Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao đã chích ngừa vắc xin COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm virus? Vắc xin có tác dụng trong bao lâu?

PGS.BS Huỳnh Wynn Tran (Trần Huỳnh) giải thích cặn kẽ lý do vì sao có hiện tượng đã chích ngừa vắc xin COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm virus? Vắc xin có tác dụng trong bao lâu? Vì sao phải chích mũi thứ 2? Vì sao người bị bệnh COVID-19 rồi vẫn cần chích ngừa đủ 2 mũi?…

1. Vì sao đã chích ngừa vắc xin COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm virus?

Khi chích vắc xin vào cơ thể, chúng ta tập cho hệ miễn dịch nhận ra virus hoặc vi trùng. Khi virus hoặc vi trùng này tấn công vào cơ thể, hệ miễn dịch đã nhớ mặt và làm bất hoạt, không cho nó nhân bản.

Ví dụ, trong trường hợp virus SARS-CoV-2 là gen mã hóa cầu gai quan trọng giúp virus bám vào tế bào và bắt đầu xâm nhập cơ thể. Khi chúng ta tạo được những kháng thể đặc hiệu này và virus xuất hiện, các tế bào của hệ miễn dịch sẽ vây lấy nó và trung hòa virus SARS-CoV-2.

Virus SARS-CoV-2 và bệnh COVID-19 là 2 khái niệm khác nhau. Virus SARS-CoV-2 là virus gây ra bệnh COVID-19. Khi cơ thể nhiễm virus này, cơ thể sẽ phản công, phản ứng với virus và phát triển thành bệnh. Có nhiều người chỉ nhiễm virus mà không có triệu chứng gì, nghĩa là họ không phát bệnh.

Nhưng có những trường hợp triệu chứng rất nhẹ, khiến họ không để ý, đó có thể là bệnh COVID-19.

Không có loại vắc xin nào hoàn hảo 100%. Hiệu quả của vắc xin (tùy loại) trong việc bảo vệ người đã chích ít phát bệnh hoặc không bị phát bệnh nặng là khoảng từ 50% đến trên 95% so với người chưa chích vắc xin.

Nghĩa là chúng ta chích vắc xin rồi thì vẫn có khả năng bị bệnh COVID-19. Điều này lý giải cho việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM  có 1.200 nhân viên y tế đã chích vắc xin, trong đó có 53 ca nhiễm virus và chỉ 1 ca có triệu chứng bệnh.

Trường hợp siêu lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM có phải do không tuân thủ quy định ngừa COVID-19 không?

Tôi tin chắc là những nhân viên y tế đã tuân thủ quy định ngừa COVID-19. Nhưng việc đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ sẽ không bảo vệ 100%. Mọi biện pháp như đeo khẩu trang chỉ nhằm làm giảm sự lây lan của COVID-19 cho tới khi có vắc xin.

2. Vì sao Việt Nam phải chích vắc xin càng nhiều càng tốt?

Hiệu quả của vắc xin tùy thuộc vào số lượng người được chích trong cộng đồng. Đó chính là miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu của việc chích vắc xin là giảm triệu chứng bệnh, không phát bệnh nặng hơn, giảm lây lan virus.

Hoa Kỳ mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường vì phần lớn dân số đã được chích vắc xin. Giả sử, virus vẫn lây lan nhưng sẽ không lây lan mạnh như trước hoặc chỉ hạn chế ở người chưa chích vắc xin. Nó cũng có thể xảy ra trên người đã chích vắc xin nhưng bệnh sẽ khỏi sau vài ngày.

Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh ngày càng tăng cao vì số lượng người được chích vắc xin mới chỉ dưới 2%. Việc quan trọng nhất tại Việt Nam là chích vắc xin càng nhiều càng tốt.

Những biện pháp chúng ta đang làm là cách ly để giảm lây lan nhưng đây chưa phải là biện pháp cuối cùng. Chìa khóa để chiến thắng đại dịch là tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách chích vắc xin cho toàn bộ người dân.

Không riêng Hoa Kỳ hay Việt Nam, chúng ta cần chích vắc xin COVID-19 toàn thế giới. Vì nếu không chích vắc xin, virus sẽ biến đổi gen và con người lại phải chạy đua để tiêm thêm vắc xin.

3. Làm sao để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh sau khi chích vắc xin COVID-19?

Virus này liên tục thay đổi, do đó, dù đã chích vắc xin, ca nhiễm vẫn có nhưng sẽ rất ít, y khoa gọi đây là breakthrough cases. Đó là những ca “mở khóa” được vòng bảo vệ của vắc xin. Đây là những ca cần đặc biệt quan tâm.

Nếu chúng ta có cơ hội chích vắc xin, hãy chích vắc xin với công nghệ mRNA để có thể sử dụng khi virus biến đổi gen.

Có khả năng chúng ta sẽ phải chích thêm liều vắc xin mới trong tương lai, dựa vào gen mới của virus SARS-CoV-2 hoặc chích thêm mũi tăng hiệu quả miễn dịch cơ thể. Tùy vào tình hình đại dịch được kiểm soát mà sẽ có thời gian cụ thể để chích thêm liều vắc xin mới.

4. Vắc xin COVID-19 có tác dụng bảo vệ trong bao lâu?

Đa số vắc xin có tác dụng từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Bởi khi chúng ta tạo ra kháng thể đặc hiệu, nó sẽ sống chung với cơ thể, khi nó mất đi, sẽ tạo ra đời sau. Trên thực tế, kháng thể tồn tại nhiều năm nhưng vì chúng ta mới chỉ tiêm vắc xin khoảng gần 1 năm nên những nghiên cứu chỉ ra rằng ít nhất chúng ta có hệ miễn dịch trên 1 năm.

5. Vì sao phải chích 2 mũi vắc xin? Nếu như chúng ta chích vắc xin 1 lần thì hiệu quả như thế nào?

Nếu chúng ta chỉ chích ngừa 1 lần thì hiệu quả sẽ thấp hơn 2 lần (ngoại trừ loại vắc xin 1 liều Johnson&Johnson). Vì khi chúng ta chích vắc xin lần 1 là dạy cho hệ miễn dịch khái niệm, hình dạng cơ bản của virus SARS-CoV-2. Sau vài tuần, cơ thể bắt đầu nhận ra hình dạng rồi, chúng ta dạy thêm cho hệ miễn dịch 1 lần nữa để rõ hơn về virus.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu chích 1 lần vắc xin (tùy loại), hiệu quả từ 50-70%, có thể là 30%. Nếu kéo giãn khoảng cách giữa 2 lần chích, 12 tuần thay vì 4 tuần, thì hiệu quả của vắc xin AstraZeneca sẽ tăng từ 50% lên gần 70%. Nhiều nơi trên thế giới đang giãn thời gian giữa 2 lần chích.

Khoảng cách giữa 2 lần tiêm là khoảng thời gian dựa trên khả năng tạo hệ kháng thể của chúng ta.

6. Vắc xin COVID-19 có cần chích hàng năm không?

Hiện nay chưa có câu trả lời nhưng có thể chúng ta sẽ chích hàng năm. Bởi vì nếu trên thế giới không kiểm soát được dịch, những nước nghèo không được chích vắc xin thì gen của virus sẽ thay đổi và ảnh hưởng trên toàn thế giới.

7. Vắc xin COVID-19 có tác dụng giảm dần theo thời gian đúng không?

Kháng thể chúng ta sản sinh ra theo thời gian sẽ yếu hơn, có thể kháng thể vẫn nhớ mặt virus nhưng khả năng đánh virus sẽ yếu hơn. Đó là lý do chúng ta chích thêm mũi vắc xin để tăng khả năng miễn dịch.

8. Vì sao đã khi bị bệnh COVID-19 rồi vẫn phải tiêm phòng?

Vì sao khi bị viêm gan siêu vi B thì không tiêm phòng viêm gan siêu vi B nữa, nhưng khi bị COVID-19 thì vẫn phải tiêm phòng?

Bởi vì chúng ta hiểu về virus viêm gan siêu vi B nhiều hơn virus SARS-CoV-2. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi chúng ta nhiễm virus viêm gan B và khỏi bệnh thì cơ thể sẽ có kháng thể đặc hiệu loại virus này.

Virus siêu vi B là virus chuỗi đôi (DNA) nên ổn định gen và không thay đổi nên kháng thể tạo ra ra không cần phải thay đổi. Còn SARS-CoV-2 là virus chuỗi đơn (RNA) nên nó dễ thay đổi, thành ra kháng thể chúng ta có sau khi khỏi bệnh chưa chắc hữu hiệu. Đó là lý do vì sao CDC khuyến cáo, cho dù đã khỏi bệnh COVID-19 vẫn chích ngừa để tập cho cơ thể có hệ miễn dịch hoàn thiện hơn.

9. Nếu bị COVID-19 đã hồi phục rồi thì chỉ chích 1 mũi vắc xin có được không?

Không, chúng ta phải chích đủ 2 mũi vắc xin để cơ thể nhận ra virus để chống lại nó hiệu quả hơn.

10. Nếu mắc COVID-19 mà không có triệu chứng thì có thể tự khỏi bệnh đúng không?

Đúng, phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ phục hồi rất tốt. Nhưng vấn đề là COVID-19 quá dễ lây lan và lây lan mà chúng ta không nhận ra, vì vậy cần chích ngừa để tạo miễn dịch cộng đồng.

11. Sau khi dịch được kiểm soát 100% thì không cần chích vắc xin đúng không?

Không đúng, chúng ta kiểm soát dịch bằng cách ngăn ngừa, cách ly thì virus vẫn còn ở nơi này hoặc nơi khác. Do đó, Tổ chức y tế thế giới nói rằng chúng ta cần 6-7 tỷ liều vắc xin để chấm dứt đại dịch này.

Những biện pháp hiện tại chỉ “câu giờ” để đợi vắc xin, đó cũng chính là lý do cả thế giới chạy đua sản xuất vắc xin COVID-19.

Mục đích cuối cùng là tạo miễn dịch cộng đồng, cho dù virus có tồn tại thì chúng ta cũng không sợ. Miễn dịch cộng đồng được tạo ra nhờ phần lớn người dân chích vắc xin.

Tại Việt Nam, chính phủ đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 70% dân số, khoảng 150 triệu liều vắc xin. Hoa Kỳ cũng đặt ra mục tiêu chích vắc xin cho 70% dân số vào ngày 4/7. Ở thời điểm đã tiêm vắc xin, cho dù có virus thì mức độ lây lan cũng không đáng kể. Thực tế đã chứng minh, Hoa Kỳ đã mở cửa trở lại, số ca mắc đã giảm khoảng hơn 90%.

Minh Huy - Trọng Dy

Trích livestream của BS Wynn Tran #328. Vì sao đã chích vaccine Covid-19 mà vẫn bị nhiễm?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X