Hotline 24/7
08983-08983

Những lưu ý bố mẹ cần nhớ khi tẩy giun cho con

Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái, thậm chí giun làm tắc ruột nếu có quá nhiều trong bụng trẻ.

Tắc ruột vì búi giun quá lớn

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật lấy giun cho một cậu bé 3 tuổi (ở Võ Nhai, Thái Nguyên) vì bị . Theo đó, bệnh nhi được bố mẹ đưa đến viện khám trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng từng cơn. Các bác sĩ siêu âm thấy có nhiều búi giun trong lòng ruột. Bé được dùng thuốc tẩy giun ngay.

Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh nhi này nôn ra giun, bụng chướng tăng dần, chụp X-quang bụng có hình ảnh mức dịch hơi, chẩn đoán bé bị tắc ruột do giun, phải phẫu thuật để lấy giun.

Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, cách góc hồi manh tràng 10cm, có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột. Sau mổ bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, chăm sóc tích cực để phục hồi sức khỏe.

Trước đó, vào cuối năm 2017, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật, gắp hàng chục con giun lớn trong ruột của một bé gái hơn 2 tuổi sống tại Nghệ An. Bệnh nhi này cũng nhập viện trong tình trạng mỏi mệt, đau bụng, có biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm độc và mất nước. Kết quả siêu âm phát hiện có hình ảnh búi giun lớn gây tắc ruột.

Trên thực tế, đa phần trẻ nhỏ thường hiếu động, thích lăn lê, chơi đùa trên sàn nhà hoặc có sở thích mút tay, ngậm đồ chơi, vì thế, trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun nếu khu vực vui chơi hoặc tay chân trẻ không được vệ sinh sạch sẽ.

Bên cạnh đó, ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi khiến trẻ có nguy cơ nhiễm giun do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể trẻ khi trẻ chơi đùa trên đất cát, cạnh khu vực trên.


Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ để tránh bị nhiễm giun nặng. Ảnh minh họa
Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ để tránh bị nhiễm giun nặng. Ảnh minh họa

Theo TTƯT.ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), khi bị , ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ.

Theo đó, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời phải “chia sẻ” phần thức ăn cho những “vị khách” không mời khiến trẻ rơi vào tình trạng chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Bên cạnh đó, BS Lê Thị Hải khuyến cáo, trẻ bị nhiễm giun nếu không được tẩy giun định kỳ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: Giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.

Những trường hợp nhiễm giun móc, trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài, vì thế trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển, thiếu máu…

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm giun

Theo các bác sĩ, với những trường hợp bị nhiễm giun ở mức nhẹ, trẻ có thể không có biểu hiện gì hoặc các triệu chứng không rõ ràng. Nhiều trẻ vẫn ăn tốt nhưng không thấy tăng cân và thỉnh thoảng bị đau bụng vặt.

Khi có quá nhiều giun, mức độ đau bụng tăng dần lên. Một số trẻ có cảm giác lợm giọng, buồn nôn, da dẻ xanh xao, biếng ăn, đêm ngủ hay trằn trọc, có thể hay nằm sấp, kém tập trung trong mọi hoạt động hàng ngày. Nếu bị nhiễm giun kim bé có thêm biểu hiện ngứa hậu môn, hậu môn có thể bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo.

Thông thường, trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun. Tuy nhiên, khi thấy các dấu hiệu trên hoặc trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do nhiễm giun, bố mẹ có thể tẩy giun sớm hơn cho con và cần chú ý chọn loại thuốc thích hợp. Nếu cẩn thận, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tẩy cho con.

Những lưu ý khi tẩy giun cho trẻ

Hiện nay đa phần các loại thuốc tẩy giun bán trên thị trường đều được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, khá an toàn với sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên, có một số bệnh chống chỉ định với vì vậy nếu trẻ mắc một số bệnh mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, suy gan, suy thận, đang ốm, sốt... bố mẹ không nên tẩy giun cho con hoặc nếu tẩy phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ, nhân viên y tế.

Nên cho trẻ uống thuốc tẩy giun sau khi ăn. Sau khi uống thuốc, nếu trẻ mệt, cần bổ sung nước, đường, sữa cho trẻ uống. Nhiều người thường có quan niệm, uống thuốc tẩy giun thì phải nhịn đói, không được ăn gì để giun nhanh… chết. Tuy nhiên, điều này không cần thiết vì cơ chế hoạt động của thuốc tẩy giun là ức chế giun hấp thu glucose nên dù ăn gì giun cũng không thể sống được.

Để tránh tình trạng nhiễm giun cho con, bố mẹ nên tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Tập cho bé thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn.

- Nên cho bé uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.

- Thường xuyên cắt móng tay cho bé, rửa hậu môn sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi.

- Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước. Không để bé bò lê la, nghịch đất cát.

- Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.

Theo N.Mai - Gia đình và Xã hội


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X