Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao trẻ “cắm mặt” vào điện thoại, máy tính bảng sẽ chậm nói?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích môi trường và phương pháp dạy con đã ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ, sai lầm tai hại như cho con sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá sớm khiến trẻ chậm nói.

Theo BS Trương Hữu Khanh, thiết bị điện tử không phải đồ chơi, cô trông trẻ... Sử dụng smart phone, ipad và TV không chỉ khiến trẻ lười nói mà còn gây ra nhiều phiến toái và kìm hãm sự phát triển của trẻ.

Vì sao trẻ tiếp cận với điện thoại, máy tính bảng sẽ có nguy cơ chậm nói?

Trẻ chưa có ý thức sợ làm hư thiết bị (người lớn sợ bấm nút này hoặc xóa nút kia sẽ hỏng) nên trẻ thoải mái thao tác và tìm tòi rất nhanh, do đó, chúng ta đừng tưởng trẻ còn nhỏ không làm được gì nhiều với điện thoại và máy tính bảng (smart phone và ipad).

Smart phone và ipad cho chúng ta quá nhiều tiện ích, trong đó có nhiều tiện ích như  trò chơi, học hành. Phụ huynh nghĩ trẻ chơi trò đó để có thể học hỏi được. Ban đầu, trẻ chỉ chơi thôi chứ chưa học được và bị cuốn hút vào trò chơi, phụ huynh cảm thấy hài lòng khi em bé quanh quẩn bên chúng ta. Nhìn qua thì thấy em bé ngồi đó, trẻ không quấy cha mẹ, phụ huynh tha hồ làm việc.

Cuối cùng, các bậc phụ huynh giao điện thoại đó để giữ chân em bé lại, điều đó rất nguy hiểm bởi vì tương tác về điện thoại chỉ là tương tác một chiều, dẫn đến trẻ sẽ chậm phát triển về ngôn ngữ.

Khi sử dụng ipad em bé chỉ tương tác bằng cách nhìn thôi, không tương tác âm thanh (trẻ chỉ ngồi xem chứ không nói chuyện), trong khi phải tương tác âm thanh thì con người chúng ta mới nói được. Một số trẻ vì xem ipad quá nhiều nên hiểu được khi cha mẹ nói tiếng Anh, nhưng lại không hiểu được tiếng Việt vì chỉ tiếp thu tiếng Anh từ ipad.

Tivi cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Trẻ bật từ kênh này qua kênh khác và cứ ngồi yên một chỗ chắc chắn sẽ gây chậm nói.

Trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng như thế nào mới tốt?

Muốn sử dụng điện thoại di động hay máy tính bảng tốt, trước hết chúng ta phải bảo vệ mắt trẻ vì các em bé cứ cắm mắt vào sẽ bị ảnh hưởng đến thị lực.

Thứ hai, phải có sự tương tác giữa “ba người”: cái máy được xem là một người, em bé là một người và cha hay mẹ là một người. Cha mẹ sẽ giải thích cho trẻ về hình ảnh ngay lúc trẻ đang xem. Nhờ vậy, trẻ sẽ được khai sáng tốt hơn thay vì để trẻ một mình với ipad.

Đa số các bậc phụ huynh không làm được điều này vì quá bận rộn và đây là tình trạng nguy hiểm. Chúng ta luôn nhớ cái máy chỉ là phương tiện dạy trẻ và giúp các bé học được nhiều thứ nhưng người lớn phải dạy các em sử dụng thiết bị mới an toàn.

Làm sao để cha mẹ “cai nghiện” smartphone, thiết bị điện tử cho trẻ?

Thứ nhất, chúng ta cần nhớ rằng sử dụng phương tiện truyền thông để lên mạng có thể gây nghiện. Nếu không can thiệp sớm, trẻ sẽ ngày càng nghiện. Khi các bậc phụ huynh ngăn cấm trẻ một cách đột ngột, các em sẽ có phản ứng rất xấu. Vì vậy, cha mẹ cần ngăn chặn trẻ sử dụng phương tiện truyền thông qua mạng ngay từ đầu. Đôi khi cha mẹ buộc phải tách rời trẻ khỏi môi trường đó hoàn toàn.

Ví dụ như một số phụ huynh cho con đi học ở môi trường không có mạng. Ở giai đoạn đầu, trẻ phải chấp nhận như thế, sau đó quen dần. Như thế, mới hiệu quả.

Ngay từ đầu, các bậc phụ huynh cần có biện pháp phòng ngừa. Đừng để trẻ lao vào mạng rồi trở nên nghiện ngập sẽ rất nguy hiểm.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X