Hotline 24/7
08983-08983

Vết loét tiểu đường: Hiểu rõ và chăm sóc đúng cách

Vết loét tiểu đường là một trong các biến chứng phổ biến và dễ quan sát thấy nhất, thường gặp ở cả bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 lâu năm. Đây cũng là một trong những nỗi lo của bệnh nhân tiểu đường vì nếu không phát hiện kịp thời, các vết loét này sẽ hoại tử và khiến bệnh nhân phải cắt cụt chi. Vậy những vết lở loét này thực chất là gì? Những ai có nguy cơ mắc phải và phải làm sao để xử lý chúng?

I. Vết loét tiểu đường là gì?

Vết loét tiểu đường là những vết thương hở thường thấy ở chân của người bệnh tiểu đường. Đây có thể là biến chứng thần kinh hoặc mạch máu ở người bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

II. Dấu hiệu nào cho thấy bạn bị vết loét tiểu đường?

Để can thiệp và ngăn chặn vết loét tiểu đường tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm hơn, bệnh nhân cần quan sát và đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu như: Tê hoặc mất cảm giác ở một hoặc cả hai chân; phù chân, da sẫm màu, chuyển sang màu đen hoặc nóng xung quanh vết thương; đỏ ngón chân hoặc bàn chân; chảy dịch từ bàn chân làm bẩn tất hoặc giày và có mùi khó chịu; đau hoặc cứng xung quanh vết thương; sốt và ớn lạnh trong khi phát triển các triệu chứng loét chân kể trên.

III. Những yếu tố nguy cơ cao nào gây vết loét tiểu đường?

Vết loét tiểu đường có tỷ lệ mắc phải hằng nằm vào khoảng 2-6% và ảnh hưởng đến 34% bệnh nhân tiểu đường trong suốt cuộc đời của họ.

Các yếu tố nguy cơ phát triển vết loét tiểu đường liên quan đến bệnh bao gồm: Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn type 1; thời gian mắc bệnh tiểu đường ít nhất là 10 năm; kiểm soát bệnh tiểu đường kém và HbA1C cao; bệnh nhân nam có nguy cơ cao hơn nữ; đã có tiền sử loét chân do tiểu đường.

Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng làm tăng nguy cơ bị lở loét do tiểu đường, chẳng hạn như: Thừa cân, béo phì; lưu thông máu kém; mang giày không vừa, đi chân trần; lão hóa; hút thuốc; uống quá nhiều rượu; Cholesterol máu cao.

IV. Điều trị vết loét tiểu đường như thế nào?

Mục tiêu chính trong điều trị các vết loét tiểu đường là chữa lành càng nhanh càng tốt. Vết thương càng nhanh lành thì khả năng nhiễm trùng càng thấp. Để thực hiện được mục tiêu này người bệnh cần:

Phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách kiểm soát đường huyết chặt chẽ và giữ cho vết thương sạch sẽ.

Giảm áp lực và kích ứng lên vùng da chân đang bị loét nhờ vào các dụng cụ hỗ trợ di chuyển như nạng hoặc xe lăn.

Xử lý vết thương bằng bông băng và thuốc bôi tại chỗ. Có thể làm sạch vết thương với nước muối nhưng không khuyến khích sử dụng betadine, peroxide - có thể gây nên những biến chứng khác. Vết thương được khuyến khích băng lại để duy trì môi trường ẩm nhằm giúp các vết loét chảy nước được cân bằng và lành lại nhanh hơn.

Phục hồi lưu lượng máu để đảm bảo đủ lưu thông máu đến chân.

Những trường hợp xấu và hoặc vết loét tiến triển nhanh chóng, cần thiết phải phẫu thuật để cắt loại vết thương hoặc cắt cụt chi khi vết thương đã hoại tử.

