Hotline 24/7
08983-08983

10 câu hỏi thường gặp khi chăm sóc trẻ bị hen suyễn khi giao mùa

Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh sẽ chia sẻ một số thông tin giúp chăm sóc trẻ bị hen suyễn đúng cách.

1. Thời tiết tác động thế nào đến sức khỏe của trẻ bị hen suyễn?

Thời tiết giao mùa tác động thế nào đến sức khỏe của trẻ bị hen suyễn thưa BS? Đặc biệt miền Bắc bước vào mùa nồm ẩm ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường khi thời tiết thay đổi sẽ kéo theo nhiều bệnh lý và làm giảm sức đề kháng đối với những người không chịu được thời tiết đó. Riêng bệnh suyễn là do không chịu được thời tiết nên gây ra bệnh. Suyễn là bệnh lý thuộc cá nhân, cơ địa dị ứng rất khó tránh.

2. Những yếu tố gây khởi phát cơn hen?

Đâu là những yếu tố gây khởi phát cơn hen ở trẻ em trong những ngày thời tiết giao mùa như hiện nay ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hen suyễn thường có yếu tố khởi phát:

- Những trẻ không chịu được thời tiết mùa đó sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Tuy nhiên nếu trẻ bị nhiễm virus sẽ dễ khởi phát cơn suyễn hơn.

- Thời tiết và tiếp xúc khói bụi, chất dị ứng với cơ thể sẽ càng dễ lên cơn hen suyễn.

- Thức ăn không phù hợp cũng là một yếu tố.

3. Thời tiết nồm ẩm, cần làm gì để tránh lên cơn hen?

Trẻ hen suyễn đi học, ra ngoài trời trong thời tiết giao mùa, nồm ẩm, cần chú ý những gì để không bị lên cơn hen ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ có cơn hen thường xuyên, phụ huynh phải chú ý hơn và có biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt những mùa dễ phát bệnh phải điều chỉnh phòng ngừa phù hợp, trong đó có cách bơm thuốc hoặc uống thuốc duy trì.

Nếu trẻ đã lâu chưa lên cơn hen (chưa đến mức phải phòng ngừa) nhưng đến mùa phụ huynh nghĩ trẻ có thể sẽ lên cơn hen suyễn thì lưu ý:

- Cho trẻ uống đủ nước

- Tránh khói bụi

- Tránh thức ăn có thể gây dị ứng để giảm khả năng mắc bệnh.

4. Nên làm gì khi trẻ đồng mắc cả hen suyễn kèm viêm mũi dị ứng?

Mùa Xuân, trẻ hen suyễn còn có thể mắc kèm với viêm mũi dị ứng, cha mẹ cần xử trí như thế nào trong các trường hợp mắc đồng thời cả hai bệnh như vậy ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm mũi dị ứng sẽ gây khó chịu, hắt hơi, chảy mũi liên tục. Suyễn sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn, có thể khó thở, thở khò khè, mất chất lượng sống, ngủ không được.

Với hai bệnh lý trên tùy mức độ chắc chắn trẻ phải đến bác sĩ. Nếu phụ huynh không cắt được cơn hen hoặc không có khả năng phòng ngừa, đôi khi ban đêm bị trẻ khó thở gây suy hô hấp sẽ rất nguy hiểm.

5. Có nên cho trẻ dùng thuốc phòng ngừa để hạn chế cơn hen tái phát?

Trước khi bước vào giai đoạn thay mùa, có nên cho trẻ dùng thuốc phòng ngừa để hạn chế các cơn hen tái phát, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi quyết định phòng phải xin ý kiến của bác sĩ. Vì phụ huynh không biết được trẻ có cần phòng ngừa ngay hay không.

Thông thường đối với các trẻ này nên được theo dõi bác sĩ chuyên về dị ứng, hen suyễn để bác sĩ đánh giá xem với mức độ bệnh hiện tại có nên phòng ngừa ngay hay khi bắt đầu triệu chứng khởi phát hoặc đã cắt cơn mới phòng ngừa.

Không có phác đồ chung cho tất cả các bé nên phải tham khảo bác sĩ đã thăm khám cho bé từ đầu đến giờ. Nếu trẻ bị hen suyễn cần có bác sĩ theo dõi lâu dài cho đến khi trẻ lớn và hết bệnh.

6. Vệ sinh mũi họng cho trẻ bị hen suyễn cần lưu ý gì?

Vệ sinh mũi họng cho trẻ bị hen suyễn cần lưu ý những gì? Các bước thực hiện sao cho đúng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi trẻ rửa mũi có thể gây kích ứng viêm mũi dị ứng hoặc kích ứng cơn hen. Tốt nhất nên nhỏ nước muối sinh lý. Nếu trẻ lớn có thể tập cho trẻ xì mũi, sau đó nhỏ nước muối sinh lý. Về các loại thuốc xịt và nên xịt hay không cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

7. Khi nào cần dùng thuốc giãn phế quản?

Thuốc giãn phế quản được áp dụng cho những trường hợp nào, thưa BS? Lưu ý gì khi sử dụng thuốc giãn phế quản?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thuốc giãn phế quản hiện nay gọi là salbutamol, có đường xông và đường uống. Nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Một số trường hợp tự mua thuốc uống, trẻ sẽ bị tác dụng phụ là run tay. Ví dụ trẻ cầm vật gì cũng sẽ bị run, không cầm được và tối khó ngủ, mạch đập nhanh. Thậm chí có một số trường hợp không sử dụng thuốc giãn phế quản để chữa suyễn nhưng tay trẻ bị run, khả năng là do trong thuốc đó có chưa thuốc giãn phế quản.

Nếu có hiện tượng này phải báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh lại liều lượng hoặc đổi phương pháp khác.

8. Trẻ bị hen suyễn có cần kiêng hải sản?

Trẻ bị hen suyễn có cần kiêng tuyệt đối các thực phẩm như tôm, cua… để tránh cơn hen tái phát, thưa BS? Nếu có thể ăn thì trong giới hạn nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một em bé hoặc người lớn bị hen cần tìm hiểu ngay thức nào khi ăn vào có thể phát bệnh. Vì khi mới bị không thể xác định chính xác nguyên nhân. Nhưng trong quá trình trẻ lớn lên, ăn uống phụ huynh cần quan sát, lưu ý trẻ đã ăn những gì. Nếu thức ăn đó gây bệnh mới cần phải kiêng cho trẻ. Không phải tất cả em bé bị hen đều phải kiêng các món cơ bản, kiêng hàng loạt trẻ sẽ không đủ chất.

9. Phòng ngừa nguy cơ mắc cảm lạnh, cảm cúm ở trẻ bị hen suyễn?

Thời tiết giao mùa khiến trẻ hen suyễn có khả năng đồng nhiễm các bệnh khác như cảm lạnh, cảm cúm. Các thói quen tốt nào phụ huynh cần thực hiện để phòng ngừa nguy cơ này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ bị hen, khi nhiễm virus sẽ dễ lên cơn hen. Nếu nhiễm virus thường xuyên cơn hen càng dễ tái phát.

- Trong mùa có khả năng nhiễm virus cần chăm sóc trẻ tốt hơn.

- Virus thường đi từ không khí, với những virus như virus cúm hoặc vi khuẩn cơ bản có thuốc ngừa thì nên cho trẻ tiêm tiêm.

- Tránh tiếp xúc với người bị ho, sổ mũi.

- Không nên đến những nơi quá đông người.

- Giữ ấm nếu trời lạnh.

- Uống đủ nước

- Ngủ đủ giấc.

Những biện pháp này sẽ làm tăng sức đề kháng cho trẻ, khó bị nhiễm virus, từ đó ít tái phát cơn hen.

10. Trẻ bị hen suyễn có nên tiêm ngừa?

Nhiều bậc phụ huynh không dám cho trẻ bị hen suyễn tiêm ngừa vì lo sợ dị ứng, phản vệ. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ? Đối với trẻ bị hen suyễn, khi tiêm ngừa cần lưu ý những gì, cha mẹ nên theo dõi tại điểm tiêm và khi về nhà ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến hiện nay, không có chứng minh trẻ bị hen suyễn sẽ dễ sốc phản vệ hơn. Nếu đã sốc phản vệ thì nhóm nào cũng có thể xảy ra.

Tuy nhiên việc tiêm ngừa sẽ phòng được các tác nhân gây bệnh. Chính những tác nhân này làm kịch pháp cơn hen và cơn hen dễ tái diễn hơn. Trẻ bị hen suyễn cần tiêm ngừa cao hơn trẻ không hen suyễn.

Trừ trường hợp rất đặc biệt, nhưng những trường hợp này thường không liên quan đến cơn hen mà do cơ thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X