Hotline 24/7
08983-08983

Gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh whitmore sau bão lũ, người dân cần làm gì?

Gần đây, các bệnh viện liên tiếp tiếp nhận những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người, gây bệnh Whitmore). Nguyên nhân do sau bão lũ, người dân dọn dẹp nhà cửa và có thời gian dài tiếp xúc với bùn, đất. 

Bệnh whimore là gì?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh whitmore còn được gọi là bệnh Melioidosis là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Trong môi trường tự nhiên, vi khuẩn này sống chủ yếu trong đất ẩm, đặc biệt tìm thấy nhiều trong đất sét ở độ sâu 25 - 45 cm. Vi khuẩn có khả năng tồn tại trong những điều kiện môi trường khác nhau như môi trường nghèo chất dinh dưỡng hay môi trường khô hạn. Tuy nhiên, tác nhân này dễ bị tiêu diệt bởi tia cực tím.

Những ai dễ mắc bệnh whimore?

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tần suất mắc cao nhất ở lứa tuổi từ 40 đến 60. Nam và nữ đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng do có điều kiện tiếp xúc với mầm bệnh nhiều hơn nên nam giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa vi khuẩn. Đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm càng cao, bệnh càng nhanh tiến triển hơn.

Những người có một hoặc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh phổi, thận, gan mạn tính, trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường nguy cơ nhiễm bệnh cao, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó lường và có thể dẫn đến tử vong.

Người dân dọn nhà sau bão lũ

Bệnh whimore có tỷ lệ tử lên đến 40%

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh có diễn biến đa dạng, phức tạp và dễ bỏ sót, chính vì vậy bệnh nhân có thể tử vong do viêm phổi, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh whitmore thường diễn biến cấp tính với các biểu hiện: Viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết, hoặc sốc nhiễm khuẩn. Bệnh có thể diễn biến mạn tính với biểu hiện viêm phổi như bệnh lao hoặc áp-xe nhiều cơ quan như nhiễm khuẩn tụ cầu.

Ngoài giai đoạn điều trị tấn công, bệnh nhân cần được điều trị phác đồ duy trì để tránh tái phát. Nếu được điều trị đúng và đủ phác đồ, bệnh nhân có thể được chữa khỏi, tuy nhiên tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 40%.

Một trường hợp nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Làm gì để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh whitmore?

Hiện nay, sau thời gian mưa lũ, vô số vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước, bùn, đất làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ mắc whitmore, BS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất nước bẩn, ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu; hoặc người có nhiều bệnh lý nền. 

Nên mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp để ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân tay. Các nhân viên y tế, bác sĩ cần bảo đảm bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh, để ngăn chặn tối đa sự nhiễm trùng.

Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn. Khi ra ngoài, cần mang khẩu trang bảo vệ đường hô hấp, nhất là trong môi trường có nhiều khói bụi.

PGS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành whitmore. Đặc biệt, sau thời gian bão lũ, người dân phải sống chung với bùn, đất, nước dài ngày sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, khi người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường. Việc cấy phát hiện whitmore sớm rất quan trọng trong lộ trình, phác đồ điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong.

>>> Cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiếp xúc bùn đất bẩn

>>> Vi khuẩn Whitmore ("Vi khuẩn ăn thịt người") trú ngụ ở đâu, làm sao phòng ngừa?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X