Hotline 24/7
08983-08983

10 câu hỏi thường gặp về rối loạn tiền đình

Vấn đề rối loạn tiền đình sẽ gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, tuy nhiên có thể ảnh hưởng ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả người trẻ, là những chia sẻ của ThS.BS Thái Huy - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong bài viết dưới đây.

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Chúng ta hay nói về hệ thống tiền đình vậy “tiền đình” là gì và tại sao đôi khi lại có những trục trặc dẫn đến tình trạng rối loạn?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Hệ thống tiền đình là một cấu trúc nằm bên trong tai và có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho não về hướng cũng như chuyển động của cơ thể trong môi trường xung quanh cùng với sự phối hợp của các cảm giác khác. Ví dụ thông tin cảm giác từ thị giác, thông tin cảm giác thân thể từ vị trí của tay, chân sẽ hình thành hệ thống cân bằng giúp con người có thể sinh hoạt, đi lại tới lui trong môi trường hoạt động xung quanh với một tư thế thăng bằng nhất có thể. Nếu có bất thường trong hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống cân bằng, từ đó chúng ta xuất hiện triệu chứng mất thăng bằng hay còn gọi là chóng mặt, choáng váng và những triệu chứng có liên quan.

Các nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tiền đình:

- Nhiễm trùng (nhiễm trùng của tai trong): Thường liên quan đến nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng đến chức năng của tiền đình và những vấn đề khác.

- Chấn thương (chấn thương đầu, chấn thương sọ não): Gây ảnh hưởng cấu trúc tai trong, thậm chí nặng hơn sẽ ảnh hưởng lên cấu trúc sọ não, tổn thương trong não làm xuất hiện triệu chứng chóng mặt.

- Tại tai trong: Bệnh lý thường gặp như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

- Tuổi tác: Thoái hóa chức năng tiền đình liên quan đến tuổi.

- Tại thần kinh: Bệnh lý thần kinh như xơ cứng rải rác, tổn thương trong não, tổn thương liên quan trên đường tiền đình.

- Sử dụng thuốc: Thuốc hóa trị, thuốc an thần có thể gây ra tiền đình.

2. Các triệu chứng rối loạn tiền đình là gì?

Nhờ BS miêu tả cụ thể hơn những triệu chứng, biểu hiện thường gặp ở người rối loạn tình đình là như thế nào?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Triệu chứng chóng mặt, thuật ngữ y khoa trong tiếng anh được chia thành “vertigo” là chóng mặt tiền đình hoặc “dizziness” là choáng váng. Tuy nhiên ở Việt Nam có rất nhiều từ để mô tả tình trạng rối loạn tiền đình, người bệnh có thể đến khám với triệu chứng “choáng váng”, “chóng mặt”, “xây xẩm”, “lâng lâng”, ở miền Trung có thể sử dụng từ “xoay bồ bồ” nếu nghe không quen sẽ không nhận ra triệu chứng này.

Chóng mặt hoặc choáng váng đều mô tả về bệnh lý rối loạn tiền đình. Tuy nhiên để phân tích đúng:

- Chóng mặt tiền đình: Là đang hướng đến bệnh lý tại chỗ của tiền đình gây ra triệu chứng chóng mặt. Đây là ảo tưởng về cảm giác xoay tròn, có thể là xung quanh xoay tròn còn bản thân đứng yên hoặc ngược lại xung quanh đứng yên và bản thân xoay tròn. Người bệnh thường mô tả có cảm giác như bị cuốn, bị hút, bị rơi xuống một cái xoáy nào đó và kèm theo triệu chứng buồn nôn hoặc mất thăng bằng.

- Choáng váng: Là thuật ngữ sâu hơn, rộng hơn có thể bao gồm các triệu chứng khác như xây xẩm, lâng lâng,… Khi đề cập đến thuật ngữ này nghĩa là đang đề cập đến những bệnh lý khác như người bệnh có thể mất nước, tác dụng phụ của thuốc, tụt huyết áp.

3. Rối loạn tiền đình phổ biến như thế nào?

Thưa BS, rối loạn tiền đình ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê, khoảng 100 người từ 40 tuổi trở lên thì có khoảng 35 người sẽ gặp phải vấn đề về rối loạn tiền đình, vậy trên thực tế thì như thế nào thưa BS?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Cho đến hiện nay do sự mô tả mơ hồ của biển hiện chóng mặt, cũng như sự đa dạng về nguyên nhân bệnh lý của sẽ có những khó khăn trong việc khảo sát tỷ lệ hiện mắc của chóng mặt trên toàn cầu. Tuy nhiên chúng ta có một số tham khảo từ Hiệp hội Rối loạn tiền đình Hoa Kỳ, để có cái nhìn tổng quan về tác động của chóng mặt trên dân số.

Theo thống kê của Hiệp hội Rối loạn tiền đình Hoa Kỳ tỷ lệ là 35%, tức là 100 người trên 40 tuổi thì có 35 người đã từng có cảm giác khó chịu về rối loạn tiền đình. Cụ thể có 69 triệu người ở Hoa Kỳ đã từng trải qua triệu chứng này một lần trong đời, trong đó 50% chóng mặt do nguyên nhân của tiền đình ngoại biên, trong số đó bệnh lý chóng mặt tư thế kịch phát lành tính phổ biến nhất (chiếm 2,4% dân số), có 15% dân số ở Hoa Kỳ phải đi khám và có những điều trị liên quan đến bệnh lý tiền đình.

4. Vì sao ngày càng có nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình?

Đối với vấn đề rối loạn tiền đình sẽ có những nhóm dễ gặp tình trạng này hơn như nhóm người cao tuổi, người phải sử dụng thuốc,… Tuy nhiên những người trẻ trong những đợt áp lực căng thẳng trong công việc khi phải chạy deadline cho cơ quan và đối diện với những vấn đề trong cuộc sống những lúc đó là lúc dễ gặp tình trạng rối loạn tiền đình nhất có phải như vậy không thưa BS?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Vấn đề rối loạn tiền đình sẽ gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, tuy nhiên có thể ảnh hưởng ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả người trẻ. Chúng ta thấy rối loạn tiền đình nếu ở người trẻ sẽ có một số yếu tố liên quan đến chấn thương (chấn thương đầu, chấn thương vùng sọ não), liên quan đến sử dụng thuốc, độc chất hoặc có những yếu tố liên quan đến gen di truyền.

Tuy nhiên, xu hướng của những năm gần đây, chúng ta thấy giới trẻ làm văn phòng phải ngồi lâu, thời gian tiếp xúc với máy tính khá dài nên sẽ có những vấn đề liên quan đến tư thế, làm xuất hiện triệu chứng mỏi mắt, hạn chế vận động về thể chất từ đó ảnh hưởng lên chức năng hoạt động của tiền đình, làm tiền đình nhạy cảm hơn, dễ bị ảnh hưởng hơn. Trong môi trường làm việc áp lực, căng thẳng có thể dễ xuất hiện triệu chứng tiền đình. Khi chúng ta căng thẳng, lo lắng thần kinh sẽ nhạy cảm hơn làm triệu chứng tiền đình dễ xảy ra.

5. Mối liên quan giữa rối loạn tiền đình và tuổi tác là gì?

Người cao tuổi sẽ đối diện với rất nhiều vấn đề bệnh lý trong đó có rối loạn tiền đình. Những ai trong nhà có người cao tuổi, phải chăm sóc ông bà cha mẹ trong những tình huống rối loạn tiền đình sẽ thấy ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý lo lắng của người cao tuổi. Có yếu tố nào liên quan giữa người cao tuổi và vấn đề rối loạn tiền đình thưa BS?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Tỷ lệ dân số mắc bệnh rối loạn tiền đình đa số là người lớn tuổi vì khi đó tất cả các hệ cơ quan sẽ thoái hóa. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Rối loạn tiền đình Hoa Kỳ, dân số trên 65 tuổi thì tỷ lệ rối loạn tiền đình chiếm 1/3 dân số, nhưng khi 85 tuổi tỷ lệ tăng lên đến 50%.

Ngoài suy giảm chức năng hệ thống tiền đình sẽ có những chức năng suy giảm khác như suy giảm chức năng tai trong, thoái hóa tế bào lông trong cấu trúc tai trong, xuất hiện sỏi ốc tai gây ra các triệu chứng của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Thêm vào đó là các yếu tố liên quan đến nguy cơ tim mạch xuất hiện cùng với tuổi, là nguyên nhân thứ phát gián tiếp gây ra những bệnh lý như đột quỵ và làm xuất hiện triệu chứng chóng mặt, tiền đình.

6. Các loại thuốc nào tác động đến tiền đình?

Nhóm người sử dụng thuốc cũng là nhóm dễ gặp tình trạng rối loạn tiền đình. Vậy sử dụng những thuốc nào có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiền đình và lưu ý khi sử dụng thuốc trong những tình huống đó để phòng ngừa là như thế nào thưa BS?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Những nhóm thuốc tác động trực tiếp lên cấu trúc tiền đình ốc tai như:

- Nhóm kháng sinh thuộc nhóm macrolid, khi sử dụng phải thận trọng, cần có sự tham khảo của nhân viên y tế hoặc từ bác sĩ.

- Thuốc hóa trị ảnh hưởng lên chức năng nhận thức của tiền đình.

- Thuốc điều trị tiền đình cũng có thể gây ra rối loạn chức năng tiền đình. Ví dụ trong điều trị có thuốc ức chế tiền đình, mục tiêu làm giảm triệu chứng trong thời gian ngắn nếu một số người tự ý mua thuốc, khi uống thuốc kéo dài hệ thống tiền đình sẽ bị ức chế. Từ đó làm giới hạn chức năng tiền đình, dẫn đến người bệnh lúc nào cũng cảm giác lâng lâng chao đảo, đi lại không vững, đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều hơn khi hoạt động.

