Hotline 24/7
08983-08983

“6 không” để phòng ngừa viêm dạ dày ở trẻ em

Có những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng đang ngày một gây tổn hại tới dạ dày và đường tiêu hóa của trẻ. Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, không bỏ bữa, không ăn quá nhanh, không nô đùa sau khi ăn, không ăn quá no, không ăn đồ cay nóng, không bị áp lực là cách để phòng ngừa viêm dạ dày và ngăn chặn bệnh tái phát ở trẻ.

3 nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em

Tình trạng viêm dạ dày ngày càng phổ biến ở trẻ em. Xin hỏi BS, những nguyên nhân hoặc yếu tố nào dẫn đến sự gia tăng căn bệnh này ở trẻ em như vậy?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ con ít bị viêm dạ dày hơn so với người lớn. Những trẻ lớn có thể bị viêm dạ dày do stress, bị lây HP trong quá trình sinh hoạt hoặc cách ăn uống không đúng.

Trẻ con vẫn có thể bị viêm dạ dày do stress

Chế độ ăn uống kém khoa học hay áp lực từ việc học hành đã tác động thế nào đến tỉ lệ trẻ em mắc bệnh viêm dạ dày như hiện nay, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm dạ dày ruột là bệnh cấp tính, còn viêm dạ dày kéo dài thường do stress, hoặc chế độ ăn quá nóng, quá cay, hoặc bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP.

Đừng nghĩ trẻ con không bị stress hoặc stress ở trẻ con chỉ gây đau đầu, mất ngủ. Trẻ con vẫn có thể bị viêm dạ dày do stress.

Những biến chứng của viêm dạ dày ở trẻ em

Tình trạng viêm dạ dày không được điều trị có thể đưa đến những biến chứng nào? Những trẻ nào mắc viêm dạ dày sẽ đáng lo hơn, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm dạ dày thường làm giảm chất lượng sinh hoạt, chất lượng học tập của trẻ. Cơn đau khiến trẻ không tập trung học được. Viêm dạ dày cũng có thể gây chảy máu, xuất huyết.

Mặc dù vẫn có trường hợp chuyển thành ung thư dạ dày nhưng tỷ lệ này hiếm hơn nhiều so với người lớn.

Ung thư dạ dày hiếm xảy ra ở trẻ em

Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ mắc viêm dạ dày từ khi còn nhỏ, đặc biệt thêm yếu tố nhiễm HP thì nguy cơ ung thư dạ dày sẽ cao hơn và đến sớm hơn. Lo ngại này của các bậc phụ huynh có căn cứ không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề chính về vi khuẩn HP là chúng ta đang lạm dụng xét nghiệm quá nhiều. Có khi thấy trẻ đau bụng đã vội vàng làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và quy cho trẻ bị nhiễm HP. Điều này hoàn toàn không đúng.

Những xét nghiệm này chỉ có giá trị theo dõi điều trị, còn việc chẩn đoán có viêm dạ dày do HP hay không thì cần phải nội soi. Cần phải gây mê nếu muốn nội soi cho trẻ nhỏ, vì vậy người ta thường rất hạn chế việc này.

Sau khi loại trừ rất nhiều nguyên nhân khác, cuối cùng mới nghĩ đến HP và chỉ định nội soi. Ngay cả khi nội soi, chúng ta phải sinh thiết, kiểm tra kỹ để xem có HP hay không. Việc điều trị HP cho trẻ dưới 12 tuổi cũng cực kỳ hạn chế vì hiệu quả thấp.

Ung thư dạ dày ở trẻ em gần như hiếm gặp, thường gặp ở những người tuổi trung niên trở lên. Do đó phụ huynh không cần quá lo lắng viêm dạ dày ở trẻ diễn tiến thành ung thư dạ dày. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu viêm dạ dày, cần tìm một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để tư vấn, can thiệp, giúp trẻ không còn bị đau.

Loại trừ hết nguyên nhân gây đau bụng rồi mới đặt vấn đề trẻ bị viêm dạ dày

Những triệu chứng cảnh báo viêm dạ dày trên trẻ là gì? Khi trẻ bị đau bụng, phụ huynh thường nghĩ đến rối loạn tiêu hóa, nhiễm giun sán,... Làm sao để phân biệt được triệu chứng của viêm dạ dày với các bệnh lý trên?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi một em bé bị đau bụng vặt, sau khi loại trừ hết tất cả nguyên nhân khác rồi mới nghĩ đến viêm dạ dày. Trẻ con đau bụng có thể do ăn phải thức ăn không phù hợp; có thể do tâm lý sợ đi học, lo lắng hoặc không muốn làm điều gì đó...

Sau khi loại trừ hết các nguyên nhân như giun sán, tâm lý thì mới nghĩ đến viêm dạ dày và phải đưa trẻ đi khám. Ban đầu, bác sĩ sẽ cho trẻ uống các loại thuốc thông thường, nếu vẫn còn đau thì mới đặt vấn đề nội soi.

Đau dạ dày kéo dài ở trẻ con có rất nhiều nguyên nhân, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được tư vấn nguyên nhân rõ ràng, loại trừ các nguyên nhân đau bụng do tâm lý, đau bụng do những nguyên nhân khác rồi mới tính tới đau dạ dày HP.

Hạn chế sử dụng phác đồ điều trị HP cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi

Xin hỏi BS, có những phương pháp nào để điều trị viêm dạ dày ở trẻ em? Những điều cần lưu ý khi điều trị viêm dạ dày ở trẻ là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ bị đau bụng mãn tính thì cần phải chữa đau bụng. Khi xác định được chính xác tình trạng viêm dạ dày, nếu trẻ dưới 12 tuổi, bác sĩ thông thường vẫn sử dụng các loại thuốc băng dạ dày, thuốc giảm axit. Hiếm trường hợp áp dụng phác đồ điều trị HP cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.

Phòng ngừa viêm dạ dày ở trẻ

Nhờ BS hướng dẫn thêm, nguyên tắc ăn uống khi trẻ bị viêm dạ dày là gì? Những loại thực phẩm, thức ăn nào cần tăng cường để giảm tiết dịch vị, gây đau xót dạ dày cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để phòng ngừa viêm dạ dày, cần cho trẻ ăn đúng bữa, không nên ăn nhanh quá, không nên chơi đùa sau khi ăn. Bữa ăn tối không nên ăn quá no và quá muộn để tránh tình trạng trào ngược và viêm dạ dày.

Trong mùa thi, nên quan tâm đến trạng thái tâm lý của trẻ. Quá căng thẳng sẽ khiến dạ dày tiết nhiều axit, dễ gây viêm dạ dày.

Thức ăn của trẻ không nên quá cay, quá nóng. Phụ huynh cũng cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh, không nên cho trẻ ăn những thức ăn lạ và nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi ăn, ăn sạch uống sạch để giảm nguy cơ mắc viêm dạ dày.

Giảm căng thẳng để hạn chế tình trạng viêm dạ dày mùa thi

Lời khuyên của BS dành cho trẻ đang trọng giai đoạn thi cử căng thẳng là gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong việc học hành của trẻ, nhất là trong giai đoạn chuyển cấp, phụ huynh nên thường xuyên động viên và không tạo áp lực cho trẻ. Trẻ nên học đều chứ không nên để đến phút cuối mới học dồn, rất dễ bị stress.

Học đều sẽ giúp các em vượt qua kỳ thi nhẹ nhàng hơn. Học dồn, học đuổi dễ khiến tình trạng lo lắng tăng lên, dẫn đến stress và viêm dạ dày.

Yếu tố ăn uống trong khi học cũng rất quan trọng. Phải đủ no thì mới có thể học hiệu quả, việc nhịn ăn để tranh thủ học là hoàn toàn không nên. Nên xen kẽ việc học với các phương pháp giải trí, tập thể dục để giảm được tình trạng viêm dạ dày trong mùa thi.

Tránh các nguyên nhân ban đầu để ngăn viêm dạ dày tái phát

Đặc điểm của viêm dạ dày là dai dẳng và hay tái phát. Xin hòi BS, làm sao để có thể chặn đứng những nguy cơ này trên trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm dạ dày tái phát cũng do những nguyên nhân cũ như ăn uống, stresss. Nếu đã biết được nguyên nhân ban đầu thì chúng ta cần tránh những nguyên nhân đó để ngăn bệnh tái phát.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X