Hotline 24/7
08983-08983

Ăn gì để không đầy bụng, khó tiêu?

Đầy bụng, khó tiêu là triệu chứng phổ biến trong những ngày Tết do ăn quá nhiều thức ăn chứa chất béo, tinh bột, đạm, trong khi ít chất xơ như rau xanh. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành sẽ chia sẻ một số bí quyết giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng đầy bụng, khó tiêu này.

1. Vì sao dịp Tết lại dễ gặp tình trạng chướng bụng, khó tiêu?

Đầy bụng, cảm giác ậm ạch, sình bụng, khó tiêu là những tình trạng thường gặp trong dịp Tết. Trước tiên xin hỏi BS, vì sao mỗi khi Tết đến Xuân về, các triệu chứng này lại đe dọa chúng ta nhiều hơn ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Không chỉ những ngày Tết mới xuất hiện tình trạng ậm ạch, khó tiêu, đầy bụng. Thông thường một bệnh nhân hoặc một người than phiền khó tiêu hay chướng bụng, đầy bụng thường có triệu chứng:

- Cảm giác đầy, vùng trên rốn đầy hơi khó chịu.

- Nặng bụng ở vùng dưới rốn (hơn vùng trên rốn).

- Cảm giác hơi trong bụng rất nhiều và muốn thoát ra nhưng không được.

- Khó chịu, ậm ạch, không muốn ăn, bụng đói nhưng không ăn được, đôi khi bụng có thể to ra.

Nguyên nhân này liên quan đến rất nhiều vấn đề, có thể là triệu chứng cơ năng hoặc triệu chứng thực thể. Tết là dịp chúng ta có thời gian rảnh để nghỉ ngơi, ăn uống nhiều thực phẩm và nhịp sinh học cơ thể bị thay đổi. Khi chúng ta ăn rất nhiều, ăn không đúng giờ giấc, gia đình sum họp nên vừa ăn vừa nói chuyện. Đôi khi thực phẩm đã dự trữ một vài ngày sẽ lên men hoặc một số thực phẩm được muối sẽ làm quá trình tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn. Việc ăn quá nhiều sẽ làm người bệnh đầy bụng, khó chịu trong những ngày Tết.

ThS.BS Trần Kinh Thành - Bác sĩ khoa Nội Tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115

2. Cần lưu ý gì khi bị đầy bụng, khó tiêu trong ngày Tết?

Khi gặp tình trạng này, chúng ta nên xử trí như thế nào, thưa BS? Những điều nên làm và những điều cần tránh khi bị đầy bụng, khó tiêu trong ngày Tết?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi ăn uống quá mức, dạ dày sẽ bị quá tải và dày không giãn nở (co bóp) kịp. Tết thường sẽ có những thực phẩm khó tiêu như nem chua, lỗ tai heo,… Trong quá trình ăn uống không nhai kỹ, ăn nhanh, ăn nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng trương phình dạ dày, dẫn đến thở mệt, khó tiêu.

Trong Tết hệ thống y tế chỉ xử lý mang tính cấp cứu, một số nhà thuốc không mở cửa. Như vậy chúng ta có thể sử dụng những cách từ dân gian, để giúp vấn đề tiêu hóa tốt hơn tạm thời như:

- Lấy một ít gừng tươi nướng lên và bỏ vào nước uống. Vì gừng có vị ấm sẽ làm tiêu hóa thuận lợi, dễ dàng hơn.

- Khi ăn quá nhiều đồ ăn có chất đạm, chất béo sẽ làm hệ tiêu hóa tiết ra một số men và không kịp tiêu hóa. Ví dụ như tụy sẽ tiết ra men amylase, lipase, trypsin để tiêu hóa chất béo hoặc cắt đạm. Khi đó hãy ăn một ít đu đủ hoặc thơm. Vì trong đu đủ có thành phần chất papain và thơm có bromelain là những chất giúp cắt bớt chất đạm, thay các men khi đường ruột tiêu hóa chưa tiết ra kịp

Một số trường hợp có thể đến nhà thuốc mua những sản phẩm không kê toa. Trong đó có viên sủi có thành phần men tiêu hóa hỗ trợ làm mềm thức ăn và giải quyết được tình trạng khó tiêu tạm thời.

3. Có phải uống nước ngọt có ga sẽ giúp giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu?

Một số người cho rằng vừa ăn vừa uống nước ngọt có gas, uống soda… sẽ giúp giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Theo BS điều này có đúng không, và có tốt cho sức khỏe không?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi chúng ta ăn một bữa ăn quá thịnh soạn có nhiều chất đạm, chất đường và chất béo thì một số phụ nữ hoặc trẻ con nghĩ rằng uống nhiều nước ngọt có gas sẽ giải quyết được các triệu chứng, làm cho bữa ăn ngon miệng hơn. Nhưng thực tế những chất có gas hay chất tạo ngọt sẽ vô tình đưa lượng khí vào đường ruột nhiều hơn.

Bình thường trong ống tiêu hóa có một lượng khí sinh lý. Nghĩa là dạ dày có một bóng hơi dạ dày (vùng phình vị). trong đó chứa một lượng khí rất ít và không đủ gây ra triệu chứng đầy hơi, chướng bụng. Ngay cả ruột non và đại tràng cũng có một ít khí. Khi có sự mất cân bằng lượng khí này, gia tăng từ 200ml khí trở lên sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầy hơi, chướng bụng. Lượng khí gia tăng này có trong:

- Khi ăn uống chúng ta không nhai kỹ và khi nuốt nhanh sẽ đưa một lượng khí từ bên ngoài vào.

- Vừa ăn vừa nói chuyện.

- Bánh chưng có chất đạm, mỡ, đậu, chất bột sẽ làm cho việc tiêu hóa khó khăn hơn. Khi kết hợp với một số thực phẩm lên men đồng thời có muối như dưa kiệu, dưa hành,… sẽ gây khó tiêu, dễ sinh hơi.

- Khi sử dụng quá nhiều chất tạo ngọt và chất có gas sẽ cảm thấy dễ chịu. Nhưng thực tế lượng ga đưa vào sẽ vô tình tạo ra lượng gas nhiều hơn và làm chúng ta có cảm giác phải ợ mới có thể dễ chịu.

Về mặt y học trong tiêu hóa sẽ có một số nhóm thuốc giúp giải phóng những khí gas là simeticon, được bán ở nhà thuốc. Và một số sản phẩm kết hợp có thể không kê toa. Vai trò của chất này có cơ chế làm những bọt khí nhỏ trong đường tiêu hóa bể ra và tạo thành lượng khí lớn hơn. Khi đó sẽ kích thích hệ tiêu hóa bằng cách:

- Gây một phản xạ ợ tự nhiên.

- Trong một số trường hợp đường tiêu hóa thông thoáng có thể xì hơi. Lúc này sẽ cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu.

4. Khi bị đầy bụng, khó tiêu có nên sử dụng men tiêu hóa?

Khi bị đầy bụng, khó tiêu, người bệnh nên uống thuốc gì không cần kê đơn để giảm thiểu tình trạng khó chịu này ạ?

- Nên hay không nên dùng men tiêu hóa trong trường hợp này? Nếu dùng thì lưu ý gì trong liều lượng và cách sử dụng, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Men tiêu hóa là một trong những sản phẩm có thể hỗ trợ trường hợp này rất nhiều. Cần phân biệt giữ men vi sinh và men tiêu hóa.

Men vi sinh là sản phẩm của probiotic có từ những vi khuẩn có lợi. Men tiêu hóa là men chứa những thành phần có thể hỗ trợ khi đường tiêu hóa tiết ra không kịp. Trong men tiêu hóa có một số thành phần như amylase do tuyến tụy tiết ra, trypsin để cắt đạm, một số papain từ trái cây như đu đủ hoặc bromelain từ thơm. Giúp tiêu hóa dễ dàng một số chất mỡ, chất đạm và chất đường. Hỗ trợ đường tiêu hóa và giải quyết triệu chứng này.

5. Những nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu

Nhờ BS chia sẻ những nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết chúng ta cần nhớ trong ngày Tết để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Một số nguyên tắc cơ bản giúp chúng ta có ngày Tết vui vẻ, an toàn, thoải mái là:

- Ăn uống đúng giờ, hạn chế tối đa việc thay đổi nhịp sinh học.

- Hạn chế các chất béo, nếu ăn bánh chưng thì nên hạn chế các món như thịt kho, mỡ.

- Có sự cân bằng: Ăn vừa đủ no, không làm quá tải đường ruột.

- Không uống quá nhiều chất kích thích như rượu, bia; các chất tạo ngọt, nước trái cây quá ngọt như nước ngọt có gas,…

- Những người có bệnh lý dạ dày nên hạn chế những thực phẩm lên men hoặc muối mặn như: dưa hành, dưa kiệu, cải chua.

- Sau khi ăn nên vận động ruột. Đi tới đi lui nhẹ nhàng để ruột hoạt động tốt. Tập động tác massage bụng từ phải sang trái để giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả và tránh hiện tượng đầy bụng, khó tiêu.

6. Trà xanh, trà đen, trà gừng, trà hoa cúc có giúp tiêu hóa tốt hơn?

Một số loại trà như trà xanh, trà đen, trà chanh, trà gừng, trà hoa cúc… được cho là giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Song cũng có thông tin rằng uống trà sau khi ăn là không tốt. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trong thành phần của các loại trà nói chung sẽ có một số chất giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên không nên lạm dụng trà như pha trà với nồng độ đậm đặc hoặc sử dụng trà thay nước lọc. Không khuyến cáo sử dụng trà thay thế bất kỳ loại nước nào cần dùng trong ngày.

Trong thực phẩm cần có sự cân bằng, khi sử dụng phải biết như thế nào là đúng. Vì có nhiều bệnh nhân sử dụng không đúng cách, sử dụng liên tục, kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Đặc biệt là ảnh hưởng đến thận và gan.

7. Trái cây nào giúp tiêu hóa nhanh hơn, giảm đầy bụng, khó tiêu?

Sau khi ăn, chúng ta nên tráng miệng bằng các loại hoa quả nào để tiêu hóa nhanh hơn và giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Một số trái cây về mặt tiêu hóa được khuyến cáo:

- Nếu bữa đó chúng ta ăn quá nhiều chất đạm, chất béo, thì nên ăn kèm chất xơ là rau xanh để giải quyết một số tình trạng tiêu hóa, giúp đường ruột thông thoáng.

- Để cắt đạm, nên ăn thực phẩm có chứa những chất có thể thay thế một phần các men tiêu hóa như đu đủ hoặc thơm.

- Bưởi cũng sẽ giúp quá trình tiêu hóa dễ hơn.

8. Cách vận động trong ngày Tết để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa?

Cuối chương trình, nhờ BS hướng dẫn thêm về cách vận động trong ngày Tết để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng đầy bụng, khó tiêu ạ!

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để có đường ruột khỏe mạnh trong ngày Tết chúng ta nên:

- Ăn những thực phẩm của ngày Tết, tuy nhiên nên chia nhiều bữa.

- Trong quá trình ăn nên nhai kỹ, hạn chế ăn nhanh, tránh ăn đêm, không nên ăn trước khi ngủ 2 tiếng.

- Hạn chế tối đa các chất có cồn như rượu, bia. Theo khuyến cáo nên uống với lượng cho phép để kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn. Đối với nam không nên uống quá 2 lon bia và nữ không quá 1 lon.

- Hạn chế các nước có ga nhiều như nước ngọt.

- Dưa hấu có nhiều đường nên sẽ rất ngọt. Theo khuyến cáo không nên uống nước ép dưa hấu mà có thể ăn một vài miếng dưa sau khi ăn sẽ không tạo cảm giác đầy bụng, khó chịu.

- Sau khi ăn nên nghỉ ngơi 15 - 20 phút.

- Hạn chế không ngồi một chổ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng.

- Trường hợp những người hạn chế về mặt vận động có thể tập các bài tập massage vùng bụng (xoa bụng từ phải sang trái) để kích thích, làm nhu động ruột hoạt động thông thoáng.

- Phải uống đủ nước, bình quân nên uống từ 2 - 2,5l nước tùy theo trọng lượng cơ thể hoặc độ tuổi, giới tính. Trung bình người lớn trên 18 tuổi theo khuyến cáo nên uống từ 2 - 2,5l nước để đảm bảo lượng nước và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X