Hotline 24/7
08983-08983

Ăn mặn gây hại tim mạch - Mẹo giảm muối dễ áp dụng từ Viện Dinh dưỡng

Ăn mặn là yếu tố làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim mạch. Nhằm giúp người dân giảm thiểu lượng muối tiêu thụ hàng ngày, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đưa ra loạt hướng dẫn đơn giản, dễ áp dụng ngay tại bếp ăn gia đình.

Dù ngành y tế đã nỗ lực truyền thông trong nhiều năm, nhưng người Việt vẫn tiêu thụ muối gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (dưới 5g/ngày). Thói quen ăn mặn từ nấu nướng đến thói quen chấm mắm, chan nước kho… đang âm thầm đẩy hàng triệu người đến gần hơn với các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy thận.

Nhằm thay đổi hành vi từ gốc, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khuyến nghị một số mẹo đơn giản nhưng thiết thực, có thể giúp người dân từng bước giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.

Giảm muối ngay từ khi chọn thực phẩm và nấu ăn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thay vì sử dụng thực phẩm chế biến sẵn (chứa nhiều natri ẩn như xúc xích, đồ hộp, mì ăn liền…), người tiêu dùng nên ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống và các phương pháp chế biến đơn giản như luộc, hấp, nướng nhẹ, hạn chế tẩm ướp đậm gia vị.

Đặc biệt, khi nấu các món chiên, xào, kho, nên giảm lượng muối, nước mắm, bột canh cho vào ngay từ khâu sơ chế và nấu. Để tăng vị ngon mà không cần thêm muối, bạn có thể tận dụng các gia vị tự nhiên như tỏi, tiêu, gừng, chanh, ớt, rau thơm…

Tập thói quen ăn nhạt trong bữa cơm hàng ngày

Việc bỏ bát nước chấm trên mâm cơm là một trong những thay đổi quan trọng. Nếu bắt buộc phải dùng, nên pha loãng nước mắm, nước tương và chỉ nên chấm nhẹ, tránh chấm ngập.

Hạn chế thói quen chan nước kho mặn vào cơm, bởi đây là nguồn muối "ẩn" có thể khiến tổng lượng muối trong bữa ăn vượt mức khuyến cáo mà bạn không nhận ra.

Ngoài ra, Viện Dinh dưỡng cũng lưu ý rằng trái cây nên được ăn nguyên vị. Việc chấm trái cây với các loại muối ớt, muối tôm, muối tiêu, ô mai, bột canh... có thể khiến bạn hấp thụ lượng muối vượt mức cho phép một cách vô tình.

Tránh uống hết nước dùng khi ăn bún, phở

Một lời khuyên đáng chú ý khác: khi ăn bún, phở, miến ở hàng quán, người dân không nên uống hết phần nước dùng. Nước phở, nước canh chứa lượng lớn natri từ hạt nêm, bột ngọt, muối và nước mắm - góp phần làm tăng huyết áp nếu lặp lại mỗi ngày.

Các chuyên gia nhấn mạnh, giảm muối không có nghĩa là giảm vị ngon, mà là học cách ăn đúng, điều chỉnh vị giác dần dần. Chỉ cần thay đổi thói quen nhỏ trong mỗi bữa ăn, bạn đang chủ động bảo vệ sức khỏe tim mạch cho bản thân và gia đình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X