V. Phòng ngừa vết loét tiểu đường như thế nào?

Để phòng ngừa tốt vết loét tiểu đường, người bệnh cần: Đi khám bác sĩ và tự kiểm tra thường xuyên; kiểm tra cả hai bàn chân mỗi ngày, đặc biệt là giữa các ngón chân và lòng bàn chân; tìm vết sưng, vết cắt, vết nứt, vết phồng rộp, vết loét, mẩn đỏ hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác; nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào, hãy hẹn gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, để làm giảm nguy cơ tạo ra vết loét tiểu đường, bạn nên:

Luôn đi giày vừa vặn với chân, tốt nhất là nên đi tất mềm. Đi giày không vừa chân chiếm đến ½ các trường hợp phát triển vết loét tiểu đường trên chân

Không đi chân trần, kể cả ở nhà bạn cũng nên mang dép

Rửa sạch tay, chân hai lần mỗi ngày bằng xà phòng và lau khô cẩn thận. Nếu da khô, có thể bôi kem dưỡng ẩm nhưng lưu ý tránh để kem ứ đọng tại các kẽ ngón tay, ngón chân

Không mặc quần quá bó sát hoặc các trang phục siết chặt từ phần đùi trở lên gây cản trở lưu thông máu đến chân

Không đi dép, giày cao gót và các loại giày dép có dây kẹp giữa các ngón chân.

Cắt ngắn móng chân. Lưu ý luôn cắt thẳng hàng để tránh móng mọc ngược và tránh gây xước móng khi cắt, tạo điều kiện hình thành vết thương hở.

VI. Tại sao cần cần chăm sóc vết thương đúng cách cho người tiểu đường?

Theo như các chuyên gia Nội tiết, nếu kịp thời xử lý vết thương cho người tiểu đường, tránh tình trạng vết loét lan rộng thì sẽ giúp người bị tiểu đường hạn chế được rủi ro phải cắt đoạn chi.

Vì vậy cần nắm được các cấp độ vết thương ở người tiểu đường để chăm sóc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.

Có 4 cấp độ của những vết thương ở người tiểu đường:

Độ 0: Vết thương nông, chưa ăn sâu gây loét

Độ 1: Vết thương loét nông, chưa lan vào tổ chức dây chằng và xương

Độ 2: Vết loét đã ăn vào dây chằng và bao khớp

Độ 3: Vết loét lan vào xương khớp.

Tương ứng với mỗi cấp độ sẽ là 4 giai đoạn phát triển của vết thương:

Giai đoạn A: Vết thương sạch

Giai đoạn B: Nhiễm trùng vết thương

Giai đoạn C: Vết thương bị thiếu máu

Giai đoạn D: Vết thương vừa thiếu máu vừa nhiễm trùng.

Để nhận biết được vết thương đã bị nhiễm trùng hay chưa, bạn có thể dựa trên những dấu hiệu sau. Nếu bị ⅖ triệu chứng thì có nghĩa rằng vết thương đã bị nhiễm trùng: Đau; sưng; nóng; vòng đỏ > 0,5 cm bao quanh vết loét; chảy mủ (mủ đục, trắng có khi lẫn máu).

Cũng có trường hợp vết thương bị hoại tử khô, không bị sưng đỏ, đau, nóng hoặc chảy mủ mà sẽ thâm đen và teo dần lại. Đây cũng là những vết thương nặng và cần nhập viện ngay để điều trị.

Xem thêm: Da của người bị tiểu đường: Tại sao phải chăm sóc đặc biệt?

