Hotline 24/7
08983-08983

Da của người bị tiểu đường: Tại sao phải chăm sóc đặc biệt?

Người bị tiểu đường thường nhận được nhiều lời khuyên xoay quanh việc kiểm soát đường huyết và chế độ ăn sao cho tốt nhất. Tuy nhiên, các biến chứng của tiểu đường ở da cũng là vấn đề không kém phần quan trọng trong việc điều trị bệnh. Vậy cần chăm sóc da của người bị tiểu đường như thế nào để hạn chế các biến chứng nghiêm trọng xảy ra? Dưới đây là một số thông tin mà người bệnh cần biết về vấn đề này.

I. Vì sao cần phải chăm sóc da cho người tiểu đường?

Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng của tiểu đường ở da hiện nay chưa được xác định đầy đủ. Nó thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc đã mắc bệnh ít nhất 10 - 20 năm.

Do lượng đường huyết cao mà người bệnh tiểu đường thường mất nước nhiều hơn dẫn đến khô da, nhất là ở vùng da khuỷu tay, da chân và da bàn chân. Khi da khô và nứt nẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân nhiễm trùng da xâm nhập.

Mặt khác, nguyên nhân của biến chứng ở da của người bị tiểu đường có thể liên quan đến biến chứng mạch máu, thần kinh. Mạch máu bị tổn thương dẫn tới nuôi dưỡng da kém, thần kinh ngoại vi bị tổn thương khiến người bệnh khó phát hiện những vết xước hoặc vết thương nhỏ. Những biến chứng dù nhỏ này nếu không được chú ý da chăm sóc sẽ nghiêm trọng dần, hình thành các vết lở loét đặc biệt là ở ở chân và bàn chân, có thể phải đoạn chi.

II. Đâu là những vấn đề nghiêm trọng về da ở người bệnh tiểu đường?

Ngoài khô, ngứa, chai sạn da, dày và thâm da, nhiễm trùng, nhiễm nấm da còn có một số biến chứng nghiêm trọng khác, tiêu biểu gồm:

Hoại tử da dạng mỡ là một trong các biến chứng của tiểu đường ở da xuất hiện sớm với đặc trưng là các tổn thương nhỏ ở phần ống chân, có thể có màu vàng hoặc tím. Các thương tổn này sẽ khiến da mỏng hơn và lở loét, khi lành sẽ để lại các sẹo màu nâu.

Bệnh da do tiểu đường là một biến chứng da của người bị tiểu đường phổ biến. Tình trạng này để lại trên da những đốm tròn nhỏ màu nâu ở chi dưới, lõm xuống và teo giống như sẹo.

Xơ cứng ngón tay xảy ra khi da vùng mặt lưng của ngón tay, khớp ngón tay và bàn tay bị dày lên và xơ cứng. Điều này sẽ cản trở hoạt động của khớp, giảm độ linh hoạt của ngón tay và bàn tay.

Mụn phỏng nước hay còn gọi là bệnh rộp da do tiểu đường là tình trạng xuất hiện nhiều nốt phỏng rộp trên bàn chân và bàn tay, tương tự như mụn nước.

Bệnh gai đen do tiểu đường là những vết đốm sắc tố sẫm màu, mượt mà thường hiện ở nếp gấp cơ thể như khuỷu tay, nách, háng,… Chúng khiến da của người bệnh dày lên, khó chịu và bị tổn thương.

Biến chứng khác gồm u hạt vòng, bạch biến.

III. Chăm sóc da cho người bệnh tiểu đường như thế nào?

Với bệnh nhân tiểu đường, dù là một vết xước, một vết cắt, nứt nẻ cũng cần được chăm sóc nếu không sẽ rất dễ nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ các kiến thức về chăm sóc da cho người mắc bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số thông tin về vấn đề trên.

A. Chăm sóc da khô

Việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với bệnh nhân tiểu đường là dưỡng ẩm cho da. Dưỡng da tốt nhất ở thời điểm sau khi tắm, bơi lúc đó, da còn ẩm.

Lưu ý, người bệnh nên tắm nhanh bằng nước ấm, nhưng không để nước quá ấm sẽ khiến da khô hơn. Các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng các chất khử mùi hoặc chất tẩy rửa có mùi thơm vì có thể gây kích ứng trên da nhạy cảm.

Luôn giữ sự khô ráo cho các vùng da như: vùng nách, ngón chân, và bẹn, sạch và khô ráo, nhưng không quá khô. Có thể sử dụng khăn lau nhẹ nhàng các vùng da trên.

Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm: khi tắm xong, khi rửa tay xong, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

Khi da quá khô dẫn đến phồng rộp da, bạn nên làm theo một số cách an toàn dưới đây để không gây đau đớn.

Khử trùng vùng da bị phồng rộp, tuyệt đối không bóc làm vỡ vết phồng da, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Thoa đều kem, thuốc mỡ kháng khuẩn vào vùng da khô và dùng băng gạc bọc lại để tránh bụi bẩn nhiễm trùng. Ngày thay băng 2 lần.

Xem thêm: Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường có biến chứng nhiễm trùng da

B. Điều trị vết thương, vết loét

Đối với các vết thương, vết loét, chúng ta tiến hành chăm sóc vết thương như cách chăm sóc lớp da bị phồng rộp với 3 bước: Rửa sạch vết thương; Thoa thuốc mỡ sát trùng; Băng vết thương

Lưu ý bạn nên thay băng và theo dõi vết thương.

Nếu vết thương nhiễm trùng sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ, cần khám chuyên khoa nội tiết. Tại đây, tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng, bác sĩ có thể tiến hành cắt lọc vùng hoại tử, dùng kháng sinh, rửa vết thương mỗi ngày

C. Kiểm soát đường huyết

Không kiểm soát được lượng đường huyết, tình trạng nhiễm trùng, vết thương lâu lành hơn.

Nên kiểm soát cân nặng bằng cách: Tập thể dục 30 đến 45 phút mỗi ngày; điều chỉnh chế độ ăn uống; giảm chất tinh bột, chất béo

Hạn chế ăn mặn giúp duy trì huyết áp ổn định

Điều chỉnh thuốc uống hay tiêm insulin, tùy tình trạng từng người bệnh tại mỗi thời điểm, có hay không kết hợp nhiều bệnh kèm theo.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X