Hotline 24/7
08983-08983

Nang hoạt dịch: Khi khối u cổ tay không chỉ đơn thuần gây mất thẩm mỹ

Một khối u xuất hiện trên cổ tay sẽ khiến bạn đau nhức, mất thẩm mỹ. Đó có thể là dấu hiệu của nang hoạt dịch cổ tay, bệnh lý phổ biến nhưng dễ bị nhầm lẫn. Hãy cùng ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khám phá thông tin cần thiết về bệnh này.

1. Nang hoạt dịch xuất hiện nhiều nhất ở cổ tay, mu bàn tay với t lệ 80-90%

Thưa BS, bệnh nang hoạt dịch cổ tay là gì? Bệnh này có nguy hiểm không ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh nang hoạt dịch rất thường gặp, có đến 80-90% trường hợp gặp ở cổ tay hoặc mu bàn tay. Một số trường hợp khác xuất hiện ở chân, mu bàn chân, ngón tay, khớp gối.

Nang hoạt dịch cổ tay do dịch trong khớp cổ tay, dịch trong bao hoạt dịch giữa gân cơ bị thoát vị. Ban đầu nang nhỏ chúng ta không để ý nhưng càng ngày nang sẽ lớn dần. Giai đoạn đầu nang xuất hiện và biến mất thất thường. Khi đi khám, bác sĩ sẽ sờ, nắn, hỏi bệnh để biết đó là bệnh nang hoạt dịch cổ tay.

2. Triệu chứng của nang hoạt dịch cổ tay dễ nhầm lẫn với viêm khớp, nốt tophi

Triệu chứng của bệnh nang hoạt dịch cổ tay là gì ạ? Những triệu chứng này có dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Triệu chứng thường gặp nhất của nang hoạt dịch là xuất hiện khối mềm, đôi khi chắc nhưng không cứng như xương, lúc to lúc nhỏ. Giai đoạn đầu ấn vào không đau, nhưng giai đoạn sau khi nang to lên gây đau cổ tay, đặc biệt đau khi cử động hay tập thể dục. Một số trường hợp chèn ép dây thần kinh gây tê tay.

Triệu chứng của nang hoạt dịch cổ tay dễ nhầm lẫn với viêm khớp, nốt tophi. Tuy nhiên, nốt tophi thường cứng và hay gặp ở những người bị gút. Bên cạnh đó cũng dễ nhầm với bướu mỡ, xanthomas, bướu lipit, bướu cholesterol thường gặp ở người có cholesterol tăng cao, kéo dài.

U cổ tay ngoài nang hoạt dịch cổ tay còn có thể do bệnh gì khác không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: U cổ tay có thể gặp trong trường hợp viêm khớp, nốt tophi, viêm khớp dạng thấp gây nốt thấp. Một số trường hợp có thể là khối u ác tính hoặc do bướu mỡ. Đó là một số bệnh có biểu hiện khối u, nhưng u của những bệnh này thường khác với u nang hoạt dịch.

3. Yếu tố nguy cơ nào đưa đến nang hoạt dịch?

Thưa BS, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ nào dẫn đến tình trạng nang hoạt dịch ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Nguyên nhân gây nang hoạt dịch đã được nghiên cứu nhưng chưa chắc chắn. Nguyên nhân có thể do hoạt động cổ tay lặp đi lặp lại, ví dụ tập thể dục, tập yoga, thể thao như bóng bàn... Bên cạnh đó, u nang hoạt dịch cổ tay cũng gặp ở người hay xách nặng. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa tìm ra cơ chế rõ ràng trong các trường hợp trên.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

4. Nang hoạt dịch có thể gây đau, biến chứng chèn ép dây thần kinh

Thưa BS, nang hoạt dịch cổ tay trong trường hợp nào cần đi khám ạ? Nếu như không điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng gì ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh nang hoạt dịch cổ tay thường là khối u mềm. Việc nổi khối u gây mất thẩm mỹ khiến làm người bệnh lo lắng.

Ở giai đoạn sau, khi nang lớn lên sẽ gây đau, đặc biệt đau khi chống tay. Nhiều người không thể tập gym, tập yoga được vì quá đau. Một số ít trường hợp biến chứng nặng hơn gây chèn ép dây thần kinh. Đó là những biến chứng do nang hoạt dịch gây ra và cũng là nguyên nhân khiến người bệnh đi khám.

5. Hầu hết chỉ cần khám lâm sàng để chẩn đoán nang hoạt dịch

Thưa BS, vì sao khi khám bệnh một số bác sĩ không làm xét nghiệm chẩn đoán? Bệnh này có cần làm thêm xét nghiệm gì để chẩn đoán không ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa số bác sĩ có kinh nghiệm chỉ cần thăm khám, ấn hoặc dùng nghiệm pháp soi đèn pin. Khi nhìn đèn pin xuyên thấu bác sĩ sẽ biết chảy dịch. Một số trường hợp như nang nhỏ, khó phân biệt với các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ cho siêu âm khớp. Những trường hợp đặc biệt hơn có thể chụp MRI, nhưng đa số chỉ cần khám lâm sàng là đủ.

6. Điều trị nang hoạt dịch cổ tay thế nào?

Những phương pháp điều trị nang hoạt dịch cổ tay là gì ạ? Và có trường hợp nào phải phẫu thuật không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa số trường hợp nang hoạt dịch cổ tay đều điều trị bảo tồn. Theo nghiên cứu cho thấy, nang sẽ tự mất đi trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Bệnh nhân đi khám thường có nang tương đối to, không mất đi, còn nang tự mất hầu như bệnh nhân không đi khám.

Có nhiều biện pháp điều trị trong trường hợp nang không biến mất. Nếu bệnh nhân đau có thể dùng thuốc kháng viêm giảm đau, đeo nẹp cố định khoảng 6-8 tuần để cổ tay ít vận động và nang sẽ hấp thu từ từ.

Trường hợp đeo nẹp không thành công, nang quá lớn, hay bệnh nhân không thể đeo nẹp vì lý do công việc, lúc này bác sĩ có thể chọc rút. Bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách đâm mũi kim vào, chọc rút ra. Đó là những kỹ thuật thường sử dụng.

Còn phương pháp phẫu thuật ngày nay ít sử dụng tới, chỉ dùng trong những trường hợp nang quá to, chọc rút rồi những vẫn tái phát hoặc có chèn ép thần kinh.

7. Nang hoạt dịch cổ tay hay tái phát, làm sao phòng ngừa?

Thưa BS, làm sao để phòng ngừa cũng như tránh tái phát bệnh nang hoạt dịch cổ tay ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi thấy những nang nhỏ ở cổ tay, bạn cần:

- Hạn chế xách nặng

- Hạn chế chống tay nhiều bằng cách hạn chế những bộ môn như yoga, hít đất...

- Hạn chế động tác sử dụng cổ tay nhiều như đánh bóng bàn

Khi xuất hiện nang nhỏ, hãy để cổ tay nghỉ ngơi để tình trạng giảm đi mà không cần đi khám.

Lưu ý, bệnh nang hoạt dịch cổ tay rất dễ tái phát nên bệnh nhân cần hạn chế, thay các đổi môn thể thao khác không sử dụng các động tác trên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X