7. “Tiền đình ngoại biên” và “chóng mặt kịch phát lành tính” khác nhau như thế nào?

Nhờ BS phân biệt cho khán giả biết thêm về khái niệm “tiền đình ngoại biên” và khái niệm “chóng mặt kịch phát lành tính” khác nhau như thế nào? Biểu hiện của hai vấn đề này là gì và tác động đến sức khỏe như thế nào?

ThS.BS Thái Huy trả lời: “Tiền đình ngoại biên” là một hệ thống tiền đình bao gồm cấu trúc bên ngoài (cấu trúc tai trong, cấu trúc tiền đình ốc tai) có chức năng cảm nhận những chuyển động của chúng ta. Từ đó theo những luồng dây thần kinh phóng chiếu lên não. Phần tiếp nhận ở ngoài gọi là tiền đình ngoại biên, khi đi vào trong não gọi là tiền đình trung ương. Phân biệt để có thể xác nhận về nguyên nhân, vị trí, để có hướng xử lý phù hợp.

“Chóng mặt kịch phát lành tính” là tên của một bệnh lý chóng mặt tiền đình ngoại biên, phổ biến nhất gồm những yếu tố như chóng mặt, cảm giác xung quanh xoay tròn hoặc bản thân xoay tròn. “Kịch phát” nghĩa là xảy ra rất đột ngột và dữ dội liên quan đến tư thế, sẽ khởi phát khi có những thay đổi tư thế như nghiêng trái, nghiêng phải, đứng lên, ngồi xuống. “Lành tính” là khi chúng ta hỏi lại bệnh sử, khám lâm sàng không có tổn thương ở cấu trúc trong não.

8. Bệnh nhân rối loạn tiền đình sẽ than phiền điều gì nhiều nhất?

Khi gặp phải rối loạn tiền đình sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, công việc, hoạt động. Thường các bệnh nhân khi đến bác sĩ sẽ than phiền điều gì nhất khi gặp phải vấn đề rối loạn tiền đình này thưa BS?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Bệnh nhân thường thắc mắc “vì sao bệnh tiền đình điều trị hoài không hết?”. Bệnh nhân mô tả bệnh kéo dài, rất dữ dội nhưng khi đến bệnh viện, bác sĩ địa phương truyền dịch, tiêm thuốc sẽ đỡ nhưng một thời gian sau lại tái phát.

9. Chóng mặt, rối loạn tiền đình gây ra những hệ lụy nào cho sức khỏe?

Đối với người rối loạn tiền đình trước mắt sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nhưng giả sử tình trạng kéo dài thì ngoài chóng mặt, nôn ói, cảm thấy khó chịu ở thời điểm đó thì rối loạn tiền đình còn để lại những hệ lụy gì trên sức khỏe của bệnh nhân?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Chóng mặt có thể gây ra tình trạng té ngã nếu chúng ta điều trị không tốt. Té ngã là một chấn thương nghiêm trọng, có thể gây gãy xương, chấn thương đầu,… Đặc biệt đối tượng thường gặp của tiền đình là người lớn tuổi, khi có tâm lý sợ té ngã sẽ hạn chế hoạt động, từ đó sẽ gây cản trở những sinh hoạt độc lập của người bệnh, gây sự cô lập về xã hội. Rối loạn tiền đình mạn tính làm mệt mỏi về thể chất, tinh thần, kéo theo những vấn đề khác như người bệnh có tình trạng trầm cảm, lo âu hoặc căng thẳng, mất ngủ.

10. Rối loạn tiền đình có liên quan đến thiếu máu não hay đột quỵ không?

Nhiều người thường lo lắng rằng rối loạn tiền đình có liên quan gì đến tình trạng thiếu máu não không? Khi rối loạn tiền đình tái phát, xảy ra nhiều lần thì có liên quan đến đột quỵ không?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Đây là tình trạng chung khi người bệnh đến và khai thác bệnh sử của tiền đình, khi hỏi thêm về địa phương, cơ quan nơi đã khám thường chẩn đoán là rối loạn tiền đình hoặc thiếu máu não. Nhưng sau khi hỏi và phân tích thì bệnh nhân chỉ dừng lại ở mức tiền đình, chứ không có triệu chứng của thiếu máu não.

Chóng mặt có thể là dấu hiệu đầu tiên khởi phát của đột quỵ, tuy nhiên đột quỵ sẽ có nhiều triệu chứng khác như méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân, suy giảm ý thức hoặc những dấu hiệu ít gặp hơn như mờ mắt, nhìn đôi, đi lại loạng choạng, cảm giác điều khiển tay chân hơi khó khăn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X