TOP triệu chứng tiền tiểu đường, tiểu đường và bí quyết xây dựng dinh dưỡng tối ưu
Tiền tiểu đường, tiểu đường diễn tiến âm thầm, hầu như không có biểu hiện cảnh báo. Đáng chú ý, đây là những tình trạng nguy hiểm vì gây ra những biến chứng nặng trên các cơ quan trọng yếu. Làm sao phát hiện sớm bệnh và xây dựng chế độ dinh dưỡng ra sao để kiểm soát tối ưu? Mời bạn theo dõi những lời khuyên hữu ích từ BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - PCT Hội Dinh dưỡng Việt Nam, CT Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM.
Điều trị đái tháo đường phải tập trung giải quyết yếu tố cơ chế của bệnh
Đầu tiên, BS có thể chia sẻ cho quý khán giả về bệnh tiểu đường là gì được không?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Đầu tiên, chúng ta sẽ thống nhất với nhau về mặt thuật ngữ. Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn quen gọi là bệnh tiểu đường nhưng về mặt y học, chúng ta có từ “đái tháo đường”. Trong suốt chương trình, “tiểu đường” hay “đái tháo đường” đều chỉ chung một căn bệnh.
Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính, có liên quan đến dinh dưỡng và lối sống. Đặc điểm thứ là đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý mạn tính do rối loạn chuyển hóa chất, đặc biệt là chất bột đường, gây tăng đường huyết mạn tính. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể bị thiếu hụt insulin, hoặc giảm hoạt động của insulin, hoặc bị đề kháng với insulin, hoặc các nối kết này chồng lên nhau khiến người bệnh gặp tình trạng tăng đường huyết mãn tính và gây ra rất nhiều hậu quả với sức khỏe.
Từ định nghĩa này, chúng ta có thể tóm tắt một số yếu tố trọng tâm như sau:
- Đầu tiên, bệnh lý này chắc chắn có liên quan với insulin, là một loại nội tiết tố hay còn gọi là hormone do tuyến tụy tạng trong cơ thể tiết ra. Insulin có vai trò chính yếu là điều hòa đường huyết, làm cho đường huyết ở mức cao được đưa về mức sinh lý bình thường. Do đó, cơ chế của bệnh có liên quan đến insulin. Một là chúng ta bị thiếu insulin do tụy tạng tiết ra không đủ. Hai là vẫn tiết ra đủ insulin nhưng cơ thể vì lý do gì đó lại đề kháng với insulin, khiến lượng insulin tác động vào các cơ quan đích bị ít đi. Việc điều trị bệnh xoay quanh vấn đề làm thế nào cơ thể có thể tiết ra được nhiều insulin hơn, đồng thời giảm tình trạng đề kháng với insulin.
- Yếu tố thứ hai trong bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa chất, trọng tâm là chất bột đường, tiếp theo là chất béo. Đây chính là lý do mà trong can thiệp, điều trị phải làm sao để bớt chất bột đường và chất béo đi mới có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả.
- Tăng đường huyết mãn tính nên lúc nào đường huyết cũng tăng cao. Tuy nhiên, có lúc đường huyết tụt rất thấp nên dẫn đến tình trạng phải đi cấp cứu vì hạ đường huyết.
Với các yếu tố về cơ chế bệnh sinh, triệu chứng lâm sàng, chúng ta biết được trong điều trị đái tháo đường phải tập trung giải quyết yếu tố cơ chế của bệnh mới có thể đồng bộ và hiệu quả trong việc điều trị.
Đái tháo đường không có triệu chứng đặc hiệu, khó phát hiện bệnh
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết hiện cả nước có khoảng 5 triệu người bị bệnh tiểu đường. Và có đến 50% người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Theo BS, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở người Việt?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Nguyên nhân đầu tiên là do bản thân bệnh lý này là một bệnh lý không có triệu chứng đặc hiệu, diễn tiến rất âm thầm. Đó là lý do nhiều người không chú tâm tới.
Bạn có thể tưởng tượng, một người bị ho liên tục là cơ thể đang báo động, bạn phải lập tức tìm bác sĩ. Lúc này bác sĩ sẽ phát hiện ra bệnh A, B, C gì đó liên quan đến đường hô hấp chẳng hạn. Nhưng riêng đái tháo đường, các triệu chứng rất âm thầm. Đây là phần thứ nhất phải nêu ra để hiểu tại sao người ta lại không phát hiện ra sớm.
Nguyên nhân thứ hai tác động vào là bản thân chúng ta không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chúng ta vẫn biết trên 40 tuổi, nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có đái tháo đường sẽ tăng lên. Cơ quan y tế vẫn có khuyến cáo nên đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm nhưng nhiều người không đi khám, nên không phát hiện được bệnh sớm.
Điểm thứ ba, để chẩn đoán đái tháo đường chắc chắn phải xét nghiệm đường máu hay còn gọi là đường huyết, nhưng nhiều khi chúng ta đi khám sức khỏe chứ không thử đường máu. Vậy là đã giảm đi cơ hội phát hiện bệnh.
Đái tháo đường nguy hiểm vì có nhiều biến chứng trên toàn cơ thể
Các biến chứng nào có thể xảy ra nếu bệnh tiểu đường không được phát hiện điều trị kịp thời hoặc điều trị nhưng không kiểm soát hiệu quả, thưa BS?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Có rất nhiều biến chứng nếu không may mắc đái tháo đường.
- Biến chứng đầu tiên có lẽ là biến chứng thường gặp nhất và khiến người ta phát hiện ra bệnh mà chúng ta gọi là phát hiện tình cờ. Đó là tình trạng khẩn cấp do đường huyết tụt xuống quá thấp hoặc tăng lên quá cao, khiến người bệnh bị hôn mê. Hôn mê do đường huyết hạ thấp xuống gọi là hôn mê do hạ đường huyết; hôn mê do đường huyết quá cao và sản sinh ra những chất độc cho tế bào, ví dụ thể ceton tăng rất cao nên bệnh nhân bị hôn mê. Lúc này cần cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Biến chứng này rất nguy hiểm.
- Biến chứng thứ hai đối với người đái tháo đường là bị nhiễm trùng. Các bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da hoặc phẫu thuật viêm ruột thừa, phẫu thuật tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt thấy vết thương rất lâu lành. Đây là biến chứng làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và đây là biến chứng cấp tính.
Tuy nhiên, nguy hiểm của đái tháo đường và được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” nằm ở các biến chứng mạn tính. Biến chứng mạn tính xuất hiện rất âm thầm, đến lúc các biến chứng xuất hiện rồi thì việc điều trị rất khó khăn:
- Khi đường huyết lên cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong cơ thể. Rất nhiều bệnh nhân suy thận phải lọc thận, ghép thận là hậu quả của đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt, nguyên nhân là tổn thương mạch máu nhỏ ở cầu thận. Nếu mạch máu nhỏ ở đáy mắt bị tổn thương sẽ gây ra bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, dẫn tới mù lòa và gần như khả năng phục hồi rất khó.
Các mạch máu nhỏ trong có thể có tác dụng nuôi các dây thần kinh, khi dây thần kinh không còn được nuôi do mạch máu nhỏ bị tắc, bị tổn thương, bị viêm nên bệnh nhân hay dị cảm, tê chân. Dây thần kinh không chỉ ở chân, tay mà ở toàn thân vì vậy người bị đái tháo đường thường bị suy giảm trí nhớ, hay gặp các vấn đề liên quan đến hoạt động nuôi dưỡng dây thần kinh khi các mạch máu nuôi dưỡng thần kinh bị yếu.
- Khi bị đái tháo đường, các mạch máu to thường bị tổn thương, thấy rõ nhất là ở não: bị tai biến mạch máu não, xuất huyết não, đột quỵ do tắc mạch máu não. Ở tim, người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim. Mạch máu ở chân tay bị tổn thương dẫn đến thiếu máu và chất dinh dưỡng nuôi các phần xa của cơ thể, nên người đái tháo đường hay phải cắt cụt chi do bàn tay, bàn chân bị tổn thương nặng nề, bị loét.
Đái tháo đường còn tác động đến tâm lý khiến người bệnh bị stress, tăng nguy cơ suy giảm trí tuệ. Đái tháo đường còn làm tăng nhiều nguy cơ khác mà hiện nay do đái tháo đường trẻ hóa nên còn ảnh hưởng đến chức năng sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng có con.
Tóm lại, đái tháo đường có rất nhiều biến chứng và biến chứng trên toàn cơ thể chứ không riêng một bộ phận nào.
Các xét nghiệm cần thực hiện trong chẩn đoán đái tháo đường
Theo BS, có những cách nào để phát hiện sớm bệnh tiểu đường?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Chỉ có một cách duy nhất để phát hiện bệnh đái tháo đường là xét nghiệm đường máu. Các triệu chứng lâm sàng nếu có cũng rất mơ hồ.
Khi xét nghiệm đường máu, có nhiều mục phải xét nghiệm:
- Xét nghiệm đường máu lúc đói: Bác sĩ sẽ yêu cầu trong vòng 8 tiếng đồng hồ trước thời điểm lấy máu, người bệnh không được ăn, không uống cà phê, nước mía, nước cam,... chỉ được uống nước lọc. Như vậy việc xét nghiệm mới có giá trị hơn, chính xác hơn, không phải làm đi làm ại nhiều lần.
- Xét nghiệm đường máu sau làm nghiệm pháp dung nạp đường: Bác sĩ cho người bệnh uống một lượng đường nhất định được pha ra ly, yêu cầu uống trong bao nhiêu phút sau đó ngồi chờ, bao nhiêu lâu sẽ xét nghiệm đường máu một lần. Khi làm nghiệm pháp dung nạp đường, chúng ta sẽ biết được liệu chúng ta có bị tiền đái tháo đường không, hoặc đã bị đái tháo đường nhưng chưa lộ ra qua các xét nghiệm phổ biến.
- Xét nghiệm máu để thử chỉ số HbA1C: Nếu HbA1C vượt một ngưỡng nào đó, bác sĩ sẽ nghi ngờ người bệnh bị đái tháo đường và thông thường sẽ phải xét nghiệm lại một lần nữa để chẩn đoán.
Một số triệu chứng cảnh báo cơ thể bị đái tháo đường là:
- Ăn rất nhiều, khát nước dữ dội, đi tiểu nhiều nhưng người lại gầy đi. Triệu chứng này chỉ xuất hiện ở người mắc đái tháo đường type 1, rất hiếm gặp, chỉ khoảng 5% các trường hợp đái tháo đường.
- Triệu chứng của đái tháo đường type 2 rất mơ hồ: mệt mỏi, uể oải, khó ngủ, tê chân tay, ăn không ngon miệng, người không gầy, có khi lại còn béo lên,...
Tiền đái tháo đường có thể trở lại bình thường nếu kiểm soát tốt
Tiền tiểu đường có mối liên quan mật thiết ra sao với tiểu đường, thưa BS? Nhờ BS chỉ rõ thêm, làm sao để phân biệt giữa tiền tiểu đường và tiểu đường?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Tiền tiểu đường và tiểu đường là 2 giai đoạn khác nhau của bệnh lý đái tháo đường. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn so với mức sinh lý bình thường, nhưng chưa tới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường.
Đái tháo đường, như đã trình bày ở trên, tình trạng đường huyết đã đến ngưỡng chẩn đoán.
Tiền đái tháo đường có 2 thể chính. Thể đầu tiên được gọi là rối loạn dung nạp đường, thể thứ hai gọi là rối loạn đường huyết đói. Nhưng tất cả đều gộp chung là tiền đái tháo đường.
Về mặt triệu chứng lâm sàng, tiền đái tháo đường và đái tháo đường không khác nhau. Bình thường, đường huyết nằm ở mức sinh lý, đến một độ tuổi nhất định, vì nhiều lý do mà chúng ta có những nguy cơ nào đó làm đường huyết tăng cao hơn bình thường nhưng chưa tới ngưỡng đái tháo đường.
Từ tiền đái tháo đường sang đái tháo đường rất nhanh, có khi chỉ 1 năm. Trung bình sau 5 năm, người bị tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường nếu không kiểm soát. Trường hợp có kiểm soát bằng giải pháp phù hợp, khả năng tiền đái tháo đường không bao giờ trở thành đái tháo đường, hoặc nếu có trở thành đái tháo đường cũng phải mất 20 năm. 20 năm là khoảng thời gian rất dài và chúng ta sẽ có chất lượng sống tốt hơn trong thời gian này.
Tiền đái tháo đường có thể trở lại bình thường nếu chúng ta áp dụng các biện pháp kiểm soát tốt. Mức đường huyết của người bị tiền đái tháo đường có thể về mức bình thường, giảm thiểu nhiều nguy cơ khác.
Các biện pháp đẩy lùi tiền tiểu đường
Có những biện pháp nào để đẩy lùi tiền tiểu đường kịp thời, trước khi tiến triển thành tiểu đường?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Giải pháp đầu tiên chính là nếu đã bị tiền đái tháo đường, người bệnh phải được tư vấn và phải theo dõi đường huyết định kỳ. Ví dụ 6 tháng đi xét nghiệm đường máu 1 lần và làm nghiệm pháp dung nạp đường.
Thứ hai, nên áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Thứ ba, phải có chế độ hoạt động thể lực tốt hơn so với hiện tại.
Thứ tư, xem xét để đánh giá tổng thể cơ thể của mình.
Người bệnh có thể sẽ được hỗ trợ một số phương án điều trị như tăng cường ăn một số thực phẩm giải quyết cơ chế đường huyết tăng lên, giảm các thực phẩm thúc đẩy tình trạng tổn thương trong cơ thể liên quan đến đái tháo đường.
Để phòng ngừa đái tháo đường cần có sự kiên trì và phải được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng, ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn như thế nào phù hợp với từng cá thể. Thời gian vận động cũng phải tăng lên tùy theo từng người. Người bệnh có thể sử dụng một số thực phẩm hoặc thực phẩm ứng dụng khoa học công nghệ để giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn mà bản thân không quá vất vả, không quá căng thẳng.
Dinh dưỡng là 1 trong 3 giải pháp điều trị đái tháo đường
Với giải pháp kiềng 3 chân thì Dinh dưỡng là một mảnh ghép quan trọng không thể thiếu trong điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường. Nhờ BS giải đáp cụ thể hơn:
Dinh dưỡng có vai trò như thế nào trong việc ổn định đường huyết, giảm nguy cơ đưa đến các biến chứng, thưa BS?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Đầu tiên, vai trò của dinh dưỡng với người bị đái tháo đường được trích từ phần hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các phác đồ điều trị của Bộ Y tế Việt Nam như sau: Dinh dưỡng là một trong 3 giải pháp điều trị đái tháo đường. Vai trò của dinh dưỡng nằm ở những điểm sau:
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể cung cấp đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng để người bệnh nâng cao sức khỏe.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp giảm thiểu được nguy cơ rối loạn đường huyết.
- Dinh dưỡng nếu can thiệp đúng và tốt sẽ giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ bị các biến chứng, hoặc trong trường hợp bị biến chứng cũng mau phục hồi, ít dẫn đến tình trạng bị tổn thương, bị các di chứng nặng nề do biến chứng của bệnh lý đái tháo đường gây ra.
- Dinh dưỡng tốt sẽ nâng cao đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng và giảm tình trạng tổn thương nội mạc các mạch máu.
- Chế độ dinh dưỡng tốt có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết được vấn đề stress mà bệnh nhân đái tháo đường mắc phải. Khi bệnh nhân bị suy dinh dưỡng do đái tháo đường sẽ được bác sĩ yêu cầu phải ăn thêm. Bệnh nhân thấy những thức ăn được yêu cầu ăn thêm để điều trị suy dinh dưỡng có thể làm mình béo lên, làm đề kháng insulin thêm nên họ rất căng thẳng, lo lắng.
Hầu hết bệnh nhân mới phát hiện đái tháo đường đều lo lắng vì nghĩ mình phải kiêng ăn nhiều thứ, tạo nên ức chế. Stress sẽ khiến bệnh đái tháo đường càng nặng nề hơn.
Những nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường
Có những nguyên tắc nào trong việc xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường?
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời: Nguyên tắc đầu tiên - bất di bất dịch là cung cấp đủ các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo, chất bột đường), đủ vitamin, đủ chất khoáng và bắt buộc phải đủ chất xơ. Thêm nữa, còn phải có các chất chống oxy hóa, giúp điều hòa đường huyết, phù hợp với từng cá thể.
Nếu không chú ý nguyên tắc này sẽ làm cho đường huyết của ngù bệnh không những không được kiểm soát tốt mà còn dẫn tới tình trạng lúc tăng lúc giảm.
Nguyên tắc thứ hai là phải cắt giảm lượng chất bột đường so với chính người đó lúc chưa mắc bệnh. Cơ chế của bệnh này là rối loạn chuyển hóa chất bột đường do thiếu insulin để điều hòa đường huyết nên chúng ta phải cắt giảm chất đường bột. Nhưng chỉ cắt giảm ít thôi chứ không nên cắt giảm nhiều.
Tiếp theo, phải cắt giảm lượng chất béo. Nếu vẫn ăn lượng chất béo như trước đó, cơ thể có nhiều tế bào mỡ dẫn đến tình trạng đề kháng insulin.
Phải tăng được lượng chất xơ trong chế độ ăn và lưu ý quan trọng là tăng chất xơ hòa tan.
Nên tăng các chất hóa thực vật và các hoạt chất sinh học. Đây là hai nhóm chất có tác động giúp cơ thể chúng ta điều hòa được tình trạng rối loạn đường huyết và chống lại tình trạng viêm. Tình trạng viêm và gốc tự do là cơ chế sâu xa khiến tình trạng bệnh đái tháo đường xuất hiện và tăng lên. Ở đây chúng ta có thể sử dụng các loại thảo dược, thảo mộc bổ sung cho cơ thể.
Trong dinh dưỡng, khi chọn các chất bột đường, phải giảm thiểu các chất bột đường có chỉ số đường huyết cao vì có thể làm tăng đường huyết rất nhanh sau khi ăn. Thêm vào đó, chúng ta cần phải thay đổi cách chế biến, có một số cách chế biến giúp kiểm soát đường huyết tốt.
Khi thay đổi kết cấu ăn uống, không nên thay đổi một cách đột ngột. Chúng ta sẽ điều chỉnh chế độ ăn từ từ. Vì vậy nên theo các bác sĩ dinh dưỡng để được giúp thích nghi với chế độ ăn mới và theo dõi phù hợp.
Phần 2: 6 dược liệu giúp đường huyết ổn định, bảo vệ thận-tim-gan
Phần 3: Ăn ngọt “giải cứu” tụt đường thường xuyên - nguy cơ tiểu đường trước mắt
Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp và Nhãn hàng Đông trùng hạ thảo Hector - Công ty Cổ phần Lavite đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình