6 dược liệu giúp đường huyết ổn định, bảo vệ thận-tim-gan
Đông trùng hạ thảo, khổ qua, atiso, đinh lăng, đẳng sâm và chùm ngây là 6 loại dược phẩm tốt cho sức khỏe, điều hòa phản ứng miễn dịch và chuyển hóa, hỗ trợ kiểm soát bệnh mạn tính hiệu quả, trong đó có đái tháo đường. Đây là chia sẻ của BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM trong chương trình “Hành trang dinh dưỡng ổn định đường huyết bảo vệ Thận - Tim - Gan” trên AloBacsi.
Phần 1: TOP triệu chứng tiền tiểu đường, tiểu đường và bí quyết xây dựng dinh dưỡng tối ưu
Vai trò của khổ qua và atiso trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường
So với các nước trên thế giới, một điểm thú vị hơn là, dược liệu và thuốc từ dược liệu ở Việt Nam vốn được ưa chuộng từ lâu từ hàng ngàn năm. Trong đó, bệnh tiểu đường cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hàng ngàn năm qua, các vị thuốc từ quý hiếm đến dân gian dễ kiếm tìm lần lượt được chứng minh qua lăng kính của y học hiện đại.
Trong việc hỗ trợ điều trị tiểu đường, những thành phần thảo dược quen thuộc nhất với người Việt Nam chắc chắn phải nhắc tới KHỔ QUA và ATISO, nhờ BS chia sẻ vì sao 2 dược liệu này lại được tin tưởng sử dụng như vậy?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Trong y học cổ truyền có nhiều bài thuốc. Những bài thuốc để điều trị tình trạng thận hư, một bệnh lý có liên quan đến đái tháo đường, đều có thành phần khổ qua, atiso.
Ngày xưa có sách vở ghi lại, còn hiện tại chúng ta có điều kiện để thử, xét nghiệm, tính toán, đo lường, phân tích các hoạt chất, các thành phần dinh dưỡng trong một số loại dược liệu sử dụng làm thức ăn.
Điểm chung của atiso và khổ qua là:
- Về mặt dinh dưỡng, cả atiso và khổ qua đều có năng lượng rất thấp, hàm lượng nước cao.
- Trong thành phần của atiso và khổ qua có chất chống oxy hóa polyphenol, là cơ chế giúp tế bào tụy tạng và tế bào mạch máu được nuôi dưỡng tốt hơn.
- Atiso và khổ qua chứa nhiều vitamin có tính kháng viêm, bảo vệ tế bào tốt. Đó là tiền vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B và những chất khoáng vi lượng như selen, kẽm,... Đây là những chất có vai trò đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường.
- Hai loại thảo dược này có thành phần chất xơ nhiều, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Vai trò của chất xơ khi vào trong cơ thể là làm chậm chuyển hóa chất bột đường. Vì quá trình chuyển hóa chất bột đường bị chậm đi, đường huyết không bị tăng sau khi ăn, cơ thể không cần tiết ra quá nhiều insulin.
Polyphenol và các vitamin, chất khoáng, đặc biệt là chất xơ không hòa tan, tham gia vào quá trình ức chế oxy hóa chất béo, nhất là cholesteerol. Chính vì vậy, lượng cholesterol cơ thể hấp thu ít đi, giảm được tình trạng đề kháng insulin.
Sử dụng các loại dược liệu hỗ trợ điều hòa đường huyết như thực phẩm hằng ngày
Ngoài khổ qua và atiso, ở Việt Nam còn có ĐINH LĂNG, ĐẲNG SÂM và CHÙM NGÂY đã được chứng minh là có thể hỗ trợ điều hòa đường huyết, nhờ BS có thể chia sẻ thêm về công dụng của 3 loại dược liệu này.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Chúng ta đã rất quen thuộc với nhân sâm. Đẳng sâm và đinh lăng cũng là những vị thuốc quý. Trong đẳng sâm và đinh lăng có thành phần gọi là saponin, là một chất chống oxy hóa rất tốt, đồng thời giảm stress oxy hóa, kháng viêm. Saponin còn có vai trò bồi bổ cho cơ thể, giúp sức khỏe được tốt hơn. Bên cạnh đó, saponin còn chống lại khả năng thủy phân tinh bột, nhờ đó mà không làm tăng nhanh đường huyết sau khi ăn.
Chùm ngây có đặc điểm giống với 2 loại dược liệu kể trên là giàu chất xơ. Chùm ngây còn giàu các yếu tố vi lượng như crom, selen,... đặc biệt quan trọng với người đái tháo đường vì có thể giúp tình trạng stress oxy hóa và gốc oxy hóa tổn thương thế bào tụy tạng giảm đi rất nhiều, từ đó điều hòa, hỗ trợ việc bài tiết insulin tốt hơn.
Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học ở các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả châu Âu, Mỹ công bố kết quả cho thấy những loại dược liệu này có vai trò đặc biệt trong việc hỗ trợ kiểm soát huyết áp cho người đái tháo đường, tiền đái tháo đường.
Ở Việt Nam, 5 loại dược liệu kể trên vẫn được dùng làm thực phẩm: đẳng sâm nấu canh; chùm ngây nấu canh hoặc xào; đinh lăng làm salad, ăn gỏi cuốn... Những người tiền đái tháo đường, đái tháo đường và những người muốn bảo vệ sức khỏe đều nên sử dụng.
Những loại thảo dược hỗ trợ điều hòa đường huyết đều có đặc điểm chung là giàu chất xơ, giàu vitamin và chất khoáng, nhiều axit amin. Do giàu axit amin nên chùm ngây còn được ứng dụng để hỗ trợ tình trạng suy dinh dưỡng do mất cơ và suy mòn khối cơ. Người đái tháo đường rất dễ bị mất cơ, nên nếu biết cách sử dụng chùm ngây có thể cung cấp thêm axit amin tốt.
Đông trùng hạ thảo giúp bồi bổ cơ thể, tăng đề kháng, điều hòa miễn dịch và chuyển hóa
Ở các nước châu Á, 1 nguyên liệu đang được ưa chuộng là ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO. Nhờ BS chia sẻ thêm về những lợi ích ĐTHT mang đến cho người bệnh tiểu đường ạ?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Phân tích về các hoạt chất sinh học, đông trùng hạ thảo giúp “cải lão hoàn đồng”, có công dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, điều hòa các phản ứng miễn dịch và phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Những hoạt chất có trong đông trùng hạ thảo có thể bảo vệ DNA (trong nhân tế bào), do đó, nhiều người cho rằng đông trùng hạ thảo có thể phòng ngừa được nhiều bệnh mạn tính, kể cả ung thư.
Đông trùng hạ thảo chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Thứ nhất, có axit amin quý hiếm, tham gia vào cấu tạo của các loại hormon và kháng thể. Hiện đã có khoảng 17 loại axit amin quý khác nhau được phát hiện trong đông trùng hạ thảo.
Thứ hai, đông trùng hạ thảo chứa nhiều vitamin quý như vitamin A, C và các vitamin nhóm B như B2 và B12, có hàm lượng cao và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo còn chứa các chất khoáng vi lượng gồm: selen, crom, nhôm, kẽm, sắt là những chất bảo vệ tế bào.
Thứ ba, Cordycepin, Adenosine và Mannitol dưới dạng cấu trúc D được tìm thấy trong đông trùng hạ thảo, có vai trò cải thiện nhiều chức năng của cơ thể. Các thành phần này được ứng dụng nâng cao chất đề kháng; điều hòa các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể; hỗ trợ người bệnh mạn tính, đặc biệt các bệnh về đường hô hấp, bệnh mạn tính trên hệ thống toàn thân như đái tháo đường, tăng huyết áp và các rối loạn tim mạch. Bên cạnh đó, một số bệnh lý ung thư cũng ứng dụng đông trùng hạ thảo vào việc điều trị.
Hiện nay, việc khai thác đông trùng hạ thảo được thực hiện từ ứng dụng trong công nghệ sinh học và những tiến bộ nông nghiệp, nhằm có được lượng đông trùng hạ thảo với mức độ hoạt chất cao nhất, có sản lượng tốt hơn, phục vụ nhu cầu người dân.
Đông trùng hạ thảo có vai trò mạnh nhất trong việc giảm các gốc tự do
Trong nội dung BS vừa chia sẻ, MC thấy BS có đề cập tới tác dụng bồi bổ sức khỏe, cũng như giảm áp lực biến chứng của tiểu đường lên các cơ quan như thận, tim, gan. Đây chắc hẳn cũng là điều mà những bệnh nhân tiểu đường đang sống chung với ảnh hưởng của biến chứng quan tâm.
Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn về công dụng hỗ trợ kiểm soát biến chứng lên thận, tim, gan của các thảo dược nói trên?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Hiện nay, một bệnh nhân mắc đái tháo đường đã xuất hiện triệu chứng, nghĩa là quá trình “tiền bệnh” của họ được diễn ra 10 năm trước đó.
Cơ thể người bình thường đã có các gốc tự do, riêng ở người bệnh đái tháo đường thì gốc tự do tăng cao do các rối loạn chuyển hóa hấp thu, đặc biệt là những rối loạn liên quan đến chất bột đường và chất béo.
Do đó, bệnh nhân đái tháo đường thường gặp tình trạng đường huyết tăng cao, gây ảnh hưởng vào các tế bào non nhất, quý hiếm và yếu ớt của cơ thể, đó là các tế bào mạch máu. Trong cơ thể người, các cơ quan đều có tế bào nội mạc mạch máu, khi đường huyết tăng cao, tấn công vào các tế bào nội mạc mạch máu sẽ làm cho cơ quan đó suy yếu.
Trong đó, suy thận là một trong những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Nguyên nhân do các tế bào mạch máu ở cầu thận bị tổn thương. Gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng của cơ thể và chứa nhiều mạch máu, khi đường huyết tăng cao dẫn tới tổn thương mạch máu gây suy giảm chức năng gan.
Tụy tạng cũng bị ảnh hưởng do mạch máu tổn thương, bởi vì mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, đưa oxy cho tất cả các tế bào. Vì vậy, insulin tiết ra ở tụy tạng ngày càng ít sẽ liên quan đến cơ chế lão hóa của cơ thể.
Ngoài ra, mạch máu bị tổn thương còn ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, suy giảm trí nhớ. Đặc biệt, tế bào dễ bị tấn công bởi đường huyết cao là hồng cầu, tế bào máu và bạch cầu, gây giảm đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Tóm lại, vấn đề đường huyết quá cao làm tăng gốc tự do, tăng stress oxy hóa, gây tổn thương viêm các tế bào nội mạc mạch máu. Cấu trúc các tế bào dễ bị tổn thương ở màng và nhân, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, giảm khả năng tiết các chất mà bình thường các cơ quan này thường làm.
Do đó, mục tiêu sử dụng các loại dược liệu như đông trùng hạ thảo, khổ qua, chùm ngây, atiso, đinh lăng,… giúp phòng tăng đường huyết, trung hòa các gốc tự do, giảm thiểu tình trạng stress oxy hóa và giảm tình trạng viêm. Trong đó, đông trùng hạ thảo có vai trò mạnh và tốt nhất đối với việc giảm các gốc tự do có trong tế bào, có liên quan đến các hoạt chất nằm trong nhóm quan trọng là Cordycepin, Adenosine.
Ngoài ra, Polyphenol là hoạt chất có nhiều trong các dược liệu trên, có chức năng làm trung hòa gốc tự do, giảm viêm,…
Các hoạt chất này được xem là vũ khí hỗ trợ tác động cho bệnh nhân, thứ nhất là không làm tổn hại thêm các tế bào đã bị tấn công và tổn thương bởi cơ chế tăng rối loạn tăng đường huyết và gốc tự do. Thứ hai, điều hòa được việc ăn vào nhưng không làm đường huyết lên cao. Bởi vì chúng ta đã ăn tốt rồi nhưng cơ thể đang yếu nên cần hỗ trợ để đường huyết đừng tăng cao quá, đường huyết tăng sẽ làm cho tình trạng đề kháng insulin nhiều hơn, buộc cơ thể phải sử dụng insulin nhiều hơn sẽ làm suy tuyến tụy tạng quá sớm.
Phần 3: Ăn ngọt “giải cứu” tụt đường thường xuyên - nguy cơ tiểu đường trước mắt
Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp và Nhãn hàng Đông trùng hạ thảo Hector - Công ty Cổ phần Lavite đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình