Hotline 24/7
08983-08983

Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin cúm loại nào, phản ứng sau tiêm ra sao?

Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin cúm loại nào: tứ giá hay tam giá? Phản ứng sau tiêm, tác dụng phụ có đáng ngại không? Thực hư thông tin chất bảo quản vắc xin là thủy ngân? Nếu bị cúm thì mẹ bầu điều trị thế nào… Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương tiếp tục chia sẻ về những vấn đề này.

1. Mẹ bầu sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo nên tiêm vắc xin cúm

Nhiều mẹ bầu sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI hoặc IVF thì rất lo lắng không biết tiêm vắc xin cúm có được hay không? Và nếu có thì cần phải lưu ý gì trước trong và sau khi tiêm ngừa, thưa bác sĩ?

TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc của Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Đối với mẹ bầu sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI hay IVF thì việc tiêm phòng cúm càng phải nên quan tâm nhiều hơn vì khi được đậu thai thì rất khó khăn và rất quý.

Do đó tiêm ngừa cúm giúp bảo vệ thai kỳ và người mẹ tốt hơn, việc tiêm ngừa càng khuyến khích nên được làm.

Trong quá trình tiêm ngừa cúm nếu có những phản ứng sốt, đau nhức, nổi mẩn hoặc ngứa thì ngay lập tức phải báo ngay hoặc quay lại khu vực tiêm ngừa để được hỗ trợ, xử trí những phản ứng kịp thời. Vẫn khuyến cáo các mẹ bầu nên tiêm ngừa để bảo vệ được bào thai tốt nhất.

2. Hết vắc xin tứ giá thì phụ nữ mang thai có được tiêm vắc xin tam giá?

Nếu đã hết vắc xin tứ giá thì phụ nữ mang thai có được tiêm vắc xin tam giá hay không? Và tiêm bao lâu thì cơ thể sẽ bắt đầu có kháng thể thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung - Trưởng khoa khám bệnh B, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Hiện nay tại Việt Nam có vắc xin cúm tứ giá và vắc xin cúm tam giá.

Vắc xin cúm tam giá trên thị trường hiện nay tên là Ivacflu-S . Đây là vắc xin chứa 2 chủng cúm A và 1 chủng cúm B.

Vắc xin cúm tứ giá chứa 2 loại chủng cúm B và 2 loại chủng cúm A.

Đối với loại vắc xin cúm tam giá thì hiện tại chưa có đủ dữ liệu của thuốc sử dụng trên phụ nữ mang thai, cho nên thuốc chỉ dùng khi mà lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ.

Và theo nghiên cứu, đây là loại vắc xin bất hoạt cho nên vẫn có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên khi sử dụng cần phải có ý kiến của bác sĩ. 

Vắc xin cúm khi tiêm vào trong cơ thể không có hiệu lực ngay mà phải chờ từ 2 đến 3 tuần thì vắc xin mới phát huy hiệu lực bảo vệ cơ thể chống lại một số loại virus cúm ở trong cái mùa cúm đó. 

3. Những tác dụng phụ khi phụ nữ mang thai đã tiêm vắc xin

Khi phụ nữ mang thai đã tiêm vắc xin thì sẽ gặp những tác dụng phụ như thế nào và nếu có tác dụng phụ sẽ kéo dài trong bao lâu và cần phải xử trí ra sao thưa bác sĩ?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Một trong những tác dụng phụ thường gặp trong việc tiêm vắc xin là đau ở vị trí tiêm hoặc có thể có những biểu hiện sốt nhẹ, hơi nhức đầu.

Những triệu chứng như nổi mẩn ngứa, phồng rộp ở vị trí chích hoặc đau nhức kéo dài, cơ thể có thể có những biểu hiện nóng, khó chịu.

Đó là những biểu hiện phản ứng tác dụng phụ có thể xảy ra và thường sau khi tiêm ngừa cúm thì nên uống kèm nước thanh nhiệt ví dụ như nước cam, nước chanh.

Thực ra sốt do tác dụng phụ của thuốc tiêm ngừa. Tuy nhiên nếu bị nóng, sốt cao thì bắt buộc phải tới cơ sở y tế để được hạ sốt và điều trị.

Nếu mà đau nhất thì tối đa khoảng 2 ngày. Đau ở vị trí tiêm, còn lại thì những triệu chứng sẽ tự hết. Do đó các mẹ bầu cũng yên tâm hơn khi đi tiêm ngừa.

TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc của Bệnh viện Hùng Vương giải đáp những vấn đề bệnh cúm mùa ở phụ nữ mang thai trong chương trình Radar Sản Phụ khoa kỳ 28

4. Thực hư thông tin chất bảo quản vắc xin là thủy ngân

Nhiều người lo ngại về thông tin chất bảo quản vắc xin là thủy ngân dẫn đến việc nhiều chị em phụ nữ mang thai chần chừ việc đi tiêm ngừa. Như vậy chúng ta cần phải hiểu thực hư điều này như thế nào thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Có một số vắc xin dành cho đối tượng người lớn thì có chứa chất Thimerosal, đây là chất bảo quản thủy ngân và được sử dụng trong vắc xin.

Qua nhiều đợt tiêm cho phụ nữ mang thai thì không có bằng chứng cho thấy vắc xin chứa Thimerosal có tác dụng phụ đối với con của những thai phụ được tiêm vắc xin khi mang thai.

Do đó, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ khuyến cáo không cần tránh sử dụng vắc xin chứa Thimerosal cho bất kỳ đối tượng nào kể cả phụ nữ mang thai.

5. Có cần phải tiêm nhắc lại đối với vắc xin ngừa cúm?

Có nhiều chị em phụ nữ mang thai đã chủ động đi tiêm ngừa cúm trước khi mang thai và họ tiêm ngừa cách đây nửa năm thì họ mới có bầu. Vậy khi chúng ta bước vào mùa cúm thì họ có cần phải tiêm nhắc lại nữa hay không thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Vắc xin ngừa cúm là một vắc xin có hiệu lực bảo vệ cao, có thể hiệu lực bảo vệ lên đến 90%. Tuy nhiên hiệu lực bảo vệ không kéo dài mà chỉ kéo dài khoảng 6 đến 12 tháng. 

Do đặc tính của virus cúm là đột biến thường xuyên và trong vòng 1 năm sẽ có đột biến, do đó các chuyên gia về tiêm chủng khuyên các đối tượng nên tiêm phòng cúm vào mỗi năm để đảm bảo sự tương đồng giữa chủng virus cúm đang lưu hành trong mùa cúm đó với virus cúm ở trong vắc xin cúm.

6. Tiêm vắc xin cúm tại Bệnh viện Hùng Vương

Tại bệnh viện Hùng Vương có tiếp nhận tiêm vắc xin cúm cho chị em mang thai hay không? Quy trình bảo quản vắc xin như thế nào? Mọi người rất lo ngại vấn đề hết vắc xin cho nên có thể liên lạc đến số điện thoại nào để có thể kiểm tra là vắc xin còn hay hết thưa bác sĩ?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Tại bệnh viện Hùng Vương đã triển khai tiêm ngừa cúm cho tất cả các phụ nữ mang thai và bệnh viện cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vắc xin.

Hiện tại thì bệnh viện có số điện thoại 0961 251 431. Đây là số điện thoại của đơn vị chăm sóc khách hàng, sẵn sàng tư vấn hướng dẫn hoặc có thể liên hệ thông qua tổng đài của bệnh viện hoặc trên trang website của bệnh viện, Fanpage của bệnh viện.

Việc cung ứng vắc xin cúm hiện tại ở tại bệnh viện được đảm bảo theo nguyên tắc bảo quản thuốc và quy trình chặt chẽ. Bệnh viện Hùng Vương có kho thuốc đạt quy mô theo tiêu chuẩn quốc tế và nhiệt độ bảo quản âm dưới 20°C.

Tiêm ngừa ở bệnh viện có sự khác biệt khi có sự theo dõi sát sao, đánh giá của các bác sĩ về tình trạng em bé, về tình trạng của mẹ bầu và cũng như sẵn sàng có những phương tiện ứng phó. 

Nếu mà chúng ta lỡ có những phản ứng dị ứng, phản ứng không hay thì cũng cần có cấp cứu kịp thời. 

Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai tiêm ngừa cúm cho tất cả các phụ nữ mang thai và bệnh viện cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vắc xin.

7. Sai lầm mà các mẹ bầu cần phải tránh khi điều trị cúm

Vắc xin là vũ khí để chủ động bảo vệ nhưng vẫn có thể mắc bệnh, đối với chị em phụ nữ đang mang thai bị cúm thì quá trình điều trị sẽ như thế nào và đâu là sai lầm mà các mẹ bầu cần phải tránh khi mà điều trị cúm thưa bác sĩ?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Thực ra triệu chứng nhiễm cúm, mắc cúm ở trong cộng đồng khá phổ biến nhưng vì phổ biến cho nên dẫn đến việc các mẹ bầu thường hay chủ quan và ra tiệm thuốc để mua thuốc hạ sốt hoặc thuốc để điều trị cảm cúm. Điều này có thể ảnh hưởng tới thai nhi.

 Do đó các thai phụ khi có những biểu hiện cảm cúm, ho, sốt, nhức đầu, sổ mũi thì hãy đến bệnh viện đặc biệt là bệnh viện Hùng Vương để được thăm khám, chăm sóc và điều trị mức độ tốt nhất và thuốc được dùng cho thai phụ được kê bởi bác sĩ vẫn an toàn hơn.

Một trong những sai lầm khác là đôi khi mẹ bầu lại sợ nước không uống nhiều nước hoặc là xông hơi quá nóng thì cũng ảnh hưởng làm cho cơ thể của mẹ bầu sẽ khó chịu và có thể ảnh hưởng tới em bé.

Việc xông lá thì vẫn được nhưng ở chừng mực khi mẹ bầu đã đỡ cơn sốt nhiệt độ cao chứ nếu đang sốt lạnh run mà còn hơ nóng thì sẽ không tốt.

8. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nhiễm cúm cần làm gì?

Khi các chị em bắt đầu có thai đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ khi nhiễm cúm rất sợ, bác sĩ có thể thông tin để các chị em phụ nữ an tâm hơn nếu chẳng may trong giai đoạn đó mình mắc bệnh cúm thưa bác sĩ?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Thực ra, chúng ta cũng biết rằng cúm có thể gây sảy thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Ở giai đoạn này, phôi thai hình thành và nếu virus cúm có tác động là tác động rất lớn và có thể gây sảy thai hoàn toàn. Chính vì vậy, việc nhiễm cúm trong thời gian mang thai, các mẹ bầu nên đến với bệnh viện để được thăm khám, đánh giá sức khỏe của thai nhi một cách phù hợp thay vì tự điều trị tại nhà.

Việc giữ tinh thần lạc quan cũng như kết nối với bác sĩ để đảm bảo được chăm sóc tốt nhất là điều quan trọng.

Trong thời gian nhiễm cúm thì mẹ bầu cần uống nhiều nước cam, nước chanh, uống thật nhiều nước để đảm bảo cơ thể không bị quá thiếu nước. Đó cũng là một trong những giải pháp để mà duy trì trước khi mình đến gặp bác sĩ.

9. Những triệu chứng cần phải đến bệnh viện khi đang mắc cúm

Phụ nữ mang thai mắc bệnh cúm có biến chứng rất nguy hiểm đó chính là sảy thai. Như vậy khi đang mắc cúm, những triệu chứng nào chị em cần phải đến bệnh viện mà chúng ta không được chần chừ thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Các mẹ bầu khi mắc cúm thì nên lưu ý những dấu hiệu báo hiệu tình trạng cúm nặng lên ví dụ như nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước, khát nhiều, khô môi, khó thở, đau tức ngực hoặc lo lắng quá mức, thay đổi trạng thái tinh thần và đặc biệt có những dấu hiệu ảnh hưởng của thai kỳ.

Ví dụ như đau huyết âm đạo, đau bụng và đặc biệt những mẹ bầu mà có bệnh lý mãn tính kèm theo như bị hen suyễn, bệnh tim thì những mẹ bầu nên lưu ý chúng ta phải đi đến bệnh viện.

Và tại bệnh viện Hùng Vương những trường hợp mẹ bầu có dấu hiệu cúm nặng thì sẽ được đưa ngay đến khoa cấp cứu để được đánh giá và có thể nhập viện và điều trị.

10. Chủ động phòng ngừa cúm trong giai đoạn bắt đầu mang thai

Bác sĩ có thể gửi đến một vài lời khuyên trong việc cần phải làm gì để có thể chủ động phòng ngừa cúm trong giai đoạn các chị em phụ nữ đang bắt đầu mang thai thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Trong mùa cúm chúng ta nên lưu ý các biện pháp để phòng ngừa cúm:

Đầu tiên, chúng ta không nên tiếp xúc với những trường hợp mắc cúm và không nên đến nơi đông người. Và những nơi mà ô nhiễm thì chúng ta cũng không nên đến, đặc biệt là khi nhiễm cúm thì chúng ta không nên tự điều trị bằng thuốc mà không được chỉ định bởi bác sĩ.

Lưu ý rằng trong mùa cúm thì giữ cho vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Uống nhiều nước, ăn trái cây, rau quả giàu vitamin C, đặc biệt mang khẩu trang khi mà đến nơi đông người, chúng ta có thể súc miệng hoặc là rửa mũi bằng nước muối thường xuyên. Đặc biệt các mẹ bầu nên lưu ý là nên tiêm phòng cúm.

>>> Phụ nữ mang thai mắc cúm: Nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai, sinh non

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X