Hotline 24/7
08983-08983

Viêm tủy xương: Chẩn đoán và điều trị

Viêm tủy xương là một bệnh cơ xương khớp do vi khuẩn xâm nhập vào máu đi đến xương gây ra tình trạng viêm tại xương. Do đó, bệnh không chỉ có biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ mà còn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân. Phát hiện và điều trị sớm giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm.

1. Tổng quan về viêm tủy xương

Việc viêm nhiễm của xương có thể xảy ra theo hai con đường chính. Một là lây nhiễm từ vi trùng bên ngoài một cách trực tiếp làm xương nhiễm vi khuẩn. Cách thứ hai là lây nhiễm từ vi khuẩn trong máu (hay còn gọi là tình trạng nhiễm trùng huyết). Người bình thường khỏe mạnh ít khi bị viêm tủy xương. Những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường hay bệnh thận mạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

2. Nguyên nhân bệnh viêm tủy xương

Bệnh viêm tủy xương có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

- Nhiễm trùng: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tủy xương là nhiễm trùng. Các vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn và lây lan đến tủy xương, gây viêm và tổn thương tủy xương.

- Bệnh lý miễn dịch: Các bệnh lý miễn dịch như viêm khớp, bệnh lupus ban đỏ, bệnh Henoch-Schönlein và nhiều bệnh tự miễn khác có thể tác động tiêu cực đến tủy xương, gây viêm và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tế bào máu.

- Bệnh lý máu: Các loại bệnh lý máu như bệnh bạch cầu, bệnh bạch huyết, bệnh thiếu máu, và bệnh liên quan đến tiểu cầu có thể gây viêm và tổn thương tủy xương.

- Bất thường cơ học và hóa học: Các yếu tố bất thường như chấn thương mạch máu, hóa trị liệu, phẫu thuật, thuốc chống ung thư, hoặc sử dụng các chất độc hại cũng có thể gây tổn thương tủy xương.

- Bệnh tăng sinh: Một số loại bệnh tăng sinh, như bệnh u ác tính, có thể xâm nhập vào tủy xương và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tế bào máu.

- Bất thường di truyền: Một số người có thể có bệnh di truyền ảnh hưởng đến tủy xương, gây ra viêm và các vấn đề liên quan đến hệ tuần hoàn.

Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, triệu chứng và điều trị của viêm tủy xương sẽ có sự khác biệt. Điều quan trọng là tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của bệnh để đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả.

3. Triệu chứng của viêm tuỷ xương

Các biểu hiện mà bệnh nhân có thể gặp là:

- Sốt

- Cảm thấy sưng phù, nóng và đỏ vùng bị nhiễm trùng

- Đau vùng nhiễm trùng

- Mệt mỏi

Đôi khi viêm tủy xương không có biểu hiện rõ ràng. Các triệu chứng của bệnh cũng khá mơ hồ và có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng khác. Đặc biệt ở những đối tượng như trẻ sơ sinh, người lớn tuổi hay người bị suy giảm miễn dịch, bệnh càng có thể có biểu hiện không rõ ràng.

4. Các biến chứng của viêm tủy xương

Một số biến chứng thường gặp là:

- Hoại tử xương (chết xương): Khi nhiễm trùng lan vào tủy xương, nó sẽ ngăn cản sự lưu thông dòng máu tới xương, dẫn đến chết xương. Mảnh xương chết cần phải được phẫu thuật để loại bỏ.

- Viêm khớp nhiễm trùng: Đôi khi tình trạng nhiễm trùng có thể lan tới khớp và gây nhiễm trùng khớp.

- Rối loạn tăng trưởng ở trẻ em: Nếu trẻ bị viêm xương khi còn nhỏ, các xương khớp còn đang phát triển, thì tình trạng viêm xương có thể ngăn cản xương dài ra. Đặc biệt là khi vùng sụn tăng trưởng bị ảnh hưởng.

- Ung thư da: Nếu vùng viêm xương bị áp xe hóa và dò mù ra ngoài thì vùng da xung quanh có khả năng phát triển thành ung thư da. Loại ung thư da phát triển là ung thư tế bào vảy.

Xem thêm: Những thắc mắc về bệnh viêm tủy xương thường gặp

5. Chẩn đoán viêm tuỷ xương

Bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng vết thương của bạn nếu có. Vùng xương bị đau, sưng đỏ cũng được kiểm tra kỹ càng. Nếu bạn có vết loét ở bàn chân, bác sĩ có thể sử dụng que dò để kiểm tra tình trạng của xương nằm dưới.

Ngoài khám lâm sàng, một số xét nghiệm cũng cần được thực hiện. Các xét nghiệm này cho biết tác nhân gây ra viêm tủy xương.

a. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cho biết được số lượng bạch cầu, các tế bào miễn dịch giúp chống lại vi khuẩn. Ngoài ra, nếu tác nhân gây viêm tủy xương tới từ đường máu, việc cấy máu giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu không khẳng định rằng bạn có viêm tủy xương hay không. Các xét nghiệm này mang tính chất gợi ý và giúp bác sĩ đưa ra các chỉ định phù hợp.

b. Xét nghiệm hình ảnh học

Chụp X quang. Phim X quang có thể cho biết tình trạng tổn thương của xương. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm tủy xương xuất hiện khá trễ trên phim, nên có thể không phát hiện được nếu tình trạng bệnh còn sớm. Các xét nghiệm cao cấp hơn đưa ra nhiều thông tin giá trị để chẩn đoán.

Chụp cộng hưởng từ (MRI). Phim MRI cho hình ảnh rất chi tiết về cấu trúc xương và mô mềm của vùng bị ảnh hưởng. Từ đó cho phép đánh giá tốt hơn.

CT scan. Phim CT cũng cho kết quả hình ảnh rất chi tiết. Xét nghiệm này thường được lựa chọn nếu không thể chụp MRI được.

c. Sinh thiết xương

Một mẫu xương và tủy xương sẽ được lấy để xét nghiệm. Kết quả sinh thiết có thể trả lời được loại tác nhân gây viêm tủy xương. Từ đó cho bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh thích hợp để điều trị.

Việc lấy mẫu sinh thiết xương có thể khá phức tạp. Có hai cách lấy mẫu sinh thiết thường dùng. Cách thứ nhất là sinh thiết trong phòng mổ, bệnh nhân được gây mê toàn thân. Cách thứ hai là sinh thiết với gây tê tại chỗ. Tùy thuộc vào tình huống cụ thể, bác sĩ sẽ gợi ý cho bạn phương pháp phù hợp.

6. Phương pháp điều trị viêm tủy xương

a. Điều trị phẫu thuật

Tùy vào mức độ lan rộng của nhiễm trùng, việc phẫu thuật có thể bao gồm:

- Dẫn lưu vùng bị nhiễm trùng, ô nhiễm sẽ được mở ra và dẫn lưu, hút dịch ra. Việc này giúp giải quyết ổ nhiễm trùng, áp xe.

- Loại bỏ mô và xương bị nhiễm trùng, hoại tử. Phương pháp này còn được gọi là cắt lọc. Bác sĩ sẽ lấy đi các mô không thể hồi phục được. Việc bỏ đi các mô chết sẽ giúp tạo cơ hội cho các mô sống hồi phục.

- Tái lưu thông tuần hoàn tới xương, việc cắt lọc sẽ đi kèm với che phủ vết thương. Các vùng da hay cơ lành có thể được sử dụng để che phủ vùng bị cắt bỏ. Chúng còn có tác dụng đưa máu tới nuôi vùng mô bị tổn thương. Việc cấy và ghép da cũng có thể được cân nhắc.

- Loại bỏ dị vật, cần loại bỏ các dị vật hay ngoại vật (ví dụ như khớp giả gây nhiễm trùng).

- Cắt bỏ chi, đối với những trường hợp nặng và không thể cứu vãn, có thể bệnh nhân cần phải cắt bỏ chi.

b. Điều trị dùng thuốc

Thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Việc lựa chọn kháng sinh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là loại tác nhân gây bệnh. Đường dùng kháng sinh thường là truyền tĩnh mạch kéo dài trong 6 tuần.

Những yếu tố khác cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc điều trị. Nếu bạn có hút thuốc lá, bạn cần phải bỏ thuốc lá để vết thương có thể lành lại. Ngoài ra, các bệnh nền cũng cần được kiểm soát và điều trị tốt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X