Phụ nữ mang thai mắc cúm: Nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai, sinh non
Phụ nữ đang mang thai nếu nhiễm cúm thì sẽ nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi với các biến chứng như sinh non, sảy thai, dị tật thai nhi. Vậy mẹ bầu phòng ngừa cúm mùa như thế nào, tiêm vắc xin cúm loại nào? Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương sẽ giải đáp những vấn đề trên.
1. Thời tiết thay đổi khiến ca nhiễm cúm ở phụ nữ mang thai tăng cao
Gần đây, những ca mắc bệnh cúm mùa gia tăng rất nhiều. Đối với bệnh viện Hùng Vương trong thời điểm này các chị em sản phụ đến khám trong tình huống như thế nào, thưa bác sĩ?
TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc của Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Bệnh cúm được biểu hiện qua nhiều triệu chứng và trước đây trong tháng mùa lạnh tức từ tháng 11 cho đến khoảng tháng 1 là đợt cao điểm của bệnh cúm.
Trong khoảng thời gian trên, số lượng thai phụ đi đến khám tại bệnh viện Hùng Vương với những triệu chứng cúm có gia tăng. Tuy nhiên, thời điểm này, thời tiết ấm áp hơn và số lượng phụ nữ mang thai có những triệu chứng nhiễm cúm cũng giảm hơn so với thời gian trước đây.
Vì khí hậu ở TPHCM có những đặc thù như 6 tháng mưa và 6 tháng nắng, thời tiết không thay đổi nhưng riêng năm 2025, thời tiết lạnh kéo dài hơn cho nên số ca nhiễm cúm có thể cao hơn so với những năm trước đây.
2. Nguy cơ mắc cúm ở phụ nữ mang thai
Đối với các chị em mang thai mắc cúm thì sẽ do những tác nhân nào gây ra, thưa bác sĩ?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung - Trưởng khoa khám bệnh B, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Cúm là một bệnh hô hấp cấp tính do virus cúm A, cúm B gây ra. Bệnh cúm đã thành đợt bùng phát và dịch bệnh trên toàn thế giới, bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân, ở trẻ em và người lớn có thể mắc.
Bệnh thường khỏi trong vòng 1 tuần mà không cần bất cứ một chăm sóc y tế. Tuy nhiên đối với những đối tượng nguy cơ cao mắc cúm như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn tuổi trên 65 tuổi hoặc những người lớn có bệnh mạn tính kèm theo (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh HIV/AIDS…) là những đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm bị những biến chứng liên quan đến cúm nhiều hơn.

3. Những ảnh hưởng khi người mẹ mang thai mắc cúm
Khi một người phụ nữ mang thai mắc cúm mùa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe kể cả thai nhi và thời điểm nào trong thai kỳ chúng ta mắc cúm nguy hiểm nhất thưa bác sĩ?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung - Trưởng khoa khám bệnh B, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Phụ nữ mang thai khi nhiễm cúm không những tác động đến sức khỏe của người mẹ mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé.
Khi người mẹ nhiễm cúm trong thai kỳ và đặc biệt là ở tam cá nguyệt đầu tiên tức ở 3 tháng đầu tiên thì có liên quan đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi, ví dụ như em bé bị sứt môi, khiếm khuyết ống thần kinh, não úng thủy và có thể bị dị tật bẩm sinh tim.
Ngoài ra, người mẹ nhiễm cúm trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ bị sảy thai, sinh non, sinh trẻ nhẹ cân, bị chậm tăng trưởng trong tử cung và đặc biệt làm tăng nguy cơ thai lưu.
4. Triệu chứng khi phụ nữ mang thai mắc cúm
Khi một người mắc cúm đặc biệt là các chị em phụ nữ mang thai nhiễm cúm sẽ có các triệu chứng như thế nào?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Triệu chứng cúm rất dễ nhận diện như sổ mũi có tăng tiết, chảy nước mắt, ho và một trong những đặc thù của cảm cúm là có sốt và ho thì có thể có đờm.
Tuy nhiên virus cúm khác với những virus khác. Những loại virus khác thông thường có những đặc thù chung, những triệu chứng như đau nhức, mỏi cơ hoặc đỏ mắt, chảy ghèn… còn cúm có những biểu hiện nổi trội hơn về đường hô hấp, kèm theo rối loạn đường tiêu hóa.
5. Chủ động phòng ngừa cúm đối với phụ nữ mang thai
Việc chủ động phòng ngừa bệnh cúm ở các chị em mang thai thì có những biện pháp như thế nào thưa bác sĩ?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Thực ra cúm là loại bệnh có thể ngăn ngừa. Tuy nhiên cúm có rất nhiều loại virus khác nhau.
Theo khuyến cáo, tất cả các thai phụ khi mang thai hoặc trước khi mang thai nên được tiêm ngừa virus cúm ít nhất mỗi năm 1 lần.
Còn khi mang thai mà nếu trong năm đó chưa tiêm ngừa thì cần sớm được tiêm ngừa. Việc tiêm ngừa virus cúm giúp cho việc ngăn ngừa triệu chứng cúm và giảm thiểu các triệu chứng nếu có.
Nếu các mẹ bầu không tiêm ngừa thì có thể áp dụng những biện pháp khác kèm theo ví dụ như vệ sinh tay, mang khẩu trang khi đến những nơi công cộng hoặc trong khu vực phòng lạnh.
Đi làm nơi công sở có những người biểu hiện nhiễm cúm thì việc làm sạch không khí cũng cực kỳ quan trọng. Vấn đề vệ sinh khi ho, che chắn khi ho với các biện pháp bao gồm vệ sinh tay, hắt hơi sổ mũi thì cần sử dụng khăn giấy hoặc sử dụng tay để che, giảm phát tán lượng virus vào trong không gian.
Còn đối với thai phụ, việc chủ động mang khẩu trang khi đến những nơi đông người và vệ sinh tay một cách thường xuyên cũng giúp ngăn ngừa bệnh cúm.
6. Tiêm phòng vắc xin cúm giúp mẹ bầu giảm tỷ lệ mắc cúm
Khi mẹ bầu tiêm vắc xin cúm thì lợi ích sẽ như thế nào kể cả em bé, thưa bác sĩ?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Khi tiêm phòng vắc xin cúm sẽ giúp cho mẹ bầu giảm tỷ lệ mắc bệnh cúm. Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai tiêm ngừa cúm có thể đạt hiệu quả phòng vệ lên đến 89%.
Ngoài ra còn giảm tỷ lệ nhập viện do những biến chứng liên quan đến cúm. Nếu như mẹ bầu được tiêm phòng cúm thì trẻ sơ sinh sẽ được cải thiện kết cục thai kỳ, giảm tỷ lệ thai lưu, giảm tỷ lệ sinh non và giảm tỷ lệ sinh trẻ nhẹ cân.
Tiêm phòng cho bà mẹ trước khi sinh sẽ tạo ra một lượng đáng kháng thể đặc hiệu chống cúm (Immunoglobulin A - IgA) và sẽ được truyền tích cực qua nhau thai đến thai nhi.
Tiêm phòng cúm còn tạo ra một lượng đáng kể IgA trong sữa mẹ được truyền qua cho em bé sau sinh trong thời gian mà mẹ cho con bú.
Do đó, việc tiêm cho phụ nữ trước khi sinh là một chiến lược hiệu quả làm giảm tỷ lệ tử suất và bệnh suất của trẻ sơ sinh liên quan đến cúm.
Trẻ sơ sinh là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc cúm và đặc biệt là trẻ không có đủ điều kiện tiêm chủng cho đến 6 tháng tuổi vì cơ thể của trẻ phản ứng miễn dịch chưa đầy đủ.
Ngoài ra, tiêm phòng cho bà mẹ mang thai còn giảm được tỷ lệ nhập viện do nhiễm trùng hô hấp dưới cấp tính.

7. Tại sao một số người đã tiêm ngừa cúm vẫn bị cúm?
Có nhiều người đi tiêm vắc xin cúm nhưng mà vẫn bị cúm, như vậy hiệu quả có được 100% hay không thưa bác sĩ?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Thực ra chủng virus thay đổi và biến đổi kiểu hình hằng năm. Do đó việc tiêm ngừa hiệu quả giảm được 89%, còn lại thì vẫn có một số loại virus phát sinh thì buộc cơ thể cũng phải tiếp nhận.
Tiêm ngừa cúm không thể ngăn ngừa được 100%, tuy nhiên tiêm ngừa giúp một phần cơ thể có kháng thể bảo vệ đặc biệt là bảo vệ cho mẹ bầu và em bé.
Việc tiêm ngừa cúm là cực kỳ cần thiết và tiêm ngừa cúm lúc mang thai chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới em bé.
Theo nghiên cứu, từ năm 1995 cho tới nay thì vẫn chưa thấy tác hại cũng như những dị tật do vắc xin gây ra trên cơ thể con người và trên thai nhi. Theo khuyến cáo nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt để bảo vệ cơ thể cho bà mẹ cũng như cho em bé.
8. Có những loại vắc xin ngừa cúm nào?
Hiện nay đã có những loại vắc xin ngừa cúm nào và sự khác biệt của những loại vắc xin này? trong đó loại vắc xin nào sẽ phù hợp cho các chị em phụ nữ đang mang thai thưa bác sĩ?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Hiện nay có 3 loại vắc xin cúm, thứ nhất là vắc xin cúm bất hoạt. Đây là một loại vắc xin chứa một phần hoặc toàn bộ vi sinh vật đã chết, được tiêm vào trong cơ thể để tạo phản ứng miễn dịch.
Vắc xin này có thể sử dụng cho mỗi đối tượng trên hoặc bằng 6 tháng tuổi mà không có chống chỉ định.
Vắc xin thứ hai đó là vắc xin tái tổ hợp, vắc xin này sử dụng nguyên lý mã hóa một gen trong protein kháng nguyên đặc hiệu và được tiêm vào trong cơ thể để tạo phản ứng miễn dịch. Đối với vắc xin này, tùy theo chỉ định có thể tiêm cho người lớn từ 18 đến 49 tuổi.
Vắc xin thứ ba đó là vắc xin sống giảm độc lực, đây là vắc xin sử dụng vi sinh vật còn sống. Tuy nhiên vi sinh vật đã được làm yếu để không có khả năng gây bệnh cho cơ thể con người và được tiêm vào trong cơ thể để tạo ra một miễn dịch lâu dài và hiệu quả.
Đối với phụ nữ mang thai sẽ được sử dụng loại vắc xin là vắc xin bất hoạt và vắc xin tái tổ hợp nếu được cấp phép.
Còn đối với vắc xin sống giảm độc lực thì không được chỉ định ở phụ nữ mang thai vì còn nhiều lo ngại về tính an toàn khi mà vi sinh vật sống vào trong thời kỳ mang thai.
Cơ quan tiêm chủng Hoa Kỳ cũng khuyến cáo là phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin cúm ở mỗi lần mang thai vào mỗi năm.
9. Những ai không nên tiêm ngừa vắc xin cúm
Những ai không nên tiêm ngừa vắc xin cúm và đối với những mẹ bầu mà bị dị ứng trứng thì có nên tiêm ngừa vắc xin cúm hay không thưa bác sĩ?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Chống chỉ định của vắc xin cúm là những trường hợp mà chúng ta có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc xin cúm.
Những trường hợp phải tạm hoãn tiêm: sốt, sốt vừa hoặc sốt cao, có những bệnh lý cấp tính.
Trong thời gian sốt có thể sẽ có chỉ định tiêm ngừa tùy theo loại thuốc, tùy theo đối tượng.
Đối với bệnh nhân dị ứng trứng thì vẫn được sử dụng các vắc xin phòng ngừa cúm theo độ tuổi được khuyến cáo.
Đặc biệt đối với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng với trứng thì vẫn nên tiêm phòng cúm nhưng sẽ được tiêm ở cơ sở y tế để đảm bảo được phát hiện và kiểm soát các phản ứng dị ứng khi tiêm phòng vắc xin.
>>> Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin cúm loại nào, phản ứng sau tiêm ra sao?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình