Hotline 24/7
08983-08983

Viêm ruột thừa khi nào nên mổ, khi nào nên điều trị nội khoa?

Viêm ruột thừa đa phần là viêm ruột thừa cấp. Do đó, tiêu chuẩn vàng trong điều trị là phẫu thuật. Phẫu thuật càng sớm hiệu quả càng cao và không gây ra biến chứng. Để hiểu rõ hơn vì sao "thời gian vàng" lại quan trọng trong điều trị viêm ruột thừa, mời bạn đọc theo dõi bài tư vấn của TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM.

1. Ruột thừa liệu có "thừa" như người ta nói?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Ruột thừa có lẽ là thừa thật nên ông bà mới đặt cái tên như vậy. Trước đây có lẽ thừa thật bởi chưa tìm thấy những chức năng rõ ràng của ruột thừa. Nhưng ngày nay đã có nhiều nghiên cứu khám phá những cái chức năng của ruột thừa mà chúng ta chưa thể hiểu hết được, đặt biệt là chức năng liên quan đến miễn dịch tiết ra globulin miễn dịch và IgA.

2. Ruột thừa thực hiện nhiệm vụ gì trong cơ thể? Vì sao ruột thừa gây hại cho sức khỏe con người?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Trong cơ thể chúng ta không có cái gì thừa và cũng không có gì thiếu. Bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể đều có hoạt động và chức năng riêng. Khi có những xáo trộn về hoạt động hoặc bất thường về sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể sẽ tạo nên bệnh.

Khoa Ngoại Tổng quát của các bệnh viện gần như ngày nào cũng thực hiện điều trị bệnh lý viêm ruột thừa. Ruột thừa là cơ quan nằm ở vị trí chuyển giao từ ruột non qua ruột già. Chính vì cái vị trí này nên chức năng không rõ ràng và rất dễ bị tổn thương.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm ruột thừa, nhưng phổ biến nhất là do phì đại nang bạch huyết ở trong ruột thừa.

Nguyên nhân thứ hai là do sỏi phân. Phân hình thành sỏi và chui vào ruột thừa, từ đó gây phản ứng viêm.

Nguyên nhân thứ 3 là do dị vật. Trong dân gian thường truyền miệng ăn hạt ổi rớt vào ruột thừa gây viêm nên bà con rất sợ ăn ổi. Đó là một số những nguyên nhân gây viêm ruột thừa.

Viêm ruột thừa khi nào nên mổ, khi nào nên điều trị nội khoa?Viêm ruột thừa là trường hợp cấp cứu y tế, hầu như luôn yêu cầu phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh xảy ra biến chứng.

3. Triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa là gì?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Một triệu chứng thường biểu hiện nhiều bệnh lý khác nhau. Chính vì vậy những người làm trong ngành y thường xuyên cập nhật kiến thức để có thể phân biệt và chẩn đoán xác định bệnh lý, bởi có rất nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau, biểu hiện giống nhau và đôi khi những biến chứng cũng rất giống nhau.

Ruột thừa nằm ở vị trí chuyển giao từ ruột non qua ruột già, do đó có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh, như những bệnh lý ở vùng trên là vùng ruột non, có thể tổn thương viêm ruột, viêm hồi manh tràng... Ở vùng ruột đại tràng là viêm đại tràng. Ở phụ nữ có thể nhầm lẫn với bệnh phụ khoa như là bệnh lý về buồng trứng, tử cung, bệnh lý đường tiết niệu, thậm chí có thể nhầm lẫn với bệnh lý gan mật…

Hình ảnh ruột thừa bình thường nằm đúng vị trí là ở vùng hố chậu bên phải. Tuy nhiên có một số trường hợp ruột thừa không đơn thuần nằm ở vị trí này mà lại chui tuột và nằm phía sau manh tràng. Cũng có khi ruột thừa nằm ở bên trái, hay có trường hợp ruột thừa nằm gần gan… Do vị trí đa dạng như vậy nên cần có chẩn đoán cẩn thận để phân biệt với các bệnh lý khác.

Trong một số trường hợp, với những biểu hiện quá rõ ràng, nhưng nếu không phẫu thuật có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, bác sĩ vẫn chấp nhận "mổ trắng" không phải do viêm ruột thừa mà là các bệnh lý khác.

Với bất kì bệnh lý nào cũng phải dựa vào 2 nhóm triệu chứng: thứ nhất là nhóm triệu chứng lâm sàng, thứ 2 là sự hỗ trợ của các phương tiện cận lâm sàng.

Đối với viêm ruột thừa có 2 nhóm: thứ nhất phải có những triệu chứng viêm, thứ 2 là viêm ở vị trí ruột thừa.

Biểu hiện của triệu chứng viêm ruột thừa là bệnh nhân sẽ có hội chứng nhiễm trùng: đầu tiên là chán ăn, mệt mỏi, ớn lạnh, sau đó có biểu hiện sốt. Thứ 2 là triệu chứng đau bụng. Do ruột thừa nằm ở vùng hố chậu bên phải nên bệnh nhân thường đau ở vị trí này. Giờ đầu tiên bệnh nhân đau ở vùng thượng vị (thường nhầm lẫn với đau dạ dày), theo dõi sau một vài giờ triệu chứng đau di chuyển xuống hố chậu phải. Biểu hiện thứ 3 là kèm theo những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, như bệnh nhân buồn nôn, đi tiêu phân lỏng…

Ngoài các triệu chứng của đau ruột thừa ở hố chậu bên phải, trong một số trường hợp đặc biệt, ruột thừa nằm sau manh tràng biểu hiện bởi những triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Với ruột thừa ở bên trái hoặc gần gan… tùy theo triệu chứng mà bác sĩ sẽ dựa vào kĩ năng lâm sàng để chẩn đoán.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ cần đến sự hỗ trợ của các phương tiện cận lâm sàng. Đầu tiên phải chẩn đoán bằng phản ứng viêm, công thức máu sẽ biểu hiện rõ nhất hội chứng viêm, hội chứng nhiễm trùng. Thứ 2 là siêu âm. Đây là phương tiện đơn giản, chẩn đoán viêm ruột thừa khá hiệu quả. Ngoài ra trong một số trường hợp khó khăn hơn có thể nhờ đến CT ổ bụng.

Viêm ruột thừaTS.BS Lê Thị Tuyết Phượng hiện là Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115.

4. Triệu chứng giữa viêm ruột thừa cấp và viêm ruột thừa mạn có khác nhau?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Đa phần mọi người chỉ biết đến viêm ruột thừa cấp. Từ “viêm ruột thừa mạn” thật ra không chính xác. Với viêm ruột thừa cấp, nếu không được xử lý sẽ gây vỡ ruột thừa và nhiễm trùng tại chỗ khu trú ở vùng hố chậu phải, sau đó gây nhiễm trùng toàn ổbụng và cuối cùng là toàn thân. Đây là con đường diễn tiến thứ nhất và nhiều nhất của viêm ruột thừa.

Con đường thứ 2 là viêm ruột thừa vỡ ra gây nhiễm trùng nhưng tạo apxe bao quanh vị trí hố chậu phải và không lan ra, chỉ thành apxe ruột thừa.

Trong một số trường hợp, do bệnh nhân có sức đề kháng khá tốt, kèm sử dụng kháng sinh tại chỗ, nên ruột thừa tạo thành đám quánh và được mạc treo bọc lại hạn chế tình trạng viêm nhiễm trùng lan ra bên ngoài. Tình trạng này được gọi là đám quánh ruột thừa.

Một số người thường gọi apxe ruột thừa hay đám quánh ruột thừa là viêm ruột thừa mạn tính. Thật ra đây là biến chứng của viêm ruột thừa cấp.

5. Bệnh viêm ruột thừa khi nào nên mổ, khi nào nên điều trị nội khoa?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Như tôi đã trình bày, viêm ruột thừa đa phần là viêm ruột thừa cấp. Do đó, tiêu chuẩn vàng trong điều trị là phẫu thuật. Phẫu thuật càng sớm hiệu quả càng cao và không gây ra biến chứng. Nếu chẩn đoán sớm viêm ruột thừa cấp, mổ trong vòng 6 giờ đầu gần như không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật ruột thừa sau 72 giờ sẽ có nhiều biến chứng do tình trạng viêm nhiễm lan ra bên ngoài.

Gần như tất cả trường hợp được chẩn đoán viêm ruột thừa đều phải mổ. Nhưng có thể có một số trường hợp không phẫu thuật. Thứ nhất là hình thành ổ apxe ruột thừa. Khi ổ apxe ruột thừa đã khu trú, bác sĩ sẽ dẫn lưu ổ apxe nhằm “dọn dẹp” sạch sẽ ổ apxe, 6 tháng sau sẽ mổ ruột thừa.

Thứ hai là đám quánh ruột thừa. Trường hợp này bác sĩ sẽ theo dõi, một số trường hợp ruột thừa có thể tự tiêu, sau 3 tháng bác sĩ sẽ đánh giá lại, nếu đám quánh diễn tiến thành apxe ruột thừa hoặc apxe ruột thừa tái phát sẽ được phẫu thuật.

Gần đây có quan niệm sử dụng kháng sinh để điều trị nội khoa viêm ruột thừa. Có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên hiệu quả chưa rõ ràng và chỉ dùng trong trường hợp không thể nào phẫu thuật như bệnh nhân quá lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh nặng kết hợp, hay người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật.

Viêm ruột thừa cần được phẫu thuật ngay trong 6 giờ đầu.

Trong phần tiếp theo, BS Tuyết Phượng sẽ giải đáp những vấn đề xung quanh việc điều trị viêm ruột thừa trên những đối tượng đặc biệt cũng như chăm sóc hậu phẫu sau mổ. Kính mời bạn đọc đón xem.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X