Vợ chồng nhịn 'yêu' khi nhà thêm sĩ tử
Từ khi cô em vợ ở chung nhà trong 1 tháng luyện thi đại học, vợ chồng anh Hoàng (Q. Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu những ngày dở khóc dở cười.
“Gần cả tuần rồi vợ chồng mình có 'làm ăn' được gì đâu. Tuy phòng trọ có gác, nhưng lại là gác gỗ nên nhất cử nhất động đều phải hết sức cẩn thận. Ngày trước đã phải đau đầu nghĩ cách đối phó với “giặc ngoài” là hàng xóm, nay thêm “thù trong” là cô em nên đành phải án binh bất động”, anh Hoàng nhăn mặt.
Biết là vợ chồng sẽ khó có được những giây phút riêng tư trong căn phòng chặt hẹp, cả hai lên kế hoạch cho một buổi tối thật lãng mạn và thoải mái ở nhà nghỉ. Lấy lý do đi hóng mát và để không gian cho em tập trung ôn bài, chị Vân dặn dò em coi nhà thì nhận được lời đề nghị làm anh chị chưng hửng: “Em cũng muốn đi hóng mát cho đầu óc khuây khỏa, với lại cũng muốn được tham quan cho biết phố xá thế nào”.
Mọi kế hoạch đều bị phá sản nên vợ chồng phải hẹn tranh thủ giờ nghỉ trưa để gặp nhau, nhường căn phòng cho cô em toàn tâm toàn ý lo việc học hành.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong tổ ấm của anh Quang, chị Bình. Là dân tỉnh lẻ, anh chị trọ ở căn phòng nhỏ tại Q. Tân Bình, TP.HCM. Nhà chị Bình cũng có cậu em chuẩn bị “lên kinh ứng thí” nên được gia đình gửi gắm chỗ ăn ở trong thời gian thi cử.
Biết mọi sinh hoạt vợ chồng sẽ bị đảo lộn khi có thêm người thứ ba trong nhà, chị Bình đã làm công tác tư tưởng để chồng vui vẻ cho em có được tư tưởng thoải mái nhất để ăn học. “Phòng trọ tuy rộng nhưng không có gác nên rất bất tiện”, chị Bình chia sẻ. Tối đi ngủ chỉ kéo mỗi chiếc rèm làm ranh giới an toàn nên mọi hoạt động đều phải nhịn hết. Mấy ngày nay anh Quang cũng “nóng trong mình” nhưng vợ chồng đành nhìn nhau cười trừ.
Có hôm cậu em nổi hứng mời bạn đến học chung rồi xin cho bạn ở lại đêm. Vì tinh thần ham học của em nên không có lý nào anh chị lại từ chối lời đề nghị ấy. Nhận thấy dấu hiệu 'chịu hết nổi' của ông xã nên chị Bình phải mạnh dạn duyệt chi ngân sách gia đình để vợ chồng đi nhà nghỉ trong suốt tháng luyện thi của em.
Thế nhưng nhiều đêm tối thấy anh chị “đi làm” về khuya, về nhà lại không đả động đến chuyện ăn uống, cậu em tủi thân gọi điện mách bố mẹ. “Thế là vợ chồng bị mắng một trận vì cái tội ham công tiếc việc mà không lo cho em ăn học đoàng hoàng, tử tế”, anh Quang kể.
Chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ, trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc cho rằng, đây là những trường hợp rất tế nhị xảy ra với khá nhiều gia đình cũng như các cặp vợ chồng từ tỉnh lẻ lên phố lập nghiệp khi điều kiện kinh tế, nhà cửa chưa ổn định.
Điều quan trọng là tạo môi trường thuận lợi giúp sĩ tử chuyên tâm trong việc học hành. Cũng cần làm công tác tư tưởng trước cho các thành viên trong gia đình để dễ dàng đón nhận những thay đổi, xáo trộn trong đời sống vợ chồng.
Nếu nhà trọ chật hẹp và không thuận tiện cho việc ở ghép, giải pháp tốt nhất là thuê một phòng riêng cho các sĩ tử. Giải pháp này vừa giúp vợ chồng vẫn giữ được không gian riêng tư, sinh hoạt gối chăn không bị xáo trộn, mà các thí sinh cũng không bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng tới việc ôn luyện.
“Những gia đình có con em chuẩn bị ứng thí có thể liên hệ với Hội sinh viên, những tổ chức thiện nguyện hoặc tìm đến các nhà thờ, chùa chiền để nhận được sự giúp đỡ cần thiết trước mùa thi về chỗ ăn ở, môi trường học tập và phương tiện đi lại…”, chuyên viên Phạm Sỹ gợi ý.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình