Hotline 24/7
08983-08983

Ai nên tiêm ngừa vắc xin cúm, tác dụng bảo vệ thế nào, phản ứng sau tiêm ra sao?

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, đây là hiện tượng bình thường, do tâm lý lo lắng của người Việt Nam, tuy nhiên nên tiêm ngừa trước, không đợi đến khi bệnh xảy ra mới bắt đầu đi tiêm.

1. Thời tiết lạnh làm bệnh cúm gia tăng

Đầu tiên xin hỏi BS, tình hình bệnh cúm ở nước ta hiện nay như thế nào, đâu là nguyên nhân làm số ca mắc gia tăng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tình hình bệnh cúm ở Việt Nam vẫn là cúm mùa.

Tuy nhiên, khi thời tiết lạnh virus cúm sẽ sống lâu hơn bên ngoài môi trường, làm tăng khả năng lây nhiễm. Các nước càng lạnh số ca mắc cúm càng cao, tương tự ở Việt Nam thì miền Trung và miền Bắc lạnh hơn miền Nam nên có số ca mắc cúm cao hơn.

Bên cạnh đó, khi trời lạnh mà mắc cúm sẽ dễ gây biến chứng và triệu chứng có thể nặng và kéo dài hơn nên chúng ta nhận thấy số ca mắc nhiều, trong đó có trường hợp nặng và tử vong.

2. Tâm lý lo lắng làm gia tăng số người đi tiêm ngừa cúm

Gần đây, nhiều thông tin về gia tăng số ca mắc cúm và trở nặng làm người dân lo lắng và xếp hàng đi tiêm ngừa. Vậy điều này có đúng không BS, những ai nên tiêm vắc xin cúm? Ngoài nhóm người có nguy cơ thì người khỏe mạnh, thanh niên có cần tiêm vắc xin?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây là hiện tượng bình thường, do tâm lý lo lắng của người Việt Nam, đã từng xảy ra nhiều đợt “quá tải ảo” vắc xin, không riêng bệnh cúm.

Nên tiêm ngừa trước, không đợi đến khi bệnh xảy ra mới bắt đầu đi tiêm.

Một số nước lạnh và tùy theo nguy cơ của quốc gia đó, chi trả BHYT hay miễn phí mà sẽ tiêm ngừa cho các đối tượng nguy cơ chứ không tiêm cho toàn bộ dân.

Ở Việt Nam, việc tiêm ngừa cúm tùy thuộc vào ý thức và kinh tế của người dân.

Theo hướng dẫn của thế giới có quy định rõ về những nhóm nguy cơ cần tiêm ngừa cúm:

- Em bé dưới 5 tuổi, đặc biệt là dươi 2 tuổi được khuyên nên tiêm ngừa

- Người lớn tuổi trên 65 tuổi (một số nước trên 60 hoặc 62 tuổi)

- Nhóm nguy cơ dù ở bất cứ lứa tuổi nào: bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì,…

- Phụ nữ mang thai.

Thanh niên khỏe mạnh bình thường, ít bệnh không cần thiết tiêm ngừa cúm. Tuy nhiên nếu không thuộc nhóm nguy cơ nhưng thường mắc bệnh vặt hoặc sống chung với người có nguy cơ bệnh cúm nặng nhưng từ chối tiêm chủng thì mình phải tiêm ngừa.

3. Ở miền Nam có cần tiêm ngừa cúm?

Thời tiết lạnh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc cúm, vậy ở miền Nam nắng ấm có nên tiêm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cúm ở miền Nam diễn ra quanh năm, khi thay đổi thời tiết sẽ mắc nhiều hơn.

Dù sống ở vùng nào mà thuộc nhóm nguy cơ cũng nên tiêm ngừa, không đợi đến thời tiết lạnh.

4. Tác dụng và tác dụng phụ của vắc xin cúm

Vắc xin cúm có tác dụng gì thưa BS, ngoài ra thì có thể gặp các tác dụng phụ nào ạ? Phản ứng sau tiêm của vắc xin cúm có gây khó chịu nhiều không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin cúm là vắc xin bất hoạt (kháng nguyên), không phải là virus sống giảm độc lực nên không thể gây bệnh.

Vắc xin cúm không thể gây ra bệnh cúm, mà chỉ có một số tác dụng không mong muốn như làm cơ thể cảm thấy lạnh như mắc cúm, đây là phản ứng của cơ thể để tạo ra kháng thể.

Ngoài ra sẽ có một số tác dụng phụ giống với các vắc xin khác như sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng chính ngừa; sốt, mệt mỏi,… sau đó tự hết trong khoảng 24 - 48 tiếng.

Vắc xin cúm sẽ có tác dụng ngừa cúm và ngừa đúng chủng được tiêm. Đây là vắc xin kinh điển, được sản xuất từ lâu và sử dụng rất nhiều nên tính an toàn cao.

5. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có thể tiêm ngừa cúm

Trẻ nhỏ từ bao nhiêu tuổi có thể tiêm vắc xin cúm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có thể tiêm ngừa cúm, sau 5 tuổi khả năng mắc bệnh sẽ ít hơn, tùy vào môi trường và bệnh nền của trẻ.

Vắc xin cúm ở trẻ em giống với người lớn, cũng có tác dụng phụ tương tự, không cần thiết phải theo dõi đặc biệt.

6. Phụ nữ mang thai, bệnh nhân ung thư, suy thận cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin cúm?

Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân dị ứng, suy thận... cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin cúm ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ nữ mang thai có thể tiêm ngừa cúm bất cứ lúc nào, khuyến cáo nên tiêm sau 12 tuần mang thai nếu không khẩn cấp. Tuy nhiên, trước 12 tuần mang thai mà xung quanh nhiều người mắc bệnh, không có khả năng phòng ngừa, không thể đeo khẩu trang hay ở nhà thì nên tiêm ngừa. Vì vắc xin cúm là kháng nguyên nên không ảnh hưởng đến thai nhi.

Vắc xin sống giảm độc lực mới cần cân nhắc cho bệnh nhân ung thư, còn vắc xin cúm là vắc xin bất hoạt nên khi tình trạng sức khỏe ổn định các bệnh nhân ung thư, suy thận có thể tiêm ngừa.

7. Vì sao đã tiêm ngừa cúm nhưng vẫn mắc cúm?

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi là vì sao đã tiêm ngừa cúm nhưng vẫn bị mắc cúm? Và nếu đã mắc bệnh thì năm sau có cần tiêm lại nữa không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi tiêm ngừa cúng có thể gặp một số tác dụng phụ giống cúm nên nghĩ là bị cúm.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm ngừa vẫn có thể bị cảm do virus khác chứ không phải cúm.

Vắc xin cúm chỉ ngừa 4 chủng chính. Hằng năm, phải theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, giám sát virus cúm lưu hàng của năm trước và điều chế ra vắc xin cho năm nay. Không thể điều chế ra vắc xin cho toàn bộ virus đang lưu hành mà sẽ sản xuất các chủng chính, nên một số người đã tiêm ngừa cúm nhưng vẫn mắc cúm.

Vắc xin có tác dụng ức chế chéo, nên đa số những người đã tiêm ngừa bệnh hoặc trước đó tiêm ngừa hằng năm nhưng năm nay quên thì khi mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn vì có miễn dịch nền.

8. Việt Nam hiện đang lưu hành các loại vắc xin cúm nào?

Thưa BS, tại Việt Nam hiện đang lưu hành các loại vắc xin nào, chi phí ra sao ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có nhiều hãng sản xuất vắc xin cúm trên thế giới.

Vắc xin cúm nhập khẩu về Việt Nam gồm có Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn 3 dòng chính là của Việt Nam, Pháp, Hà Lan sản xuất.

Các vắc xin này đều có giá trị tương đương với nhau, tùy vào lựa chọn của người sử dụng.

9. Người dân nên đến cơ sở nào để tiêm vắc xin cúm?

Hiện nay, người dân có thể đến các cơ sở nào để được tiêm vắc xin cúm?

- Bệnh viện công, Bệnh viện tư, Trung tâm Y tế và Trung tâm chuyên vắc xin giống và khác gì quy trình bảo quản?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cơ sở được cấp phép tiêm ngừa đa số sẽ đạt chuẩn. Tuy nhiên, việc đăng ký mở phòng tiêm ngừa sẽ không có kiểm định mà chỉ cần đăng ký, nộp hồ sơ.

Vắc xin cúm không phải là vắc xin mới và là vắc xin dễ bảo quản nhưng nên lựa chọn cơ sở uy tín, đáng tin cậy để tiêm ngừa.

10. Lưu ý khi tiêm vắc xin cúm

Trước, trong và sau khi tiêm cần lưu ý gì thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi cơ thể cảm thấy khỏe mạnh, không mệt mỏi hay đang trong giai đoạn bệnh cấp tính thì có thể tiêm ngừa cúm dù đang uống bất kỳ thuốc gì.

Các trường hợp nên tiêm ngừa trong bệnh viện:

- Có bệnh nền quá nặng

- Quá lo lắng khi tiêm ngừa

- Dị ứng nặng với thức ăn hoặc thuốc.

Nếu có tiền căn dị ứng với vắc xin cúm thì không nên tiêm.

Sau khi tiêm cần theo dõi 30 phút tại phòng tiêm và theo dõi 24 tiếng tại nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X