Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao ngạt khói là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ hỏa hoạn?

Ngạt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn bị bỏng lửa. Khi rơi vào trạng thái ngạt khí, con người sẽ hôn mê rất nhanh, chỉ sau 3-5 phút là có thể tử vong.

Thiếu tá, BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Tăng,Chủ nhiệm Khoa Tại Mũi Họng, BV Quân y 7A, Cục Hậu cần Quân Khu 7 đã chia sẻ như vậy khi nói về mức độ nguy hiểm của ngạt khóitrong các vụ hỏa hoạn.

BS Tăng khuyến nghị, khi xảy ra hỏa hoạn người dân cần bình tĩnh ứng phó, có biện pháp kéo dài hô hấp và tìm cách thoát hiểm trước khi đơn vị cứu hộ đến.

Vì sao ngạt khói là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ hỏa hoạn? - 1Khu vực tầng hầm để xe máy, ô tô của chung cư Carina được cho là nơi phát hỏa tạo ra khói độc gây ngạt cho cư dân. Trong ảnh: Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Quyền giám đốc cảnh sát PCCC TPHCM trả lời phỏng vấn báo chí ngay trước khu vực tầng hầm chung cư.

Không hoảng loạn vì như vậy sẽ hôn mê nhanh hơn

- Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân thường có tâm lý hoảng loạn, kêu cứu, tìm cách chạy ra khỏi đám cháy thật nhanh (bằng chứng là có 2 người tử vong do ngã từ trên cao trong vụ cháy Chung cư Carina vừa qua). Vậy hoảng loạn có làm cho tình trạng hôn mê do ngạt khói đến nhanh hơn không?

Đúng như vậy. Khi gặp sự cố, mọi người thường có tâm lý hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Điều này dễ làm tình trạng hôn mê do khói đến nhanh hơn.

Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như CO, hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Khi hít phải khói, con người sẽ thiếu oxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, lâu dần yếu đi. Cùng đó, một lượng lớn oxyde carbon từ các vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp gây bỏng đường hô hấp. Nặng hơn, ngạt khói có thể gây co giật, bất tỉnh.

- Nhiều người dân thoát thân sau vụ cháy đã chia sẻ một số phương pháp kéo dài thời gian hô hấp chờ cứu hộ. Cụ thể như dựng nệm nghiêng 45 độ ở khu vực cửa sổ đối diện hướng khói vào, dùng khăn nhúng nước bịt mặt, bò dưới sàn nhà, thậm chí có người còn sử dụng áo ngực phụ nữ để bịt mũi… Bác sĩ đánh giá như thế nào về những phương pháp này?

Phần lớn, các phương pháp trên của người dân chia sẻ đều là những kinh nghiệm thực tế đã xảy ra trong vụ cháy, đó là điều đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, theo tôi mỗi người dân nên có ý thức tự bảo vệ cho bản thân và mọi người xung quanh bằng cách nâng cao kiến thức phòng chống cháy nổ và trang bị cho mình các phương tiện chống cháy nổ cũng như kỹ năng thoát khỏi đám cháy.

Các chung cư cũng nên tổ chức cho người dân các buổi tập huấn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy.

- Bác sĩ có thể cho những khuyến cáo người dân làm gì khi xảy ra cháy để giảm thiểu tối đa hiện tượng ngạt thở do khói?

Khi xảy ra cháy, người dân nên bình tĩnh, tuyệt đối không hoản loạn để tìm cách xử lý và nhanh chóng tìm biện pháp dập lửa và thoát hiểm bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước… để dập tắt đám cháy. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, người dân phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm. Khi phát hiện cháy phải lập tức ấn chuông báo động tòa nhà, thông báo cho người khác biết có cháy trên đường đi thoát hiểm và gọi cho cảnh sát PCCC.

Khi có cháy, người dân cần xác định vị trí ngọn lửa và nguồn khí, di chuyển thoát hiểm theo chiều ngược lại của khói.

Người dân phải tránh xa các không gian gây ngạt như phòng kín, các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh… Lúc di chuyển, phải cúi thấp xuống hoặc trườn, bò theo lối đi. Người dân có thể dùng các loại vải có tẩm nước để bịt mũi, miệng tránh hít phải khói độc gây ngạt hoặc sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có).

Ngoài, ra người dân khi phát hiện cháy không nên hoảng loạn nhảy từ cửa sổ ban công trên cao xuống. Chỉ cần di chuyển xuống dưới tầng bị cháy rồi dùng thang di chuyển đến nơi an toàn.

Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn tròn cho đến khi dập được lửa. Tuyệt đối không được chạy vì gió sẽ làm ngọn lửa bùng lớn hơn.

Khi thấy người có dấu hiệu bị ngạt khói, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói. Sau đó, tìm cách làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để được thở ôxy, cấp cứu kịp thời.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo Hà Thế An - Khám phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X