VII. Chăm sóc vết thương cho người tiểu đường như thế nào để tránh dẫn đến loét da?

A. Đối với các vết thương chưa bị nhiễm trùng

Những vết thương nông (tầm độ 0, độ 1), chưa có dấu hiệu nhiễm trùng thì bệnh nhân có thể theo dõi tại nhà và thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý theo chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Rửa xong cần thấm khô vết thương bằng bông gạc sạch. Chú ý:

Nếu vết thương có dị vật cần loại bỏ bằng nhíp đã được khử trùng bằng cồn y tế

Nếu vết thương chảy máu, hãy cầm máu bằng cách ép mảnh vải hoặc gạc sạch lên vết thương

Không nên dùng oxy già để rửa vết thương vì đây là chất có tính sát khuẩn rất mạnh, có thể khiến các tế bào lành xung quanh bị tổn thương

Sau khi đã rửa vết thương bằng nước muối sinh lý thì có thể dùng povidon iod để sát khuẩn nhưng phải pha loãng ra theo tỷ lệ 1/10.

Bước 2: Sát trùng bằng thuốc mỡ (ví dụ Neosporin). Chỉ cần thoa một lớp mỏng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì;

Bước 3: Băng vết thương:

Sử dụng băng cá nhân và không cần dùng thêm thuốc mỡ sát trùng với vết thương nhỏ

Vết thương lớn hơn thì phải dùng băng gạc mỡ hoặc băng hydrocolloid. Điều này sẽ giúp vết thương chóng lành, tránh biến chứng bàn chân

Có thể thay thế băng gạc thông thường bằng dung dịch xịt ngăn ngừa các vết loét như Urgo Sanyrene.

Bước 4: Vệ sinh và theo dõi vết thương:

Cần thay băng 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối hay thay khi thấy vết thương bị bẩn hoặc ướt. Mỗi lần thay băng mới hãy lặp lại 3 bước trên

Trong trường hợp vết thương có biểu hiện nhiễm trùng thì cần tới viện để điều trị ngay

Đối với các vết bỏng sẽ xuất hiện những nốt phồng rộp. Khi đó bạn không nên chọc vỡ chúng vì đây là cơ chế bảo vệ bình thường của cơ thể. Nếu chúng bị vỡ ra, bạn hãy xử lý như các bước trên.

B. Đối với vết thương sâu đã bị nhiễm trùng

Nếu bệnh nhân gặp các vết thương nặng từ 2 độ trở lên thì cần có sự can thiệp từ bác sĩ. Vết thương có thể được xử lý bằng cách loại bỏ những vùng bị hoại tử, người bệnh cần uống thêm các thuốc kháng viêm, kháng sinh và bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.

Những người có vết thương nặng cần ở lại viện để điều trị và theo dõi. Còn trường hợp nhẹ hơn thì có thể chăm sóc tại nhà và thực hiện theo hướng dẫn sau:

Tuân thủ các lưu ý mà bác sĩ đã dặn dò. Nếu xuất hiện biến chứng nặng hơn, cần lập tức tới viện ngay

Không tì đè vào vết thương, kê cao chân. Nếu vết thương là ở vùng mông, lưng, xương cụt thì bệnh nhân cần phải được xoay trở người thường xuyên

Không tự ý đắp bất kỳ loại lá nào hoặc rắc kháng sinh lên chỗ vết thương vì có thể khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn

Để giảm áp lực cho vết thương, người bệnh có thể bơm nước vào găng tay y tế sau đó buộc chặt lại và đặt dưới các vùng bị đau.

C. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường bị thương

Nhiễm trùng sẽ khiến người bệnh khó kiểm soát được lượng đường trong máu, do đó lại càng cản trở việc làm lành vết thương của cơ thể. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần có một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh hơn. Thêm vào đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về các thuốc uống cần dùng.

Có những người khi vết thương bị loét sẽ trở nên chán ăn, phải thay thế bằng thức ăn lỏng. Khi đó, bệnh nhân có thể chọn cháo gạo lứt, cháo yến mạch, rau xanh để đảm bảo đủ dinh dưỡng mà không lo tăng đường huyết.

Ngoài ra, bệnh nhân hãy ưu tiên nguồn cung cấp protein tốt từ cá, đậu,... vitamin và chất xơ từ trái cây tươi để tăng cường hệ miễn dịch và giúp vết thương mau lành.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X