Hotline 24/7
08983-08983

Vợ mắc bệnh phụ khoa, chồng chì chiết, con mù lòa

Chồng lớn tiếng tuyên bố sẽ không gần người vợ "đầy vi trùng", thề sẽ kiếm đàn bà ở ngoài còn "sạch" hơn.

 
Nhiều ông chồng không chịu nghe kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vì coi đó là chuyện đàn bà
 
Đàn ông và phụ nữ đều có trách nhiệm và quyền lợi như nhau trong việc sinh sản cũng như hưởng thụ đời sống tình dục. Tuy nhiên, khi hậu quả xấu, thường người phụ nữ phải lãnh trách nhiệm chính.
 
"Quýt" đổ cho "cam"
 

Gia đình chị Thu Nguyệt (Sóc Sơn, Hà Nội) suốt nửa năm nay lục đục. Nguyên nhân chỉ vì chị đột nhiên thấy khó chịu ở vùng kín, đi tiểu buốt, ngứa ngáy khó chịu, có nhiều khí hư. Chị cảm thấy đau rát khi quan hệ với chồng. Nhiều lúc gần vợ khó khăn, chồng chị lại mắng mỏ, kêu chị như khúc gỗ...

Chị lén lên huyện khám, bác sĩ kết luận chị nhiễm nấm và yêu cầu cả hai vợ chồng cùng uống thuốc điều trị. Nhưng chồng chị không chịu, kiên quyết nói rằng mình không đi "bậy bạ" ở ngoài, không phải thuốc thang gì cả. Thậm chí anh còn quay sang nghi ngờ, chì chiết chị lăng nhăng nên mới bị bệnh. Anh lớn tiếng tuyên bố sẽ không gần người vợ "đầy vi trùng", thề sẽ kiếm đàn bà ở ngoài còn "sạch" hơn.

Chị Lê Thị Hoài (Gia Lâm, Hà Nội) còn dở khóc dở cười với bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung, phải điều trị bằng biện pháp "đốt". Bác sĩ yêu cầu chị phải kiêng quan hệ tình dục nhưng chồng chị cứ say rượu về lại “đè” vợ ra. Vì thế, chị điều trị suốt một thời gian dài vẫn không khỏi.

"Nhiều bệnh viêm nhiễm phụ khoa là do môi trường ẩm ướt, thậm chí chị em lao lực, vất vả, vệ sinh không đúng cách, nạo phá thai không an toàn hoặc lây nhiễm từ chồng. Nhưng cho dù là nguyên nhân từ đâu thì hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm điều trị mới khỏi được" - bà Diệu Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết.
 
Để gia đình hạnh phúc cần có sự đồng tâm của cả hai vợ chồng
 
Đời cha ăn mặn…

Vợ chồng anh Trần Văn Hợp (Đông Anh, Hà Nội) cưới nhau 2 năm mới có tin vui. Nhưng cả nhà chết lặng khi đứa bé bị mù bẩm sinh. Mẹ anh cho rằng, họ hàng nội ngoại không ai bị tật nguyền như vậy, nên có khi phải đưa đi xét nghiệm xem có đúng "dòng giống nhà mình hay không?".

Người vợ trẻ cứ ôm con khóc vì uất ức. Nhưng đưa con đến Viện Nhi T.Ư khám, bác sĩ bảo có thể trong thời gian mang thai, vợ anh đã nhiễm bệnh lậu mà không biết nên gây biến chứng cho con.

Anh Hợp giật mình. Hồi thanh niên, anh cũng theo bạn bè đi bia ôm và quan hệ với một cô bán bia. Anh bị viêm nhiễm, tiểu buốt, đi khám, bác sĩ kết luận anh bị bệnh lậu. Uống thuốc qua quýt một thời gian, không thấy biểu hiện lạ nữa, nên anh cũng quên.

Anh nào ngờ, bệnh lậu nếu không chữa trị dứt điểm, cơ thể vẫn "ủ bệnh" và lây sang vợ rồi sang con. Nhìn con gái xinh đẹp mà đôi tròng mắt trắng dã, lờ đờ quơ quơ đôi bàn tay bé xíu, anh đứt từng khúc ruột...

Gần 90% phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục - đó là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Giải phẫu tế bào học - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau khi khám trên 70.000 bà mẹ sống ở hơn 300 cộng đồng dân cư trên cả nước.

Bà Diệu Hiền cho biết: Rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) như lậu, giang mai, sùi mào gà, mụn rộp, nấm chladimya, viêm gan B… gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Tuy hậu quả của STIs rất nặng nề nhưng nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là đàn ông không để tâm lắm.

Nếu bệnh gây viêm nhiễm nặng mới đi khám và điều trị sẽ rất khó chữa dứt điểm. Nhiều STIs dễ trở thành bệnh "mãn tính" đối với nam giới và ít biểu hiện viêm nhiễm đối với nữ giới, nhưng lại gây nguy hiểm đặc biệt cho việc sinh con.

Một số bệnh STIs khiến cho đàn ông bị viêm nhiễm, viêm túi tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh và vô sinh. Còn đối với phụ nữ, hậu quả rất nặng nề như viêm vòi trứng, buồng trứng, viêm hố chậu gây chửa ngoài tử cung, vô sinh, đẻ non, trẻ thiếu cân và dễ chết. Thậm chí, STIs có thể lây sang con gây mù lòa, điếc, viêm màng não.

Hiện nay, việc tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản của các trung tâm y tế, dân số mới chỉ tác động cho nữ giới.

Theo bà Hiền, các buổi tư vấn lưu động xuống cơ sở cho các cơ quan, xí nghiệp, phường, xã với sự "ép buộc" của lãnh đạo thì còn lác đác có đàn ông. Nhưng họ cũng chỉ ngồi một chút rồi "chuồn". Không ít người từ chối nghe về chăm sóc sức khỏe sinh sản vì coi đó là chuyện đàn bà...

Theo Diệu Linh - Dân Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X