Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hướng dẫn lựa chọn sữa thay thế cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò là một dạng dị ứng thường gặp ở trẻ sơ sinh, có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe của trẻ. ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đưa ra lời khuyên bố mẹ không nên vội vàng tự ý kết luận con mình bị dị ứng sữa, cho trẻ ăn kiêng không phù hợp từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

1. Dị ứng đạm sữa bò không hiếm gặp

Xin hỏi BS, ở Việt Nam, trẻ bị dị úng với đạm sữa bò phổ biến như thế nào và trẻ nào mang trong người nguy cơ dị ứng với đạm sữa bò hơn?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Hiện nay, ở Việt Nam, dị ứng protein đạm sữa bò bắt đầu được phát hiện nhiều hơn, được chú trọng nhiều hơn. Việc dị ứng protein đạm sữa bò không mới mẻ với trẻ em trên toàn thế giới.

Dị ứng protein đạm sữa bò thể hiện khi trẻ uống sữa công thức, thậm chí có trẻ bú sữa mẹ, bị dị ứng nhiều hình thái như nổi mẩn đỏ xung quanh miệng hoặc toàn thân, triệu chứng viêm da cơ địa, táo bón, tiêu chảy, phân có đàm máu.

Trẻ suy dinh dưỡng và còi xương kéo dài mà không giải thích được bằng những nguyên nhân khác thì cần được đưa đi khám để xác định xem trẻ có dị ứng protein đạm sữa bò không.

2. Triệu chứng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ

Khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò sẽ có những biểu hiện như thế nào thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Bất kỳ thức ăn hay sữa công thức nào cũng là chất lạ đối với cơ thể của trẻ khi mới tập ăn. Cơ thể sẽ hiểu rằng đây là một “vật lạ” và phải phòng bị. Tự hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phát hiện và phát tín hiệu để bài trừ những chất này.

Việc bài trừ có thể thể hiện qua việc nổi mề đay, nổi mẩn ngứa hoặc phù mạch, phù mi mắt. Có những trường hợp còn bị sốc phản vệ. Những trường hợp mẫn muộn hơn, thường là sau 48 giờ, trẻ có biểu hiện quấy khóc, đau bụng, táo bón, tiêu đàm máu.

Trường hợp trẻ bị dị ứng protein đạm sữa bò, nếu tiếp tục sử dụng sữa công thức hoặc các chế phẩm từ sữa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ.

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

3. Dị ứng protein đạm sữa bò nặng có thể dẫn đến hiện tượng sốc phản vệ

Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bị dị ứng đạm sữa bò độ nặng và cần đi bệnh viện? Các bác sĩ sẽ điều trị cho trường hợp này như thế nào?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Những trẻ dị ứng protein đạm sữa bò nặng khi tiếp xúc với protein đạm sữa bò, những chế phẩm từ sữa sẽ có dấu hiệu phù mắt, phù môi, khó thở, khò khè, tay chân trẻ tím lạnh. Lúc này, bố mẹ phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay vì có thể là trường hợp sốc phản vệ do thức ăn.

Những trẻ sau khi tiếp xúc với protein đạm sữa bò hoặc những trẻ có tiền căn dị ứng protein đạm sữa bò có biểu hiện đau bụng, viêm da cơ địa, táo bón, viêm ruột, tiêu đàm máu cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và xác định chính xác trẻ có bị dị ứng protein đạm sữa bò sau khi loại trừ các bệnh lý khác hay không.

4. Phân biệt dị ứng đạm sữa bò với bất dung nạp lactose

Xin hỏi BS, tình trạng dị ứng đạm sữa bò và trường hợp bất dung nạp lactose giống nhau và khác nhau như thế nào?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Bất dung nạp lactose thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc người lớn không thường xuyên uống sữa. Khi đó, chúng ta không có men lactase để tiêu hóa lactose trong sữa, dẫn đến xảy ra tình trạng đau bụng và tiêu chảy.

