Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư dạ dày: TOP các triệu chứng nhận biết và 5 lưu ý để phòng ngừa

Ung thư dạ dày có thể âm thầm giết bạn nếu bạn chủ quan. Và có những thói quen hàng ngày tưởng vô hại lại đang dẫn lối bạn đến căn bệnh này. GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ cho bạn biết, liệu bạn có đang vô tình đẩy mình vào vòng nguy hiểm không?


GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn:
Khi nói đến ung thư dạ dày, mọi người thường hiểu là một loại ung thư. Tuy nhiên, ung thư dạ dày gồm có ung thư thuộc biểu mô và ung thư không thuộc biểu mô. Ung thư không thuộc biểu mô có thể là các mô cơ, mô liên kết, mô thần kinh. Loại ung thư chúng ta hay nói là ung thư biểu mô.

Có một số trường hợp ung thư không thuộc biểu mô vẫn là ung thư dạ dày, ví dụ u lymphoma, u của tổ chức lympho, u của tổ chức liên kết gọi là sắc cung dạ dày, hoặc u mô đệm dạ dày ruột (Gastrointestinal Stromal Tumor, gọi là GIST). Mỗi loại ung thư có cách điều trị khác nhau. Có những loại ung thư thậm chí không phải mổ, điều trị hóa chất rất tốt như ung thư lympho dạ dày, ung thư lympho của các tạng khác. Tuy nhiên còn tùy vào trường hợp cụ thể, có những u lympho điều trị hóa chất tốt, nhưng cũng có loại điều trị không hiệu quả hoặc để lại biến chứng như chảy máu, thủng, buộc phải mổ.

Trong bài viết dưới đây, BS Hồng Sơn sẽ nói về ung thư biểu mô dạ dày. Đây là loại ung thư hay gặp nhất, chiếm hơn 90% trong các loại ung thư dạ dày. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm vì đây là ung thư tiêu hóa thường gặp nhất ở Việt Nam, đặc biệt là ở các nước châu Á. Hơn nữa, bệnh này có thể phòng ngừa, hầu như chúng ta đã thực hiện nhưng cần thiết cho mọi người hiểu hơn nữa. Từ những năm 60, Nhật Bản  đã có chiến dịch phòng chống ung thư dạ dày, người trên 40 tuổi chỉ cần chướng bụng đã đi soi dạ dày để phát hiện sớm. Khi phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị thành cao rất cao, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể trên 90%.

1. Ăn dưa cà muối quá chua sau 6 tiếng, thực phẩm cháy đen có nguy cơ ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày là gì, thưa BS?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Thứ nhất, ung thư dạ dày nằm trong nhóm ung thư chung như nhiễm tia xạ và nhiều yếu tố khác. Trong đó có yếu tố di truyền. Riêng về ung thư dạ dày chế độ ăn uống rất quan trọng.

Ví dụ, ăn dưa cà muối ủ trong 6 tiếng rất tốt cho cơ thể do có vitamin C chống ung thư. Nhưng khi ăn dưa muối chua sau 6 tiếng sẽ tăng tỷ lệ ung thư. Bên cạnh đó, chúng ta không nên ăn thực phẩm rán quá cháy. Một nghiên cứu của Nhật cách đây 8 năm đã chứng minh những yếu tố đó sẽ gây ung thư.

Bên cạnh đó, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), xoắn khuẩn trong dạ dày cũng là yếu tố gây ung thư nhưng phải có điều kiện. Nhiều người xét nghiệm thấy HP dương tính nên quá lo sợ. Theo tôi 2+, 3+ mới nên sợ, còn bình thường vi khuẩn đã có. Những người có viêm dạ dày, vi khuẩn HP thì phải chống lại HP.

Nhiều bệnh nhân viêm dạ dày quá lo lắng nên cứ đi soi dạ dày liên tục. Tuy nhiên, soi dạ dày qua nhiều cũng không tốt. Những người viêm dạ dày nhiều đợt hoặc có yếu tố di truyền hãy đi khám sớm hơn tuổi 40 hoặc khi có triệu chứng.

Dưa cà muối chua sau 6 tiếng, thực phẩm rán cháy đen có chất gây ung thư dạ dày

2. Triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày cần cảnh giác

Thưa BS, triệu chứng của ung thư dạ dày là gì ạ?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Ung thư dạ dày thường phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý khám định kỳ. Đặc biệt, người trên 40 tuổi đầy bụng, chướng bụng nên đi soi dạ dày, đại tràng để loại trừ ung thư đường tiêu hóa.

Nhóm thứ hai là nhóm điển hình của bệnh. Người bệnh có triệu chứng gầy sút, mệt mỏi, chán ăn, nhất là người cao tuổi thấy thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Đôi khi bệnh nhân phải vào khoa huyết học lâm sàng để truyền máu. Bệnh nhân cần đặc biệt chú ý vì đây là dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa hoặc ung thư tạng khác.

Ung thư dạ dày thường gặp ở tuổi trung niên, nam giới có nguy cơ mắc nhiều hơn. Ngoài các triệu chứng nêu còn đau bụng trên rốn, ợ hơi ợ chua, thậm chí có có khối u trên rốn.

3. Ung thư dạ dày có thể dẫn đến biến chứng hẹp môn vị

Thưa BS, những chứng của ung thư dạ dày là gì ạ?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Bệnh nhân có thể đến bệnh viện với các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, thủng dạ dày. Bên cạnh đó, thức ăn trong bụng làm bệnh nhân lên cơn đau dữ dội. Một biến chứng khác là hẹp môn vị.

Do khối u đã chèn ép dạ dày, nên bệnh nhân ăn vào sẽ nôn, và thường nôn thức ăn ngày hôm trước. Theo sinh lý bình thường, nếu ăn sau 6 giờ, thức ăn sẽ không còn trong dạ dày. Do đó, nếu sau 6 giờ vẫn còn thức ăn trong dạ dày có thể chẩn đoán hẹp môn vị.

Biến chứng tiếp theo rất đáng buồn, không thể chỉ định mổ hay điều trị. Nhiều người đi đường đột nhiên ngã quỵ, đến khi mổ tử thi mới phát hiện ung thư dạ dày di căn não, hoặc bụng chướng đầy dịch axit, da vàng tưởng chừng xơ gan cổ chướng nhưng lại là ung thư giai đoạn cuối. Có bệnh nhân bị phù, nổi hạch thượng đòn hoặc nhiều nơi khác, nghĩ rằng u hạch, viêm hạch nhưng đó là ung thư di căn.

4. Ai dễ bị ung thư dạ dày?

Những ai dễ bị ung thư dạ dày, thưa BS?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời:

Thứ nhất là người viêm dạ dày mạn.

Thứ hai là nhóm di truyền từ gia đình.

Thứ ba là những người gầy sút, mệt mỏi, chán ăn.

Thứ tư người trên 40 tuổi thấy đầy bụng, chướng bụng.

Hiện nay soi dạ dày, đại tràng đã thành thường quy, có thuốc gây mê tốt, rất nhẹ nhàng. Soi dạ dày đã được triển khai ở tất cả các tỉnh, thậm chí các huyện. Do đó, khi cảm thấy đau bụng, nhất là người trên 40 tuổi hãy đi soi dạ dày, đại tràng để sớm phát hiện ung thư dạ dày sớm.

Người sử dụng ượu bia, thuốc lá, thuốc lào cũng là nhóm cũng có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày. Nhưng cũng tùy trường hợp, có người hút thuốc nhưng không bị, người không hút lại bị ung thư. Nhưng theo xác suất thống kê chung, người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư cao hơn, nhất là ung thư phổi và ung thư dạ dày.

5. Lắng nghe cơ thể là “phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày” đầu tiên

Thưa BS, phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày là gì ạ?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Phương pháp đầu tiên là tự chúng ta phải biết lắng nghe cơ thể mình. Khi có triệu chứng, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, nên khám định kỳ thường xuyên. Nhắc lại, những người trên 40 tuổi chướng bụng, có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa phải đi soi dạ dày, đại tràng.

6. Đa dạng các phương pháp điều trị ung thư dạ dày

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày là gì, thưa BS?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Phương pháp điều trị ung thư dạ dày tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Tôi đang nói tới ung thư biểu mô, loại ung thư thường gặp trên 90%. Điều đầu tiên đừng để mắc ung thư dạ dày như các yếu tố nguy đã được đề cập. Chúng ta phải chú ý phòng bệnh trước. Để điều trị, bệnh nhân phải được chẩn đoán sớm.

Tùy thuộc từng giai đoạn bệnh mà có cách điều trị khác nhau. Ví dụ niêm mạc thành dạ dày có 4 lớp: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc.

Ung thư niêm mạc sẽ điều trị bằng cách cắt bỏ qua nội soi ống mềm.

Ung thư đến lớp cơ, lớp thanh mạc sẽ cắt dạ dày, có cắt 3/4, 4/5 hoặc toàn bộ dạ dày tùy thuộc mức độ lan rộng của tổn thương.

Di căn hạch có thể điều trị hóa chất 3-4 đợt trước để hạch rút bớt, điều này giúp cắt mổ, nạo vét tốt hơn. Nếu di căn xa như di căn lên phổi, màng bụng hay cơ quan khác có biến chứng như chảy máu không cầm được, thủng, hẹp môn vị vẫn phải mổ sau đó phối hợp với các phương pháp khác.

Như vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp rất tốt cho bệnh nhân. Có rất nhiều phương pháp điều trị tùy giai đoạn bệnh. Tóm lại, phương pháp điều trị ung thư dạ dày cũng như ung thư khác bao gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, miễn dịch, thậm chí phối hợp với y học cổ truyền. Mỗi phương pháp đều có chỉ định và phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh.

Năm 2020, Bộ Y tế đã thống nhất ung thư dạ dày giai đoạn nào nên mổ; giai đọan nào hóa chất trước, mổ sau; giai đoạn nào mổ trước, hóa chất sau. Các quy trình này phải có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định.

7. Một số lưu ý sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày

Thưa BS, bệnh nhân cần có những lưu ý nào sau điều trị ung thư dạ dày ạ?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Lưu ý sau điều trị ung thư dạ dày cũng tùy thuộc từng giai đoạn. Đối với bệnh nhân đến giai đoạn muộn cần chăm sóc giảm nhẹ như dùng thuốc giảm đau, nuôi dưỡng.

Đối với nhóm còn được chỉ định phẫu thuật, điều trị tốt nhất vẫn là phẫu thuật. Tỷ lệ bệnh nhân đến giai đoạn còn chỉ định phẫu thuật là 80-90%. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần:

- Nhai kĩ trước đi nuốt. Do dạ dày có chức năng tiêu hóa thức ăn bằng việc nhào lộn thức ăn và dịch axit cùng dịch tụy.

- Không ăn kiêng. Nhiều người nghĩ khi cắt dạ dày ăn chất này chất kia bị nặng hơn. Nhưng bệnh nhân cần phải ăn đủ chất dinh dưỡng. Người bệnh có thể gặp bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn ăn đầy đủ đạm, mỡ, chất xơ, hoa quả. Tuy nhiên cũng tùy vào từng bệnh nhân. Do đó, cần thiết phải phối hợp với bác sĩ chuyên khoa để đủ sức khỏe phòng chống ung thư sau phẫu thuật.

- Chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày. Dạ dày sau khi cắt đi sẽ không nhu động ruột, do đó bệnh nhân không còn cảm giác đói. Bệnh nhân không thể ăn cùng lúc 2-3 bát cơm như người bình thường mà phải chia nhỏ bữa ăn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

- Cuối cùng, bệnh nhân phải giữ tinh thần thoái mái.

8. Tái khám sau điều trị ung thư dạ dày thế nào cho đúng?

Thưa BS, bệnh nhân nên tái khám sau điều trị ung thư dạ dày như thế nào ạ?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời: Khám định kỳ cũng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu phẫu thuật triệt để, theo quy định khoa chúng tôi, bệnh nhân sẽ tái khám sau 3 tuần để xem có điều trị hóa chất hay cần làm gì tiếp theo. Sau đó là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm tái khám một lần.

Các xét nghiệm tùy thuộc vào bác sĩ khám lâm sàng. Nhiều bệnh nhân quá lạm dụng, nghĩa là đã chụp phim phổi ở bệnh viện này, nhưng do không tin tưởng nên đến bệnh viện khác chụp lại. Thông thường, bác sĩ phải khám lâm sàng, nếu thấy thiếu máu sẽ xét nghiệm hồng cầu để truyền thêm máu. Tiếp theo, bác sĩ sẽ xem chức năng gan thận để điều trị xạ trị, hóa chất đúng chỉ định.

9. 5 điều cần lưu ý để phòng chống ung thư dạ dày

Thưa BS, làm thế nào để phòng chống ung thư dạ dày ạ?

GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn trả lời:

Thứ nhất, hạn chế thuốc lá, rượu bia nhiều.

Thứ hai, không nên ăn dưa cà muối sau 6 tiếng đến giai đoạn chua.

Thứ ba, không nên ăn thực phẩm rán cháy đen.

Thứ tư, bệnh nhân viêm nhiễm dạ dày từng đợt phải theo dõi định kỳ.

Thứ năm, người trên 40 tuổi nếu có triệu chứng chướng bụng phải đi soi dạ dày và đại tràng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X