Hotline 24/7
08983-08983

Tỷ lệ vô sinh chia đều cho cả hai giới: Đừng đổ lỗi cho đối phương!

Theo các chuyên gia chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng AloBacsi, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là từ 7,7% và chia đều cho cả hai giới. Bác sĩ điều trị hiếm muộn đôi khi đóng vai trò là người chia sẻ, giải đáp khúc mắc cũng như giải tỏa những áp lực cho các cặp vợ chồng, giúp họ gìn giữ mái ấm gia đình.

1. Vô sinh và hiếm muộn có phải là một?

Xin hỏi BS, tình trạng vô sinh, hiếm muộn là gì? Hai khái niệm này khác nhau như thế nào?

BS Thân Trọng Thạch - Giảng viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Vô sinh, hiếm muộn là 2 khái niệm khác nhau nhưng nội dung lại giống nhau. Trước đây mọi người thường dùng từ “vô sinh”, nhưng gần đây có xu hướng sử dụng thuật ngữ “hiếm muộn” để phần nào nghe nhẹ nhàng hơn.

Từ “vô sinh” được sử dụng nhiều theo thói quen của người dân, trong khi “hiếm muộn” được dùng nhiều trong môi trường bệnh viện.

BS Thân Trọng Thạch - Giảng viện Đại học Y Dược TPHCM giải thích, từ “vô sinh” được sử dụng nhiều theo thói quen của người dân, trong khi “hiếm muộn” được dùng nhiều trong môi trường bệnh viện

2. Tiêu chí nào để xác định tình trạng hiếm muộn?

Hiếm muộn dường như đang có xu hướng gia tăng. Nhờ BS chia sẻ thêm, tỷ lệ hiếm muộn trong cộng đồng hiện nay như thế nào? Qua thực tế thăm khám, BS nhận thấy độ tuổi nào thường gặp phải tình trạng này?

BS Thân Trọng Thạch trả lời: Đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ hiếm muộn là gì. Một số trường hợp tự cho là mình bị hiếm muộn nhưng thực ra lại không phải, nếu không thỏa mãn được các tiêu chuẩn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác đồng thuận rằng, nếu hai vợ chồng giao hợp bình thường, không ngừa thai trong 12 tháng mà vẫn không có con thì được xem là hiếm muộn. Đối với phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, khoảng thời gian trên rút ngắn lại còn 6 tháng. Độ tuổi cao hơn sẽ được xem xét rút ngắn thời gian thêm nữa.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn có sự gia tăng. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Một trong số đó là khi xã hội cởi mở hơn, các cặp vợ chồng cũng thoải mái hơn trong việc thăm khám hiếm muộn.

Theo thống kê của WHO năm 2020, khoảng 7 - 12% dân số trên thế giới gặp tình trạng hiếm muộn, tùy vào mỗi quốc gia. Các bệnh viện ở Việt Nam đưa ra con số khoảng 7,7 - 9%, tương đương khoảng 1 triệu trường hợp hiếm muộn mỗi năm.

Tỷ lệ hiếm muộn ngày càng tăng đặt ra vấn đề chăm sóc sức khỏe đối với người phụ nữ cũng như các cặp vợ chồng đang mong muốn có con.

3. Tỷ lệ vô sinh chia đều cho cả hai giới

Theo BS, những nhóm lý do nào có thể dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở nam giới?

ThS.BS Lê Vũ Tân - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân trả lời: Trước đây, những cặp đôi kết hôn đã lâu nhưng không có con thường bị mọi người cho rằng người chồng bị yếu sinh lý. Đây là một từ chung chung, mô tả nhiều tình trạng như rối loạn cương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục, không có con…

Ngày xưa người ta thường nói “Cây độc không trái, gái độc không con” để đổ lỗi hoàn toàn cho người phụ nữ. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay cho thấy, tỷ lệ vô sinh chia đều cho cả 2 giới: 40% do nam giới, 40% do phụ nữ, 10% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.

Như vậy, khi một cặp vợ chồng khó có con, họ phải ý thức được rằng nguyên nhân đến từ cả hai phía và phải cùng nhau đi khám chứ đừng đổ lỗi qua lại.

4. Những nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới và nam giới

Ở phụ nữ, nguyên nhân nào sẽ dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn, thưa BS?

BS Thân Trọng Thạch trả lời: Số nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới thường không nhiều, thường là do chất lượng tinh trùng. Trong quá trình thụ thai tự nhiên, để tinh trùng gặp được trứng, đầu tiên chúng phải vào được âm đạo, đi lên cổ tử cung để vào tử cung, qua ống dẫn trứng, sau đó đến noãn được phóng ra từ buồng trứng.

Chính vì vậy, ở phụ nữ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khó thai hay hiếm muộn. Nhưng dù là lý do gì cũng đều gây khó khăn trong việc điều trị nhiều hơn so với ở nam giới.

Theo thống kê, nguyên nhân nằm ở buồng trứng hay rối loạn phóng noãn chiếm tỷ lệ khá lớn trong số các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới.

Nhóm nguyên nhân thứ hai đến từ ống dẫn trứng. Người phụ nữ có thể từng có tình trạng viêm trước đó nhưng không biết khiến 2 ống dẫn trứng bị tắc, không thông. Hãy tưởng tượng ống dẫn trứng như một cây cầu bắc ngang. Chiếc cầu bị tắc ở giữa khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ tinh, dẫn đến hiếm muộn.

Nhóm nguyên nhân thứ ba nằm ở tử cung, là nhóm gây khó khăn trong điều trị nhất, chẳng hạn tình trạng lạc nội mạc tử cung làm thay đổi môi trường thụ thai, dẫn đến khó có thai. Nhân xơ tử cung quá to chiếm mất không gian để thụ thai trong buồng tử cung sẽ làm cho bệnh nhân bị hiếm muộn.

Tóm lại, phụ nữ có rất nhiều nguyên nhân và đó cũng là lý do vì sao nhiều người hay đổ lỗi nguyên nhân hiếm muộn đến từ phía nữ giới. Tuy nhiên, xét một cách công bằng, tỷ lệ vô sinh ở cả hai giới gần như không có sự khác biệt.

ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Tôi xin bổ sung thêm một số nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới, cũng có rất nhiều vấn đề phức tạp. Có thể tóm tại trong 3 nhóm phổ biến:

- Vùng trục hạ đồi tuyến yên tiết ra không đủ hormone dẫn đến không có khả năng kích hoạt được những hormone nam giới và sản xuất tinh trùng. Chúng tôi tạm gọi đây là nguyên nhân ở trước tinh hoàn, phía trên não.

- Thứ hai là nguyên nhân tại tinh hoàn: Tinh hoàn của người nam bị teo hoặc viêm nhiễm, bị những tổn thương từ trước khiến quá trình sinh tinh không diễn ra bình thường.

- Cuối cùng là nguyên nhân sau tinh hoàn: Tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng bị tắc nghẽn ở các đường dẫn tinh hay phóng tinh khiến tinh trùng không thể xuất hiện trong tinh dịch.

ThS.BS Lê Vũ Tân - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết, có 3 nhóm nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nam giới gồm: nguyên nhân trước tinh hoàn, nguyên nhân tại tinh hoàn và nguyên nhân sau tinh hoàn

5. Bác sĩ điều trị hiếm muộn phải tư vấn nhẹ nhàng, tháo gỡ áp lực cho các cặp đôi hiếm muộn

Các BS vừa chia sẻ, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn chia đều ở cả hai giới, trong đó có 10% do cả nam và nữ. Nhờ BS giải thích thêm về thông tin này.

BS Thân Trọng Thạch trả lời: Diễn giải một kết quả xét nghiệm về tinh trùng có rất nhiều chỉ số, có thể sẽ có một vài chỉ số bất thường và ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên. Bên cạnh đó là những vấn đề ở người phụ nữ như ống dẫn trứng thông một bên và tắc một bên hoặc buồng trứng đa nang khiến họ không rụng trứng, không phóng noãn được.

Bất thường về phóng noãn cùng với bất thường về tinh trùng kết hợp với nhau khiến việc điều trị hiếm muộn càng khó khăn hơn. Đó là sự giải thích cho nguyên nhân đến từ cả hai phía.

Đối với số liệu 40% từ nam giới và 40% từ nữ giới, điều này đồng nghĩa với kết quả xét nghiệm cho thấy người nam bình thường nhưng người nữ bất thường hoặc ngược lại.

Tuy nhiên trong thực tế lại có những câu chuyện rất khó cho bác sĩ trong khi tư vấn. Đôi khi hạnh phúc của một gia đình lại đặt trong tay của bác sĩ điều trị hiếm muộn. Khi cầm kết quả xét nghiệm, về khía cạnh chuyên môn, bác sĩ phải nói đúng sự thật. Nhưng ở khía cạnh tâm lý, để giúp cặp đôi có thể yên tâm điều trị và hàn gắn hạnh phúc của họ, bác sĩ phải tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng nhất, giải tỏa áp lực cho cặp đôi.

Nếu đối phương tâm lý và thấu hiểu, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X