Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao bệnh trào ngược dạ dày thực quản ít có chỉ định phẫu thuật?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải thích về chỉ định phẫu thuật đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, và nhấn mạnh điều trị bệnh này chú trọng nhất là thay đổi lối sống song song với việc dùng thuốc.

alobacsi ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu PhươngThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Tiếp theo phần trước: Không phải cứ ợ chua, ợ nóng mới là trào ngược dạ dày thực quản

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gồm những thuốc gì?

BS có thể điểm qua một số loại thuốc thường dùng điều trị trào ngược dạ dày thực quản? Những loại thuốc này có tác dụng phụ gì không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần phối hợp nhiều thứ:

- Thứ nhất chế độ ăn uống, ngủ nghỉ. Bạn không được thức khuya, ăn khuya ví dụ nếu bạn ngủ lúc 10 giờ tối thì muộn nhất nên ăn lúc 7 giờ sau đó không được ăn gì thêm. Điều này khá khó khăn với một số người.

- Thứ hai: để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì cần phối hợp giữa điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Không dùng thuốc tác động lên 30% hiệu quả điều trị. Người dân Việt Nam chúng ta có một câu ca dao “đói ăn rau, đau uống thuốc” vì thế người dân chúng ta vẫn thường nghĩ rằng cứ có bệnh chỉ cần uống thuốc là hết; thật sự đây là điều sai lầm.

Để chữa bệnh, trong y học có 2 phương pháp điều trị là dùng thuốc và không dùng thuốc; riêng bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì điều trị không dùng thuốc chiếm 1/3 còn dùng thuốc sẽ tác dụng khoảng 2/3 quá trình điều trị.

Cần bỏ bớt đi những âu lo, phiền muộn (đây là điều chúng ta có thể nói được nhưng trên thực tế rất ít bệnh nhân có thể thực hiện được, ví dụ: con người ta học giỏi sao con tôi lại không được như vậy, một người có 10 đồng nhưng sao tôi làm mãi vẫn 8 đồng, có những người tuy là giám đốc rất nhiều tiền những vẫn stress vì áp lực công việc… vô vàn điều gây áp lực)

Thuốc lá, rượu bia hãy bỏ ngay, điều này cũng rất khó để có thể thực hiện. Có những người nói tôi: “Bác sĩ cho uống thuốc thì tôi uống, nhưng vì làm ăn, buôn bán, giao tiếp không uống rượu không làm ăn được bác sĩ ơi” đây là một văn hóa không đúng.

90% bệnh tái phát là do lối sống của chúng ta.

Với bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì sẽ có loại thuốc giúp điều chỉnh thần kinh, xoa dịu thần kinh chúng ta giúp êm dịu (điều khiển dây thần kinh, đám rối thần kinh lang thang) nhóm thuốc này có thể sẽ được các bác sĩ kê toa.

Một số loại thuốc giúp giảm đau (trung hòa axit dạ dày) như thuốc gói, thuốc nhai những loại này thì không cần kê toa, bạn có thể ra nhà thuốc tự mua uống để giúp cắt giảm các triệu chứng.

Nhóm 3 là những loại thuốc giúp ức chế bớt axit dịch vị, bớt những tổn thương, hư hại do dịch vị dạ dày (mặc dù nhiều hay ít) nhưng cũng khiến bạn rất khó chịu.

Đây là 3 nhóm thuốc chính trong điều trị trào ngược; đặc điểm của cả 3 là cần uống lâu dài. Bệnh này sẽ “tấn công” người bệnh trung bình khoảng 3 tháng. Duy trì rất lâu có người 6 tháng có người 1 năm, 2 năm, 3 năm,… Tuy bệnh đã hết triệu chứng nhưng nếu bạn có rối loạn trong sinh hoạt thì bạn sẽ bị lại.

2. Vì sao ít có bệnh trào ngược dạ dày thực quản được chỉ định phẫu thuật?

Nhiều bệnh nhân nghĩ đến phẫu thuật với mong muốn chấm dứt căn bệnh dai dẳng này. Tuy nhiên, vì sao rất ít bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng “trào ngược” nghĩa là bệnh rất nặng cần phẫu thuật. Tôi xin nói với bạn phẫu thuật không phải đơn giản như vậy, và tôi cũng đã khuyên bạn 90% bệnh này tái phát là do trong cuộc sống bạn sinh hoạt, hoạt động không điều độ, cần lưu ý điều này.

Bạn muốn được phẫu thuật, mổ ra để siết lại, thì lúc này lại một vấn đề nữa được đặt ra là bạn sẽ nuốt không vô, ăn không được, nếu đã như vậy thì bạn không thể sửa ngược lại chưa kể những biến chứng của phẫu thuật. Cơ thể con người chúng ta không thể giống như một chiếc áo sai là có thể may lại.

Một điều chính nhất cần lưu ý đó là sự phối hợp không đồng bộ giữa dạ dày và thực quản. Trong tất cả cơ thể của mỗi người cũng giống như cửa nhà của chúng ta; bạn không thể tìm được một ông thợ nào đóng được một cánh cửa mà lại không một khe hở nào; nếu không một khe hở thì cánh cửa đó không thể hoạt động được. Cũng như cơ thể bạn; quan trọng vẫn là điều hòa chế độ ăn uống, cuộc sống hài hòa thì mới có thể cải thiện tình trạng bệnh; tôi khuyên bạn đừng nghĩ đến phẫu thuật.

Ông trời đã đóng cho người dân (người Việt Nam) một cánh cửa đóng giữa dạ dày và thực quản gần như 90% là hoàn hảo, na ná nhau; chỉ hơi không khít một xíu; đừng vì như vậy mà bạn muốn đập ra để xây lại cho khít, nếu bạn phẫu thuật khít lại rồi (nhưng hãy thử tưởng tượng cánh cửa khít không có khe hở thì làm sao bạn có thể mở được).

Hãy thử tượng tượng cả cuộc đời bạn ăn mà không ợ thì khổ vô cùng. Bất kì người nào ăn cũng đều phải có ợ. Đừng nghĩ đến việc phẫu thuật, đây không phải là một chiếc ống hư mà bạn có thể sửa lại mà đây chỉ là khớp nối hoạt động không hiệu quả, dùng thuốc hoặc điều chỉnh lối sống và ăn uống để nó hoạt động hiệu quả hơn.

Trong 10000 người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì chỉ có 1 người phải phẫu thuật.

3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu không điều trị có thể dẫn đến ung thư không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trào ngược lâu ngày, những chất dịch vị ở dạ dày trào ngược lên thực quản khiến thực quản không quen và phản ứng lại “xù lông” để bảo vệ; lâu ngày như vậy sẽ biến thành một tế bào bất bình thường đó là ung thư. Tỉ lệ rất thấp, nhất là với người châu Á; vì chúng ta đa số là bị trào ngược ở mức độ rất nhẹ và trào ngược chỉ khiến khó chịu chứ không gây hư hại gì trên bề mặt thực quản.

Đặc điểm bệnh ở người châu Á rất rầm rộ nhưng tổn thương, hư hại không nhiều vì thế tỉ lệ trào ngược gây ung thư thực quản cực thấp đặc biệt là vùng Đông Nam Á. Ở vùng Bắc Á hay Tây Á tỷ lệ trào ngược dạ dày gây ung thư nhiều hơn tuy triệu chứng không rầm rộ như người Đông Nam Á.

4. Cần làm gì để tránh cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản tái phát?

Theo BS, để tránh cho bệnh này tái phát nhanh chóng thì bệnh nhân cần làm gì ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Tất cả mọi người đều có nguy cơ trào ngược. Cần lưu ý:

  • Đừng để bản thân quá mập, đặc biệt là béo bụng, dành ra 90-150 phút để tập thể dục là rất tốt. Không nhất thiết chạy đua quá sức, chỉ cần đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội,… tập thể dục nhẹ nhàng miễn sao ra mồ hôi là được.
  • Không ăn khuya, ăn vặt. Thời bao cấp khi đất nước còn nghèo còn khó khăn rất ít bệnh nhân bị trào ngược. Vì khoảng thời gian này ít người bị béo phì, ai cũng ốm nhom, không ăn vặt nhiều, thậm chí ở thời này cũng rất ít thức ăn để buôn bán.
  • Cuộc sống ngày càng tiến bộ nhu cầu ngày càng cao vì thế áp lực ngày càng nhiều không chỉ ở người lớn mà ở cả trẻ em. Trẻ em thời buổi này học hành rất áp lực từ việc học hành thi cử cuộc sống, hãy cân bằng lại cho trẻ giữa việc học và việc chơi… Bạn có thể nhìn lên để phấn đấu (nhìn những người đã thành công để làm gương) điều này rất tốt; nhưng cũng cần nhìn xuống để bằng lòng với hiện tại.

Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X