Hotline 24/7
08983-08983

Xử trí kịp thời khi trẻ lên cơn hen cấp

Trẻ bị hen phế quản nếu không được kiểm soát tốt sẽ lên cơn hen cấp thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh sẽ cung cấp một số thông tin và cách phòng tránh cơn hen suyễn cấp cho trẻ.

1. Trẻ hay lên cơn hen cấp có thể đối mặt với những biến chứng nào?

Trước tiên, nhờ BS chia sẻ thêm thông tin: Trẻ có thể đối mặt với những biến chứng nào nếu thường xuyên lên cơn hen cấp ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ lên cơn hen nhiều lần chất lượng sống và dinh dưỡng sẽ không tốt. Trường hợp lên cơn hen cấp nhưng không cắt cơn được trẻ sẽ suy hô hấp, ngưng thở. Đây là hai nguy cơ cần lưu ý để xử trí đúng cách.

2. Đâu là nguyên nhân hay yếu tố kích hoạt cơn hen cấp ở trẻ?

Vậy, đâu là nguyên nhân hay yếu tố kích hoạt cơn hen cấp ở trẻ, thưa BS? Thời tiết giao mùa, miền Bắc rét, miền Nam mưa trái mùa, se lạnh như hiện nay có làm kích hoạt cơn hen suyễn thường xuyên hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ có tiền căn hen suyễn thì yếu tố nguy cơ nào cũng có thể làm trẻ lên cơn hen. Tất cả các yếu tố môi trường, thức ăn đều có khả năng kích hoạt cơn hen cấp. Có thể do thức ăn, thời tiết, sau khi sốt siêu vi, do khói bụi, lông chó, lông mèo,… Đối với trẻ chưa lên cơn hen lần nào rất khó để biết trẻ có lên cơn hen cấp hay không.

3. Trẻ lên cơn hen cấp, phụ huynh nên xử trí như thế nào?

Khi trẻ có biểu hiện lên cơn hen cấp, phụ huynh nên xử trí như thế nào? Khi mới chớm thì xử trí ngay hay đợi nếu không bớt mới bắt đầu xử trí, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có nhiều mức độ khác nhau, cần phải tìm hiểu đó là bệnh lý hen ho kéo dài hay thở khò khè, là cơn hen hay chỉ biểu hiện của hen sau đó tự khỏi.

Nếu nghi ngờ hen suyễn do ho kéo dài, khò khè sau đợt bệnh nên đi khám để bác sĩ kiểm tra hoặc thở khí dung xem có đáp ứng với thuốc không, đo chức năng hô hấp để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Đối với trẻ có cơn hen thường xuyên khi lên cơn sẽ xử trí như những lần lên cơn trước. Có thể sử dụng phun xịt hoặc thở khí dung.

4. Những điều cần lưu ý khi trẻ lên cơn hen cấp

Nhờ BS lưu ý về những điều nên làm và những điều nên tránh khi trẻ lên cơn hen cấp cho các bậc phụ huynh ạ!

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trong gia đình có trẻ bị hen, cần phải tìm hiểu yếu tố kịch phát cơn hen là những nguyên nhân nào. Ví dụ do một món ăn hay vận động quá mức, đến một nơi khói bụi, sau khi bị viêm hô hấp sẽ lên cơn hen thì phụ huynh cần biết để phòng tránh.

Đối với trẻ đã xác định hen cần phải phòng ngừa và tái khám thường xuyên. Để bác sĩ đưa ra loại thuốc phòng ngừa hợp lý nhất. Bên cạnh đó cần theo dõi khi nào ngưng thuốc, khi nào giảm thuốc, không đợi đến lúc lên cơn hen mới xử lý.

5. Những nguyên tắc khi sử dụng thuốc cắt cơn hen cho trẻ

Sử dụng thuốc cắt cơn cho trẻ, cần ghi nhớ những nguyên tắc nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sử dụng thuốc cắt cơn cần phải hiệu quả, nếu trẻ không thể xịt thông thường thì cần có buồng. Và khi thở khí dung nên tìm hiểu kích thước ống, liều lượng pha, tốc độ thở, sủi bọt khí dung lên thế nào, tần suất giữa hai lần thở để thở chính xác, đúng liều lượng.

6. Trẻ lên cơn hen cấp, khi nào phải đưa đến bệnh viện?

Khi trẻ lên cơn hen cấp, trong trường hợp nào cần đưa trẻ đến bệnh viện, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các trường hợp nên đến bệnh viện:

- Xử lý tại nhà bằng cách thở khí dung hoặc phun xịt không hiệu quả, cơn hen càng lúc càng nhiều hơn.

- Trẻ ngồi thở, thở há hốc miệng, tím tái.

Khi xịt hiệu quả tức là cơn hen đã cắt từ từ thì có thể sắp xếp thời gian thuận tiện để đi khám và xem mức độ có cần can thiệp thêm thuốc không.

7. Trẻ bị hen suyễn có nên vận động, chơi thể thao?

Trẻ bị hen suyễn, cha mẹ có nên cấm con vận động, chơi thể thao? Môn thể thao nào phù hợp với trẻ bị hen suyễn và bộ môn nào trẻ cần tránh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những trẻ bị hen có thể lúc đầu không lên cơn hen sau khi vận động nhưng sẽ lên cơn khi vận động quá mức. Tuy nhiên nếu không lên cơn hen khi vận động quá mức thì vẫn có thể vận động như bình thường.

Không phải trẻ bị hen suyễn thì hoàn toàn không được chơi thể thao. Trẻ có thể chơi thể thao nhưng quan trọng cần lưu ý:

- Không vận động quá mức.

- Không để mất nhiều nước mà không được bù nước.

- Hoặc môn thể thao quá lạnh nhưng phụ huynh không biết như đi bơi lâu và không mặc đồ người nhái.

8. Làm thế nào để kiểm soát cơn hen suyễn tốt?

Trong cuộc sống sinh hoạt, làm thế nào để giúp trẻ kiểm soát bệnh hen suyễn tốt và không để các cơn hen suyễn cấp xảy ra thường xuyên, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng nhất là phụ huynh phải tìm hiểu yếu tố kịch phát cơn hen để phòng tránh. Ví dụ:

- Sau khi ăn bị lên cơn hen thì kiêng không cho trẻ ăn món đó.

- Tránh quá lạnh hoặc quá nóng.

- Tránh đến môi trường có khói bụi.

- Tránh khói thuốc lá,…

Còn lại trẻ vẫn có thể vận động, tiếp xúc môi trường như bình thường. Đa số em bé bị cơn hen lúc nhỏ khi lớn sẽ tự khỏi. Phụ huynh nên cố gắng theo dõi, tái khám đúng bác sĩ chuyên khoa để tình trạng ổn định hơn.

9. Trẻ bị hen suyễn, gia đình có nên nuôi thú cưng?

Trẻ bị hen suyễn, gia đình có nên nuôi thú cưng? Nếu lỡ nuôi thì cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ mắc hen suyễn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu biết chắc chắn trẻ bị suyễn do lông thú cưng thì không nên nuôi, phải cách ly trẻ khỏi lông chó mèo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X