Viêm tuyến mang tai là gì?
Tôi bị đau một bên hàm phải, lúc đầu chỉ đau như bị nhiệt ở trong cùng hàm phải, sang ngày thứ hai thì khi há miệng rất đau và không há được to.
Sau đó đau xuống dưới hàm nơi hạch hay nổi nhưng không bị nổi hạch, nuốt nước bọt cũng thấy đau. Như vậy là tôi bị làm sao? Có thể uống thuốc gì cho khỏi?
Duong Thi Hai
Trường hợp của chị có thể có hai tình huống. Tình huống thứ nhất là chị bị nhiệt miệng thật sự, đâu đó trong khoang miệng, hoặc vùng lưỡi phía bên phải có một vết loét chưa lành nên càng ngày càng đau, đặc biệt là khi ăn hoặc nuốt.
Tình huống thứ hai là chị bị viêm khớp thái dương hàm bên phải. Tính chất đau trong bệnh lý này là đau khi há miệng to, khi nhai thức ăn cứng và khi ấn vào sẽ thấy đau nhiều hơn phía bên đối diện. Cả hai bệnh lý này đều được điều trị bằng kháng sinh và kháng viêm từ 5-7 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên để xác định chính xác chẩn đoán và để lựa chọn thuốc thích hợp cho trường hợp cụ thể của chị, chị có thể khám tại khoa tai mũi họng của các bệnh viện lớn trong thành phố.
Em đi khám ở BV, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm tuyến mang tai và viêm họng. Sau đó kê đơn cho thuốc uống 5 ngày. Bao gồm kháng sinh mạnh viên tròn màu xanh dương 500mg; Thuốc kháng viêm và paracetamol (1 viên sáng - 1 viên tối) sau khi ăn. Đến nay em uống đã hết 5 ngày thuốc nhưng vẫn còn bị đau. Nhìn bên ngoài không còn sưng nhiều như trước. Không có hạch sưng. Bác sĩ tư vấn cho em về tình trạng của em vì em thấy trước và sau khi uống thuốc tình trạng không giảm đi nhiều (Minh Nguyệt)
Theo bạn mô tả, đau sưng vùng góc hàm một bên có thể là viêm tuyến mang tai do vi trùng, viêm hạch cấp tính, hoặc viêm khớp thái dương hàm.
Nếu bạn viêm tuyến mang tai do vi trùng thì thường tuyến mang tai sưng to, giới hạn không rõ, có thể có thêm sốt, toàn thân lừ đừ mệt mỏi, khi khám có mủ chảy ra ở lỗ đổ vào trong khoang miệng của tuyến mang tai.
Nếu bạn bị viêm hạch cấp tính, thường sờ thấy một hạch có giới hạn rõ, di động, ấn đau, khi khám sẽ có thể thấy có các cơ quan gần bên bị bệnh như viêm amiđan, viêm nướu răng, viêm loét niêm mạc miệng chẳng hạn.
Để điều trị cả hai loại bệnh viêm tuyến mang tai do vi trùng và viêm hạch cấp tính đều sử dụng kháng sinh, kháng viêm và giảm đau từ 5-7 ngày bệnh sẽ giảm.
Nếu bạn bị viêm khớp thái dương hàm thì triệu chứng đau thường nổi bật, đặc biệt khi nhai hoặc cắn vật cứng hoặc ấn vào sẽ thấy đau nhiều hơn bệnh kia, cách điều trị bệnh lý này là giữ cho khớp được nghỉ ngơi bằng cách không ăn vật cứng hoặc nhai quá nhiều, đồng thời sử dụng kháng viêm và giảm đau 5-7 ngày bệnh sẽ khỏi.
Trường hợp của bạn đã uống thuốc 5 ngày nhưng không giảm nhiều có thể là do kháng sinh chưa phù hợp, kháng viêm, giảm đau chưa đủ liều. Do vậy bạn nên đi khám lại một lần nữa để bác sĩ sẽ có cách điều trị mới phù hợp hơn.
AloBacsi.vn (Theo Tuổi trẻ)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình