh nhân chia sẻ ngoài thuốc men, họ sẽ luôn cầu nguyện. Hoặc ai có tín ngưỡng, tôn giáo, họ muốn tin để tâm hồn thư thái hơn. BS có thể đưa ra thêm lời khuyên cho bệnh nhân ạ!

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Liệu pháp về tinh thần trong điều trị đau cho bệnh nhân ung thư rất quan trọng, nhất là đối với bệnh ung thư mạn tính kéo dài.

Ngoài những phương pháp chính thống, bệnh nhân có thể tìm đến phương pháp khác, miễn họ thấy nhẹ nhõm, giải tỏa bớt lo âu. Khi bệnh nhân thoải mái về mặt tinh thần, tự nhiên họ cũng bớt đau.

Ví dụ bệnh nhân có thú vui như nghe nhạc, xem phim. Bệnh nhân của tôi có người thích đi nhà thờ, đi chùa cầu nguyện. Điều này rất tốt, nó giúp bệnh nhân đỡ lo âu bên cạnh điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay xạ trị. Khi bệnh nhân đỡ lo lắng, có cảm giác tin tưởng thì việc điều trị sẽ tốt hơn, tự họ cảm giác nhẹ nhõm và thấy bớt đau.

Bệnh nhân ung thư đừng ngần ngại bộc lộ cơn đau để bác sĩ đánh giá đúng và có những giải pháp điều trị hữu hiệu hơn

5. Đừng sợ lệ thuộc thuốc giảm đau

BS có thể gửi một vài lời khuyên, nhắn nhủ đến những bệnh nhân đang mắc ung thư không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Bệnh ung thư hiện nay được xếp vào loại mạn tính. Việc điều trị cũng có có nhiều tiến bộ. Trong cơn đau, có một số bệnh nhân rất tội nghiệp, họ không dám bộc lộ hết cơn đau của mình. Khi chịu đựng như vậy sẽ gây cảm giác ăn không ngon, ngủ không yên, dễ bị suy kiệt tinh thần, suy dinh dưỡng. Lúc này việc điều trị sẽ không được đảm bảo.

BS khuyên bệnh nhân không cần e ngại khi bộc bạch cơn đau với người thân hay với bác sĩ. Hiện nay có nhiều vũ khí, nhiều phương pháp để khống chế cơn đau. Một số bệnh nhân rất sợ khi nói ra sẽ phải dùng thuốc giảm đau lâu ngày, nhất là thuốc có dẫn xuất từ á phiện có thể gây nghiện, lệ thuộc thuốc. Nhưng bệnh nhân yên tâm, những thuốc giảm đau, ngay cả thuốc giảm đau có dẫn xuất từ á phiện là chế phẩm dành cho y tế. Khi sử dụng với mức độ điều chỉnh vẫn an toàn vì sử dụng có kiểm soát của bác sĩ. Vì vậy, bệnh nhân không cần lo ngại về tác dụng phụ hay lệ thuộc thuốc.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị. Khi điều trị khối u ổn, tự nhiên những triệu chứng do khối u gây ra như đau, mệt, chán ăn sẽ giảm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X