Trẻ em uống sữa liên tục từ nhỏ thường ít xảy ra hiện tượng này. Bất dung nạp lactose thường là trường hợp người lớn không quen sử dụng sữa, đột nhiên uống một lượng sữa lớn gây tiêu chảy. Trường hợp trẻ bị thiếu men lactose bẩm sinh chỉ cần bổ sung lactose hoặc uống các loại sữa không có lactose thì trẻ vẫn bình thường.

Đối với dị ứng protein đạm sữa bò, dù trẻ có uống sữa không lactose hoặc bổ sung thêm lactose thì tình trạng dị ứng, mề đay, sốc phản vệ, viêm ruột, tiêu đàm máu vẫn tiếp tục diễn ra.

Chúng ta có thể phân biệt dễ dàng hai loại tình trạng này.

5. Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có nguy hiểm không?

Ngoài gây dị ứng, việc không dung nạp được đạm sữa bò gây những bất lợi gì đối với sự phát triển về sau của trẻ, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Những trẻ xác định dị ứng protein đạm sữa bò cần có chế độ và kế hoạch để có thể dung nạp lại protein đạm sữa bò. Đạm sữa bò đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ nên cần có kế hoạch để trẻ có thể dung nạp được loại protein đạm sữa bò này. 

Trẻ bị dị ứng protein đạm sữa bò mà không được làm dung nạp protein đạm sữa bò nếu vô tình tiếp xúc phải những thức ăn, sản phẩm có chứa sữa như bánh bông lan, sữa chua, bánh phô mai, kem sẽ dễ rơi vào tình trạng sốc phản vệ, ảnh hưởng đến tính mạng.

6. Điều trị dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò có thể điều trị được không và điều trị như thế nào? Tình trạng dị ứng có được cải thiện khi trẻ lớn lên không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Kiêng khem quá mức khi bị dị ứng đạm sữa bò có thể dẫn đến tình trạng nặng khi vô tình tiếp xúc với protein đạm sữa bò. Việc dị ứng là do khả năng miễn dịch của trẻ coi đạm sữa bò là một “vật lạ”. Do đó, chúng ta phải làm sao để hệ miễn dịch của trẻ nhìn nhận sữa là một “người quen”.

Để từ lạ trở thành quen, chúng ta phải làm quen từ từ. Giống như khi chúng ta gặp một người lạ sẽ có cảm giác phòng bị, sẵn sàng chiến đấu, cơ thể của chúng ta cũng vậy. Khi nhìn thấy protein đạm sữa bò là một chất lạ nguy hiểm, nó sẽ có tư thế chuẩn bị, thậm chí là chủ động tấn công, gây ra những phản ứng quá mẫn không cần thiết.

Ở lần tiếp xúc đầu tiên, hệ miễn dịch đã nhớ protein đạm sữa bò. Những lần tiếp xúc sau, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ mạnh hơn và tấn công ngay.

Vì vậy, trong giai đoạn điều trị ban đầu, chúng ta cần kiêng khem từ 3 - 6 tháng để hệ miễn dịch bắt đầu hoàn thiện, tiếp xúc được với nhiều thứ rồi mới làm quen dần. Khi bắt đầu làm quen, không đưa một lượng lớn vào cơ thể ngay lập tức.

Khi cho cơ thể trẻ làm quen lại với sữa, chúng ta nên cho từng chút một, tăng liều lượng phù hợp với trẻ. Người ta nhận thấy việc làm này khiến cơ thể trẻ dần có hiện tượng dung nạp lại protein sữa bò. Trẻ có thể ăn được từng chút sữa hoặc bánh, sau đó trẻ có thể uống sữa lại bình thường.

Kiêng khem quá mức có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Sau này nếu trẻ vô tình ăn phải thức ăn có sản phẩm từ sữa sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.

Những trẻ xác định dị ứng protein đạm sữa bò cần có chế độ và kế hoạch để có thể dung nạp lại protein đạm sữa bò

7. Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì nên uống sữa gì?

