"Mất trí nhớ miễn dịch" hậu sởi: Cảnh báo nguy cơ và cách bảo vệ trẻ
Sau khi khỏi sởi, nhiều trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, hay đau ốm kéo dài khiến phụ huynh lo lắng. Không chỉ vậy, bệnh sởi còn khiến hệ miễn dịch của trẻ bị “mất trí nhớ”, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nặng khác... Cùng xem chia sẻ từ BS Trương Hữu Khanh để chăm sóc trẻ đúng cách, rút ngắn thời gian hồi phục, lấy lại sức khỏe toàn diện cho trẻ.
1. Vì sao trẻ bị bị biếng ăn, ốm yếu sau khi khỏi bệnh sởi?
Trong nhiều số trước về bệnh sởi, BS đã có cảnh báo là bệnh sởi sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng còi cọc. Gần đây nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng khi thấy con mình sau khi khỏi bệnh sởi thì bị biếng ăn, ốm yếu. Vì sao có tình trạng này và cách khắc phục như thế nào ạ?
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM trả lời: Sởi có thể khiến trẻ biếng ăn trong thời gian mắc bệnh và kéo dài đến vài tháng sau đó. Trong thời gian bị bệnh, miễn dịch kém đi nên trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, còi cọc.
Vấn đề này là do biến chứng lâu dài của bệnh sởi. Không có các khắc phục nào khác ngoài chăm sóc kỹ hơn, cố gắng dỗ dành cho trẻ ăn nhiều bữa hơn.
2. Tăng cường đạm và dầu trong chế độ ăn của trẻ sau khi khỏi bệnh sởi
Những dưỡng chất nào phụ huynh cần lưu ý bổ sung đủ cho trẻ sau khi khỏi bệnh sởi?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hai nhóm chất không thể thiếu là đạm và béo, đồng thời bổ sung thêm trái cây tươi và rau xanh.
Trẻ nhỏ chưa ăn dặm vẫn giữ chế độ ăn chính với sữa. Trẻ đã có thể ăn cần tăng cường thêm dầu và đạm để mau hồi phục.
3. Tình trạng “mất trí nhớ miễn dịch” hậu sởi
Có chuyên gia cho rằng “hậu sởi gây mất trí nhớ miễn dịch”, điều này nên hiểu như thế nào thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu đã được tiêm chủng, các tế bào có “trí nhớ miễn dịch” để sản xuất ra kháng thể ngay khi cơ thể khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Đối với bệnh nhân sởi, các tế bào lympho T quên đi việc đã từng “gặp” tác nhân gây bệnh, do đó không thể ngay lập tức sản xuất kháng thể mà cần thời gian hồi phục.
Do đó, thời gian “hậu sởi”, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh mà lẽ ra chúng sẽ không mắc nếu không bị sởi. Đặc biệt phải kể đến bệnh lao.
4. Không có cách lại trí nhớ miễn dịch hậu sởi ngay lập tức
Xin hỏi BS, có cách nào để trẻ lấy lại trí nhớ miễn dịch?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không có cách nào để lấy lại trí nhớ miễn dịch hậu sởi ngay.
Chỉ có thể tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách gián tiếp: ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, uống đủ nước. Chăm sóc tốt sẽ giúp miễn dịch từ từ tự hồi phục.
5. Hai yếu tố liên quan đến thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mắc sởi
Theo kinh nghiệm của BS thì một em bé bị bệnh sởi cần khoảng thời gian bao lâu để hồi phục sức khỏe như trước khi bị sởi?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhi, trẻ càng nhỏ thì càng mất nhiều thời gian để hồi phục.
Thứ hai là tùy thuộc vào việc tiêm ngừa của trẻ. Trẻ đã chích ngừa nhưng chưa đủ mũi sẽ hồi phục nhanh hơn những bé hoàn toàn không chích ngừa.
Chính vì thế, nhấn mạnh rằng sởi là một bệnh rất nặng, cần phải chủng ngừa.
6. Không để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh sau khi khỏi sởi
Trong khoảng thời gian hồi phục sau khi mắc sởi, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ, tránh cho trẻ mắc các bệnh nặng?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều quan trọng nhất là không để trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, chẳng hạn tránh xa người bị lao, không để trẻ bị viêm họng, đảm bảo môi trường sống tốt...
Chú ý đến các biểu hiện sốt, ho bất thường của trẻ để kịp thời đi khám, không để bệnh diễn tiến nặng hơn.
Có một số ý kiến bàn luận về việc tiêm ngừa lại, tuy nhiên hiệu quả đến nay vẫn chưa được kiểm chứng.
7. Trong thời gian cho con bú chích ngừa sởi được không?
Có một mẹ bỉm hỏi rằng: lúc trước khi mang thai chị chưa chích ngừa mũi sởi - quai bị - rubella. Hiện giờ bé chưa đủ 6 tháng để tiêm ngừa sởi. Vậy trong thời gian cho con bú, mẹ có thể chích ngừa sởi để truyền kháng thể qua sữa cho con có được không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu xung quanh có nhiều người bị sởi, trong khi em bé chưa thể chích ngừa (dưới 6 tháng tuổi), thì người mẹ đang cho con bú có thể chích ngừa được - nếu chưa chích ngừa trước đó.
Hiện nay, trẻ em từ 6 tháng tuổi đã có thể chích ngừa sởi.
8. Nên tiêm ngừa trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn lây sởi
Ngoài ra cũng có thông tin rằng: Người chưa chích ngừa sởi và chưa từng mắc bệnh sởi (nói chung là không có miễn dịch với bệnh sởi) khi lỡ tiếp xúc với nguồn nhiễm, nếu nhanh chóng chích vắc xin sởi trong vòng 72 giờ sẽ còn cơ hội để giảm nguy ngơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Điều này có đúng không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả các bệnh do virus đã có vắc xin đều được khuyên rằng nên tiêm sớm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Khi đó, cơ thể có thể tạo ra miễn dịch. Trong trường hợp mắc bệnh, tình trạng cũng sẽ nhẹ hơn.
Tuy nhiên, chúng ta thường không biết chính xác về thời điểm mà mình tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, nên phòng bệnh từ trước hơn là để tình huống xảy ra, phải tiêm ngừa càng sớm càng tốt.
9. Khi nào dịch sởi “hạ nhiệt”?
Theo BS dự đoán, tình hình bệnh sởi trên 3 miền có thể “hạ nhiệt” vào khoảng thời gian nào sắp tới?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tại miền Nam, thời gian dịch bệnh diễn ra cũng đã đủ với thời gian chủng ngừa cũng như miễn dịch cơ bản. Do vậy, có khả năng đến tháng 6, dịch sởi ở khu vực này sẽ chấm dứt.
Miền Trung và miền Bắc bùng phát dịch sởi sau miền Nam, tuy nhiên nếu tích cực trong công tác tiêm ngừa, khoảng tháng 5 - tháng 6, dịch bệnh cũng có thẻ qua đi. Nếu không làm tốt công tác tiêm chủng, dịch bệnh có thể kéo dài sang năm sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình