Hotline 24/7
08983-08983

3-6 tháng trước khi cưới: Giai đoạn nên khám tiền hôn nhân và những điều cần lưu ý

Khám tiền hôn nhân không chỉ là thủ tục mà còn là chìa khóa đảm bảo hạnh phúc dài lâu. Đằng sau những xét nghiệm là cơ hội để hiểu rõ sức khỏe sinh sản, phát hiện bệnh lý tiềm ẩn để chuẩn bị tốt hơn cho hành trình làm cha mẹ. Dưới đây, BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ sẽ cho bạn biết lý do tại sao không nên bỏ qua việc khám tiền hôn nhân.

Khám tiền hôn nhân là bước đệm hạnh phúc lâu dài và trọn vẹn

Thưa BS, vì sao kiểm tra sàng lọc trước hôn nhân được coi là bước đệm hạnh phúc lâu dài và trọn vẹn ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước đây ở Việt Nam rất ít cặp đôi nghĩ đến việc khám trước hôn nhân. Trong khi đó ở một số nước phát triển họ quy định trước khi kết hôn, các cặp đôi phải khám tiền hôn nhân.

Khám tiền hôn nhân là bước khám sức khỏe cho cả vợ và chồng. Trong đó đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản. Một số bệnh lý phát hiện trước khi kết hôn sẽ điều trị được hoặc cách điều trị dự phòng. Bác sĩ sẽ tư vấn rõ ràng để hai vợ chồng để bước vào đời sống hôn nhân tốt đẹp hơn.

Hôn nhân là cánh cửa bước qua giai đoạn vợ chồng, sau đó là sinh con. Vì vậy cần đảm bảo sức khỏe của hai vợ chồng đều tốt. Bên cạnh đó, cần có phương pháp dự phòng như hỗ trợ điều trị thuốc để chuẩn bị cho giai đoạn mang thai sau này.

Khám tiền hôn nhân giúp đánh giá khả năng sinh sản của cả hai vợ chồng

Thưa BS, khám tiền hôn nhân sẽ giúp người bệnh đánh giá những gì ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Thông thường, khám tiền hôn nhân gồm 2 phần:

Đầu tiên là khám sàng lọc sức khỏe tổng quát của hai vợ chồng, bao gồm nhiều bước. Bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn kỹ. Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem trước đây bạn có mắc bệnh gì không? Một số phụ nữ trước đây mắc bệnh tim hoặc gia đình có người ung thư. Tùy theo bệnh lý của bản thân và gia đình trước đây, bác sĩ có bước tư vấn và điều trị tiếp.

Ngoài ra, điều quan trọng là bác sĩ sẽ tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Vì khi bước vào hôn nhân, các bệnh này có thể lây cho đối phương nếu đối phương chưa được tiêm ngừa. Ví dụ HIV, viêm gan B... đây là những bệnh lý có thể lây truyền cho đối phương khi quan hệ tình dục. Nếu bị viêm gan B, đối phương chỉ cần tiêm ngừa là ổn. Chúng ta cần biết điều đó để đề phòng lây nhiễm cho bạn đời của mình.

Đặc biệt, khi khám tiền hôn nhân, phụ nữ sẽ có một số xét nghiệm riêng để đánh giá sức khỏe sinh sản. Trong đó có kiểm tra tử cung và hai phần phụ. Một số trường hợp hiếm gặp có dị tật ở cơ quan sinh dục như không có âm đạo, không có tử cung. Biết trước những điều này sẽ tốt hơn để chuẩn bị tâm lý cho cả hai vợ chồng. Nếu phụ nữ đã quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ có xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa nếu có.

Ở nam giới, bác sĩ cũng kiểm tra rất kỹ. Hiện tại có một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến tâm lý nam giới khi bước vào giai đoạn hôn nhân.

Chúng ta sẽ được bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh sử. Khi đi khám, nếu có bất kỳ bệnh lý nào, bạn nên đem tất cả hồ sơ khám trước đó để được bác sĩ tư vấn rõ ràng.

Tại Việt Nam, tần suất bệnh lý thiếu máu tán huyết (Thalassemia) khá thường gặp. Bệnh này có biểu hiện thông thường là thiếu máu. Nhiều người thấy khỏe mạnh nhưng khi khám mới phát hiện thiếu máu. Khi đó, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn. Nếu một trong hai vợ chồng mắc bệnh thì không sao, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị và sau này có thể sinh nở bình thường.

Bên cạnh đó, bạn có thể làm một số xét nghiệm di truyền sâu hơn để tìm hiểu bệnh lý mắc phải. Nếu hai vợ chồng đều bị thiếu máu tán huyết ở thể đặc biệt giống nhau, tỷ lệ sinh con bất thường cao hơn rất nhiều. Vì vậy, qua xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tầm soát ở giai đoạn tiền hôn nhân và tư vấn di truyền kỹ hơn, phải làm gì để sinh con khỏe mạnh.

Do đó, vai trò khám tiền hôn nhân rất quan trọng. Điều này giúp cả nam và nữ nắm được tình trạng sức khỏe, tự tin để bước vào giai đoạn hôn nhân.

Khám tiền hôn nhân giúp cả vợ và chồng nắm được tình trạng sức khỏe để có hướng xử trí kịp thời cũng như chuẩn bị tâm lý trước khi kết hôn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

3-6 tháng trước khi kết hôn nên đi khám tiền hôn nhân

Thưa BS, BHYT có chi trả khoảng chi phí khám tiền hôn nhân không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khám tiền hôn nhân được gọi là khám dịch vụ, tức là tầm soát các bệnh có nguy cơ mắc phải. Vì vậy, việc tầm soát này không được BHYT chi trả. Thông thường giá gói khám sẽ dao động tùy theo loại xét nghiệm được làm. Ví dụ, một gói khám tiền hôn nhân dao động từ 2-5 triệu đồng, nếu phát hiện ra bệnh thì sẽ có một số bệnh lý nằm trong danh mục được BHYT chi trả.

Sau khi khám tiền hôn nhân, nếu vợ hoặc chồng có xét nghiệm bất thường sẽ được tư vấn các loại xét nghiệm di truyền. Hiện tại y học Việt Nam đã phát triển rất nhiều, vì vậy có nhiều xét nghiệm di truyền đã thực hiện được. Vì vậy, cần xét nghiệm bệnh lý di truyền bản thân mắc phải và có hướng điều trị để kết hôn và sinh con khỏe mạnh. Do đó, chi phí khám tiền hôn nhân sẽ tùy theo xét nghiệm, tùy theo kết quả bất thường của mỗi người.

Có thể thấy, vai trò của khám tiền hôn nhân rất quan trọng. Vì vậy, mặc dù tốn kém nhưng chúng ta sẽ biết sức khỏe của hai vợ chồng trước khi kết hôn để có hướng điều trị an toàn.

Ví dụ một số trường hợp mắc bệnh lý di truyền đơn giản như đột biến gen MTHFR. Đây là loại đột biến nhẹ, nếu phụ nữ mắc có thể dẫn đến sảy thai liên tiếp, thiếu máu. Nhưng nếu phát hiện sớm, chúng ta chỉ cần bổ sung axit folic đã chuyển hóa, bổ sung rau xanh có chất đó thì cơ thể phụ nữ sẽ hấp thu hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc tầm soát đột biến MTHFR không là tầm soát thường quy, không phải lúc nào khám tiền hôn nhân cũng được tầm soát bệnh lý này. Khi bác sĩ sản phụ khoa hỏi tình trạng, yếu tố gia đình như gia đình đã có người mắc đột biến MTHFR, hoặc phát hiện có tiền căn trước đó, bác sĩ sẽ tầm soát. Chúng ta có thể can thiệp nhẹ nhàng sau khi phát hiện bệnh lý di truyền.

Đối với một số đột biến trầm trọng hơn, bác sĩ cũng sẽ tư vấn di truyền sau khi phát hiện. Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn có nhiều vấn đề xảy ra nhưng không thể phòng ngừa, để lại hậu quả đáng tiếc về sau.

Ngoài ra, khi khám tiền hôn nhân, bác sĩ cũng tư vấn kế hoạch sinh con cho hai vợ chồng. Đôi khi có nhiều cặp muốn em em bé ngay sau khi kết hôn. Vì vậy, khi muốn có em bé phải có giai đoạn chuẩn bị. Bác sĩ thường khuyên nên khám tiền hôn nhân 3-6 tháng trước khi kết hôn. Trước khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung sắt và axit folic trong 3-6 tháng. Điều này giúp dự trữ sắt tốt hơn, axit folic có thể ngừa dị tật ống thần kinh - một dị tật khá nặng cho em bé.

Tại Việt Nam, có rất ít bạn quan tâm đến việc tiêm ngừa trước khi mang thai. Trước khi mang thai, phụ nữ nên tiêm ngừa viêm gan B. Nếu người mẹ mắc viêm gan B có thể gây biến chứng trong thai kỳ như bùng phát bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, viêm gan B là bệnh lý có thể lây truyền cho con. Vì vậy, nếu chưa mắc bệnh cần tiêm ngừa, nếu đã mắc thì cần phải biết để khi mang thai có chế độ theo dõi khác. Phụ nữ viêm gan B nếu sinh em bé mà em bé có chế độ phòng ngừa tốt, được tiêm vắc xin ngay sau sinh thì nguy cơ lây truyền rất thấp.

Một bệnh lý cũng rất quan trọng là rubella. Khi khám tiền hôn nhân, phụ nữ sẽ được xét nghiệm xem có kháng thể hay đã từng nhiễm rubella trước đây chưa. Nếu chưa thì cần phải tiêm ngừa. Khám tiền hôn nhân trước 3-6 tháng là giai đoạn an toàn. Nếu đi khám trong giai đoạn này, sau khi kết hôn bạn có thể an tâm mang thai. Đây cũng là giai đoạn vàng để tiêm ngừa một số loại vắc xin, vì sau khi tiêm rubella cần 3 tháng để ngừa thai, vì vậy tốt nhất không nên có thai trong 3 tháng sau khi tiêm ngừa.

4 lưu ý cần thiết trước khi khám tiền hôn nhân

Thưa BS, hai vợ chồng cần lưu ý điều gì trước khi khám tiền hôn nhân ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Mỗi người nên mang theo hồ sơ sức khỏe của mình, trong đó có đầy đủ đã từng mắc bệnh gì, điều trị thuốc gì, đã phẫu thuật chưa? Không riêng tiền hôn nhân mà khi đi khám bất cứ bệnh lý nào, chúng ta cũng nên mang theo hồ sơ theo. Do có những loại thuốc chống chỉ định với nhau và nhiều bệnh lý có liên quan đến nhau. Nếu có hồ sơ sẵn, bác sĩ sẽ dễ dàng thăm khám và điều trị.

Phụ nữ trên 21 tuổi đã quan hệ sẽ được chỉ định tầm soát ung thư cổ tử cung. Do đó, chị em nên đi khám vào giai đoạn không hành kinh. Vì nếu đang vào ngày hành kinh bác sĩ không thể khám, nếu khám được kết quả cũng không chính xác.

Bên cạnh đó, nên kiêng giao hợp trong vòng 3-5 ngày trước khi đi khám để có xét nghiệm chính xác hơn.

Khám tiền hôn nhân không chỉ khám phụ khoa mà còn làm một số xét nghiệm khác. Vì vậy tốt nhất nên đi khám vào sáng sớm, nhịn ăn trong vòng 8 tiếng trước khi khám để có kết quả chính xác hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X