Loại sữa nào phù hợp cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò? Nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, có nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Chúng ta sẽ chia ra 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là nhóm đang bú sữa mẹ. Thật ra, sữa mẹ cũng là một loại sữa động vật nhưng sữa mẹ ít gây dị ứng, ít gây ảnh hưởng lên cơ thể của trẻ vì sữa mẹ ít nhiều tương thích với đứa trẻ được người phụ nữ đó sinh ra.

Người mẹ có thể tiếp tục cho con bú sữa hoặc cho con ăn dặm thêm, hạn chế bú sữa ngoài, tập làm quen dần cho trẻ.

Nhóm thứ hai là trẻ bú sữa công thức hoàn toàn mà phát hiện dị ứng với protein đạm sữa bò có thể sử dụng những sản phẩm sữa thay thế. Protein trong sữa công thức bình thường là protein chuỗi dài, được dùng biện pháp thủy phân để cắt nhỏ đi. Mục đích là làm cho cơ thể không nhận biết được protein đó nữa, đánh lạc hướng hệ miễn dịch để cơ thể hấp thu được.

Chúng ta có 2 lựa chọn sữa. Sữa thủy phân một phần là loại sữa mà người ta đã cắt những chuỗi protein đạm sữa bò nhưng không cắt nhiều. Những trẻ dị ứng ít có thể dung nạp được.

Những trẻ dị ứng protein đạm sữa bò nặng sẽ sử dụng sữa thủy phân hoàn toàn. Đây là loại sữa đã cắt hết tất cả các chuỗi protein thành những sản phẩm rất nhỏ để trẻ dung nạp được.

Tuy nhiên, hai loại sữa này có nhược điểm là không ngon khiến trẻ không muốn uống. Việc tập cho trẻ uống loại sữa này cũng gặp phải trở ngại.

Việc chẩn đoán trẻ bị dị ứng protein đạm sữa bò phải được bác sĩ, chuyên gia đánh giá đúng để đưa vào phương pháp điều trị đúng.

8. Kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về dinh dưỡng

Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cần kiêng những món ăn nào? Các mẹ thắc mắc, trẻ có cần kiêng sữa chua, phô mai không?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Như đã nói, việc kiêng khem quá mức và kiêng khem không đúng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về dinh dưỡng, về sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, những sản phẩm từ sữa giúp ích cho sự phát triển của trẻ.

Khi sử dụng những chế phẩm từ sữa cho trẻ bị dị ứng protein đạm sữa bò, chúng ta cần phải thật cẩn thận. Nếu đang trong thời gian điều trị, phải kiêng khem cho trẻ trong 3 – 6 tháng để niêm mạc ruột và hệ thống miễn dịch phát triển tốt. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách để tập lại chê độ ăn có sữa từng chút một cho trẻ.

Việc cho trẻ tiếp xúc và định lượng phải theo hướng dẫn của chuyên gia và bác sĩ chuyên về dị ứng miễn dịch để trẻ có thể làm quen, sau đó mới tăng dần. Tiếp xúc ngay một lượng lớn sẽ làm cho cơ thể của trẻ dễ bị sốc, biểu hiện ra hình thái bên ngoài rất nặng.

9. Dị ứng protein đạm sữa bò không liên quan đến gen di truyền

Xin BS cho biết, dị ứng đạm sữa bò có di truyền không? Đứa con đầu tiên bị dị ứng thì đứa con thứ hai cũng bị có đúng không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc dị ứng protein đạm sữa bò không có liên quan đến gen di truyền. Khi đứa con đầu tiên bị dị ứng protein đạm sữa bò thì đứa trẻ thứ hai có nguy cơ dị ứng.

Tuy nhiên, đó là do phản ứng cơ địa của từng trẻ nên việc dị ứng protein đạm sữa bò của trẻ thứ hai cần được đề phòng và theo dõi chứ không chắc chắn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X