Hotline 24/7
08983-08983

Tiểu không kiểm soát: Nguy cơ suy thận nếu không điều trị kịp thời

Khi nước tiểu trở nên “khó kiểm soát”, cuộc sống sẽ ra sao? Giải pháp nào hiệu quả nhất trong điều trị tiểu không kiểm soát? BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn - Trưởng khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân sẽ cho bạn câu trả lời.

1. Tỷ lệ tiểu không kiểm soát trên phụ nữ có thể lên đến 45%

Thưa BS, trong quá trình thăm khám, điều trị cũng như thực tế tại Bệnh viện Bình Dân, số lượng phụ nữ đến khám són tiểu thường ở độ tuổi bao nhiêu ạ? Khi đến khám, tình trạng bệnh của họ thế nào ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Són tiểu trong y khoa gọi là tiểu không kiểm soát. Tại Bệnh viện Bình Dân, không chỉ có phụ nữ đến khám vì bệnh này mà còn có cả nam giới. Tuy nhiên chủ yếu ở phụ nữ.

Trên thế giới, tỷ lệ tiểu không kiểm soát ở nữ giới từ 25-45% tùy theo lứa tuổi. Tại phòng khám Niệu nữ - Niệu chức năng Bệnh viện Bình Dân, phụ nữ trẻ khoảng 20-30%, phụ nữ trung niên khoảng 30-40%, phụ nữ lớn tuổi hơn có thể 50% mắc bệnh tiểu không kiểm soát.

Bên cạnh số ít phụ nữ đi khám sớm cũng có nhiều người đến khám khá muộn.  Họ cho rằng tiểu không kiểm soát do vấn đề tuổi tác hay hậu quả của việc mang thai, sau sinh nở. Một số người bệnh cũng như bác sĩ nghĩ đây là vấn đề không cần điều trị, do vậy cần thay đổi quan điểm này.

2. 5 nhóm tiểu không kiểm soát và nguyên nhân cần biết

Thưa BS, nguyên nhân nào dẫn đến tiểu không kiểm soát ở phụ nữ ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Tiểu không kiểm soát thường chia thành 5 nhóm:

- Tiểu không kiểm soát khi gắng sức: Xảy ra ở phụ nữ mang thai, sau sinh, sau mãn kinh.

- Tiểu gấp không kiểm soát: Bệnh nhân mắc bệnh bàng quang như bàng quang tăng hoạt, bàng quang thần kinh, viêm bàng quang, xạ trị vùng chậu.

- Tiểu không kiểm soát hỗn hợp: phối hợp giữa 2 dạng trên

- Tiểu không kiểm soát hoàn toàn: Thường gặp sau phẫu thuật, sau sinh nở có can thiệp phẫu thuật. Người bệnh có rò tiết niệu sinh dục nên nước tiểu chảy liên tục từ bàng quang ra.

- Tiểu không kiểm soát tràn đầy: Thường gặp ở trường hợp bàng quang thần kinh, ở nam có thể do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt điều trị không tốt, bí tiểu mạn tính. Khi bàng quang đầy, nước tiểu sẽ tự tràn ra.

3. Ăn chua có thể làm triệu chứng tiểu không kiểm soát nặng hơn

Thưa BS, dân gian thường quan niệm rằng ăn chua sẽ gây són tiểu, liệu điều này đúng không ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Có khá nhiều bệnh nhân hỏi tôi câu này. Thức ăn, nước uống có thể ảnh hưởng đến triệu chứng tiểu không kiểm soát và làm nặng thêm triệu chứng. Tuy nhiên, thức ăn chua hay trái cây bưởi, cam, chanh không phải là nguyên nhân thực tế của tiểu không kiểm soát. Tuy nhiên, chúng có thể làm nặng hơn triệu chứng tiểu không kiểm soát. Trước nhất là tiểu gấp không kiểm soát do có tính kích thích nhẹ chứ không là nguyên nhân căn cơ.

4. Phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh dễ bị tiểu không kiểm soát, do đâu?

Thưa BS, có phải phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh dễ bị són tiểu không? Và nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Đúng vậy. Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh hoặc sau mãn kinh phát hiện tiểu không kiểm soát nhiều hơn. Do tuổi tác làm yếu cấu trúc giữ nước tiểu ở đường tiểu dưới, hoặc bệnh lý đường tiểu dưới có tần suất tăng lên.

Một nguyên nhân khác do thay đổi nội tiết ở phụ nữ mãn kinh. Khi nồng độ estrogen trong máu giảm sẽ làm giảm chất lượng cơ, mô vùng âm đạo và niệu đạo làm triệu chứng tiểu không kiểm soát nặng hơn.

5. Làm xét nghiệm để để chẩn đoán tiểu không kiểm soát?

Thưa BS, bệnh nhân sẽ được thăm khám và xét nghiệm thế nào để chẩn đoán tiểu không kiểm soát ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Tiểu không kiểm soát là bệnh thường gặp. Do đó bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bằng việc hỏi bệnh, khám bệnh chi tiết. Quan trọng hơn, bác sĩ hỏi kỹ người bệnh có diễn tiến bao lâu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ra sao. Bên cạnh đó còn hỏi về lối sống, thói quen của bệnh nhân để tư vấn và có kết quả điều trị tốt hơn.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm thông thường như xét nghiệm nước tiểu, chức năng thận, hoặc những bệnh lý để tìm nguyên nhân chuyển hóa như tiểu đường. Bên cạnh đó là một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cụ thể như siêu âm. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá ngoài tiểu không kiểm soát còn ảnh hưởng tới vấn đề khác không, hay có bệnh lý gì làm nặng hơn không?

Những trường hợp phức tạp bác sĩ sẽ thực hiện khảo sát chuyên sâu về chức năng bàng quang. Cụ thể, bác sĩ đo áp lực bàng quang xem bàng quang tăng hay thể tích bàng quang nhỏ. Bên cạnh đó là các phép đo chuyên sâu như áp lực niệu dòng, áp lực cắt dọc niệu đạo, điện cơ vùng tầng sinh môn để tìm bệnh kèm theo.

Đặc biệt những trường phức tạp hơn nữa, có bệnh lý đi kèm như sa sinh dục, tổn thương, rò niệu dục bác sĩ có thể thực hiện CT vùng tiết niệu, MRI vùng chậu, nội soi bàng quang.

Tiểu không kiểm soát có thể được chẩn đoán bằng nhiều xét nghiệm chuyên sâu. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

6. Các phương pháp điều trị són tiểu

Hiện nay y học có những phương pháp nào để điều trị són tiểu, trong đó có phương pháp nào mới nhất, thưa BS?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Tỷ lệ phụ nữ mắc tiểu không kiểm soát khá nhiều nên hiện nay y học đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị. Từ phương pháp nhẹ nhàng như thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, thay đổi lối sống, thay đổi lượng nước uống vào, hẹn giờ đi tiểu. Đến phương pháp phức tạp hơn như bài tập bàng quang, cơ sàng chậu dưới hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó có phương pháp can thiệp sâu hơn về thần kinh, chi phối bàng quang như kích thích thần kinh chày sau, điều biến thần kinh cùng. Có thể phẫu thuật ở mức độ trung phẫu như phẫu thuật đặt giá nâng đỡ niệu đạo giữa, chúng tôi gọi là phẫu thuật TUT, TBT. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiêm chất làm đầy, chất tạo khối vào niệu đạo để giúp niệu đạo đóng mở tốt hơn.

Trường hợp tiểu không kiểm soát phức tạp sẽ được áp dụng kỹ thuật đặt cơ thắt nhân tạo kiểm soát nước tiểu. Đặc biệt là tiểu không kiểm soát ở nam...

Gần đây người ta đề cập nhiều đến phương pháp điều trị ít xâm lấn. Y học cũng thực hiện nhiều nghiên cứu cho thấy kết quả hiệu quả, đem sự hài lòng cho người bệnh. Đó là phương pháp laser vùng sàng chậu và kích thích thần kinh chày. Đây là 2 biện pháp nhiều phụ nữ lựa chọn. Chỉ cần điều trị 30-45 phút, sau đó có thể ra về.

7. Điều trị tiểu không kiểm soát cần phối hợp nhiều phương pháp và điều trị các bệnh lý kèm theo

Thưa BS, trong những nhóm nguyên nhân BS đã chia sẻ thì nguyên nhân nào dễ điều trị, nguyên nhân nào khó điều trị hơn ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Tiểu không kiểm soát ở phụ nữ có quá trình điều trị không quá phức tạp. Tuy nhiên, cần hỏi kỹ thói quen, công việc của bệnh nhân để biết bệnh đã ảnh hưởng đến bệnh nhân thế nào? Khi tìm được thói quen, BS sẽ biết cách tư vấn để người bệnh tuân theo hướng điều trị. Đây là điều thường bị bỏ qua. Bên cạnh đó, tiểu không kiểm soát cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị để có hiệu quả tốt nhất.

Tiểu không kiểm soát thường có nhiều bệnh lý kèm theo. Vì vậy nếu chỉ điều trị tiểu không kiểm soát sẽ bỏ qua nhiều triệu chứng, người bệnh sẽ không có chất lượng cuộc sống cao.

Thực tế trên lâm sàng, bệnh nhân tiểu không kiểm soát khi gắng sức sẽ nhanh chóng hài lòng với kết quả điều trị sau vài phương pháp. Hoặc trường hợp tiểu không kiểm soát do có đường rò, từ tiết niệu sinh dục sau phẫu thuật có kết quả điều trị ngay. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần theo dõi lâu dài và phối hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân. Có thể thay đổi liệu pháp điều trị để có kết quả cao nhất, ví dụ tiểu không kiểm soát, tiểu không kiểm soát hỗn hợp.

8. Phụ nữ sau sinh nên mạnh dạn điều trị tiểu không kiểm soát

Thưa BS, phụ nữ sau sinh có tự hết són tiểu không ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Quá trình mang thai và sinh nở khiến phụ nữ thiệt thòi, vì sau khi thực hiện thiên chức thiêng liêng này, phụ nữ có nhiều vấn đề rối loạn vùng tiết niệu và sinh dục. Một số người sau sinh tiểu không kiểm soát cải thiện tốt hơn do lành các mô tổn thương trong quá trình sinh. Tuy nhiên con số này không nhiều. Phần lớn chị em vẫn phải tới điều trị chuyên khoa. BS khuyên nên mạnh dạn điều trị sớm để có kết quả tốt và chất lượng cuộc sống cao hơn.

Chị em cũng không nên hài lòng với sự hồi phục tiểu không kiểm soát sau sinh. Vì có thể chỉ hồi phục một phần, nếu không điều trị, khi có tuổi hoặc những lần sinh sau triệu chứng sẽ nặng hơn, khiến quá trình điều trị kéo dài, tốn kém hơn.

9. Tiểu không kiểm soát sau đột quỵ, điều trị ra sao?

Trường hợp bệnh nhân són tiểu sau đột quỵ sẽ được điều trị thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Són tiểu sau đột quỵ là vấn đề thử thách với bác sĩ và bệnh nhân. Có ít người bệnh hồi phục nhưng phần lớn trường hợp phải điều trị chuyên sâu và lâu dài. Do tổn thương đã để lại di chứng trên bàng quang và niệu đạo nên phải điều trị chuyên khoa, phối hợp nhiều phương pháp. Cần có sự thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân để tìm ra mục tiêu điều trị, đặc biệt ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

10. Tiểu không kiểm soát có thể gây suy thận nếu không điều trị kịp thời

Phụ nữ són tiểu nếu điều trị chậm trễ sẽ nguy hiểm thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Tiểu không kiểm soát giai đoạn đầu có thể không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tình trạng nặng hơn, chất lượng cuộc sống người bệnh giảm rất nhiều. Nước tiểu són có thể làm viêm da, kích ứng da vùng kín, gây nhiễm khuẩn niệu tái đi tái lại. Trường hợp nặng hơn như tiểu không kiểm soát tràn đầy có thể gây sỏi bàng quang, nhiễm khuẩn niệu nặng. Khi điều trị tiểu không kiểm soát tràn đầy không tốt sẽ gây ứ nước hai thận, tổn thương thận không phục hồi dẫn đến suy thận.

Tiểu không kiểm soát có thể gây suy thận. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

11. Những điều cần lưu ý để điều trị và phòng ngừa tiểu không kiểm soát

Thưa BS, phụ nữ mắc són tiểu nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống thế nào để điều trị dễ dàng hơn ạ?

BS.CK2 Phạm Hữu Đoàn trả lời: Sẽ có rất nhiều chị em thực hiện thiên chức phụ nữ, vì vậy chị em nên đi khám thai đều đặn và theo hướng dẫn để bác sĩ sản khoa theo dõi. Từ đó có sự chuẩn bị để em bé ra đời một cách tốt nhất. Điều này giúp hạn chế ảnh hưởng đường tiểu và giúp tiểu không kiểm soát không nặng nề hơn. Bên cạnh đó, chị em nên thực hiện bài tập sàng chậu trước và sớm sau sinh. Nghiên cứu cho thấy điều này cũng cải thiện tỷ lệ tiểu không kiểm soát.

Phụ nữ nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, giữ sức khỏe tốt, hạn chế hút thuốc. Nếu đã bị tiểu không kiểm soát, nên hạn sử dụng chất kích thích như cà phê, thức uống có cồn, có gas. Nên giảm cân vì béo phì không tốt cho tiểu không kiểm soát. Nếu có bệnh lý rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp nên điều trị tốt các bệnh lý này vì chúng có thể làm nặng tiệu chứng tiểu không kiểm soát.

Khi bắt đầu điều trị tiểu không kiểm soát, bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn điều trị để có kết quả tốt, thời gian điều trị ngắn.

Cuối cùng, bệnh nhân tiểu không kiểm soát nên đi điều trị vì đây là vấn đề sức khỏe thật sự. Nếu không điều trị, thời gian đầu chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sau đó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình vì tiểu không kiểm soát cũng làm giảm chức năng tình dục. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, các mối quan hệ xã hội. Trường hợp phức tạp hơn có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Các phương pháp điều trị hiện nay khá hiệu quả nên chúng ta không nên bỏ qua bệnh lý này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X