24 giờ đầu tiên của đột quỵ, phải làm gì?
Đột quỵ xảy ra rất nhanh chóng và đột ngột, việc nhận biết và xử lý kịp thời, phối hợp hồi chức năng ngay trong 24 giờ đầu sẽ giúp giảm thiểu tàn tật cho bệnh nhân sau đột quỵ.
Đột quỵ được xếp hạng là một trong ba nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới, vì vậy khi gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cũng cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Tuy nhiên, khi đối phó với một cơn đột quỵ đang xảy ra, các dấu hiệu có thể không dễ để cho bạn nhận thấy hoặc rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó bạn cần phải tìm kiếm sự trợ giúp ngay từ khi có các phản ứng đầu tiên.
Tốc độ tổn thương não xảy ra trong cơn đột quỵ là rất nhanh, và khả năng sống sót phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn. Việc phục hồi các chức năng cơ thể sau điều trị đột quỵ cũng là một thử thách mà bệnh nhân phải vượt qua.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho bạn đọc về 24 giờ đầu tiên của đột quỵ sẽ diễn ra như thế nào.
Đột quỵ xảy ra rất nhanh với các triệu chứng đột ngột
I. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ?
Bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu nhất định để nhận biết rằng họ đang trải qua một cơn đột quỵ hay không. Và dấu hiệu đó được viết tắt bằng 1 cụm từ dễ nhớ là FAST:
- F (Face): mặt hoặc miệng đột nhiên bị méo
- A (Arms): tê yếu hoặc không có cảm giác một bên tay chân
- S (Speech): đột nhiên nói ngọng hoặc khó nói
- T (Time): nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện
Đột quỵ không phải lúc nào cũng xuất hiện cơn đau, nhưng người đang bị đột quỵ sẽ có những biểu hiện suy giảm thể chất rất dễ nhận thấy.
Trước hết, bạn hãy yêu cầu bệnh nhân xem họ có thể mỉm cười hay không. Nếu bạn nhận thấy nụ cười bị méo sang một bên của khuôn mặt, thì có thể một cơn đột quỵ sắp xảy ra.
Tiếp theo, hãy yêu cầu bệnh nhân nhấc 1 cánh tay của họ lên và giữ im tại chỗ. Đối với những người đang bị đột quỵ, họ chỉ có thể giơ một cánh tay lên hoặc cả hai cánh tay giơ lên nhưng sẽ nhanh chóng bị rơi xuống.
Nếu những dấu hiệu này không rõ ràng, bạn hãy tiếp tục yêu cầu bệnh nhân đọc một câu cơ bản hoặc hỏi thông tin cá nhân của họ. Nếu kiểu nói của họ bị nói ngọng hoặc không thể hiểu được lời bạn nói, rất có thể họ đang bị đột quỵ.
II. Gọi cấp cứu ngay lập tức
Gọi xe cấp cứu luôn là một phương án tốt nhất đối với cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Vì trong xe sẽ có đầy đủ các dụng cụ y tế hỗ trợ, cũng như đội ngũ bác sĩ có chuyên môn có thể tiến hành điều trị khi đang di chuyển trong những trường hợp nghiêm trọng.
Vì vậy, người bị đột quỵ phải được đưa đi cấp cứu càng nhanh càng tốt, do các tế bào não có thể chết đi với tốc độ nhanh khi đột quỵ xảy ra. Sau khi nhập viện, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra để xác định chính xác loại đột quỵ mà họ đang gặp phải và có phương án điều trị thích hợp.
Cấp cứu càng sớm sẽ giúp bệnh nhân giữ được tính mạng và giảm thiểu biến chứng sau đột quỵ
III. Quá trình cấp cứu đột quỵ
Sau khi cuộc gọi được thực hiện, các nhân viên y tế của xe cấp cứu sẽ nhanh chóng đến hiện trường và đánh giá tình hình. Họ sẽ bắt đầu kiểm tra bằng cách thông qua các triệu chứng của bệnh nhân, cho người bệnh thở oxy để ổn định trong quá trình vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.
Khi đến phòng cấp cứu, một nhóm y tế sẽ tiếp nhận, xem xét bệnh nhân và lấy máu để phân tích thêm. Ngay sau đó, nhóm sẽ tiến hành đo điện tâm đồ (ECG) để kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân cùng với việc thực hiện các xét nghiệm quan trọng khác như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định loại đột quỵ mà bệnh nhân mắc phải.
Qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, nếu là đột quỵ nhồi máu não bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (nếu bệnh nhân đến trước 3,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng) hoặc điều trị bằng can thiệp nội mạch (nếu bệnh nhân đến trong vòng 6 giờ).
Nếu đột quỵ xuất huyết sẽ điều trị nội khoa kết hợp phẫu thuật khi cần thiết. Hoặc đột quỵ do dị dạng mạch máu não hay do túi phình sẽ chuyển lên phòng DSA can thiệp nội mạch.
Để có kết quả tốt nhất có thể, các phương pháp điều trị này nên được bắt đầu trong vòng giờ đầu tiên sau khi bệnh nhân vào phòng cấp cứu hoặc khi đi trên xe cấp cứu.
IV. Các biến chứng sau đột quỵ
Việc chăm sóc bệnh nhân cần hết sức lưu ý khi đột quỵ diễn ra, và các bác sĩ sẽ cố gắng điều trị hết sức để có được kết quả tích cực nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, việc gặp phải các biến chứng sau đột quỵ không phải là hiếm, vì vậy bệnh nhân và cả người nhà cũng cần phải hiểu được những vấn đề có thể xảy ra để giúp chuẩn bị tâm lý và đối phó với nó trong tâm thế tốt nhất.
Một số biến chứng bao gồm phù não, co giật, co cứng chân tay, tăng huyết áp, tăng đường huyết, sốt, té ngã và trượt chân (phổ biến nhất) và viêm phổi.
Sau đột quỵ, bệnh nhân sẽ gặp một số biến chứng nhẹ hoặc nặng, do đó cần tích cực tập luyện để hồi phục chức năng
V. Kết luận
Hãy nhớ rằng, 24 giờ đầu tiên của một cơn đột quỵ là quan trọng nhất, cần phải tập trung cao độ để đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
Điều này có nghĩa là bạn phải nắm rõ được các triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo đột quỵ để sau đó đến phòng cấp cứu hoặc gọi xe cấp cứu càng sớm càng tốt. Khi nói đến bộ não, mỗi giây đều có giá trị và việc chuẩn bị sẵn sàng có thể giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng nguy hiểm và không để lại di chứng nguy hiểm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình