Hotline 24/7
08983-08983

Xoa dịu cơn đau do zona cấp: Chiến lược điều trị nào khả thi?

Các cơn rát bỏng và những cơn đau buốt của bệnh zona ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, giảm năng suất học tập và làm việc. Vậy thuốc nào giúp ngăn chặn các cơn đau hiệu quả, giảm biến chứng cho người mắc bệnh zona?

1. Zona - Ám ảnh những cơn đau “buốt lên tận óc”

- Vì sao virus gây bệnh zona có thể gây ra những cơn đau khủng khiếp như vậy ạ?

Zona (trong dân gian gọi là giời leo) là bệnh do sự tái hoạt động của virus gây bệnh thủy đậu Varicella-zoster (VZV). Ở lần hoạt động đầu tiên, virus này gây bệnh thủy đậu, sau đó cơ thể hình thành kháng thể chống lại sự hoạt động của chúng. Song virus không biến mất hoàn toàn mà lui về cư trú trong cơ thể người bệnh, cụ thể là các tế bào và hạch thần kinh. Vì yếu tố nào đó, virus tái hoạt động, chúng di chuyển dọc theo dây thần kinh ra da và gây bệnh.

Tổn thương do bệnh zona có thể ít ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng cơn đau do tình trạng này gây ra luôn là nỗi sợ hãi ám ảnh người bệnh. Nhiều người mô tả rằng, những cơn đau rát bỏng và những cơn đau giật “buốt lên tận óc” do zona kéo dài, xuất hiện nhiều lần trong đêm làm người bệnh mất ngủ, chỉ chợp mắt được thoáng qua trong sự mệt mỏi, chập chờn giữa các cơn đau khủng khiếp.

Zona là tình trạng nổi mụn gây đau nhức ở da do virus varicella-zoster gây ra. Bệnh thường khởi phát đột ngột, diễn biến cấp tính. (Ảnh minh họa)

- Vậy những ai có nguy cơ mắc bệnh zona hay còn gọi là giời leo, thưa BS?

Bệnh zona có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và cũng có thể gặp ở cả người khỏe mạnh, nhưng đặc biệt phổ biến ở người lớn trên 50 tuổi, càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Ngoài ra, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, mắc một số bệnh như bệnh về máu (lympho mạn, hodgkin...), tiểu đường, ung thư, viêm não - màng não, suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần, suy nhược cơ thể, xạ trị, thủy đậu... có thể là yếu tố thuận lợi mắc bệnh zona.

- Các triệu chứng nào cảnh báo bệnh zona? Những cơn đau do bệnh zona có đặc trưng ra sao để phân biệt với cơn đau do các bệnh khác?

Trước khi phát ban mụn nước 2-3 ngày, người bệnh thường bắt đầu với những cảm giác bất thường như ngứa, rát dấm dứt, đau ở vùng da ở một bên cơ thể. Một số người cũng bị sốt, mệt mỏi hoặc đau đầu. Các mụn nước ban đầu căng, tập trung thành cụm (như chùm nho), rồi trợt loét chảy dịch và đóng vảy. Sau khoảng 2 - 4 tuần, các mụn nước khô và bong vảy ra, thường để lại sẹo nông.

Các mụn nước của bệnh zona (giời leo) thường xuất hiện theo từng dải (Ảnh minh họa)

Cơn đau của bệnh zona có thể kéo dài trong nhiều ngày liền. Triệu chứng đau được chia làm 3 giai đoạn theo thời gian. Đau tiền triệu là các cơn đau xuất hiện trước khi nổi các thương tổn da của bệnh zona. Tiếp theo là những cơn đau xuất hiện trong vòng 30 ngày kể từ khi xuất hiện các thương tổn da của zona và đau sau zona là các cơn đau kéo dài trên 30 ngày kể từ khi có thương tổn da.

Cơn đau do zona chỉ giới hạn ở các phần da bị ảnh hưởng bởi phát ban. Ở người trên 50 tuổi thường bị đau nhiều và đau kéo dài, sau khi khỏi tổn thương ngoài da còn đau kéo dài nhiều tháng, hàng năm sau. Các tổn thương trên da và triệu chứng đau của zona rất quan trọng, giúp cho việc chẩn đoán bệnh trên lâm sàng.

2. Thuốc nào hiệu quả điều trị zona cấp?

- Hiện nay, điều trị zona thường bao gồm những loại thuốc nào, thưa BS?

Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp rất nhiều cho người bệnh, giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là hạn chế biến chứng đáng sợ nhất của zona, đó là đau thần kinh sau zona (tình trạng đau nhức kéo dài trên 30 ngày từ sau khi bị zona).

Tuy nhiên, vấn đề là, nếu điều trị muộn hoặc điều trị sớm mà không đúng thuốc hoặc đúng thuốc mà không đủ liều thì cũng coi như chưa được điều trị. Do đó, điều trị tốt nhất là trong vòng 48 giờ tính từ khi có tổn thương da. Nếu điều trị trong vòng 1 tuần đầu thì kết quả tương đối tốt. Điều trị càng muộn để lại di chứng càng nhiều.

Mục đích điều trị bệnh zona tập trung vào việc giải quyết thật tốt cơn đau, thường bao gồm sự kết hợp của thuốc kháng virus và thuốc giảm đau.

- Thuốc kháng virus điều trị bệnh zona mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân? Nên sử dụng loại nào ạ?

Điều trị bằng thuốc kháng virus nên càng sớm càng tốt, vì nó có hiệu quả nhất khi bắt đầu trong vòng 72 giờ sau khi phát ban zona xuất hiện. Sau thời gian này, thuốc kháng virus vẫn có thể hữu ích nếu mụn nước mới xuất hiện.

Việc sử dụng sớm liệu pháp kháng virus để điều trị zona sẽ giúp làm giảm những biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện sau này, đặc biệt đối với những người cao tuổi và bệnh nhân bị tổn hại miễn dịch.

Acyclovir là một trong ba loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh zona, với liều dùng thường là ngày uống 5 lần, cách nhau 3 giờ trong 7 ngày liên tục. Acyclovir sẽ làm rút ngắn thời gian bài xuất virus, làm ngưng sự hình thành tổn thương mới nhanh chóng hơn, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo, và giảm độ nặng của cơn đau cấp, bao gồm cả đau sau tổn thương.

Acyclovir có sẵn dưới dạng viên nén (Medskin Clovir 400, Medskin Clovir 800) hoặc dưới dạng kem bôi ngoài da (Medskin Clovir tube), được bôi sau mỗi 4 giờ. Đối với dạng kem bôi Acyclovir, thường được sử dụng khi tổn thương da khô hơn.

Acyclovir có sẵn dưới dạng viên nén (hàm lượng 400mg, 800mg) và kem bôi ngoài da, điển hình như Medskin Clovir tube

- Ngoài thuốc kháng virus, nếu bệnh nhân vẫn còn đau, vậy có thể kết hợp với các thuốc giảm đau nào khác, thưa BS?

Cơn đau liên quan đến bệnh zona có thể nghiêm trọng và cần phải dùng thuốc giảm đau. Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen hoặc paracetamol có thể giúp giảm đau nhẹ.

Nếu bệnh nhân đau cấp trong lúc bệnh đang tiến triển thì có thể uống thêm các thuốc giảm đau thần kinh phối hợp như gabapentin hoặc pregabalin trong thời gian từ 1-3 tuần. Nếu sau khi tổn thương da khỏi mà vẫn còn đau hoặc đau sau zona thì phải điều trị bằng các thuốc trên kéo dài hơn.

Bên cạnh thuốc kháng virus, người bệnh có thể sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau như paracetamol để giảm cơn đau khó chịu do zona gây ra (Ảnh minh họa)

- Nhờ BS đưa ra một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh zona ạ!

Nếu nghi ngờ mắc zona nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu ngay để có chẩn đoán và điều trị thích hợp nhất. Acyclovir cần được điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận, vì vậy tốt nhất là sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều-giảm liều hoặc ngưng thuốc khi chưa có chỉ định.

Khi sử dụng thuốc kháng virus có thể gặp một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ nếu các tác dụng phụ này nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là phải uống đủ nước trong khi dùng thuốc kháng virus.

3. Lưu ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho người bị zona cấp

- Người mắc bệnh zona nên kiêng gì, và nên ăn gì ạ? Cần lưu ý những vấn đề nào để thúc đẩy các tổn thương nhanh lành hơn, thưa BS?

Người mắc bệnh zona không cần kiêng ăn. Tuy nhiên cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt...), thực phẩm cay nóng, thực phẩm chiên rán, rượu bia, đồ uống có cồn. Mặt khác, nên tăng cường những thực phẩm giàu kẽm, lysine, vitamin C, B6, B12 trong chế độ ăn để hỗ trợ quá trình điều trị, giúp vết thương nhanh lành hơn.

Ngoài ra, người bệnh cần nhớ một số vấn đề sau:

- Giữ vùng da bị bệnh sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng.

- Không thoa kem dưỡng ẩm.

- Không gãi, tác động mạnh vào vùng da bị ngứa ngáy để tránh làm vỡ mụn nước trên da.

- Có thể chườm mát xung quanh các vùng da tổn thương để giảm đau và giảm ngứa.

- Không ngâm các vùng da bị viêm, nhiễm trùng trong nước hay bất kỳ dung dịch nào.

- Khi bôi thuốc cần rửa tay sạch sẽ và lau khô tay.

- Khi vết thương bắt đầu đóng vảy sẽ gây ngứa, khó chịu nhưng không nên bóc lớp vảy này ra khiến vết thương dễ bị nhiễm trùng và gây sẹo.

- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc.

- Giữ tinh thần thoải mái vì lo lắng quá mức có thể khiến người bệnh căng thẳng, làm bệnh lâu lành hơn.

- Luyện tập thể dục thể thao vừa phải, có thể lựa chọn các bài tập như đi bộ, yoga, thiền giúp lưu thông máu, kích thích quá trình lành tổn thương và thư giãn tinh thần, hạn chế stress.

- Không tự ý mua, sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Lưu ý:

- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tuyệt đối không nghe lời truyền miệng, không đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam lên tổn thương da.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X