6 lời khuyên từ chuyên gia giúp bạn bảo vệ trái tim khỏe mạnh
Nhân Ngày Tim mạch Thế giới (29/9/2024), chuyên gia từ Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam đã hướng dẫn cộng đồng những bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch. Mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ đem lại sự thay đổi rất lớn đến sức khỏe trong tương lai.
1. Tự nhận diện các yếu tố nguy cơ của bản thân để chủ động phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch
Thưa BS, người dân có thể làm gì để chủ động phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch? Thăm khám kiểm tra thế nào để không bỏ sót bệnh?
TS.BS Trần Hòa - Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Các bệnh lý tim mạch thường có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, phụ nữ béo phì, có biến cố trong thai kỳ, mắc bệnh lý phụ khoa, mãn kinh sớm… dễ có những bệnh lý tim mạch hay biến cố sớm.
Hút thuốc lá chủ động và thụ động đều ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch.
Người có càng nhiều những vấn đề sau đây càng có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: béo phì, ít vận động, tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao…
Như khẩu hiệu của Liên đoàn Tim mạch Thế giới 2024, mỗi chúng ta phải nhận diện được bản thân đang có những yếu tố nguy cơ nào, từ đó chủ động tầm soát các bệnh lý này. Người khỏe mạnh nên dành thời gian kiểm tra sức khỏe mỗi năm, gồm đo huyết áp, thực hiện các xét nghiệm máu thường quy (đường máu, bộ mỡ trong máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, chức năng thận). Đó là bước sơ khởi để tầm soát một số yếu tố nguy cơ.
Với những trường hợp khác, tùy theo nguy cơ, có thể phải đo điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang phổi. Dựa theo yếu tố nguy cơ của từng cá nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, chẳng hạn tầm soát thêm xơ vữa động mạch dưới lâm sàng bằng siêu âm doppler động mạch cảnh, siêu âm động mạch chủ bụng, siêu âm mạch máu.
Nếu bệnh nhân có yếu tố tăng huyết áp, bắt buộc phải xét nghiệm nước tiểu tìm đạm niệu; siêu âm tim, điện tâm đồ để khảo sát độ dày thành tim.
Bác sĩ có thể giúp đỡ trong việc phát hiện sớm bệnh hoặc tầm soát những yếu tố nguy cơ nhưng bản thân mỗi người cần chủ động đến gặp bác sĩ để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình.
2. Thực hành lối sống lành mạnh, quản lý các bệnh rối loạn chuyển hóa và kiểm tra sức khỏe thường xuyên
BS có lời khuyên nào cho cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe tim mạch để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch và những biến cố đáng tiếc?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Việc dự phòng là không chờ đợi. Chúng ta không chờ đợi đến khi có những biểu hiện của bệnh hay đã xảy ra biến cố mới bắt đầu thay đổi lối sống. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra thông điệp về việc chủ động dự phòng.
Đầu tiên là về ăn uống. Một chế độ ăn uống lành mạnh vô cùng quan trọng trong việc dự phòng các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… Không cần phải quá kiêng khem nhưng nên hạn chế muối, chất béo, chất ngọt, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ calo để duy trì các hoạt động thường ngày.
Cả khi chưa có hay đã có vấn đề tim mạch đều nên ăn nhiều rau xanh, cá, đồng thời giảm bớt lượng mỡ, thịt, hải sản.
Thứ hai là tập luyện thể dục. Nên có chế độ vận động, tập luyện ngay từ trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra, những người vận động thể lực đều đặn sẽ giảm được nguy cơ mắc và gặp các biến cố do bệnh lý tim mạch.
Thứ ba, thuốc lá cực kỳ độc hại, không chỉ đối với sức khỏe tim mạch mà còn liên quan đến các bệnh lý về phổi, hô hấp, ung thư. Tôi nghĩ chúng ta cần tuyệt đối nói không với thuốc lá.
Thứ tư, trong những năm gần đây, stress và căng thẳng được bàn luận khá nhiều. Chúng ta cần có kế hoạch quản lý stress hiệu quả vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.
Thứ năm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến chất lượng giấc ngủ. Ngủ đủ và ngủ ngon cũng góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Thứ sáu, bệnh nhân đều cần có phương án quản lý thật tốt các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn nếu có béo phì, người bệnh phải giảm cân triệt để. Cộng đồng cần ý thức được rằng béo phì không còn là vấn đề cân nặng mà là một căn bệnh tương đương với đái tháo đường, tăng huyết áp.
Nếu có tăng huyết áp, người bệnh phải tuân thủ điều trị để đạt được huyết áp mục tiêu. Đái tháo đường, rối loạn lipid máu đều cần điều trị thật tốt.
Để đảm bảo sức khỏe tim mạch, người dân cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những vấn đề tiềm ẩn thông qua xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm,…
3. Dự phòng các vấn đề tim mạch càng sớm càng tốt
Trên cương vị Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch, thành viên Hội Tim mạch Việt Nam, BS cho rằng cần làm gì để nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm biến hiểu biết thành hành động để bảo vệ sức khỏe trái tim?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Với cương vị Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam, tôi ý thức sâu sắc về các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tôi mong muốn tất cả mọi người đều hiểu rõ về nguy cơ tim mạch của bản thân và tham gia vào quản lý sức khỏe cá nhân, sức khỏe cộng đồng.
Đây không phải là vấn đề của riêng một ai. Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam cũng như các hội nghề nghiệp khác, luôn chú trọng vào vấn đề truyền thông. Hiện nay, việc quản lý bác sĩ trong việc có một phác đồ chung trong xử lý bệnh đang được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, làm thế nào để cộng đồng cũng có kiến thức về nguy cơ bệnh lý tim mạch để thay đổi lối sống phù hợp hơn.
Như đã trình bày, việc dự phòng được thực hiện càng sớm càng tốt. Bắt đầu hành động từ hôm nay để gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong tương lai.
4. Người có bệnh lý tim mạch cần tuyệt đối tuân thủ điều trị
Những người đã mắc bệnh tim mạch cần lưu ý điều gì để kiểm soát bệnh một cách tối ưu, tránh được những biến chứng nguy hiểm, thưa BS?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Từ các bệnh lý đơn giản ở mức độ nhẹ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao đến các biến cố nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim… là một quá trình. Vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa bệnh lý hiện có xảy ra biến cố.
Hầu hết các bệnh lý thường được nhắc đến như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao… đều cần được theo dõi và điều trị lâu dài, hay có thể nói là điều trị suốt đời. Bệnh nhân cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ về chế độ không dùng thuốc: giảm cân, không ăn mặn, tập thể dục, bỏ hút thuốc lá.
Việc dùng thuốc điều trị cũng cần có sự tuân thủ tuyệt đối. Tuân thủ tốt trong vòng nhiều năm nhưng chỉ cần ngưng thuốc khoảng 1 tuần hay 1 tháng đã có thể dẫn đến biến cố đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận… Các biến cố luôn chực chờ trong trường hợp bệnh nhân lơ là điều trị.
Cảm ơn AloBacsi đã tạo cơ hội cho tôi được chia sẻ với bạn đọc nhân Ngày Tim mạch Thế giới 29/9/2024. Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh, dự phòng các bệnh lý tim mạch không là câu chuyện của riêng cá nhân nào.
Chúng ta có ý thức để bảo vệ sức khỏe của chính mình, của những người thân yêu và của cả cộng đồng. Đó là thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi đến quý bạn đọc thân yêu của AloBacsi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình