Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về biến chứng suy thận do Gout

Người bị Gout có thể gặp biến chứng suy thận và người bị suy thận cũng có nguy cơ cao mắc bệnh Gout. Vậy, làm thế nào để thoát khỏi vòng xoắn nguy hiểm này? Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi phần tư vấn của BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) trong bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Bốn cơ chế dẫn đến suy thận ở người bệnh Gout

Nhờ BS giải thích thêm, bệnh Gout gây tổn thương đến thận như thế nào?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Có khoảng 20% bệnh nhân Gout bị suy thận theo 4 cơ chế:

- Axit uric đọng ở cầu thận và ống thận, từ đó gây suy thận;

- Axit uric đọng ở đường thoát của nước tiểu gây sỏi thận, từ đó dẫn đến viêm ống thận mô kẽ khiến bệnh nhân bị suy thận;

- Người bị bệnh Gout thường sử dụng các loại thuốc giảm đau mà không được kiểm soát tốt, dễ dẫn đến suy thận;

- Bệnh Gout thường kèm theo một số bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường… có thể gây tình trạng suy thận.

2.  Suy thận khiến việc thải axit uric bị giảm và nồng độ axit urric trong máu tăng lên

Trong tình huống ngược lại, bệnh nhân suy thận có nguy cơ mắc bệnh Gout không?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh nhân suy thận thường xuyên gặp tình trạng tăng axit uric trong máu. Việc thải axit uric trong cơ thể qua 2 con đường: đường tiêu hóa chiếm khoảng 30% và qua thận chiếm khoảng 70%. Với bệnh nhân suy thận, tình trạng thải axit uric bị giảm đi và nồng độ axit urric trong máu tăng lên.

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy cho biết, bệnh nhân suy thận thường xuyên gặp tình trạng tăng axit uric trong máu

3. Thuốc điều trị Gout cho bệnh nhân có biến chứng suy thận

Thưa BS, trong trường hợp người bệnh Gout đã có biến chứng suy thận, việc dùng thuốc điều trị có thay đổi so với khi chưa có biến chứng suy thận không?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Điều trị Gout ở bệnh nhân suy thận khác hẳn với điều trị Gout ở bệnh nhân chưa có tình trạng suy thận.

Trong quá trình điều trị bệnh Gout, ở giai đoạn đầu tiên, cần hạ axit uric xuống và giai đoạn thứ hai sẽ điều trị tình trạng viêm các khớp.

Giai đoạn hạ axit uric, nếu bệnh nhân không suy thận sẽ sử dụng nhóm allopurinol. Tuy nhiên nếu sử dụng nhóm này cho bệnh nhân suy thận, bác sĩ phải điều chỉnh liều lượng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng dễ bị dị ứng, ngộ độc hơn trong khi không cải thiện được chức năng thận.

Gần đây đã có loại thuốc mới giảm tình trạng axit uric, ít ảnh hưởng đến thận và cải thiện được chức năng thận là nhóm febuxostat. Tuy nhiên, điểm bất lợi của nhóm thuốc này là có thể gây tổn thương tim mạch. Do đó, những bệnh nhân Gout có kèm bệnh lý tim mạch phải tránh sử dụng nhóm thuốc này.

Khi điều trị Gout, cần chú ý giảm viêm và giảm đau cho các khớp với 3 nhóm thuốc gồm colchicine, giảm đau và corticoid. Nhóm giảm đau và colchicine không được dùng cho những bệnh nhân suy thận, vì vậy họ chỉ có thể sử dụng nhóm corticoid.

Thế nhưng việc sử dụng nhóm corticoid kéo dài mà không có sự theo dõi sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về sức khỏe.

4. Cẩn trọng khi áp dụng Đông - Tây y kết hợp để điều trị bệnh Gout cho người có biến chứng suy thận

Người bị bệnh Gout có biến chứng suy thận có thể điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp không, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Người bị suy thận rất hạn chế trong việc sử dụng thuốc Đông y. Chính vì vậy, với tình trạng suy thận kèm thêm bệnh Gout, sẽ khó áp dụng được thuốc Đông y trong điều trị.

Ở những giai đoạn sớm của suy thận, bệnh nhân nên uống nhiều nước hơn để tăng thải axit uric và tập thể dục nhiều hơn. Trái cây có vị chua cũng có tác dụng tăng thải axit uric trong giai đoạn sớm, nhưng đến giai đoạn muộn thì bệnh nhân không được sử dụng.

5. Điểm chung trong chế độ dinh dưỡng của bệnh Gout và bệnh thận

Khi có cả 2 căn bệnh Gout và suy thận, việc ăn uống của người bệnh có những điều lưu ý gì?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh Gout và bệnh thận có điểm chung là cần giảm đạm trong chế độ ăn và kiềm hóa có thể một ít.

Tuy nhiên, ở giai đoạn trễ của suy thận, người bệnh không được uống nước nhiều và không được ăn trái cây do lo ngại tình trạng kali cao, đồng thời giảm thải axit uric qua thận.

6. Người bị Gout kèm suy thận cần chú ý gì khi áp dụng chế độ ăn thuần chay?

Người bệnh Gout kèm suy thận có thể ăn chế độ ăn thuần chay không, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Chế độ ăn thuần chay sử dụng hoàn toàn đạm thực vật, sẽ tốt hơn cho thận nếu so sánh với đạm động vật. Đối với bệnh Gout, đạm thực vật cũng tạo ra ít axit uric hơn.

Chế độ thuần chay có lẽ sẽ có lợi hơn cho cả bệnh suy thận và bệnh Gout. Tuy nhiên, một số vấn đề cần chú ý khi ăn chay là:

- Hạn chế ăn nhiều bột ngọt, bột nêm để không giữ muối trong cơ thể.

- Ăn thuần chay dễ khiến cơ thể bị thiếu sắt, gây thiếu máu nặng hơn ở những bệnh nhân suy thận.

7. Hạ axit uric của người bệnh Gout xuống dưới 6mg/dL

Bệnh nhân Gout nên bảo vệ sức khỏe quả thận như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để bảo vệ quả thận, cần phải điều trị tốt bệnh Gout. Ở những bệnh nhân nồng độ axit uric tăng cao nhưng chưa mắc bệnh Gout, chưa có tình trạng đau khớp thì chưa cần dùng thuốc hạ axit uric.

Nhưng khi bệnh nhân đã có bệnh Gout, bắt buộc phải điều trị đúng: Hạ axit uric xuống mức mục tiêu < 6mg/dL, đồng thời điều trị tốt kháng viêm để khớp không bị đau. Sau đó sử dụng thuốc để duy trì, đảm bảo đủ nồng độ axit uric < 6mg/dL suốt đời.

8. Không tuân thủ điều trị Gout sẽ đưa đến biến chứng suy thận

Theo BS, những việc làm nào sẽ khiến bệnh Gout nhanh chóng đưa đến biến chứng suy thận?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Sai lầm thường gặp nhất ở bệnh nhân Gout dẫn đến suy thận là điều trị gout không đúng, nghĩa là bệnh nhân chỉ điều trị trong một thời gian ngắn, khi có những cơn đau khớp, sau đó không tiếp tục điều trị. Đến khi có cơn đau khớp, họ lại uống thuốc.

Khi không có cơn đau, nồng độ axit uric cao vẫn làm tổn hại đến thận. Trong khoảng 10 - 20 năm sẽ dẫn đến suy thận.

9. Điều trị tốt bệnh Gout để bảo vệ tốt quả thận

Thưa BS, có cách nào để phòng ngừa được vòng xoắn nguy hiểm giữa bệnh Gout và suy thận?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để cắt được vòng xoắn này, trước hết phải điều trị tốt tình trạng Gout, hạ axit uric xuống mức mục tiêu và sử dụng thuốc gần như suốt đời. Bên cạnh đó còn cần kiểm soát tình trạng khớp không bị bùng phát cơn viêm thường xuyên để bảo vệ thận.

Khi bệnh Gout đã ảnh hưởng đến thận, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị đúng để gìn giữ chức năng thận lâu nhất có thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X