Xuất huyết não ở vị trí nào nguy hiểm nhất?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Thần kinh, kiêm Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM chia sẻ về nguyên nhân gây ra các dạng xuất huyết não, phương pháp điều trị của xuất huyết não và xuất huyết màng não (xuất huyết dưới nhện).
1. Xuất huyết não có mấy dạng?
Xuất huyết nội sọ có hai dạng: xuất huyết não tức là xuất huyết vào trong nhu mô não và xuất huyết khoang dưới nhện tức là xuất huyết màng não.
2. Nguyên nhân gây xuất huyết não, xuất huyết màng não?
Nguyên nhân gây ra xuất huyết não và xuất huyết màng não là hoàn toàn khác nhau.
Nguyên nhân gây xuất huyết não là 80% do cao huyết áp, những nguyên nhân khác: u não, rối loạn đông máu, huyết khối tĩnh mạch, xuất huyết não trong vùng bị nhồi máu chuyển dạng xuất huyết…
Xuất huyết màng não còn gọi là xuất huyết dưới nhện thì phần lớn trường hợp do dị dạng mạch máu não, cụ thể là phình mạch máu não.
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Thần kinh, kiêm Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
3. Điều trị xuất huyết não như thế nào?
Khi nói về điều trị xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện (xuất huyết màng não), cách điều trị hoàn toàn khác nhau.
Nếu xuất huyết não do cao huyết áp, mục tiêu của các bác sĩ là kiểm soát huyết áp. Khi khối máu tụ đó lớn, ta có thể can thiệp bằng việc phẫu thuật để để giải quyết khối máu tụ đó đi nhằm giải áp cho nhu mô não. Trong trường hợp không thể làm phẫu thuật, ta có thể mở sọ làm giảm áp lực nội sọ.
Đối với những trường hợp xuất huyết nhu mô não do u não, rối loạn đông máu, do dị dạng mạch máu ở trong não thì sẽ tùy theo nguyên nhân mà có hướng giải quyết. Ví dụ:
- Nếu rối loạn đông máu, các bác sĩ sẽ sử dụng những chất để điều trị rối loạn đông máu.
- Nếu do u não, các bác sĩ sẽ ổn định bệnh nhân trước, tức là làm sao xuất huyết đó ngưng. Sau đó, sẽ giải quyết khối u.
- Nếu là dị dạng hay thông động tĩnh mạch não, bác sĩ cần ổn định bệnh nhân, ngăn chảy máu. Sau đó, bác sĩ sẽ giải quyết khối dị dạng đó.
4. Điều trị xuất huyết dưới nhện như thế nào?
Đối với xuất huyết dưới nhện, phương thức điều trị hoàn toàn khác. Mục tiêu của điều trị xuất huyết dưới nhện là giải quyết cho được túi phình mạch máu não, tức là bác sĩ phải loại bỏ túi phình ra khỏi hệ thống tuần hoàn.
Có 2 cách để giải quyết túi phình:
- Cách thứ nhất là người ta đặt một chiếc coil vào trong lòng mạch đi đến túi phình và họ bơm một chất để tạo cục huyết khối trong túi phình đó. Do đó, máu sẽ không vào được túi phình nữa và nó tạo thành cục máu đông trong túi phình. Sau đó, họ sẽ loại túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn.
- Cách thứ hai là họ sẽ mổ để kẹp vào cổ túi phình giống như chúng ta kẹp vào cuống của một quả bóng bay vậy.
Hai biện pháp đó là phòng ngừa để cho xuất huyết không tái phát bởi vì khi túi phình đã vỡ một lần, gây ra xuất huyết thì khả năng xuất huyết tái phát sẽ rất cao, đặc biệt là trong vòng vài ngày đầu, sau khi bị xuất huyết lần đầu. Do đó, chúng ta giải quyết túi phình, tránh để túi phình bị vỡ tiếp. Nếu túi phình vỡ tiếp, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
Ngoài việc giải quyết túi phình, trường hợp bệnh nhân đã xuất huyết rồi, chúng ta phải điều trị những hậu quả mà xuất huyết đã gây ra, ví dụ những biến chứng của xuất huyết chẳng hạn như xuất huyết làm co mạch, gây ra nhồi máu não thì chúng ta phải kiểm soát những yếu tố đó: phòng ngừa và kiểm soát.
Những biến chứng do xuất huyết dưới nhện gây ra như gây ra tắc đường dẫn dịch não tủy ở trong não làm cho tăng áp lực não, trường hợp này phải can thiệp phẫu thuật để dẫn nước dịch não tủy ra.
5. Tiên lượng của bệnh nhân bị xuất huyết màng não (xuất huyết dưới nhện)?
Chúng ta thấy biện pháp điều trị xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện là hoàn toàn khác nhau.
Điều trị khó khăn hay thuận lợi sẽ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
- Yếu tố thứ nhất, xuất huyết dưới nhện tỷ lệ tử vong (tức tiên lượng) nặng nề hơn xuất huyết não. Ví dụ như xuất huyết não, tỷ lệ tử vong có thể là 30%. Xuất huyết dưới nhện tỷ lệ tử vong có thể từ 30 đến 50%.
- Yếu tố thứ hai là tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân, bệnh nhân lớn tuổi hay bệnh nhân trẻ hơn.
- Yếu tố thứ ba là xuất huyết lớn hay là nhỏ, tức là thể tích của khối máu xuất huyết.
- Yếu tố thứ tư là khối máu tụ có dễ với tới hay không, chúng ta có thể giải quyết dễ dàng bằng những biện pháp không? Ví dụ: khối máu tụ ở nông, thì chúng ta có thể phẫu thuật một cách dễ dàng. Nhưng một số khối máu tụ ở sâu mà ngoại khoa không thể với tới mà có kích thước lớn là những khối máu gây ra tử vong cao nhất.
Tương tự đối với xuất huyết dưới nhện (xuất huyết màng não), tiên lượng tử vong tùy thuộc vào thể tích mà máu đã xuất huyết ra (mức độ nặng của xuất huyết), đồng thời tùy thuộc vào vị trí, kích thước của khối máu tụ (có dễ giải quyết được không), vị trí đó bác sĩ có thể với tới được hay không, có can thiệp dễ dàng hay không…
6. Xuất huyết não ở vị trí nào khó cứu nhất?
Đối với xuất huyết não, thời gian cũng rất là quan trọng bởi vì xuất huyết não do cao huyết áp, việc kiểm soát huyết áp là làm giảm thể tích của khối máu tụ.
Nếu các bác sĩ không kiểm soát khối máu sớm khi chúng ta chẩn đoán bệnh này là xuất huyết thì khả năng khối máu tụ lớn lên trong vòng một giờ hoặc vài chục phút tiếp theo sẽ rất cao. Khối máu tụ đó kích thước quá lớn hoặc ở những vị trí như thân não, cầu não, hành não, cuống não dù các bác sĩ có kiểm soát huyết áp đi chăng nữa cũng khó cứu bệnh nhân.
Trọng Dy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình