8 nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp gối không thể bỏ qua
Thoái hóa khớp gối gây ra nhiều bất tiện, khó khăn và cản trở cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Việc tìm hiểu nguyên nhân thoái hóa khớp gối giúp người bệnh biết cách phòng tránh và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Khớp gối là một trong những vị trí khớp phải vận động và di chuyển thường xuyên. Chính vì vậy mà các vấn đề thường có xu hướng tập trung ở vị trí khớp này, trong đó có tình trạng thoái hóa.
Thoái hóa là tình trạng mãn tính và không thể chữa trị hoàn toàn. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về nguyên nhân gây bệnh là điều rất cần thiết. Khi xác định được nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối, bạn sẽ dễ dàng trong việc phòng ngừa bệnh lý này.
Các nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối thường gặp như:
1. Tuổi và giới tính
Theo thời gian, hệ cơ xương sẽ dần bị lão hóa một cách tự nhiên. Cùng với tuổi tác, nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp sẽ tăng cao bởi lúc này sụn khớp sẽ dần yếu đi khiến các khớp bị viêm. Mặt khác, phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có khả năng bị thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới. Từ 65 tuổi trở đi, tình trạng thoái hóa khớp sẽ diễn ra nhanh hơn và thường xảy ra ở khớp gối, khớp bàn tay,…
Lão hóa thường xuất hiện ở những người cao tuổi, quá trình này ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó có xương khớp. Khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, những tế bào ở các cơ quan sẽ giảm khả năng sinh sản và tái tạo. Tế bào ở mô sụn của khớp vì thế mà trở nên thiếu linh hoạt, dễ bị tổn thương và bào mòn khi có tác động.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết khi lớn tuổi, quá trình trao đổi và tổng hợp thành phần sẽ suy giảm. Xương khớp không có đủ thành phần cần thiết để sản sinh tế bào, dịch nhầy và phục hồi mô sụn sẽ dần rơi vào trạng thái suy yếu và thoái hóa.
2. Di truyền
Các vấn đề xương khớp đều có xu hướng di truyền ở những người thân cận huyết. Bệnh thoái hóa khớp gối thường không di truyền trực tiếp mà do thừa hưởng những khiếm khuyết trong cấu trúc xương. Sau này, các khiếm khuyết này sẽ phát triển và gây tổn thương lên hệ thống xương khớp. Nếu gia đình bạn có người thân mắc bệnh lý này, bạn nên thăm khám thường xuyên để kịp thời phát hiện và tiến hành điều trị.
3. Tính chất công việc và làm việc sai tư thế
Tính chất công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến xương khớp gối, nhất là khi làm những công việc nặng nhọc. Khi cơ thể lao động nặng, áp lực này sẽ tác động lên các khớp xương. Tình trạng kéo dài khiến mô sụn bị bào mòn và tổn thương.
Vì khớp gối là vị trí khớp linh hoạt và được sử dụng thường xuyên nên tổn thương thường xuất hiện ở khớp này đầu tiên.
Tư thế sinh hoạt và làm việc cũng là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ cơ xương khớp: chạy nhảy quá nhiều, ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong ngày. Trong thời gian dài, việc ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế cũng gây áp lực lên các khớp và dễ dẫn đến thoái hóa khớp, nhất là đối với dân văn phòng, công nhân may mặc,…
Ngoài ra, việc trẻ phải đeo cặp sách nặng trong thời gian dài hoặc lao động nặng quá sớm khi hệ cơ xương còn đang trong giai đoạn phát triển cũng gây ảnh hưởng lớn đến hệ cơ xương. Trong tương lai, trẻ có nguy cơ cao phải đối mặt với các bệnh xương khớp từ rất sớm.
Xem thêm: Điều trị thoái hóa khớp gối bằng y học cổ truyền
4. Thừa cân, béo phì
Thừa cân - béo phì là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối phổ biến và đang có xu hướng gia tăng. Trọng lượng cơ thể cao làm tăng áp lực lên xương khớp, khiến khớp dễ bị tổn thương và thoái hóa.
Hơn nữa, những người béo phì thường có xu hướng ít vận động. Không được vận động thường xuyên khiến khớp cứng và thiếu linh hoạt. Tình trạng này cộng với áp lực từ cơ thể sẽ tạo điều kiện cho bệnh thoái hóa xuất hiện.
5. Chấn thương
Chấn thương khi sinh hoạt, làm việc hay chơi thể thao có thể gây ra thoái hóa khớp nếu không được điều trị dứt điểm. Tình trạng này sẽ khiến một hoặc nhiều bộ phận của khớp bị hư hại. Lúc này ổ khớp không ổn định và có xu hướng nhạy cảm hơn với những tác động vật lý.
Ngoài ra, chấn thương có thể khiến mạch máu bị vỡ và xuất hiện cục máu đông. Cục máu đông chặn lưu lượng máu, oxy và dưỡng chất đến khớp gối. Theo thời gian, khớp giảm mật độ xương và không còn duy trì được khả năng vận động như trước.
Chấn thương không được điều trị hoàn toàn còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như nhiễm trùng khớp, hoại tử vô mạch,…
6. Biến chứng từ các bệnh rối loạn chuyển hóa
Các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa như gout, tiểu đường,… được xem là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Các nhà khoa học cho biết, người bị rối loạn chuyển hóa thường không thể tổng hợp các thành phần cơ thể cần. Vì vậy xương sẽ không đủ dưỡng chất để duy trì độ chắc khỏe và cứng cáp.
Bên cạnh đó, rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân khiến xương suy yếu. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Estrogen và progesterone trong nội tiết tố nữ không chỉ có vai trò trong việc duy trì vóc dáng và chức năng sinh lý mà còn đóng vai trò trong quá trình tổng hợp collagen. Collagen là một protein quan trọng trong mô sụn, khi collagen suy giảm mô sụn sẽ trở nên khô cứng và dễ bị bào mòn.
Xem thêm: Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân và triệu chứng
7. Dinh dưỡng không hợp lý
Cơ thể cần được bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D để đảm bảo hệ xương khớp luôn chắc khỏe. Những người không đảm bảo được những dưỡng chất quan trọng này cho cơ thể sẽ có nguy cơ cao đối mặt với bệnh loãng xương, thoái hóa khớp và một số bệnh lý về xương khớp khác.
Ngoài ra, những người thường xuyên sử dụng chất kích thích, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến hệ xương khớp bị suy yếu, tăng nguy cơ thoái hóa. Ngoài ra, những người thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, đồ hộp, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo cũng có thể gây tăng cân và gây hại cho xương khớp.
8. Sử dụng Corticoid không đúng cách
Corticoid được sử dụng nhiều trong điều trị chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch. Nhưng nếu lạm dụng và dùng không đúng chỉ định của bác sĩ có thể làm gia tăng mức độ thoái hóa khớp gối.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình