Viêm ruột thừa cấp cần đến bệnh viện ngay trong 6 tiếng đầu
Tiếp nối câu chuyện về đoạn ruột thừa bị viêm, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115 - TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng sẽ giải đáp về thời gian vàng trong cấp cứu viêm ruột thừa cấp cũng như chăm sóc hậu phẫu cho người bệnh.
Bài trước: Viêm ruột thừa khi nào nên mổ, khi nào nên điều trị nội khoa?
6. Phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, khi nào mổ nội soi khi nào mổ hở?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Nếu được chẩn đoán sớm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi bởi đây là phương pháp đơn giản, lành bệnh nhanh, thời gian hồi phục nhanh, ít xảy ra biến chứng.
Nhưng trong một số trường hợp, ví dụ bệnh nhân có biến chứng viêm phúc mạc, hoặc viêm phúc mạc toàn thể, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bệnh lý kết hợp hay phải chẩn đoán viêm ruột thừa với các bệnh lý khác… cần phẫu thuật mở lớn.
7. Sau phẫu thuật viêm ruột thừa, bệnh nhân cần lưu ý gì trong sinh hoạt và dinh dưỡng?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Với kinh nghiệm của bác sĩ cũng như các phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ, việc chẩn đoán viêm ruột thừa khá tốt, bệnh nhân được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời. Chính vì vậy, chỉ 1-2 ngày sau bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và có thể làm việc, hoạt động sau 1 tuần. tuy nhiên, nên hạn chế những việc gắng sức quá mức.
Về dinh dưỡng, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, nhưng vì vừa trải qua phẫu thuật, cho nên cần chia nhỏ bữa ăn, không nên ăn quá no và hạn chế các chất gây khó tiêu như chất béo, hạn chế sử dụng các gia vị để cơ thể khỏe mạnh trở lại.
Với những trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng, sau 2 tuần bệnh nhân sẽ hồi phục trừ một số trường hợp đặc biệt.
BS Tuyết Phượng vừa là Trưởng khoa Nội tiêu hóa, vừa kiêm nhiệm phụ trách phòng Công tác xã hội.
8. "Thời gian vàng" điều trị viêm ruột thừa cấp?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Như tôi đã nói ở trên, nếu chẩn đoán sớm (trong 6 tiếng đầu) phẫu thuật sẽ rất hiệu quả, nhưng nếu chẩn đoán trễ sẽ xảy ra nhiều biến chứng.
Từ những biến chứng nhỏ nhất như viêm ruột thừa mưng mủ, vỡ ruột thừa, viêm phúc mạc khu trú, viêm phúc mạc toàn thể, nặng nhất là sốc nhiễm trùng, bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng.
9. Khi có triệu chứng của viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân và gia đình nên và không nên làm gì?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Triệu chứng viêm ruột thừa khá đa dạng và dễ nhầm với một số bệnh, do đó mọi người cần lưu ý. Ở nhiều vùng quê thường cho rằng "đau bụng gió" sẽ tử vong. Trong một số trường hợp đó, đôi khi là viêm ruột thừa. Nhiều khi bệnh nhân đau bụng nhưng nghĩ là đau bụng gió, vì vậy ra sức cạo gió, cuối cùng lại bị sốc nhiễm trùng và tử vong. Vì vậy, nếu bệnh nhân bị đau bụng kèm sốt, ớn lạnh, chán ăn nên đi khám ở bệnh viện.
Trong những trường hợp đau bụng chưa xác định rõ nên hạn chế dùng thuốc giảm đau và kháng sinh, bởi hai loại thuốc này làm giảm các triệu chứng bệnh và kéo dài thời gian bệnh, đưa đến những biến chứng về sau.
10. Phụ nữ mang thai nếu không may bị viêm ruột thừa sẽ được điều trị như thế nào?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Phụ nữ mang thai bị viêm ruột thừa là đối tượng đặc biệt. Nếu đã được chẩn đoán viêm ruột thừa cần phải phẫu thuật, nếu không sẽ xảy ra biến chứng nặng ảnh hưởng cả thai phụ và thai kỳ. Dĩ nhiên, phẫu thuật ở phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ sẩy thai và sinh non. Nhưng với kỹ năng của người bác sĩ sẽ chọn phương pháp an toàn nhất cho người mẹ và thai nhi.
Các mẹ bầu nếu có biểu hiện đau bụng bất thường, đặc biệt đau ở vùng hố chậu phải kèm theo sốt, nôn ói... không được tự ý dùng thuốc, và đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
11. Phụ nữ mang thai, trẻ em và người có bệnh lý nền điều trị viêm ruột thừa như thế nào?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Điều trị chính đối với viêm ruột thừa vẫn là phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật viêm ruột thừa trên cơ thể khỏe mạnh tương đối đơn giản.
Nhưng đối với những cơ thể có ảnh hưởng sức đề kháng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, những người có nhiều bệnh lý nền kết hợp (đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…) trước khi phẫu thuật bác sĩ sẽ hội chẩn với các chuyên khoa để có thể xem xét những thuốc bệnh nhân đang sử dụng có ảnh hưởng gì đến quá trình phẫu thuật hay không, đồng thời chuẩn bị một số phương tiện cũng như thuốc trong cuộc phẫu thuật. Bên cạnh đó, quá trình sau phẫu thuật sẽ khó khăn hơn các trường hợp còn lại như bệnh nhân nằm viện lâu hơn, nguy cơ xảy ra biến chứng mổ viêm ruột thừa nhiều hơn, việc chăm sóc cũng như dinh dưỡng khó khăn hơn.
12. Viêm ruột thừa có cách nào phòng ngừa không?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Viêm ruột thừa rất khó phòng ngừa, bởi nguyên nhân gây viêm ruột thừa rất mơ hồ, nang bạch huyết không rõ lúc nào phì đại, sỏi phân không biết khi nào chui vào ruột thừa.
Do đó, những người đi biển dài ngày hoặc một số trường hợp đi đến những nơi không có điều kiện y tế sẽ có quan điểm mổ và cắt bỏ ruột thừa, để nhỡ bị viêm ruột thừa khi đang lênh đênh trên biển có thể tử vong do sốc nhiễm trùng.
Tựu chung lại, mọi người cần tăng sức đề kháng và sử dụng các thực phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe.
AloBacsi trân trọng cảm ơn TS.BS lê Thị Tuyết Phượng đã dành thời gian giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa để có phương án điều trị hiệu quả. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình lần sau!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình